Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Du lịch văn hóa – di sản và bài học từ Singapore

Du lịch văn hóa – di sản và bài học từ Singapore

Viết email In

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của một đảo quốc bé nhỏ sống chủ yếu nhờ du khách nước ngoài. Nhưng cái khó ló cái khôn, Singapore đã tìm cách khai thác du lịch tại chỗ với những giải pháp sáng tạo giúp người dân khám phá, trải nghiệm và trân trọng những gì mình đang có. Và rồi, khi các yêu cầu giãn cách hạn chế đi lại được nới lỏng tiến tới tháo bỏ hoàn toàn và đại dịch chấm dứt, những ngóc ngách độc đáo của đảo Sư tử lại được du khách nước ngoài biết đến nhiều hơn trước.

Giờ đây, người Singapore chủ yếu du lịch nước khác nhưng những khái niệm và định nghĩa được sử dụng trong thời Covid-19 vẫn còn phù hợp cho các doanh nghiệp trong ngành khai thác. Chẳng hạn như bảng phân loại du khách dưới đây rất đáng tham khảo cho doanh nghiệp nào muốn xây dựng bài bản những chương trình hay sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước:


Sơ đồ 1: Bảy loại du khách nội địa thời Covid-19. (Nguồn: POSB)

Sơ đồ 1 là bảng phân loại được người viết bài tổng hợp từ một bài viết trên trang web của một ngân hàng nội địa Singapore nhằm phục vụ cho việc quảng bá dịch vụ hay ứng dụng thanh toán trong thời gian đại dịch đã bắt đầu bùng phát hơn tám tháng. Bảy loại du khách này cũng là hình ảnh của tôi trong đại dịch với nhiều hoạt động và trải nghiệm lần đầu tiên trong đời sau hơn một phần tư thế kỷ học tập, làm việc và sinh sống trên đảo Sư tử. Nhưng còn có một loại hình du lịch tại chỗ khác nữa mà tôi rất thích thú đó là tận hưởng những giá trị văn hóa và di sản ngay tại nơi mình sinh sống – từ những cụm dân cư hình thành từ khi Singapore vừa trở thành quốc gia độc lập từ tay người Anh cho đến những khu đô thị mới tiếp tục được cải tạo và phát triển cho các thế hệ kế tiếp. Hóa ra, cái đảo quốc bé nhỏ mà tôi đến lập nghiệp từ hơn nửa thế kỷ nay còn nhiều điều thú vị mà tôi chưa khám phá hay cảm nhận hết.

Khu dân cư Queenstown mà tôi sinh sống từ hơn mười năm nay không chỉ đơn thuần có những khu ăn uống bình dân (hawker) hay mua sắm giá rẻ mà còn sở hữu những cái nhất như đô thị vệ tinh và thư viện công cộng đầu tiên ở Singapore. Được đặt theo tên của Nữ hoàng Elizabeth II, Queenstown trước đây là một thung lũng đầm lầy mà người Phúc Kiến, Triều Châu và Khách Gia từ Trung Quốc sang gọi là quê hương thứ hai trước khi quân đội Anh dựng trại. Du khách đi từ trung tâm tài chính Raffles Place đi bằng tàu điện đến đây chỉ mất không quá 15 phút và có thể biết được thông tin cụ thể về những điểm tham quan ngay tại ga…


Queenstown (Nguồn: The Straits Times)

Tầm quan trọng và lợi ích của du lịch văn hóa và di sản

Theo các nhà nghiên cứu, du lịch văn hóa và di sản đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nói chung và cả ngành du lịch nói riêng và thậm chí có được những lợi ích xa hơn. Nhiều khảo sát gần đây cho thấy hơn 50% số người được hỏi đồng ý rằng lịch sử và văn hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc lựa chọn điểm đến cho kỳ nghỉ của họ. Các số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng du lịch văn hóa và di sản tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các quốc gia phát triển (OECD) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Theo ước tính của các chuyên gia, giá trị toàn cầu trực tiếp của du lịch văn hóa và di sản đạt hơn một tỉ đô la trong đó APEC khoảng 327 triệu. Những lợi ích gián tiếp của du lịch văn hóa và di sản cũng không dưới cho là lên tới 1 tỉ đô la và tạo ra hơn 75 triệu việc làm trên toàn cầu.

Nhìn chung, khách du lịch văn hóa và di sản thường lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn so với các loại du khách khác. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khách du lịch văn hóa và di sản chi tiêu nhiều hơn 38% mỗi ngày và ở lại tổng thể lâu hơn 22% so với du khách khác. Tại Mỹ, những dữ liệu về du lịch văn hóa và di sản cho thấy mức độ quay lại của nhóm du khách này cao hơn so với khách du lịch truyền thống. Họ thường đến thăm các điểm tham quan di sản văn hóa như các tòa nhà lịch sử và các điểm tham quan lịch sử khác như khảo cổ, công viên tiểu bang/địa phương/quốc gia, phòng trưng bày nghệ thuật hoặc bảo tàng, hòa nhạc, kịch/nhạc kịch, di sản dân tộc/sinh thái… Khi được hỏi, những du khách này cho biết những chuyến đi này đáng nhớ hơn những chuyến đi nghỉ thông thường vì chúng cho phép họ học được điều gì đó mới mẻ.


Sơ đồ 2: Vòng tuần hoàn của du lịch văn hoá và di sản

Khách du lịch văn hóa và di sản cho biết họ thường kéo dài thời gian lưu trú vì một hoạt động di sản. Phần lớn những du khách này nghỉ qua đêm tại các nhà nghỉ, khách sạn, nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng hoặc khu cắm trại ở địa phương. Khách du lịch văn hóa và di sản cũng có xu hướng đầu tư nhiều tiền hơn vào nền kinh tế địa phương, chi tiêu nhiều hơn so với các loại khách du lịch khác. Nhưng những lợi ích kinh tế này không phải là lý do duy nhất tại sao du lịch di sản có thể tốt cho cộng đồng. Lợi ích của du lịch văn hóa và di sản được khuếch đại thông qua nền kinh tế, vì vậy tác động của chúng rộng hơn nhiều so với mức chi tiêu trực tiếp. Theo Tiến sĩ Simon Thurley, người đứng đầu Viện Di sản Anh, du lịch di sản có những lợi ích vượt ra ngoài lợi ích kinh tế đơn thuần (sơ đồ 2). Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu thường phân loại lợi ích của du lịch và di sản thành ba nhóm theo thứ tự ưu tiên là kinh tế, xã hội và môi trường (sơ đồ 3).


Sơ đồ 3: Ba lợi ích của du lịch văn hóa và di sản (Nguồn: www.mytravelresearch.com) 

Vai trò cộng đồng và nhận thức về di sản văn hóa

Những trải nghiệm cá nhân và chút ít kiến thức như trên đã giúp tôi hiểu thêm về một mô hình xây dựng nền tảng du lịch văn hóa và di sản thông qua một tổ chức phi lợi nhuận mang tên My Community được thành lập vào năm 2010 với các hoạt động thúc đẩy và truyền bá di sản cộng đồng ở Singapore. Mặc dù hầu hết các thành viên đều thiện nguyện nhưng hoạt động của My Community thì không khác gì một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch văn hóa và di sản. Về ngân sách hoạt động, My Community chủ yếu được tài trợ bởi các khoản đóng góp, trợ cấp của chính phủ và bán vé từ một số chuyến tham quan có hướng dẫn. Điều đáng nói là My Community được hưởng quy chế “Tổ chức có tính chất công cộng” (Institution of Public Character) của Chính phủ Singapore nên các khoản đóng góp từ người dân/doanh nghiệp sẽ được khấu trừ 2,5 lần so với thu nhập chịu thuế.

Không rõ My Community đã mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chuyên nghiệp chưa nhưng từ lúc đại dịch kết thúc cho đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy một vài đoàn khách nhóm nhỏ da trắng đi theo hướng dẫn viên mặc đồng phục của My Community – trong đó có một vài người là hàng xóm của tôi. Tuy nhiên, về mặt hiệu quả, theo quan sát có phần chủ quan của tôi có lẽ My Community vẫn còn nhiều hạn chế vì các hoạt động như hướng dẫn tham quan, triển lãm, lễ hội, chương trình học tập, giao lưu giới thiệu trên trang web www.mycommunity.org.sg chủ yếu vẫn còn giới hạn trong khu đô thị Queenstown chứ chưa triển khai ra nhiều nơi khác trên toàn đảo quốc. Nhưng thành công ban đầu là nó đã giúp cho rất nhiều người dân Singapore, trong đó có tôi nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị của di sản văn hóa.


Thông tin về điểm tham quan tại khu đô thị Queenstown trên đường đi bộ vào ga tàu điện.

Bài học mà tôi rút ra được từ mô hình Singapore nói chung là luôn đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Để hiểu rõ điều này, bạn có thể đến tham quan Museum@My Queenstown, một bảo tàng cộng đồng hoạt động không nhận tài trợ của chính phủ và hoàn toàn do cư dân ở Queenstown tài trợ, quản lý và giám sát. Nhờ My Community vận động, sau năm năm thành, lập bảo tàng đã được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, cư dân Queenstown với hơn 2.000 bức ảnh, 300 lịch sử truyền miệng, 50 đồ tạo tác và hơn 250.000 đô la. Là nơi lưu giữ những ký ức địa phương, bảo tàng cũng là cho phép cư dân thể hiện suy nghĩ, tình cảm và bản sắc cá nhân đồng thời kết nối với người khác trong cộng đồng. Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi liệu bảo tàng có thể là điểm tham quan cho du khách nước ngoài khi đến Singapore không. Nhưng chắc chắn rằng cư dân Queenstown trong đó có tôi và nhiều người Singapore sống ở các khu vực khác sẽ đến đây để kết nối với quá khứ để hiểu rõ bản thân trong hiện tại và hình dung bóng dáng mình trong tương lai.

Lê Hữu Huy - Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...