Trung Quốc và một số quốc gia trên thế giới đang tiến hành thí nghiệm "Thành phố 15 phút" - gói gọn mọi dịch vụ cần thiết của người dân trong không gian nhỏ, giảm thời gian đi lại.
Cư dân thành phố lớn hiếm khi tận hưởng việc đi làm của họ và Trung Quốc không nằm ngoại lệ. Với nhiều người, chuyến đi khứ hồi của họ có thể mất tới 4 tiếng và chuyển tới 10 chuyến tàu điện ngầm.
Hàng triệu người ở Trung Quốc mất hơn 60 phút để di chuyển vào giờ tan tầm. (Ảnh minh họa: d3sign/VCG)
Những phàn nàn về giao thông đã trở thành vấn đề thường xuyên được nhắc đến trên mạng xã hội Trung Quốc. Đỉnh điểm là vào tháng 2, bài đăng của một người lao động trẻ tuổi ở Thượng Hải về trải nghiệm đi lại cá nhân đã trở thành xu hướng trên nền tảng Weibo, Sixth Tone đưa tin.
Một số web phát trực tuyến cũng đầy những vlog nói về thực trạng giao thông. Một cô gái ở thành phố Thiên Tân cho biết suốt 7 năm qua, cô phải dậy từ 5h sáng mỗi ngày để bắt chuyến tàu cao tốc đến công ty ở Tế Nam, cách nhà 260 km.
Đó không phải những trường hợp cá biệt. Theo Học viện Quy hoạch và Thiết kế Đô thị Trung Quốc, năm 2021, hơn 14 triệu người ở 44 thành phố lớn của xứ tỷ dân mất ít nhất 60 phút để di chuyển mỗi buổi chiều. Trong số đó, tại Bắc Kinh, có tới 30% cư dân tham gia giao thông vào giờ tan tầm.
Việc di chuyển đường dài ở xứ tỷ dân đã trở nên phổ biến đến mức được đặt tên riêng là “đi lại cùng cực”. Thuật ngữ này mô tả quãng thời gian tham gia giao thông dài hơn 60-90 phút ở mỗi chiều di chuyển.
Theo nhà nghiên cứu Liu Daizong, Giám đốc Chương trình Thành phố Bền vững Trung Quốc tại Viện Tài nguyên Thế giới, trong giai đoạn dịch bệnh, sự gia tăng của hình thức làm việc từ xa khiến tình trạng giao thông “dễ thở” hơn một chút, không chỉ ở Trung Quốc mà nhiều thành phố khác trên thế giới.
Từ đó, các nhà chức trách ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc làm ngắn khoảng cách giữa nhà và công ty cho người dân.
Một số người phải tốn 4 tiếng/ngày chỉ để tham gia giao thông từ nhà đến nơi làm việc. (Ảnh minh họa: Reuters)
Ví dụ, tháng 10/2022, Thượng Hải công bố một chiến dịch mới nhằm giảm tỷ lệ người dân phải di chuyển quá nhiều, hứa hẹn sẽ xây dựng một mạng lưới giao thông rộng khắp và thuận tiện hơn, đồng thời duy trì thời gian đi lại trung bình đến các khu vực trung tâm thành phố trong vòng 45 phút.
Không dừng ở 45 phút, tham vọng dài hạn của Thượng Hải là xây dựng một mạng lưới “vòng đời cộng đồng 15 phút”, hay "thành phố 15 phút". Các thí nghiệm tương tự đang được tiến hành ở những nơi khác, bao gồm cả Oxford (Anh) và Paris (Pháp).
Theo trực giác, nhà nghiên cứu cho biết thật dễ để đổ lỗi cho việc mọi người đi lại quá nhiều trong đô thị dẫn đến cảnh ùn tắc, đông đúc. Nhưng cả hai vế này không nhất thiết phải liên quan đến nhau.
Vài thập kỷ trước, thời điểm Trung Quốc xây dựng nền kinh tế kế hoạch tập trung, một chiếc xe đạp cũng đủ để đáp ứng hầu hết nhu cầu cơ bản vì ít người có nhu cầu đi xa.
Nhưng khi quốc gia này chuyển sang nền kinh tế thị trường, những làn sóng di cư từ vùng nông thôn lên thành thị đã kéo theo sự gia tăng trong nhu cầu nhà ở và đi lại. Một lượng lớn người dân phải di chuyển hàng ngày giữa hai địa điểm: nơi cư trú và nơi làm việc của họ.
Người đi làm tại ga tàu điện ngầm ở Thượng Hải vào ngày 1/6/2022. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg)
Ngoài các khu dân cư, sự xuất hiện của các trung tâm thương mại, tổ hợp dịch vụ hay phố mua sắm nằm rải rác trong đô thị đòi hỏi người dân phải dành nhiều thời gian di chuyển trên đường để làm việc, tiêu dùng và vui chơi.
Đó là lý do các thành phố có tỷ lệ ngành dịch vụ cao, như Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến, bắt đầu thực hiện xây dựng “vòng đời cộng đồng 15 phút”.
Nội dung ý tưởng này là kết hợp các chức năng đô thị trong không gian nhỏ hơn, từ đó giảm nhu cầu đi lại của mọi người. Nói cách khác, trong phạm vi mất 15 phút di chuyển, người dân có thể được đáp ứng mọi nhu cầu, từ ăn uống, mua sắm đến thăm khám tại bệnh viện.
Những lợi ích của mô hình “đô thị 15 phút” là vô vàn, bao gồm giảm chi phí đi lại, tăng năng suất và cho phép mọi người dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tận hưởng cuộc sống.
Rút ngắn thời gian đi lại cũng có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường. Một số thành phố như Barcelona (Tây Ban Nha) đã đưa những kế hoạch tương tự vào sáng kiến về biến đổi khí hậu của họ.
“Trong bất cứ trường hợp nào, lý tưởng về “thành phố 15 phút” đại diện cho một thử nghiệm ý nghĩa trong việc giải quyết nhu cầu đi lại quá lớn ở những thành phố lớn”, nhà nghiên cứu Liu nhận định.
Ánh Dương
(Zing.vn)
- "Thành phố bọt biển" mang lợi ích bất ngờ cho Trung Quốc
- "Vũ khí bí mật" giúp Singapore ngược chiều thế giới trong sóng nhiệt
- Những nhà vệ sinh công cộng đẹp nhất thế giới
- Cách các nước "dẹp loạn" vỉa hè để đòi lại không gian chung thế nào?
- Các thành phố lớn trên thế giới tìm cách “sống chung” với lũ lụt
- Startup được đầu tư 100 triệu đô la để phục hồi rừng Amazon và bán tín chỉ carbon
- Cuộc khủng hoảng nhà ở nan giải nhất thế giới
- Singapore phát triển bền vững đô thị bên mặt nước
- Bóng mờ của khách sạn từng lớn nhất thế giới
- Trung Quốc nguy cơ lặp lại kỷ nguyên bong bóng bất động sản đổ vỡ của Nhật Bản