Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Câu chuyện dòng sông bên đời những thành phố

Câu chuyện dòng sông bên đời những thành phố

Viết email In

Dòng chảy phát triển của đô thị là điều bất biến, giống như nước sông luôn đổ ra biển lớn. Những thành phố ghi tên mình trên bản đồ những nơi chốn đáng sống, hầu như đều gắn với những dòng sông. Sự khai sinh ra đô thị có mặt dòng sông. Song đôi khi dòng đời đô thị biến động, dòng sông đôi khi bị lãng quên một giây phút nào đó. Nhưng chỉ đôi chút thôi, thành phố cũng sẽ quay trở lại với dòng sông, như một lẽ tất yếu của hành trình ra biển lớn. Rất nhiều những câu chuyện để kể về sự trở lại với sông của các thành phố, mà hôm nay chúng ta cùng nhau lắng nghe một đôi câu chuyện như vậy để cùng suy ngẫm.

London và sông Thames

Bắt đầu từ dòng Thames của London, trung tâm đô thị của cả thế giới những năm đầu của bùng nổ công nghiệp và đô thị hóa. Sông Thames vẫn luôn là trục xương sống cho sự phát triển suốt mấy trăm năm qua của thành phố London. Các tòa nhà mới lần lượt mọc lên, nhưng dòng sông vẫn chảy đều kết nối, dòng thuyền vẫn chạy nườm nượp và trên bờ là hàng cây tiêu huyền mướt mát vẫn vững chãi làm hàng mi xanh phủ bóng không gian công cộng ven sông. Khi vòng quay London Eyes được thêm vào đầu thế kỷ 21, đường viền trời của London càng được khẳng định được hình ảnh độc đáo riêng có bên dòng sông Thames, một sự tương tác hài hòa giữa tự nhiên của sông và cây xanh, của các công trình thương mại và các cảnh quan điểm nhấn.




Dải viền xanh lá của hàng cây tiêu huyền London, song hành cùng dòng chảy sông Thames, tôn vinh những đường nét của tòa tháp BigBen và vòng quay London Eyes

Paris và sông Seine

Sau dòng Thames của London, ta lại đến với Paris bên dòng sông Seine êm đềm lãng mạn. Trên sông các đoàn thuyền du lịch nối đuôi bên bờ, trong đất liền những công trình kiến trúc khoe sắc. Giữa sông và đô thị là không gian cây xanh công cộng cho mọi người đến hẹn hò, thư thái để kéo mình ra khỏi dòng chảy hối hả của đời sống công nghiệp và thả mình vào tiếng dòng chảy êm dịu.

Dù Paris rất phát triển, Seine rất đẹp và nên thơ, thế nhưng người Pháp vẫn còn muốn làm cho nó đẹp hơn và tốt hơn nữa. Nhân cơ hội chuẩn bị cho Thế Vận hội năm 2024, Paris có những dự án tham vọng để tái khám phá sông Seine (Reinventer la Seine). Họ thiết lập ưu tiên hơn nữa cho người đi bộ, không gian văn hóa cộng đồng và mảng xanh sinh thái duy trì sự trong lành, nên thơ, lãng mạn của nó. Họ lập ra những trung tâm nghệ thuật trôi nổi Fluctuart, hồ bơi trên sông, cải tạo lại cả không gian cảnh quan xung quanh tháp Eiffel để trở nên hấp dẫn hơn, làm mới bản thân để duy trì sức cạnh tranh thương hiệu đô thị toàn cầu.

Chicago và dự án Chicago Riverwalk

Năm 2017, thành phố Chicago khánh thành dự án Chicago Riverwalk, tái thiết lại khu vực bờ sông trung tâm thành phố, nơi từng là không gian bị lãng quên, để có được 1,5 dặm đường đi bộ và không gian cho những sinh hoạt cộng đồng đô thị. Kiến trúc của những công trình cao tầng trường phái Chicago hai bên bờ sông, được tôn vinh, kết nối qua thiết kế của Sasaki Associates (đơn vị quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm) và Ross Barney Architects.

Không gian xanh đan cài đa dạng loại hình bậc ngồi để vừa ăn ở nhà hàng, uống cà phê, vừa ngắm nhà, ngắm sông, ngắm thuyền kayak, ngắm phà Chicago Watertaxi, tạo bối cảnh hoàn hảo cho sự tụ hội người dân và du khách. Bên cạnh việc là một không gian công cộng bờ sông tuyệt đẹp, Chicago Riverwalk còn là một đồ án thiết kế có tính đến sự nhạy cảm về sinh thái, cải thiện chất lượng nước, tăng thêm trải nghiệm của du khách và đóng vai trò là nguồn tạo doanh thu cho thành phố. Với một dải diện tích rất hẹp khoảng 7,5m ven bờ sông, cộng với sự biến thiên mực nước lên tới 2m hàng năm, các nhà thiết kế dự án đã sáng tạo mỗi đoạn của bờ sông có nét độc đáo riêng, vừa thân thiện với mặt nước cũng như sinh vật bên dưới mặt nước, vừa tôn trọng, kết nối với không gian đô thị cùng những cầu kết nối và kiến trúc lịch sử bên trên. Bè thủy sinh, các loại cây thực vật bản địa, các loại cây bóng mát tạo sự kết nối con người với thiên nhiên, làm mềm mại đi những không gian kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật. Kết nối giữa con người và dòng sông được cụ thể hóa bằng những bến thuyến kayak, bến buýt thủy, taxi thủy, những bậc ngồi, lối đi ở nhiều tầng cốt cao độ cho phép tiếp cận gần với mặt nước không có rào cản cả về mặt xúc giác lẫn thị giác. Việc đầu tư công cho dự án này được hoàn lại bởi các hoạt động kinh doanh khai thác không gian bờ sông trong phạm vi dự án này, vốn cũng rất khả thi với sự sống động, hấp dẫn và thu hút của khu vực này trong thực tế.

New York và bờ sông Hudson

Ở một nơi tấc đất tấc vàng như New York, không gian công cộng thực sự vô cùng quý giá. Với chính sách phát triển dự án tái thiết, kết hợp giữa tổ hợp kiến trúc cao tầng với không gian công cộng, các khu vực bờ sông như trường hợp dự án Hudson đã đạt được thắng lợi kép. Mỗi cầu cảng cũ đều được thiết kế riêng bởi một đơn vị thiết kế cảnh quan danh tiếng, tái thiết lại để trở thành mảng xanh, không gian công cộng cho khu vực. Thiết kế điểm nhấn cảnh quan với dự án The Vessel của Thomas Heatherwick hay The Shed của DS+L đã đem đến tính nhận diện rất riêng, tạo sức hấp dẫn khó cưỡng cho sự phát triển và khai thác các dự án công trình cao tầng thương mại, dịch vụ lân cận.

Seoul và sông Hàn

Lang thang trời Âu, xứ Mỹ, ta trở về với Đông Á cùng câu chuyện “kỳ tích sông Hàn”. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế, công nghiệp của Hàn Quốc cũng song hành cùng câu chuyện đổi thay diện mạo khu vực bờ sông Hàn. Một dải sông rộng hình thành hẳn một chuỗi đại công viên ven sông, vừa là không gian công cộng, vừa là mảng xanh sinh thái, bảo tồn chất lượng môi trường nước sông. Chưa nói đến quy mô, chỉ với một tác phẩm nghệ thuật cảnh quan The Rootbench đã tạo ra sức hấp dẫn và giá trị nhận diện mới của đại đô thị Seoul thế kỷ 21. Và họ cũng vẫn chưa dừng lại, những công trình mới, tạo ra tiện ích mới, gia tăng tính cạnh tranh của thương hiệu đô thị Seoul trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Từ các đô thị bên dòng sông trên thế giới, chúng ta nhận ra được 4 quy luật như sau:

1. Không gian bờ sông đô thị là không gian công cộng

Nhu cầu gắn kết với môi trường tự nhiên là nhu cầu thiết yếu của con người, và mặt nước là yếu tố tự nhiên vô cùng bản chất với con người. Không đâu trong đô thị tạo ra cơ hội tiếp xúc với mặt nước như không gian bờ sông, do đó đây là nơi tất yếu tập trung con người.

Đô thị đã trải qua thời kỳ lịch sử sử dụng các không gian bờ sông làm cảng công nghiệp. Việc tái thiết các không gian bờ sông đô thị trong lịch sử này vừa giúp bảo tồn những quỹ đất rộng lớn có giá trị về sinh thái và cảnh quan đô thị, vừa có tiềm năng tạo dựng sự nhận diện bản sắc của đô thị. Điều quan trọng là các không gian ven sông này phát triển thành các trung tâm cộng đồng sôi động, thu hút mọi người đến và từ đó hình thành nhiều dịch vụ tiện ích mang giá trị gia tăng. Do đó, trọng tâm của việc phát triển các không gian bờ sông là tạo ra môi trường công cộng thú vị và thoải mái hơn nhằm khuyến khích mọi người ở lại lâu hơn trong khu vực ven sông, tạo ra nhu cầu lớn hơn cho việc kinh doanh, giải trí và dịch vụ.

Các dự án phát triển ven sông luôn diễn ra trên khắp thế giới - chỉ cần nhìn vào bờ phía nam của London, bờ phía nam của Melbourne, bờ sông phía tây của Bordeaux. Đây chỉ là một vài ví dụ về nơi các khu vực công nghiệp của thành phố, đã được tái phát triển để tạo ra các khu vực trung tâm hấp dẫn mới của thành phố- cung cấp các lựa chọn việc làm, chỗ ở và giải trí mới cho người dân thành phố.

2. Không gian bờ sông đô thị cần có cây xanh

Trong mạng lưới hệ thống không gian xanh đô thị, các công viên ven sông đô thị dạng tuyến và dải có chức năng kết nối mạng. Các quần xã thực vật tự nhiên ở bờ sông gồm nhiều loài và cấu trúc phức tạp, nằm ở ranh giới của hai hệ sinh thái nước và đất, về mặt sinh thái được gọi là ecotone. Dòng chảy trao đổi vật chất và năng lượng của chúng diễn ra rất thường xuyên, với tính đa dạng sinh học và năng suất môi trường khá cao.

Thảm thực vật ven sông bao gồm các hệ thống cây tạo bóng mát cung cấp tiện nghi cho các hoạt động trong công viên. Ngoài việc đóng góp vào chất lượng không khí và giúp giảm nhiệt độ vào mùa hè, thảm thực vật ven sông có sức mạnh thu hút mọi người tìm đến các hoạt động ngoài trời để giải tỏa những áp lực về tinh thần và thể chất. Trong các thành phố có mật độ xây dựng trở nên dày đặc hơn, việc tiếp cận các không gian xanh ven bờ sông sẽ là sự cộng hưởng lực hấp dẫn xanh dương xanh lá (blue+green). Có thể thấy ở những công viên dọc sông là mật độ phủ bóng của những chuỗi màu xanh chạy dọc theo chuỗi bờ sông, tạo nên sự song hành và hài hòa của hai màu xanh. Kết hợp cùng các tầng cây bóng mát là các thảm thực vật phân tầng và chuyển tiếp dần xuống mặt nước tạo nên sự giao hòa theo quy luật sinh trưởng của hệ thực vật. Hệ thống cây cao, thảm thực vật là chiến lược để thoát nước đô thị và duy trì đa dạng sinh học. Hầu như tất cả dự án tái thiết, tái tạo bờ sông đô thị hiện nay để tuân theo chiến lược tích hợp mặt nước và mảng xanh như một lẽ tất yếu, đặc biệt là đối với thời tiết khí hậu miền nhiệt đới như ở Việt Nam. Hình ảnh những hàng cây soi bóng với mặt nước, hình ảnh của lớp lớp hàng cây xanh mát nhìn từ mặt sông hòa vào phông nền đô thị là một biểu tượng cho môi trường sinh thái hòa nhập giữa không gian đô thị và không gian xanh. 


Khoảng không gian trống của mặt nước bờ sông luôn là cơ hội cho những công trình kiến trúc phô bày vẻ đẹp của nó, tạo ra bóng dáng độc đáo cho từng đô thị (ảnh trên là bờ sông trung tâm thành phố - Chicago Riverwalk)

3. Không gian bờ sông đô thị cần có bến tàu và đầy đủ tiện ích

Hầu hết các đô thị hình thành và phát triển dựa trên năng lượng vận chuyển từ dòng sông. Việc vận chuyển hàng hóa trước đây và di chuyển hành khách giữa hai bên bờ vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa đô thị, từ lịch sử đến hiện đại. Trong bối cảnh phát triển ngành công nghiệp không khói từ việc tham quan du lịch, các tuyến đường thủy đã và đang duy trì sức sống của nó. Vì vậy, có bờ sông thì tất yếu phải có bến tàu. Không gian bến tàu là điểm đến, là trạm dừng, là không gian công cộng.

Ngoài bến tàu, nhu cầu tiện ích công cộng cũng là một sự thật khách quan của người dân đô thị trong không gian khu vực bờ sông. Các loại hình hoạt động trong không gian công cộng cần đa dạng từ thư giãn, nghỉ ngơi đến trò chuyện thảo luận, giao tiếp gặp gỡ, các hoạt động vui chơi giải trí, và đáp ứng những nhu cầu tiện ích (vệ sinh, ghế ngồi, ánh sáng, nước uống, thức ăn). Không gian công cộng phải là nơi mang lại tiện nghi cho số đông mọi người, đối tượng từ trẻ em, thanh thiếu niên, công viên chức, người già. Quy mô của các không gian dành cho từ cá nhân, đến cặp đôi, nhóm nhỏ từ 3 đến 5 người, đến nhóm lớn khoảng vài chục người. Để đáp ứng nhu cầu đó, các bản thiết kế tốt về mặt công năng, hài hòa về hình thức là vô cùng cần thiết cho phát triển không gian bờ sông đô thị. 


Không gian công công dọc sông Seine dành cho cư dân và khách du lịch có chỗ dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh, chuyện trò... Các chuyến tàu đưa du khách tham quan cảnh quan hai bên dòng sông Seine, Paris, Pháp.

4. Không gian bờ sông mang nét độc đáo của đô thị

Khoảng không gian trống của mặt nước bờ sông luôn là cơ hội cho những công trình kiến trúc phô bày vẻ đẹp của nó, tạo ra bóng dáng độc đáo cho từng đô thị. Việc kết nối đôi bờ sông bằng các công trình kiến trúc cầu cũng là một cơ hội khác khi phát triển xung quanh mặt nước. Như chúng ta thấy, tất cả các bờ sông đô thị nổi tiếng trên thế giới đều có sự hiện diện đặc sắc, độc đáo của yếu tố cầu kết nối. Chuỗi cầu kết nối qua sông Thames, sông Seine, sông Danube, sông Hudson, sông Chicago… ở các nước Âu Mỹ cũng như các trường hợp như cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý ở Đà Nẵng cũng là những ví dụ minh chứng rõ nét cho tiềm năng phát triển không gian cảnh quan ven bờ sông đô thị.


Các loại hình hoạt động trong không gian công cộng cần đa dạng từ thư giãn, nghỉ ngơi đến trò chuyện thảo luận, giao tiếp gặp gỡ, các hoạt động vui chơi giải trí, và đáp ứng những nhu cầu tiện ích (ảnh trên là bờ sông Hudson, New York)

Lời kết

Trở về dòng sông, nghe rất nên thơ và lãng mạn như một cái kết có hậu của bộ phim hay. Sự trở về là tất yếu rồi, nhưng mà cách trở về mới là điều ta suy ngẫm. Trở về dòng sông để thành phố là chính mình chứ không phải là một bản sao đâu đó phương xa. Bờ sông của ta là nơi chốn của tất cả mọi người. Bờ sông của ta có bến để đi về. Bờ sông của ta là một đường viền xanh mát, thân thiện. Bờ sông của ta sẽ là hình ảnh đại diện cho đời sống đô thị văn minh, hiện đại và nghĩa tình hôm nay.

ThS.KTS Khổng Minh Trang
 
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 192)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo