Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự - 2

Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự - 2

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự
Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự (2/5)
Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự (3/5)
Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự (4/5)
Mỹ học đô thị Tokyo - Hỗn loạn và trật tự (5/5)
Tất cả các trang

Hai kiểu mẫu của sự hình thành đô thị


Tôi tin rằng kiến trúc và đô thị có thể được hình thành theo hai cách khác nhau: cách thứ nhất thực hiện theo kiểu mà tôi gọi là “tiếp cận từng phần” và khởi đầu từ từng bộ phận, còn cách thứ hai thực hiện theo kiểu “tiếp cận toàn thể” và khởi đầu từ một khái niệm tổng quan. Với cách tiếp cận đầu tiên, một đô thị được hình thành dần dần, mỗi lần một hoặc hai ngôi nhà; không ai có được một hình dung cụ thể trước đó xem đô thị cuối cùng sẽ như thế nào. Tuy nhiên, với cách tiếp cận sau, ta có thể ngay từ đầu đã xây dựng được một quan niệm rõ ràng một đô thị với dân số và quy hoạch xác định. Từng công trình riêng biệt sẽ được xây dựng nối tiếp trên cơ sở của quy hoạch đó.

Tôi đã từng tranh luận ở đâu đó về hai cách để thiết lập trật tự kiến trúc và không gian đô thị: bằng cách cộng thêm vào và bằng cách loại bớt đi. Trong điêu khắc, một số tác phẩm được tạo ra bằng cách đắp thêm vật liệu vào những chỗ còn trống rồi nối kết chúng lại để biến thành một tác phẩm nghệ thuật, trong khi một số tác phẩm khác lại được tạo hình bằng cách bào tiện hoặc đục chạm bớt những phần không cần thiết từ khối đá hay gỗ thô. Cùng cách đó, kiến trúc hoặc không gian đô thị cũng được sinh ra theo cách cộng thêm, khởi đầu là hình thành một luật lệ nội tại có giá trị bên trong ranh giới không gian đó; hoặc hình thành theo cách loại bớt đi, khởi đầu là xác định rõ ràng ranh giới ngoại vi của không gian đó và rồi tiến hành các công tác bên trong. Cách đầu tiên phù hợp với lối tiếp cận từng phần, còn cách sau phù hợp với lối tiếp cận toàn thể.

Chúng ta hãy cùng xem xét sự tương phản này qua việc so sánh cách tiếp cận của người Nhật với hình thức của kiến trúc, được hình thành bởi khí hậu và điều kiện tự nhiên Nhật Bản, với cách tiếp cận tại Ai Cập và Hy Lạp, những nơi được xem là cái nôi của lịch sử kiến trúc thế giới.

Trong những vùng mà mùa hè có khí hậu nóng khô, ít cây cao hoặc bụi rậm che khuất tầm nhìn, ánh nắng xoi xuống khiến các vật thể có bóng đổ sắc nét. Về mặt lịch sử, chúng ta có thể tìm thấy tại những vùng này rất nhiều công trình đặc trưng bởi sự đăng đối qua trục và tập trung chú trọng mặt tiền, tiêu biểu cho lối tiếp cận toàn thể. Ngược lại, tại những vùng có mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, thực vật sum suê với nhiều cây cao và hình dáng cùng bóng đổ của các vật thể có khuynh hướng bị nhòa đi. Các công trình ở đây đặc trưng bởi việc tránh đối xứng và phô bày toàn mặt đứng, và được tạo thành qua lối tiếp cận từng phần.

Các thành phố và kiến trúc hình thành qua lối tiếp cận toàn thể

Các kim tự tháp được xây dựng giữa sa mạc Ai Cập hơn 4.500 năm về trước là ví dụ tiêu biểu nhất của một không gian được hình thành từ toàn thể.

Sự xem xét cẩn trọng cách một vật thể xuất hiện từ đằng xa là một tiêu chuẩn xác định của lối tiếp cận toàn thể. Trong trường hợp này, việc tính toán toàn thể là hiển nhiên với các cạnh của kim tự tháp, tạo thành một tam giác cân trên mặt cắt, nghiêng đi chính xác 510 50’ 35”, sao cho người xem luôn thấy trước mắt mình là một hình tam giác đều. Nó cũng thể hiện trong kỹ năng mà theo đó 146m chiều cao của kim tự tháp được chia thành 210 bậc, bằng những khối đá lớn chồng từng lớp lên nhau để tạo ra được góc nghiêng đó. Kiến thức về thiên văn học vào thời kỳ này tiến bộ tới mức cho phép định vị chính xác bốn hướng địa dư đông, tây, nam, bắc.

Một ví dụ khác là đền thờ Parthenon, sừng sững trên Acropolis của Hy Lạp từ suốt hơn 2.000 năm qua. Hy lạp có khí hậu mùa hè rất nóng và khô, và mặt trời vùng biển Aegean xoi chiếu xuống mặt đất, cắt xẻ mọi vật thể thành hai phe riêng biệt bóng tối và ánh sáng.


Đền thờ Parthenon, Athens.

Bắt đầu từ trên tầng nền của Acropolis, ta leo lên theo cái lối mòn bằng đá đã bị hơn hai thiên niên kỷ bào mòn. Đột nhiên ngôi đền hiện ra ngay trước mắt. Cái công trình nổi tiếng này, khi tiếp cận từ phía đầu hồi, có hình dáng hòan tòan đối xứng theo trục. Mặt đứng có 8 hàng cột Doric, vẻ đẹp tột cùng của sự cân xứng hài hòa này không thể đạt được mà không tính đến việc thiết kế dựa trên nguyên tắc tiếp cận toàn thể.

Tuy nhiên, khi ta từ từ tiến tới trước các kim tự tháp ở Cairo hay đền Parthenon tại Acropolis và quan sát cận cảnh bề mặt kết cấu, hình ảnh toàn thể, vốn rất ấn tượng nếu nhìn từ xa, trở nên kém rõ ràng và ta sẽ phải đối diện với cảnh mặt ngoài phủ đầy những khối đá xù xì kém hấp dẫn.

Lối tiếp cận toàn thể đòi hỏi sự phối hợp của các thành phần khi người quan sát đứng từ khoảng xa, còn góc nhìn cận cảnh thì có thể không cần phải đẹp mắt hay trau chuốt. Cũng cần lưu ý rằng các công trình và thành phố đã nổi tiếng toàn thế giới và để lại ảnh hưởng lên lịch sử hầu hết đều là ví dụ của lối tiếp cận toàn thể, và chúng biểu lộ bốn đặc tính thông thường: đối xứng qua trục, tập trung chú trọng mặt tiền, tính biểu tượng và tính hoành tráng.

Lối tiếp cận từng phần của Nhật Bản

Nếu chúng ta xem xét lại kiến trúc gỗ cổ truyền Nhật Bản, chúng ta nhận thấy rằng trước tiên, những công trình này có kích thước nhỏ hơn so với kiến trúc Ai Cập hay Hy Lạp. Hơn nữa, chúng được bao quanh bằng rừng cây xanh và không bật trội lên trên phong cảnh thiên nhiên. Không chỉ có thế, chúng có mặt bằng bất đối xứng, và hiếm khi có thể cùng lúc quan sát một cách toàn thể. Chúng không được thiết kế từ đầu để được chiêm ngưỡng toàn thể, do đó không có gì cản trở việc thêm thành phần vào quần thể, từng chút từng chút một, khi người ta thấy thế là cần thiết.

Đứng phía trước lối vào của Biệt Cung Katsura, công trình được xem là tác phẩm xuất sắc nhất của của phong cách kiến trúc sukiya của Nhật Bản, ta sẽ thấy phía bên trái có một chiếc cổng nhỏ dẫn vào khu vườn. Kiến trúc này dường như được thiết kế hoàn toàn có chủ ý, nhằm tránh tập trung vào mặt tiền, và thực ra, từ nơi quan sát, không thể thấy rõ hình dáng toàn thể của công trình. Sự sắp xếp như ngày nay được xem là kết quả của việc xây dựng chia thành từng giai đoạn của Shoin Cổ kỳ, Shoin Trung kỳ và Tân Cung, và không có cách nào để phán xét rằng vào giai đoạn nào thì công trình có bố cục quần thể đẹp nhất.


Biệt cung Katsura, Kyoto.

Tới thăm Biệt Cung Katsura và chiêm ngưỡng các chi tiết của nó, ta sẽ nhận thấy rằng tay nắm của các tấm cửa kéo fusuma và phần trang trí kim loại bản thân chúng là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt diệu, và rằng hướng của các vân gỗ, các món đồ gỗ và lối hoàn thiện sản phẩm đã được tính toán và thực hiện với độ cẩn trọng chăm chút vô cùng tinh vi. Cung điện này tiêu biểu cho một lối tiếp cận hoàn toàn đối lập với với các hình mẫu kim tự tháp hay đền Parthenon. Nó được bao quanh bởi cây cối và khó có thể chiêm ngưỡng tất cả cùng một lúc, nhưng khi quan sát cận cảnh, những chi tiết của nó thật sự hoàn hảo và tuyệt đẹp. Không thể nói dứt khoát rằng Biệt Cung Katsura hình thành từ lối tiếp cận từng phần tới bố cục tổng thể kiến trúc, nhưng rõ ràng một kiểu kết hợp bố cục đã hình thành thông qua việc hoàn thiện và trau chuốt từng thành phần riêng biệt.



 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo