Đã 10 năm trôi qua từ khi hai tòa Tháp Đôi WTC (World Trade Center) lẫy lừng của thành phố New York bị sụp đổ trong vụ khủng bố 11/9. Giờ đây, trên nền khu đất hoang tàn, một công trình mới đang được gấp rút xây dựng. Công trình này, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012, sẽ trở thành một biểu tượng mới phản ánh cả sự phồn vinh và đau thương của nước Mỹ sau ngày 11/09/2001.
Tòa tháp đôi WTC ở New York trước ngày 11/09/2001.
Hai tòa Tháp Đôi WTC cũ cao 110 tầng được xây dựng từ năm 1966 bởi kiến trúc sư người Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki và nằm trong một khu liên hợp gồm 7 cao ốc. Hai tòa nhà này từng giữ vị trí kiến trúc cao nhất thế giới vào năm 1973 và từng một lần bị đánh bom vào năm 1993 nhưng vẫn đứng vững cho đến thảm họa ngày 11/9/2001.
Vụ khủng bố đã phá sập hoàn toàn hai tòa Tháp Đôi và năm tòa nhà khác thuộc khu liên hợp, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người đang làm việc tại đây. Trong số đó, nhiều hài cốt nạn nhân chỉ mới tìm được vào năm 2006 khi công trình tái thiết đang tiến hành.
Công trình tái thiết WTC được khởi công từ năm 2004 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012 với tổng vốn đầu tư 8 tỷ đô la. Công trình có sự tham gia của đội ngũ những kiến trúc sư hàng đầu thế giới : Santiago Calatrava, David Childs, Norman Foster, Frank Gehry, Fumihiko Maki, và Richard Rogers.
Dự án khu liên hợp Trung tâm thương mại thế giới sẽ bao gồm:
- 5 tòa nhà chọc trời: Tháp Tự do (Freedom Tower) và 4 tòa WTC số 2,3,4,5
- Bảo tàng và khu tưởng niệm các nạn nhân 11/9 .
- Trạm giao thông trung tâm WTC.
- Khu liên hợp bán lẻ.
- Trung tâm biểu diễn nghệ thuật.
1. Các tòa nhà chọc trời
Trong số 5 tòa nhà của WTC, công trình ấn tượng nhất có lẽ là Tháp Tự do (Freedom Tower) tòa tháp thay thế cho 2 tòa Tháp WTC cũ.
Lễ động thổ công trình Tháp Tự do thay thế Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) tại New York đã được tổ chức vào ngày 4/7/2004. Chiều cao 1.776 foot (514m) cho 102 tầng của Tháp Tự do được chọn trùng với năm nước Mỹ giành độc lập (1776) và dự kiến đây sẽ là kiến trúc cao nhất nước Mỹ khi hoàn thành vào năm 2011.
Tháp Tự do được thiết kế bởi kiến trúc sư tài hoa David Childs và bao gồm khu văn phòng, nhà hàng, bãi đậu xe và ban công quan sát (ở độ cao 383m) trên tổng diện tích sàn là 241.000 m2.
Mô hình Tháp Tự Do bênh cạnh các tòa nhà chọc trời khác xung quanh.
Tòa tháp số 2 có hình kim cương cao 417m, tháp 3 cao 383m, tháp 4 cao 297m và tháp 5 cao 226m. Các tòa nhà đều được thiết kế để tăng cường độ an toàn tối đa cho cư dân sinh sống và làm việc trong đó.
Dự án tái thiết WTC lại không bao gồm tòa tháp WTC7 (thuộc khu liên hợp WTC cũ). Tháp này nằm ngay phía sau hai tòa Tháp Đôi và cũng bị phá hủy hoàn toàn trong vụ khủng bố 11/9. Công trình xây dựng lại tháp này đã hoàn thành vào tháng 5/2006. Phía trước tòa nhà là tác phẩm điêu khắc độc đáo mang tên Balloon.
2. Bảo tàng và khu tưởng niệm các nạn nhân 11/9
Khu tưởng niệm các nạn nhân 11/9 là hai hồ nước hình vuông lấy ý tưởng từ hai khoảng trống khi hai tòa Tháp Đôi cũ sụp đổ. Hai hồ nước sâu 9m so với mặt đường, đáy hồ làm bằng gương. Bao quanh vách hồ nước làm bằng tường đá khắc tên nạn nhân trên khắp nước Mỹ đã mất trong vụ khủng bố.
Thác nước chảy tràn từ các vách đá này xuống hồ tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ vừa trang nghiêm. Thác này được xem là thác nước nhân tạo lớn nhất nước Mỹ. Công trình tưởng niệm mang tên Reflecting Absence (phản chiếu những linh hồn đã khuất), tác phẩm của kiến trúc sư tài hoa người Israel Michael Arad.
Mô hình khu tưởng niệm Refleting Absence.
Đây cũng là tác phẩm đã đánh bại 5200 đối thủ đến từ 63 quốc gia trên khắp thế giới và giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế khu tưởng niệm các nạn nhân 11/9 do chính quyền New York tổ chức.
Khuôn viên xung quanh hai hồ nước được bao bọc bởi một công viên xanh mát với hàng trăm cây sồi do kiến trúc sư Peter Walker thiết kế. Công viên này được xây dựng với mục đích ngăn tiếng ồn và quan cảnh náo nhiệt của phố xá bên ngoài, tạo không gian tĩnh mịch, nghiêm trang cho khu tưởng niệm.
Bảo tàng 11/9 được xây ngầm dưới mặt đất, bao gồm 3 tầng: Một tòa nhà bằng kính với thiết kế độc đáo trên mặt đất và hai tầng ngầm.
Tầng ngầm 1 là khu trưng bày hiện vật thu lượm lại được từ vụ khủng bố, từ những mảnh vỡ của các tòa nhà cho đến những tư trang kỉ niệm của các nạn nhân đều được trưng bày nơi đây. Đi tiếp xuống tầng dưới, du khách có thể chạm đến tầng đá gốc, xem khối bê tông cốt thép đồ sộ của WTC được vớt lên từ sông Hudson sau vụ khủng bố và các tàn tích khác còn sót lại của tòa nhà.
Điểm sâu nhất của bảo tàng là hầm mộ, nơi chôn cất những nạn nhân không xác định được danh tính. Một lối đi thoai thoải đầy nghệ thuật sẽ dẫn du khách đi từ mặt đất xuống khu trưng bày dưới lòng đất này.
3. Trạm giao thông trung tâm WTC
Với thiết kế độc đáo và đẹp mắt của kiến trúc sư nổi tiếng Santiago Calavatra, trạm giao thông này hứa hẹn không chỉ là điểm nhấn về kiến trúc mà còn góp phần giải quyết nhu cầu giao thông khổng lồ ở khu vực trung tâm Mahattan.
Công trình được khởi công từ tháng 9 /2005 và dự kiến đưa vào sử dụng rộng rãi tháng 11/2011 với khả năng vận chuyển 250.000 khách mỗi ngày bằng hệ thống tàu điện ngầm.
Trần nhà của trạm cao 150 feet với những mái nhà bằng kính và thép cho phép ánh sáng tự nhiên rọi xuống sân ga sâu 60 feet dưới lòng đất. Trạm còn có một sảnh chờ khổng lồ với các khu bán lẻ và ăn uống. Hiện tại có hai cửa vào của trạm đã được đưa vào sử dụng vào năm 2003 và 2008.
4. Khu liên hợp bán lẻ
Khu liên hợp bán lẻ chiếm tổng cộng gần 500.000 m2 nằm rải rác khắp sáu khu vực của WTC, trải dài từ khu trung chuyển trên đường Fulton đến toà nhà Trung tâm tài chính thế giới. Các cửa hàng và dịch vụ sẽ được sắp xếp 6 tầng lầu.
Nằm ở một trong những khu vực kinh doanh sầm uất nhất của Mỹ, gần khu vực dân cư và nút giao thông trọng điểm, khu vực này hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm mua sắm nổi tiếng.
5. Trung tâm biểu diễn nghệ thuật
Mô hình trung tâm biểu diển nghệ thuật do KTS Frank Gehry thiết kế
Dự án trung tâm biểu diễn nghệ thuật đã được thay đổi nhiều lần. Theo thiết kế ban đầu, nó sẽ ngốn hết 700 triệu đô la nhưng sau đó kinh phí của thành phố New York chỉ cho phép đầu tư 500 triệu. Ban đầu, có 3 nhà hát nổi tiếng của thành phố được chỉ định di dời đến toạ lạc tại đây nhưng cuối cùng nhà hát Joyce chuyên về vũ kịch sẽ là nhà hát duy nhất được sử dụng trung tâm này. Chương trình biểu diễn tại đây sẽ được mở rộng, không chỉ giới hạn riêng trong lĩnh vực vũ kịch.
Trung tâm này có sức chứa hơn 1.000 khách, sẽ bắt đầu khởi công từ năm 2011 (do còn vướng công trình trạm giao thông) và khu bán lẻ rộng 500.000 feet vuông với sáu khu vực khác nhau hứa hẹn sẽ là điểm hẹn cho khách du lịch khi ghé thăm thành phố New York trong tương lai.
Phúc An (tổng hợp)
Bắt đầu các hoạt động tưởng niệmNước Mỹ đã bắt đầu tổ chức nhiều sự kiện tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố 11.9. Theo AFP, ngày 9.9, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder đã đặt vòng hoa ở Đài tưởng niệm quốc gia tại thủ đô Washington và đọc tên 72 nhân viên công lực thiệt mạng 10 năm trước. Ngày 10.9, hàng ngàn người thắp nến tưởng nhớ 40 hành khách cùng phi hành đoàn trên chuyến bay United 93 bị bọn khủng bố khống chế đâm xuống hạt Shanksville, bang Pennsylvania.Tham gia sự kiện này có Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các cựu Tổng thống George W.Bush và Bill Clinton. Theo AP, lễ tưởng niệm chính diễn ra sáng 11.9 (tối nay, giờ VN) bao gồm những giây phút mặc niệm các nạn nhân khi hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi và Lầu Năm Góc. Tại buổi lễ kéo dài 2 giờ, Tổng thống Barack Obama và ông Bush sẽ cùng gia đình các nạn nhân nghe đọc tên từng người thiệt mạng. (Thanh Niên) |
- Nông trại “tấn công” đô thị Mỹ
- Các tỷ phú thế giới mới làm giá nhà tăng mạnh
- Trung Quốc đầu tư cho năng lượng xanh nhiều nhất thế giới
- Tăng trưởng xanh - tầm nhìn chiến lược của Hàn Quốc
- Geneva - Thành phố toàn cầu hóa
- Xây dựng thành phố tuyến tính bằng hệ thống xe buýt tốc hành - Bài học từ Curitiba, Brazil
- Kinh nghiệm phát triển nhà ở Singapore
- Tiết kiệm năng lượng kiểu Nhật Bản
- 10 thành phố thương mại “đại chúng” nhất thế giới
- Chiến lược “phố trong vườn” của Singapore