Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Đô thị ở Bangladesh - ý thức, bản chất và tính nhạy cảm để "Xanh"

Đô thị ở Bangladesh - ý thức, bản chất và tính nhạy cảm để "Xanh"

Viết email In

1. Nhìn vào quá khứ

Các công trình kiến trúc đền đài kỷ niệm thời kỳ đầu:

Nói về khía cạnh công trình, các khu dân cư và kiến trúc thì nền văn minh của khu vực Bangladesh đã có sự khởi đầu cách đây chừng hai ngàn năm. Theo Varahamihira (Thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên), đã có 6 cụm dân cư phía đông là Paundra, Vanga, Samatata, Vardhamana, Gaudaka và Tamraliptaka. Pundranagar (Thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên) đã từng là thành phố quan trọng nhất trong khu vực, được xác định là địa điểm hiện nay của Mahastan tại Bogra (Bangladesh). Các di vật khảo cổ và các văn tự lịch sử cùng các tài liệu khảo cứu khác đã cho thấy rằng đây là một thành phố được quy hoạch tốt và tráng lệ với tường thành bao bọc, các cổng thành được trang trí cầu kỳ, các cung điện, khu ở cộng đồng, các sảnh hội họp, đền đài, các vihara, cửa hàng và ao hồ. Những chứng cứ sớm nhất cho thấy các công trình kiến trúc đền đài lịch sử ở vùng Bengal có xuất xứ từ truyền thống Phật giáo và bao gồm cả các stupa, đền đài và tu viện. Các di tích đầu tiên của kiến trúc mang tính đền đài lịch sử (Thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên) có thể được tìm thấy ở Paharpur nằm về phía bắc của Mainamati thuộc vùng đông nam Bangladesh (Hình 1).

Đạo Hồi ở vùng châu thổ:

Khi người Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân đến Bengal vào thế kỷ 13, họ đã mang lại những đổi thay lớn đến mức trở thành “sự kiện” trong đời sống chính trị và xã hội ở khu vực này. Một tôn giáo mới đã hình thành tại vùng châu thổ - đạo Hồi - cùng với sự xuất hiện của những thành phần mới trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng - những đền thờ Hồi giáo. Một công trình đơn lẻ khối tích lớn với dáng dấp một ngôi đình mang sắc thái mới nổi bật: Đó là các bức tường có đục lỗ như một giải pháp khí hậu. Mái che công trình trông giống như một túp lều ở vùng đồng quê (Hình 2). Chất cảm của gạch, của đất nung và gốm sứ cùng sự phô diễn những vật liệu đó trên mặt đứng đã nhấn mạnh quan niệm “chủ nghĩa địa phương” trong thực hành kiến trúc.

Mughal Subhe Bangla:

Luật lệ Mughal được ban bố trong toàn vùng Bengal đã khiến cho vùng đất này trở thành rìa phía đông của đế chế Mughal. Người Mughal tập trung vào việc thiết lập một hệ thống hành chính có hiệu lực với nghi thức advent năm 1596 sau Công nguyên. Họ muốn đưa thêm vào một trật tự kiến trúc mới - cảm nhận mới về tính phức tạp và tinh tế. Những bề mặt được trang trí phong phú với các viên đất nung đã được thay thế bằng các mảng trát vữa tại thời điểm đó. Họ đã xây một vài đền thờ Hồi giáo trong vùng, một số lăng tẩm để ghi nhớ công trạng những người lãnh đạo cùng những anh hùng dân tộc và thiết lập nên những thành trì tại các vị trí xung yếu để duy trì sự kiểm soát.

Nhà thờ Hồi giáo ở Sat Masjid, lăng Bibi Pari’s Mazaar, pháo đài Lal Bagh (Hình 4), Bara Katra và Chhoto Katra là những ví dụ của kiến trúc thời Mughal. 

Bengal và Châu Âu:

Giai đoạn sau của thế kỷ 18 chúng kiến sự sa sút của thế lực Mughal và sự xâm nhập của người Châu Âu. Thời điểm này, thực dân Anh bất đầu đô hộ các nước Nam Á. Lối sống và thói quen mới đã du nhập vào vùng đất này. Khoảng thời gian 200 năm dưới sự cai trị của người Anh đã tạo nên một sự thay đổi căn bản về hệ thống xã hội, văn hóa và đô thị.

Khát vọng chính trị của thực dân Anh còn được biểu hiện trong kiến trúc. Một loạt kiểu công trình mới đã được xây dựng: Công sở, hệ thống đường sắt, nhà ở đô thị thấp tầng kiểu bungalow, nhà kho, bệnh viện, trường cao đẳng, … chủ yếu tập trung ở thủ đô Dhaka và một số thị trấn.

Tòa nhà Viceroy (nay là Tòa Thượng Thẩm) (Hình 5), Tòa Hội đồng Thành phố (nay là tòa nhà Curzon) (Hình 6), Ban Thư ký (nay là Trường Y Dahka) là một vài ví dụ về công trình xây dựng thời thực dân Anh. 

Chủ nghĩa hiện đại Bengali giai đoạn hậu thực dân:

Nền độc lập mà các quốc gia vùng tiểu lục địa Ấn Độ giành được vào năm 1947 lại mở ra một kỷ nguyên mới về cái gọi là “sự nô dịch chính trị” ở Bangladesh - lúc đó được gọi là Đông Pakistan. Ban đầu, đó là một ý đồ chính trị sử dụng tôn giáo để tập hợp các sắc dân khác nhau thuộc mọi thành phần trong cộng đồng người Bangali. Kiến trúc giả dạng Hồi giáo được bảo trợ bởi chính quyền Pakistan đã bỏ qua và tránh né một cách có chủ ý yếu tố lịch sử và lãng quên kho tàng di sản trên mảnh đất này. Tòa án Tối cao và Banga Bhaban là ví dụ của kiến trúc thời Pakistan, chung một ngôn ngữ với Bangladesh nhưng lại là hai quốc gia và hai dân tộc khác biệt.


2. Vấn đề phát triển xanh ngày nay


Mô hình phát triển bền vững được đặt ra từ thời kỳ khủng hoảng năng lượng (đặc biệt là dầu mỏ) và vấn đề ô nhiễm môi trường gây quan ngại trong những năm 1970. Trào lưu công trình xanh khởi nguồn từ nhu cầu và mong muốn có những công trình xây dựng hiệu quả về năng lượng và thân thiện với môi trường. Những động lực để thiết kế nên các công trình xanh bao gồm lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội. Tuy vậy, sự bền vững theo kiểu hiện đại đòi hỏi công tác thiết kế phải được tích hợp và vận hành đồng bộ, nhịp nhàng. Phạm vi áp dụng của thiết kế xanh rất rộng: Cả công trình xây mới lẫn các dự án cải tạo hay điều chỉnh, khôi phục và tái sử dụng những công trình cũ. Xu hướng này cũng được biết đến nhiều với tên gọi “thiết kế bền vững”, chú ý đến từng thành phần cấu tạo của công trình xây dựng và từng yếu tố có liên quan đến công trình trong suốt quãng thời gian công trình tồn tại, với mục tiêu tạo ra sự kết hợp hài hòa và đồng bộ. Công trình xanh đòi hỏi sự liên kết của nhiều lĩnh vực chuyên ngành, sự phối hợp của nhiều môn kỹ thuật và nhiều công đoạn thiết kế để trước hết giảm thiểu, sau đó là loại trừ hoàn toàn những ảnh hưởng tiêu cực của công trình đến môi trường và sức khỏe con người.

Trong khi các quan điểm thiết kế và công nghệ trong lĩnh vực công trình xanh phát triển liên tục và có thể khác nhau giữa các địa phương thì nguyên lý thiết kế cơ bản không có gì thay đổi và các giải pháp sẽ luôn bám sát những nguyên lý này.

Dưới đây là những yếu tố chính giúp xác định tính chất bền vững của công trình và có thể được dùng để đánh giá xem công trình có đạt tiêu chuẩn xanh hay không, theo hệ thống đánh giá LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) (Hình 7). Một vài chỉ số trong bảng này được áp dụng phổ biến tại các quốc gia khác nhau nhằm đánh giá tính chất sinh thái và bền vững của công trình. Bài nghiên cứu này sử dụng các chỉ số được tổng hợp bởi USGBC. 

3. Công việc của các kiến trúc sư được đào tạo bài bản, các kiến trúc sư chuyên nghiệp

Việc hành nghề kiến trúc của các kiến trúc sư được đào tạo theo trường lớp chính quy bắt đầu vào những năm 1950, khởi động với những công trình của kiến trúc sư Mazharul Islam, người đi tiên phong trong lĩnh vực kiến trúc hiện đại ở Bangladesh. Kiến trúc sư Islam hành nghề kiến trúc từ đầu những năm 1950, đã xác định phạm vi và thuộc tính dễ nhận biết của một phong cách. Sự giới thiệu và trưng bày các tác phẩm của ông là bước đột phá trong hành nghề kiến trúc. Việc này được bảo trợ và quảng bá bởi chính quyền. Ngôn ngữ kiến trúc và ý nghĩa biểu diễn của công trình lúc này hãy còn hạn chế, song kiến trúc sư Islam một tay gây dựng nên và khẳng định vị thế của kiến trúc hiện đại ở Bangladesh. Trong bối cảnh kiến trúc nơi đây có một khoảng trống do phong cách Phục Hưng vùng Bengali giai đoạn cuối thế kỷ 19 để lại, chưa có sự tiếp nối nào thích hợp, thì các tác phẩm của kiến trúc sư Islam đã khởi đầu cho một nền kiến trúc thịnh vượng với chủ nghĩa địa phương - là một sự kết hợp đầy lý trí giữa địa điểm và khí hậu.

Các tác phẩm của Mazharul Islam trong những năm 1953 - 1979:

Trong thời kỳ này Mazharul Islam đã thiết kế một số công trình và quần thể công trình tại nhiều địa phương của Bangladesh. Đến những nơi này, ông đã có những ý niệm rõ ràng về bối cảnh, về văn hóa và khí hậu của khu vực. Đa số các công trình được xây bằng gạch nung là loại vật liệu địa phương có tính đặc thù nhất. Yếu tố hình học và thứ tự, sự hiểu rõ chức năng, yêu cầu sử dụng và phong cách sống của người dân từng địa phương là những điểm mà ông quan tâm đặc biệt trong thiết kế.

Bản thiết kế Viện Mỹ thuật – Đại học Tổng hợp Dhaka (trước đây là Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghề Thủ công) vào năm 1953 là dự án đầu tiên ghi nhận sự từ giã những hình thức thời thực dân và phong cách truyền thống lai tạp (Hình 8,9 và 10). Ngay lập tức, công trình được coi là biểu trưng kiến trúc của Dhaka, có sử dụng ngôn ngữ hiện đại được cải biên cho phù hợp với địa hình và khí hậu. 

Tiếp theo, ông thiết kế Thư viện của Đại học Tổng hợp Dhaka năm 1954 (Hình 11), NIPA Bhaban ở Dhaka năm 1966 (Hình 12) và tư gia cũng ở Dhaka năm 1969 (Hình 13). Trong cả ba dự án này, sự xem xét và nghiên cứu điều kiện khí hậu địa phương thể hiện rất rõ qua cách thức kết hợp mặt bằng công trình với các lớp chức năng, hình khối và hướng nhà. Tác giả đã cài vào những kết cấu tạo bóng đổ để điều tiết và tối ưu hóa bức xạ mặt trời, đưa ánh sáng tự nhiên vào sâu bên trong công trình và có tính đến giải pháp thông gió xuyên phòng. Với bản thiết kế tư gia, kiến trúc sư Islam đã thể hiện suy nghĩ sâu sắc của mình về hình thức khối nhô ra - một mô hình ở đặc trưng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Các khối nhô ra, sự ngăn chia không gian và mái che kiểu chiếc ô tạo điều kiện cho không khí lưu thông liên tục là đặc điểm nổi bật cần phải có của công trình trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Mục đích chính của những bản thiết kế này là sự tạo lập môi trường bên trong tiện nghi. Nếu đạt được điều này thì việc sử dụng hệ thống làm mát vận hành kiểu cơ khí tiêu tốn rất nhiều năng lượng sẽ được giảm đến mức tối thiểu. 

Trong khi các nguyên lý của kiến trúc nhiệt đới đã đem đến tính hợp lý cho các nhà thấp tầng kiểu Bungalow từng được người Anh đề cao và phát triển rộng rãi trong khu vực thì kiến trúc hiện đại mà Islam khởi xướng đã lọc bỏ đi những “vết nhơ” của hình ảnh kiến trúc thuộc địa thông qua hình dạng trừu tượng và phi đối xứng.

Kiến trúc sư Islam đã hoàn thành tổng mặt bằng của 3 dự án đặc biệt lớn: Đại học Tổng hợp Jahangir Nagar (Ngoại ô Dhaka 1967 - 1970), Đại học Tổng hợp Chittagong (Chittagong 1968 - 1971) và dự án nhà ở cho mỏ đá vôi và xí nghiệp xi măng (Joypurhat 1978 - 1979). Tổng mặt bằng của hai trường đại học dựa trên địa hình nhấp nhô có lớp thực vật dày bao phủ. Tổng mặt bằng cho thấy sự tổ hợp tài giỏi bậc thầy, chỉ với các hình hình học thuần khiết như hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, và cả các đường kẻ chéo, đã làm mới cảnh quan thiên nhiên, thành một bức tranh tổng thể đẹp đẽ của các khoảng không gian xanh xen kẽ với các
cụm công trình xây bằng gạch đỏ.

Bản quy hoạch khu đất tìm kiếm giải pháp sao cho giữ lại được nhiều nhất các điều kiện tự nhiên của khu vực. Các mô-típ hình vuông trong thiết kế trường đại học Jahangir Nagar và nhà ở cho mỏ đá vôi và xí nghiệp xi măng tại Joypurhat đã bật hẳn ra khỏi sự cân nhắc hai mặt thường gặp: 1) Sử dụng khối tích công trình để tạo ra những khoảng đóng không gian và 2) Các công trình có khả năng lấy sáng mặt trời và thông gió tự nhiên như nhau. Những khối công trình hình hộp chữ nhật được đặt nối tiếp nhau theo kiểu chữ chi trong cả ba bản thiết kế đảm bảo sự chiếu sáng và thông gió tự nhiên đồng đều. 

Các không gian theo kiểu sân trong ở Joypurhat dành làm chỗ vui chơi cho trẻ em và các hoạt động ngoài trời khác, đồng thời cũng là nơi hội họp cho các gia đình và trồng cả những vườn rau. Các bản vẽ quy hoạch đã kết hợp trong đó một sự cảm nhận nhất định về tính tập thể và trật tự đô thị - bằng cách tạo lập những khoảng không gian khép kín cho sinh hoạt cộng đồng, những mặt đứng liên tục, một vài tuyến phố, và có chú trọng các đặc điểm cư trú của vùng đồng bằng có khí hậu nóng ẩm. Các công trình được sắp đặt thành hàng lối ngay ngắn trên một mặt bằng có tính hình học nghiêm chỉnh nhằm mục đích tạo không gian cho ánh sáng, màu xanh và không khí trong lành. 

Một chuỗi 5 học viện bách khoa kỹ thuật (Rangpur, Pabna, Barisal, Bogra và Sylhet, 1966 - 1978) được kiến trúc sư Islam thiết kế với sự hợp tác của kiến trúc sư người Mỹ Stanley Tigerman (Hình 19). Mặc dù đạt được những kết quả khác nhau, những dự án này đều thể hiện nỗ lực không mệt mỏi của kiến trúc sư trong việc tạo ra những thiết kế hợp lý và có phương pháp dành riêng cho Bangladesh. 

Có nhiều tài liệu minh họa cho những nghiên cứu kỹ lưỡng về xác định các hình thức, hình khối công trình có liên hệ với kiến tạo học, sinh thái học, khí hậu học, khoa học vật liệu và các kỹ thuật xây dựng truyền thống. Tính kinh tế trong xây dựng được quan tâm và việc sử dụng các kỹ thuật xây dựng tại chỗ với nguồn nhân lực địa phương được xem trọng.

Bản vẽ quy hoạch địa điểm và xây dựng công trình cùng thiết kế cảnh quan trong các dự án này được đặt trong một mối tương quan đa chiều với cây trồng, các dạng thức xây dựng và thủy cảnh. Những yếu tố này nên kết hợp với nhau để tạo hiệu quả lớn hơn. Từ những khu ở nhỏ và đơn giản cho đến những cụm giảng đường có quy mô lớn, tất thảy được quan niệm là cửa đón gió. Tường gạch chịu lực chạy song song với hướng bắc - nam trong khi các mặt hướng đông và tây gần như được mở với các nan chớp bằng gỗ để kiểm soát. Tầm quan trọng của cảnh quan thiên nhiên tươi tốt sum xuê luôn được tính đến trong cac dự án quy hoạch.

Viện Lưu trữ Quốc gia (Dhaka, 1978 - 1979) là một trong số những dự án sau này của kiến trúc sư Islam với một khối công trình hình học sắc cạnh nằm gần Tổ hợp Quỹ Quốc gia của Louis Kahn. Đây cũng là công trình phô bày chất liệu gạch (Hình 20,21). Cách tổ chức không gian để lấy ánh sáng vào sâu bên trong công trình thể hiện sự suy tính kỹ càng. Ở đây có sự xẻ góc để tăng cường ánh sáng rọi vào nội thất.

Tất cả các công trình được kiến trúc sư Muzharul Islam thiết kế trong quãng thời gian chừng 25 năm đã thiết lập một nền tảng vững chắc cho thiết kế kiến trúc theo xu thế hướng đến con người, gắn với địa hình và hòa nhập với thiên nhiên, thích ứng với điều kiện khí hậu và phù hợp với các điều kiện kinh tế, hệ sinh thái và thói quen, phong tục tập quán. Điều này đã giúp nền kiến trúc của Bangladesh chuyển mình từ những gì là thôn dã và sơ khai nhất, trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau như thời kỳ Mughal, phong cách pha trộn thời thực dân cùng sự xâm lấn của dạng kiến trúc giả Hồi giáo, để tìm được ngôn ngữ riêng và có vị thế xứng đáng. 

Thời kỳ 1979 - 2002:

Nền độc lập của Bangladesh với tư cách là một quốc gia có chủ quyền năm 1971 đã tạo lập một môi trường làm việc và sáng tác mới mẻ cho các kiến trúc sư, với những nguồn năng lượng mới, cam kết mới và cống hiến mới. Chủ nghĩa khu vực và sự tìm kiếm bản sắc kiến trúc đã trở nên rõ nét hơn thông qua một số tác phẩm kiến trúc nổi bật của một số kiến trúc sư được làm việc tự do tại một đất nước mới được giải phóng. 

Kiến trúc sư Bashirul Huq đã tham gia một vài dự án, xem xét và đánh giá các khía cạnh vật liệu địa phương, lối sống và kinh tế của mỗi dự án xây dựng cùng với điều kiện khí hậu chủ đạo cao hơn bất kỳ một yếu tố nào khác.

Nhà riêng cùng xưởng thiết kế tại gia năm 1979 (Hình 22, 23), Trung tâm Đào tạo Nijera Kori năm 1979 (Hình 25), Căn nhà Bhatshala năm 1989 (Hình 24) và Trung tâm Shobuj Shona năm 1992 là một vài dự án của kiến trúc sư Huq được chọn để phân tích trong bài tham luận này. Sự đơn giản trong mặt bằng và hình khối công trình, sử dụng sân trong như không gian xã hội cho các hoạt động ngoài trời, sự kết hợp với cỏ cây là một phần không thể thiếu được của kiến trúc cảnh quan. Những đặc điểm vừa nêu đã biểu hiện những nỗ lực rất tinh tế của ông để tạo ra một ngôn ngữ kiến trúc thích hợp.

Ngoài ra còn một vài dự án đáng ca ngợi nữa được thiết kế bởi các kiến trúc sư khác. Những dự án đó cũng cho thấy cố gắng của người thiết kế hướng đến yếu tố khí hậu, quy hoạch tổng mặt bằng và mặt bằng, môi trường trong và ngoài nhà. Dự án nhà ở Aziz Khan năm 1991 (Hình 26), Căn nhà Thôn dã năm 2000 của kiến trúc sư Nahas A. Khalil, Làng Trẻ em SOS và Trường Trung học năm 1994 bởi các kiến trúc sư công ty Diagram (Hình 27,28), Ngôi nhà Lán trại cho đoàn khảo cổ người Pháp năm 1995 (Hình 29) và Nhà nghỉ Govinda Gunalanker năm 1998 (Hình 30) bởi kiến trúc sư Saif Ul Haque và Căn nhà Nghỉ ngơi năm 2002 bởi kiến trúc sư Qazi M. Arif (Hình 31,32) là những dự án tiêu biểu nhất, đã cho thấy sự phát triển liên tục của tính chất đô thị học và đô thị hóa trong kiến trúc Bangladesh với cam kết của kiến trúc sư là luôn hướng tới tính bền vững. 

Thời kỳ 2003 - 2007:

Kiến trúc sư Ahsan U. Majumder trong dự án Ngôi nhà nhiều hộ gia đình Sungloria năm 2003 (Hình 33, 34), cùng các kiến trúc sư Mustapha Khalid, Md Foyez Ullah và Shahzia Islam trong dự án Tòa nhà Bảo hiểm Nhân dân năm 2003 (Hình 35,36) đã đặt vấn đề tính địa phương, vùng miền trong ngữ cảnh đô thị. Kiến trúc sư Majumder tạo nên một sân giữa trong phạm vi xây dựng để lấy chỗ cho cộng đồng hội họp, giao lưu xã hội, đồng thời cũng tạo ra bóng đổ làm mát cho công trình, tăng cường khả năng thông gió tự nhiên, cải thiện tích cực môi trường sống quanh nhà. 

Công trình Trụ sở Bảo hiểm Nhân dân vốn là một dự án thương mại với một cấu trúc dạng tháp tròn nơi kiến trúc sư Khalid và cộng sự đã nghiên cứu các góc nghiêng của ánh nắng để tạo bóng râm, quỹ đạo của mặt trời để tính toán độ vươn của mái che cản bức xạ mặt trời. Kết quả là bề mặt ngoài nhà nhô ra với các mức và các lớp khác nhau, vừa tạo ra bóng râm cho các phòng chức năng vừa tạo nên tính thẩm mỹ đặc biệt cho công trình. Sự tinh tế của kiến trúc sư còn được bộc lộ qua cách lắp tấm kính bao che trên hướng bắc, vị trí không bị ánh nắng rọi trực tiếp vào bên trong nội thất. 

Dự án Nhà ở Gia đình năm 2004 (Hình 37,38) được thiết kế bởi hai kiến trúc sư Qazi M. Arif và Ishrat Islam đã xử lý hai mặt đứng hướng đông và hướng tây của công trình bằng cách đặt một bề mặt xây gạch theo đường cong với khoảng mở nhỏ nhất và đã tạo ra các mái hiên sâu trên hướng tây để che chắn cho các không gian bên trong khỏi nắng gắt buổi chiều, phù hợp với điều kiện thời tiết khu vực. 

Dự án nhà ở Meghan năm 2005 của kiến trúc sư Rafiq Azam (Hình 39,40) là một ví dụ thú vị trong ngữ cảnh đô thị, nơi hình ảnh của lối sống cổ xưa của người Bangladesh sống gắn bó với thiên nhiên đã được truyền tải thành công. Bề mặt nước trên mái công trình, cây cỏ và các tán lá là sự tái hiện bản chất thôn quê truyền thống Bangladesh trong khung cảnh đô thị. Bản thiết kế đã đưa ánh sáng tự nhiên và gió mát vào sâu bên trong tòa nhà. 

Dự án nhà sân trời năm 2007 của kiến trúc sư Qazi M. Arif (Hình 41,42) là một nỗ lực thử nghiệm nữa. Tính riêng tư bên trong và cuộc sống ngoài trời sôi động trong vùng khí hậu nhiệt đới đã được đặt đúng chỗ một cách thông minh, có xem xét đến các biến thể khí hậu và chiều tới của tia bức xạ ứng với các mùa trong năm thông qua giải pháp tạo các khoảng sân trời và sân trong. Trên mái nhà cũng có một số khoảng mở ở các tầng cao khác nhau - điều này cho phép người ở tận hưởng ánh nắng và bóng mát tại những thời điểm khác nhau trong ngày và các mùa trong năm. Các sân trời còn tạo ra các điểm nhìn đẹp ở tất cả các phía - quan sát khung cảnh thiên nhiên bao quanh công trình.

Thời kỳ 2007 - 2010:

Kiến trúc sư Ahsan U. Majumder trong tác phẩm Nhà ở Cuối tuần năm 2007 đã đề cập đến vấn đề đặt công trình vào vị trí xây dựng với tầm quan trọng đặc biệt. Ông đã thuyết phục khách hàng để phần lớn diện tích khu đất xây dựng là những khoảng không gian mở và xanh với các sân chơi. Những không gian sinh sống nên được giới hạn với những cấu trúc nhỏ (Hình 43,44). Sự hiện diện đồng thời của nước, gió và cây cỏ là giá trị và thành công của dự án. Những nỗ lực thiết kế đến mức chi tiết đã tạo điều kiện cho ánh sáng và gió mát vào sâu bên trong nhà. 

Dự án Trường học cấp hai năm 2010 của kiến trúc sư Ahsan U. Majumder (Hình 45,46,47)và Trung tâm dạy nghề năm 2010 của kiến trúc sư Shakhawat Hossain (Hình 48) là những đề xuất mới đây, chưa được xây dựng trong thực tế. 

Cả hai công trình có xu hướng nhìn lại quá khứ và cố gắng làm sống lại những ngôn ngữ kiến trúc bản xứ qua kỹ thuật xây dựng, phong cách và vật liệu.

Các vấn đề tính kinh tế trong xây dựng và thiết kế sinh thái của hai dự án này cần được ghi nhận là những nỗ lực lớn lao để đạt được tính bền vững trong kiến trúc. Các kiến trúc sư đã kết hợp ý tưởng tạo ra điện năng từ ánh sáng mặt trời như nguồn năng lượng bổ sung cho công trình. Nhìn chung, việc sử dụng năng lượng mặt trời mới dừng lại ở mức ý tưởng, vẫn cần thêm thời gian và một số điều kiện khác để có thể trở thành hiện thực và phổ biến ở Bangladesh.

Thời kỳ 2010 đến nay: 

Ví dụ cuối cùng được phân tích trong bài tham luận này là công trình Trụ sở Tập đoàn Grameen Phone năm 2010 của các kiến trúc sư Mustapha Khalid, Foyez Ullah và K. M. Saiful Kader (Hình 49,50,51). Dự án có quy mô lớn trong không gian đô thị này đã tận dụng được lợi thế từ những tiến bộ khoa học gần đây và công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề phức tạp trong khâu thiết kế và chọn ra những giải pháp tiếp theo. Nước mưa được thu gom. Nước thải được tái sử dụng để tưới cây và xử lý làm ẩm đất trong phạm vi dự án. Đó là một vài đặc điểm sinh thái của bản thiết kế. Thêm vào đó, năng lượng mặt trời được khai thác để sản sinh ra điện năng. Kiến trúc sư đã mô phỏng trạng thái nhiệt của công trình và phân tích chi phí theo giai đoạn của dự án. Động cơ này đã thúc đẩy nhóm thiết kế đưa các giải pháp công nghệ cao vào kiến trúc sao cho vừa tạo được vẻ hiện đại cho công trình vừa làm công trình thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn xanh trong thiết kế đô thị.  

Bằng cách kiểm tra và đánh giá các dự án xây dựng như được mô tả trong hồ sơ, căn cứ các tiêu chí nêu trong Hình 8, có thể thẩm định mức độ đáp ứng và khả năng tương thích với tính bền vững của thiết kế kiến trúc, và áp dụng cho cả những sản phẩm khác vẫn được dán nhãn hiệu “xanh” ngày nay. Xem xét các ô trong bảng ở Hình 52, chúng ta có thể thấy rõ rằng dự án xây dựng phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau tương ứng với mỗi mục đánh giá. Trong vòng 50 năm qua các kiến trúc sư người Bangladesh đã thiết kế và cho ra đời những tác phẩm kiến trúc với tính nhạy cảm cao, đưa được các yếu tố khí hậu, môi trường, sinh thái gắn kết với tính hợp lý, nhằm đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe theo hệ thống tiêu chuẩn LEED hay của bất kỳ một cơ quan chuyên môn nào đánh giá tính bền vững của công trình kiến trúc. 


4. Phân tích và đánh giá

Ý thức này, bản chất này và tính nhạy cảm này đã thắng thế trong tư duy của kiến trúc sư từ rất lâu trước khi khái niệm xanh hay bền vững được nhắc tới. Tuy nhiên, các dự án được xem xét và phân tích trong bài báo khoa học này không thể phản ánh được hết những tiêu chuẩn thiết kế kiến trúc của Bangladesh cũng như những thành quả đã đạt được. Vì vậy, điều cần thiết phải thực hiện là đón nhận và khuyến khích sự quyết tâm và cống hiến của kiến trúc sư cùng các nhà chuyên môn có liên quan đến quá trình thiết kế, xây dựng và quy hoạch, sao cho có thể gìn giữ, làm hồi sinh những gì có giá trị và tiếp tục hành trình sáng tạo hướng đến các mục tiêu xanh khi các đô thị của chúng ta đang ngày một mở rộng./.

KTS Qazi M. Arif - PGS.TS.KTS Ishrat Islam
(Tham luận tại Diễn đàn Kiến trúc Châu Á - Forum Arcasia 16 - TP Đà Nẵng, 8/2011)

KTS Qazi M.Arif
Kiến trúc sư trưởng - Công ty ENVISION.
Thành viên của Viện Các kiến trúc sư Bangladesh.
Ủy viên quản trị Hội đồng môn BUET.
Thư ký danh dự , Hội Kiến trúc sư SAARC.

PGS.TS.KTS Ishrat Islam
Khoa Quy hoạch Đô thị và Vùng , Đại học Xây dựng và Công nghệ Bangladesh (BUET), Dhaka, Bangladesh. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Kazi Khaleed Ashraf, James Belluardo (ed.): An Architecture of Independence: The Making of Modern South Asia, The Architectural League of New York. 1998
  2. Shah Alam Zahiruddin, Abu H Imamuddin, M Mohiuddin Khan (ed.): Contemporary Architecture Bangladesh, Institute of Architects Bangladesh. 1990
  3. Saif Ul Haque, Raziul Ahsan, Kazi Khaleed Ashraf (ed.): Pundra Nagar To Sherebangla Nagar - Architecture of Bangladesh, Chetana Sthapatya Unnoyon Society. Dhaka. 1997
  4. Bijon B Sharma: Justification for the creation of Architectural Style for Bangladesh, Architecture Discipline, Khulna University, Seminar Series 2008-2009
  5. K. M. Kausarul Islam: Patterns and Changes of Vernacular Architecture in Bangladesh, Thesis - Master of Science, Environmental Engineering and Sustainable Infrastructure, Royal Institute of Technology. Stockholm, Sweden. 2003
  6. Rumana Rashid, Mohd, Hamdan Bin Ahmed, Md. Sayem Khan: Natural Green Application Technology on Building in Dense Dhaka City to provide a sustainable, energy saving, comfortable and healthy environment, Department of Architecture, Faculty of Built Environment, University Technology Malaysia (UTM), Malaysia. 2009
  7. Dr. Zebun Nasreen Ahmed: Architecture: How Green is Green, Daily Star, Dhaka, February 25th, 2010  \

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo