Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Các dự án tái sử dụng thích ứng trong thế kỷ XXI - Bối cảnh Hồng Kông

Các dự án tái sử dụng thích ứng trong thế kỷ XXI - Bối cảnh Hồng Kông

Viết email In

Xu thế gia tăng dân số ở các quốc gia Châu Á đòi hỏi phải có các cơ sở hạ tầng và các tiện ích mới. Phải làm thế nào để giải quyết vấn đề này hiện vẫn là một đề tài khó đối với các kiến trúc sư và những người làm quy hoạch đô thị. Câu trả lời đơn giản là có thể xây dựng các công trình mới. Nhưng cách tiếp cận vấn đề tưởng chừng dễ tiến hành này lại bỏ qua các vấn đề khác, chẳng hạn như việc mở rộng các cơ sở hạ tầng hiện có, sự khai thác các địa điểm còn nguyên sơ, tái bố trí dân cư và việc giá thành xây dựng tăng cao. Liệu việc gạt các công trình xây dựng cũ và những công trình không còn được sử dụng nên bị bỏ trống sang bên lề của sự phát triển đô thị có phải là một cách thức kinh tế và có tính bền vững? Việc tái sử dụng các công trình này liệu có thể trở thành giải pháp lựa chọn - vừa đem lại lợi ích đồng thời cũng rất tiết kiệm chi phí?

Cách hiểu vấn đề “tái sử dụng thích ứng” một cách tổng quát trong ngành công nghiệp xây dựng hiện nay là một quá trình khai thác yếu tố năng lượng và chất lượng của công trình xây dựng ban đầu. Lý do có thể là sự quan tâm đặc biệt đến giá trị kiến trúc và lịch sử hoặc đơn giản chỉ là một công trình bình thường không được sử dụng dẫn đến tình trạng bị bỏ hoang rất lãng phí. Cần kết hợp điều này với khía cạnh năng lượng và các hoạt động mà cách sử dụng mới đem lại [1]. Số lượng dự án tái sử dụng thích ứng đang tăng nhanh ở Hồng Kông. Qua một số ví dụ gần đây, các công trình thể loại này đã làm nổi bật một số đề tài quen thuộc song vẫn còn thích hợp cho các dự án mới cũng như tái sử dụng thích ứng.


Bối cảnh lịch sử
 

Vào giữa những năm 1840, Hồng Kông là một trong số các điểm phân phối hàng hóa quan trọng của Đế Chế Anh tại vùng Viễn Đông. Sự phát triển về đất đai là một nguồn thu chủ yếu cho chính quyền. Các doanh nghiệp tài chính và kinh doanh, quân đội và chính phủ đã án ngữ những vị trí nổi bật trong quận trung tâm và cho xây cất thành những tòa nhà mang tính cột mốc trong bức tranh tổng thể về đô thị. Những công trình này được xây dựng theo tiêu chuẩn rất cao. Tại lễ khai trương công trình Tòa Án Tối Cao năm 1912, viên quan Toàn Quyền Frederik Lugard nhận xét rằng “Những tòa án như thế này cần rất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng. Những mảng tường đá hoa cương rất lớn và những trụ khổng lồ cũng được ốp đá đã giúp công trình vươn lên một cách ngạo nghễ và không có công trình nào khác ở vùng Viến Đông sánh kịp - đây là một công trình kỳ vĩ mà chúng ta có thể tự hào[2]. Thế hệ công trình thứ hai ở Hồng Kông và Thượng Hải được xây dựng vào năm 1935, người ta đã đặt mục tiêu rằng tòa nhà ngân hàng này sẽ là công trình tốt nhất trên thế giới, với một khối tháp cao 220 ft – cao nhất bán cầu đông và có các thang máy di chuyển với tốc độ cao chạy điện [3].

Tuy nhiên, sự phát triển đất đai và bất động sản đô thị trong ba thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đã tạo ra một tác động không thể nào xoay chuyển được cho toàn bộ lãnh thổ Hồng Kông. Sự phá dỡ tòa nhà Bưu Điện cũ ở trung tâm năm 1976, nhà ga đường sắt Tsim Sha Tsui năm 1978 và Câu lạc bộ Hồng Kông năm 1981 là một vài ví dụ điển hình được nhiều người biết đến. Chỉ còn một vài công trình độc đáo thời thực dân là còn tồn tại đến ngày nay. Trong thời kỳ này, một số dự án trùng tu di tích lịch sử đã được thực hiện, hầu hết có liên quan đến nhà bản xứ mang phong cách làng quê Trung Hoa. Những dự án này có quy mô nhỏ và vị trí xa trung tâm. Có lẽ vì thế chúng ít thu hút sự chú ý của công chúng và cũng không mấy quan trọng.

Chính quyền Hồng Kông thời kỳ trước năm 2008 đã ra chính sách “tự do thực hiện” đối với việc tái sử dụng thích ứng. Những ví dụ ban đầu của xu hướng này cho thấy chủ công trình đề ra ý tưởng và đội ngũ tư vấn sẽ đáp ứng những yêu cầu thwo thứ tự ưu tiên. Một ví dụ hiếm hoi trong thời kỳ đầu này là dự án chuyển đổi lâu đài Douglas theo phong cách thời kỳ Tudor thành khu ký túc xá vào năm 1954 bởi Đại học Hồng Kông. Cơ quan chuyên trách bất động sản của chính phủ là đơn vị hành chính giúp chính phủ hoàn thiện hồ sơ xây dựng và đặt ra yêu cầu sử dụng vốn theo hướng tiết kiệm. Việc tái sử dụng đồn cảnh sát Stanley - được tuyên bố là công trình mang tính đền đài kỷ niệm năm 1984 - theo hai giai đoạn với hai chức năng khác nhau. Trước tiên công trình được cải tạo thành một nhà hàng, sau đó biến thành siêu thị. Điều này đã khơi dậy một cuộc bàn luận trong công chúng về cách thức sử dụng lại các công trình cũ sao cho hợp lý. Năm 2007 trụ Star Ferry bị dỡ bỏ và qua năm sau đến lượt cột Trung tâm Queen Central bị phá để lấy một phần đất của khu cảng Victoria làm dự án xây dựng đô thị. Hai sự kiện này đã châm ngòi cho những cuộc tranh luận về vấn đề bảo tồn di sản. Người ta đặt câu hỏi tại sao một cây trụ bê tông cốt thép vỏn vẹn có 49 năm tồn tại có chiều cao khiêm tốn tương đương với một tầng nhà lại thu hút được nhiều sự quan tâm chú ý của cộng đồng địa phương đến như vậy.

Hai chính sách của nhà chức trách sắp tác động lên thiên nhiên và chương trình dự án tái sử dụng thích ứng. Một ủy ban mới của Văn Phòng Di Sản được thành lập năm 2008 để bảo vệ, bảo tồn và làm sống dậy các khu vực có giá trị về lịch sử và những di sản đi kèm, thông qua việc tiếp cận thích hợp và mang tính bền vững hướng tới lợi ích của cộng đồng và sự tận hưởng những gì tốt đẹp mà đô thị đem lại cho các thế hệ hiện tại cũng như tương lai [4]. Những dự định mới được thực hiện, bao gồm kế hoạch hồi sinh các công trình lịch sử theo hình thức liên danh - đối tác cùng với những hỗ trợ về mặt kinh tế dành cho các công trình lịch sử sở hữu bởi cá nhân. Chính sách mà Ủy ban Hành pháp ban hành năm 2009 - 2010 đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự chuyển hóa hoặc tái phát triển quy mô lớn các công trình công nghiệp của tư nhân, đặc biệt là những công trình tọa lac ở những khu vực phi công nghiệp, để đáp ứng những nhu cầu kinh tế và xã hội thường xuyên thay đổi của Hồng Kông [5].

Các dự án sau có thể được xem như đi tiên phong và sự thành công của những dự án này - về một mức nào đó - có thể được tham khảo và qua đó tạo đà đẩy nhanh sự thực thi các chính sách mới của chính quyền.


Tòa nhà Tổng công ty EMSD

Sự chuyển đổi chức năng của tòa nhà Cảng Không vận Hàng hóa của Hồng Kông trước kia (HACTL 2) thành trụ sở làm việc của Cục Dịch vụ Điện lực và Cơ khí (EMSD) hoàn tất năm 2004. Đây là một sự chuyển hướng táo bạo, cho thấy một cơ sở công nghiệp bị bỏ hoang có thể được hồi sinh như thế nào. Được xây dựng năm 1991, tòa nhà HACTL 2 là một trung tâm vận chuyển hàng hóa phụ trợ gần sân bay Kai Tai có phong cách kiến trúc rất trang nhã và tinh tế. Tòa nhà này cho phép các xe tải chở hàng hạng nặng cao ngang với một tòa nhà 4 tầng tiếp cận để bốc dỡ hàng. Thiết bị nâng công-ten-nơ được lắp để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông. Bảy năm sau, sân bay cũ được di chuyển đến địa điểm mới là Chek Lap Kok. Tòa nhà rộng đến 70.000 m2 này trở nên vô dụng.


Trụ sở EMSD (Nguồn: Architectural Services Department, HKSARG)  

Đầu năm 1994, công trình có đối tượng sử dụng mới. Cấu trúc bê tông cốt thép được điều chỉnh để bố trí các văn phòng, xưởng sửa chữa xe, xưởng điện lực cung cấp chỗ làm việc cho khoảng 2.100 thợ. Sự tái sử dụng cấu trúc chịu lực của công trình giúp người ta tránh được việc thải ra ngoài môi trường 93.400 m3 rác xây dựng. Bằng cách gộp hai trung tâm điều hành trước kia trong một công trình, người ta đã nâng cao giá trị sử dụng thông qua sự vận hành và liên lạc. Sự đổi mới công trình bao gồm cả việc tổ chức lại các không gian chức năng và thêm vào đó những cấu trúc và thiết bị thân thiện với môi trường. Công việc chỉnh trang lại tòa nhà không chỉ tạo ra môi trường làm việc mới, đáp ứng những tiêu chuẩn mới nhất về môi trường đặt ra cho các công trình xây dựng (chẳng hạn như việc sử dụng tường bao che hai lớp có thông gió ở giữa và việc tối ưu hóa ánh sáng mặt trời ban ngày) mà còn cho người quan sát thấy được một tấm pin năng lượng mặt trời khổng lồ có diện tích 3.100 m2 theo hệ kẻ ô vuông được lắp trên mái. Năng lượng tái tạo đã được vận dụng trong ngữ cảnh đô thị đất chật người đông [6]. Để du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều hình thức và biện pháp tiết kiệm năng lượng khác nhau được áp dụng trong tòa nhà, người thiết kế đã tạo ra một hành lang cho du khách, dẫn họ đi từ bên ngoài vào bên trong rồi lên trên nóc nhà. 


Trụ sở Kom Tong 

Tòa nhà này là một khu chung cư riêng biệt sở hữu bởi nhà tài phiệt địa phương - ông Ho Kom Tong - trong những năm 1910 và được thiết kế bởi một kiến trúc sư Anh Quốc - ông A. C. Little, người đã kết hợp công nghệ hiện đại ở mức độ trung dung vào một tòa nhà xây gạch cao 4 tầng, phô diễn hệ khung thép bên trong với các tấm sàn bằng bê tông cốt thép, các ống máng chạy dây điện được xây theo kiểu cấy ghép cùng các tiện nghi hiện đại khác mà người ta ít thấy trong các công trình kiến trúc tại thời điểm đó.

  • Ảnh bên: Bảo tàng Tôn Dật Tiên (Nguồn: Architectural Services Department, HKSARG) 

Từ giữa những năm 1950, công trình này thuộc quyền sở hữu bởi một giáo hội - với chức năng là nhà lễ. Khi chính quyền Hồng Kông vào tiếp quản, họ đã không phá dỡ ông trình mà lại một lần nữa cải tạo tòa nhà thành Viện Bảo Tàng vinh danh nhà chí sỹ yêu nước Tôn Dật Tiên. 

Thách thức mà nhóm dự án phải đối mặt là làm cách nào để khôi phục những điều kiện ban đầu một cách tốt nhất trong khi vẫn tạo không gian cho các trang thiết bị hiện đại cần thiết, tránh việc làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính nguyên bản của công trình. Các chi tiết hiện đại cố định như hệ thống điều hòa, chữa cháy đã được xử lý khéo léo - giấu trong các lò sưởi và ống khói ban đầu. Vấn đề đặt ra là phải đạt được sự cân bằng giữa những yêu cầu hiện đại đối với một bảo tàng công và những đặc điểm lịch sử cần phải gìn giữ.

May mắn thay, ngay từ thời điểm dự án được khởi động, nhóm thiết kế đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng. Cách thức sử dụng mới trong một vỏ công trình cũ, có lẽ chưa phải là một giải pháp lý tưởng, song điều quan trọng nhất là đã lưu lại được những nét đặc trưng có một không hai của phong cách Trung Dung. Viện Bảo tàng hoàn tất năm 2006 và trở thành dấu mốc nhắc chúng ta nhớ đến quá khứ thuộc địa của Hồng Kông.


Tòa nhà Nexus 

Trước đây, công trình này là tổng hành dinh của ngân hàng Hang Seng, được xây dựng năm 1962 và tọa lạc ở một vị trí lý tưởng trong khu trung tâm. Tòa nhà này được rao bán năm 2006. Thay vì phá dỡ, chủ nhân mới đã ngay lập tức chi một khoản tiền 25,6 triệu đô la Mỹ để nâng cấp công trình. Kiến trúc sư đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng các tiềm năng của cả khu đất lẫn của công trình và tư vấn chủ đầu tư rằng giải pháp xen kẽ và đưa thêm các chi tiết vào công trình có thể là một việc làm mạo hiểm nhưng lại đem đến lợi ích. Ngoại trừ cấu trúc khung bê tông cốt thép, tất cả các thành phần cố định khác của công trình được thay thế bằng các thiết bị điện và cơ khí công nghệ cao với hệ tường bao. Với mục đích nâng cao giá trị sử dụng, ba tầng dành cho khối văn phòng được chuyển đổi mục đích sử dụng thành các gian hàng bán lẻ, kết quả thu được là một tòa nhà cao 18 tầng với những không gian văn phòng hạng A và khu vực thương mại. Năm 2009 tòa nhà được đưa vào sử dụng. 

  • Ảnh bên: Tòa nhà Nexus 


Tòa nhà China Resources 

Hoàn thành xây dựng năm 1983, công trình đạt độ cao 43 tầng và là một trong số những tòa tháp cao nhất trong khu vực Wanchai mới khai thác, có tầm nhìn đẹp trông ra bờ vịnh Hồng Kông. Công trình tọa lạc trên đại lộ Cảng Biển luôn bận rộn và kết nối với quận Wanchai cổ kính bằng một hệ thống đường đi bộ được nâng lên nhiều cấp. 

Công việc nâng cấp cải tạo được tiến hành dần dần trong quãng thời gian 20 năm bởi những người thuê nhà. Chủ nhân mới nhận ra rằng để có thể duy trì được tính cạnh tranh, cần phải làm một điều gì đó để giữ lại những người thuê nhà hiện nay và thu hút những doanh nghiệp và các loại hình kinh doanh mới.  Công việc làm mới công trình một cách bền vững có thể sẽ đem lại thêm nhiều lợi ích. Vì thế, chủ nhân của công trình đã khởi thảo một nghiên cứu điều tra chi tiết và chủ trương nâng cấp các trang thiết bị công trình và lựa chọn áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế bền vững mới nhất. Đây là dự án làm mới công trình đầu tiên ở Hồng Kông đạt được chứng chỉ LEED Core và cấp độ đánh giá Shell Gold [7].


China Resources Building, Wanchai 

Kết quả nghiên cứu kết luận rằng bằng cách lựa chọn các thiết bị tiết kiệm nước, nâng cấp các thiết bị điện và cơ khí và xây hệ tường bao được chế tạo có những đặc tính kỹ thuật tiêu chuẩn cao sẽ giúp giảm chi phí vận hành và tăng giá trị tài sản. Công trình còn được xử lý về mặt cảnh quan và đưa thêm yếu tố tạo hình là nước để tạo cảm giác thư giãn thoải mái cho người đi ngang qua. Theo kế hoạch vào cuối năm 2011 công trình này sẽ được vận hành và sẽ là một điểm nhấn quan trọng và ghi lại dấu ấn về một bản thiết kế cải tạo nâng cấp công trình theo mô hình kiến trúc bền vững. 


Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Savannah – Khu học xá Hồng Kông

Sự tái sử dụng khu phía bắc Cửu Long trước kia - một tòa án cũ - là một trong số 7 dự án tranh thủ được sự hỗ trợ của dự án khôi phục đô thị. Mục đích của dự án là bảo tồn và đưa vào sử dụng có hiệu quả với các công trình mang tính lịch sử với các trang thiết bị tiên tiến và còn nâng tầm những công trình này thành những biểu trưng văn hóa độc đáo [8]. Các tổ chức phi lợi nhuận được mời gọi đóng góp các đề xuất, còn chính quyền thì cung cấp các nguồn tài chính, chi trả cho các chi phí của các hạng mục quan trọng và cả những chi phí vận hành. 


Tòa nhà SCAD – Hong Kong 

Khu vực tòa án này được khởi công từ năm 1960 nhưng bị bỏ trống 45 năm sau vì lý do hợp nhất vận hành. Các khoảng sân, các phòng giam giữ và văn phòng được tái sử dụng để giảng dạy, trung bày và các mục đích hành chính. Sự lưu thông được tách bạch dành cho bồi thẩm đoàn, bị cáo và những người tham dự phiên tòa, được làm thích ứng một cách khéo léo.  Những người có trách nhiệm đã cân nhắc một cách chi ly các yêu cầu vận hành trong điều kiện hạn chế về không gian trong công trình: 3 không gian phòng xử cao 2 tầng trước đây được phân chia theo chiều đứng thành các khu vực giảng dạy, 2 thang máy được lắp đặt để phục vụ cho 7 tầng nhà. Sự điều chỉnh về mặt kết cấu này đã được thẩm định và ưu tiên hơn các yếu tố khác. Người ta cũng quyết định sẽ bố trí các phòng máy bơm phục vụ công tác chữa cháy, nơi để các bồn nước, hệ thống điều hòa trong một không gian có kết cấu riêng biệt nằm ngoài tòa nhà chính. Đây là một giải pháp hoàn toàn hợp lý xét về yêu cầu bảo dưỡng và quan điểm thẩm mỹ. Một khoảng mở lấy ánh sáng và thông gió vào thang máy vẫn được giữ lại với tấm chắn trong suốt chống mưa hắt. Giải pháp này đã tiết kiệm cửa mái lấy ánh sáng.

Khoảng không gian này được ngăn riêng và chuyển thành phần hậu cảnh để trưng bày các đồ án hay tác phẩm nghệ thuật của sinh viên. Sự chuyển dạng trong công trình này đã đạt được sự cân bằng hài hòa và cho thấy những nỗ lực sáng tạo của các bên có liên quan tham gia.


Kết luận

Từ những ví dụ điển hình được lựa chọn để minh họa, công chúng có thể chứng kiến những gì tốt nhất của một công trình cũ được hồi phục ra sao và nâng cao như thế nào để phù hợp với tính chất sử dụng mới. Bỏ không những công trình cổ có thể sẽ gây tổn thương về tình cảm trong cộng đồng dân cư, bởi vì những công trình cổ đó chứa đựng những giá trị phi vật thể quý báu đối với họ. Phá bỏ những công trình ấy sẽ còn tồi tệ hơn, vì tâm hồn của cộng đồng sẽ bị hủy hoại [9]. Phương pháp luận của việc tái sử dụng thích ứng là một đề xuất thực tế để có thể nâng cao hiệu suất và tính năng sử dụng cũng như kéo dài tuổi thọ của công trình. Những phần làm thêm, qua nghiên cứu chi tiết, sẽ cung cấp các tiện ích mới và cho thấy dấu tích của quá khứ, để khơi gợi lại nỗi hoài cổ và giá trị lịch sử cho những đối tượng sử dụng về sau.

Ngành công nghiệp xây dựng là những hoạt động đòi hỏi sử dụng nhiều nguồn lực. Các kiến trúc sư có năng lực với tư cách là những chuyên gia hàng đầu cần tư vấn cho các chủ đầu tư để tối ưu hóa những nguồn lực xét trên quan điểm ngắn hạn lẫn dài hạn. Trong các bản thiết kế công trình mới, các đặc tính và yêu cầu về không gian sẽ cao hơn và do đó cần được cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng. Chỉ một từ ngắn gọn là “sang trọng” đã bao hàm trong đó rất nhiều ý nghĩa: sức chứa lớn hơn, khoảng không phía trên cao hơn, các khu vực được bố trí tốt hơn cho các loại hình dịch vụ, ... và sẽ đem lại những giá trị mới cho công trình mà không gì có thể thay thế được.

KTS Kevin Pui K Li 
(Tham luận tại Diễn đàn Kiến trúc Châu Á - Forum Arcasia 16 - TP Đà Nẵng, 8/2011)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Lathan, Derek, Creative re-use of Buildings, volume 1, Donhead, 2000
[2] Dyson, Anthony, Commemorative Booklet for the Opening of the Legislative Building, Government Information Services, 1985, p. 30
[3] Lambot, Ian, Norman Foster Foster Associates Buildings and Projects, volume 3, 1978 – 1985, Watermark, 1989, p. 128
[4] Extracted in Commission for Heritage’s Office website dated 11 July 2008 http://www.heritage.gov.hk/en/heritage/statement.htm
[5] The 2009-10 Policy Address, Policy Agenda, Government Logistics Department, 2009, p. 9
[6] Ho, S.K. et al, Performance Evaluation of a Large Building Integrated Photovoltaic System in Hong Kong, ICEE paper, July 2007
[7] Beard, Amber M, The China Resources Building, Sustainable Renovation, Paper presented in C40 Hong Kong Workshop, November 2010
[8] Extracted from Commissioner for Heritage’s Office website dated 11 July 2008: http://www.heritage.gov.hk/en/rhbtp/about.htm
[9] Rebuilding Community, A Best Practices Toolkit for Historic Preservation and Redevelopment, The National Trust for Historic Preservation, 2002, P.3 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo