Bắc Kinh là một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương(1), trung tâm chính trị kinh tế thủ đô Trung Quốc. Với những thành tựu to lớn về kinh tế đạt được sau khi đổi mới, thành phố Bắc Kinh đã sánh ngang với các đô thị cực lớn của thế giới như Paris, London, New York, Tokyo,... Tuy nhiên, bản thân đô thị Bắc Kinh vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải cần quan tâm sâu sắc, trong đó có vấn đề quản lí dân số. Bắc Kinh có dân số tập trung cao, ở đó đã xảy ra vấn đề gì, chính quyền đã đưa ra những chính sách thế nào để đối phó, đô thị Hà Nội và TP.HCM có thể học được gì để phát triển bền vững cho riêng mình, tránh đi trên vết xe đổ mà Bắc Kinh đã trải qua và đối mặt với hiện tại?
(ảnh: wikipedia)
Cũng giống như quy luật chung của quá trình phát triển đô thị, kinh tế phát triển là động lực hút nguồn di cư từ khu vực nông thôn và dân số lao động cao là động lực thúc đẩy nền kinh tế, giữa chúng có sự tương tác qua lại. Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, sự gia tăng dân số cùng với tập trung ngành nghề sản xuất làm cho quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Đối với thành phố Bắc Kinh, mật độ dân số tăng cao làm cho vấn đề giao thông, môi trường, nhà đất, kinh tế xã hội ngày càng trầm trọng. Từ những năm 1958, chính phủ đã đưa ra điều lệ quản lí hộ khẩu, thực thi chế độ hộ tịch phân chia giữa đô thị và nông thôn, quản lí nghiêm ngặt dân nhập cư từ vùng nông thôn vào vùng đô thị. Dân nhập cư dù đến vẫn không được tạo nhiều thuận lợi cơ hội trong tìm kiếm việc làm, tiếp cận với dân sinh y tế, giáo dục cộng đồng, cuối cùng phải quay về nơi ban đầu. Cùng với chính sách một con, có vẻ như Bắc Kinh đã thành công trong công tác quản lí, hạn chế dân số trong những năm qua.
Tuy nhiên, với hơn một tỷ người bị hạn chế ở nông thôn, trước hết vì mưu sinh đã đẩy họ lên thành phố cho dù bị chính quyền quản lí nghiêm ngặt. Năm 1985, bộ Công an đã đưa ra quy chế quản lý dân số định cư tại các quận, tỉnh. Năm 1989, Quốc vụ viện thông qua Chỉ thị khẩn cấp nghiêm cấm công dân lao động ra khỏi vùng cư trú. Năm 1990, Quốc vụ viện thông qua Chương trình tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn, tuy nhiên cũng không thể cản trở dòng người đổ dồn về thành phố. Bị động trong quản lí hành chính, phải thừa nhận nguồn lao động nông thôn, tuyển dụng trong thời gian ngắn, đồng thời đưa ra phương hướng quản lí chặt chẽ, năm 1994, bộ Lao động đưa ra Quy định quản lí lưu động lao động nông thôn. Khi đi làm cần phải mang theo (1) thẻ chứng minh nhân dân, (2) thẻ lao động bên ngoài do địa phương cấp, (3) giấy phép cư trú tạm thời do Công an nơi cư trú cấp, (4) thẻ chứng nhận lao động ngoại tỉnh do cục quản lí lao động đô thị cấp.
(ảnh: chinasmack.com)
Chỉ thành công trong quản lí dân số một thời gian ngắn, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, rõ ràng không thể tiếp tục chính sách như thế. Đến năm 2002, Quốc vụ viện thông qua ý kiến công việc dành cho người lao động nông thôn và nông nghiệp với phương châm: Chính sách công bình, hướng dẫn hợp lí, quản lí hoàn thiện, dịch vụ tốt. Hơn một nửa Quốc vụ viện còn thông qua Thông báo dịch vụ quản lý tuyển dụng công nhân lao động nông dân. Tuyên bố bãi bỏ chính sách, quy chế bất hợp lý đối với lao động nông thôn lên thành phố làm việc.
Hiện nay, thành phố Bắc Kinh phải đối mặt với dân số lão hóa nhanh chóng. Với chính sách con một đã làm cho dân số Trung Quốc ảnh hưởng và càng đẩy nhanh tỉ lệ lão hóa tăng nhanh. Theo thống kê năm 1999, tỉ lệ người già chiếm 10%, đến năm 2008 số người già có đến 2.180.000 người , tỉ lệ lão hóa là 17.7%, dự báo đến năm 2050 là 50.6%(2). Trong tương lai để thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế cao với cấu trúc dân số người già chiếm tỉ lệ cao, dịch vụ chăm sóc phúc lợi xã hội là bài toán khó và chưa thể giải quyết đối với chính quyền thành phố Bắc Kinh bây giờ.
(ảnh: guardian.co.uk)
Trở lại với chính sách quản lí dân số ở TP.HCM, ta có thể thấy nhiều điểm tương đồng, tuy không nghiêm ngặt nhưng nó hao hao giống ở chính sách hạn chế dân số lao động nhập cư, phân chia khu vực ranh giới giữa đô thị và nông thôn, phải khai báo tạm trú tạm vắng khi rời khỏi địa phương cư trú, làm cho người nhập cư khó khăn trong tiếp cận với tìm kiếm việc làm, dịch vụ công cộng không được ưu đãi chính sách, quản lí hộ khẩu với bốn hình thức KT1, KT2, KT3, KT4. Nhà nước tìm mọi cách để hạn chế dân nhập cư, sẽ không có tác dụng nhiều khi mà thành phố là nơi tìm kiếm công việc dễ dàng so với các nơi khác. Điều thể hiện rõ nhất trong thất bại quản lí dân số nội thành là từ năm 1996, đại hội đại biểu đảng bộ thành phố đã đưa ra nội dung khống chế dân số khu vực nội thành cũ dưới 300 ngàn người(3). Tuy nhiên nhìn vào biểu đồ bên dưới, ta thấy dân số nội thành không những không hề giảm mà ngày càng tăng cao, và chỉ giảm trong một thời gian ngắn khi thành phố thực hiện các chương trình chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà ven kênh. Chính vì khu vực nội thành là nơi hái ra tiền, tiếp cận với dịch vụ đô thị dễ dàng hơn so với ngoại thành.
Biểu đồ: Dân số TP.HCM qua các năm (Nguồn: Niên giám thống kê TP.HCM qua các năm) [ click để phóng to ]
Hiện nay nhiều tỉnh thành đang và đã triển khai xây dựng nhiều khu công nghiệp cạnh tranh với khu công nghiệp TP. HCM thì chắc chắn với chính sách không được ưu đãi, nguồn nhân lực thúc đẩy kinh tế thành phố sẽ giảm và xảy ra nguy cơ thiếu hụt(4).
Đối với thủ đô Hà Nội, khi luật Thủ đô ra đời và nếu có sự bất bình đẳng đối với dân nhập cư, liệu rằng trong tương lai thủ đô sẽ làm gì để đối phó với nguồn lao động thiếu hụt và dân số già? Sự di cư là một quá trình tất yếu của đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế. Nhà nước không thể áp đặt hạn chế mà phải tiếp nhận và sử dụng nguồn nhân lực đó một cách hiệu quả. Cần đưa ra những chính sách linh hoạt, kịp thời với tốc độ hóa đô thị chứ không thể coi dân nhập cư là nguyên nhân dẫn đến nhà ven kênh rạch, đô thị bế tắc, mà do thiếu chính sách, không tận dụng và phát triển hết tiềm năng nguồn lao động nhập cư này.
- Ảnh bên: Nhà trọ công nhân TP.HCM (ảnh chụp tháng 8/2011)
Nhật Bản là quốc gia phát triển, và vấn đề số người già tăng cao, không có nguồn lao động thay thế để phát triển phải tuyển dụng lao động từ các nước như Philippines, Việt Nam v.v... Hiện nay, những nước áp dụng chính sách hộ tịch hộ khẩu như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên. Những năm gần đây Hàn Quốc, Đài Loan đã bãi bỏ chế độ này. Nhật Bản cũng áp dụng quản lí hộ khẩu, nhưng với chính sách mềm mại, người dân có thể tự do di chuyển từ nông thôn đến đô thị mà không cần phải khai báo, tạo cho người lao động nhập cư được bình đẳng trong dịch vụ đô thị.
Kết luận: Với chính sách cứng nhắc trong vấn đề quản lí dân số đã không thể thành công và bất bình đẳng đối với dân nhập cư ở Bắc Kinh đã được sửa đổi, các thành phố lớn ở Việt Nam trong tương lai xa cũng sẽ phải đối mặt, nên từ bây giờ cần đưa ra chính sách thông thoáng tạo thuận lợi cho người lao động nhập cư tiếp cận với các dịch vụ công cộng công bằng, bãi bỏ chế độ quản lí hộ khẩu theo kiểu KT, phân chia ranh giới vùng đô thị - nông thôn, khuyến khích dân nhập cư , tạo công ăn việc làm đề góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, duy trì nguồn lực lao động cao.
Sự thay đổi cấu trúc dân số và sự tăng giảm dân số sẽ làm thay đổi cấu trúc đô thị, nảy sinh ra nhiều vấn đề có liên quan.
Chú thích:
- Bắc Kinh cùng với Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Thiên Tân là 4 thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 1954, trước khi đổi mới, Trung Quốc có 14 thành phố trực thuộc Trung ương.
- Số liệu được trích từ Cục thống kê Trung Quốc niên giám thống kê năm 2009 và báo cáo phát biểu về người cao tuổi của Phòng nghiên cứu người cao tuổi TP Bắc Kinh.
- Trang web của đảng bộ thành phố trong đó ghi rõ đến năm 2000 hạn chế dân số nội thành dưới 300 ngàn người với 277 đại biểu đồng ý tán thành: http://www.hcmcpv.org.vn/app.cgi
- http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/xemtin.asp?idcha=1679&cap=3&id=4235
Nguyễn Lâm
Nguồn tham khảo:
- ThS Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – Giãn dân thành phố: Bài toán vẫn chưa có lời đáp
- ThS Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – Đô thị hóa với vấn đề dân nhập cư tại TP.HCM
- Trần Nữ Hồng Phương, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM - Vấn đề dân nhập cư tại TP.HCM, Nhập cư và nguồn nhân lực phát triển trong bối cảnh TP.HCM hiện nay.
- 町兵 日本の経験から見た中国の大都市問題の現状と課題
- 植田政孝・古澤賢治編 2002.『アジアの大都市[5]北京・上海』日本評論社
- Quản lý "mềm" - Chính sách về không gian công cộng của Thụy Sỹ
- Kiến trúc bản địa mới trong nhà ở cao tầng Singapore
- Thời lép vế của nhà chọc trời Mỹ
- Nông nghiệp cảnh quan ở Pháp
- “Mục sở thị” làng giàu nhất Trung Quốc
- Nông trại “tấn công” đô thị Mỹ
- Các tỷ phú thế giới mới làm giá nhà tăng mạnh
- Trung Quốc đầu tư cho năng lượng xanh nhiều nhất thế giới
- Tăng trưởng xanh - tầm nhìn chiến lược của Hàn Quốc
- Geneva - Thành phố toàn cầu hóa