Đối với những khu ổ chuột chật chội và đông đúc của Brazil, không gian công cộng chỉ là một khái niệm tương đối. Trẻ em chơi đùa loanh quanh khu vực phòng ngoài, còn những lối đi và đường vào các căn hộ thường bắt buộc phải đi xuyên qua nhà người khác, và công viên thì thực là không tồn tại. Nếu có một không gian nào còn trống thì nó sẽ được dùng làm nhà ở, cho dùi đó là những nơi không an toàn. Nhưng khi những trận lở đất hay lũ lụt quét đi những ngôi nhà này thì một cơ hội lại xuất hiện.
Đó chính là ý tưởng dẫn đến sự ra đời của Trung tâm sinh hoạt cộng đồng Grotao, hiện đang xây dựng ở khu favela(*) mang tên Paraisopolis thuộc thành phố Sao Paolo, do tổ chức Urban-Think Tank chịu trách nhiệm thiết kế. Dự án này hướng tới việc tạo ra một công trình không gian công cộng linh hoạt cho cộng đồng này.
Một favela ở Caracas và công trình Metro Cable của Urban-Think Tank
Alfredo Brillembourg, người đồng sáng lập U-TT, phát biểu: “Không gian công cộng là yếu tố then chốt, vì đó chính là cái họ thiếu. Nơi này đã bị xây dựng quá đà, mật độ rất cao và chúng ta phải tìm những cách tận dụng những không gian nhỏ nhoi còn lại.”
Khu vực có đến 40 ngàn người sinh sống này nằm trên một sườn đồi dốc kéo dài xuống một khu lòng chảo, một địa hình thiếu an toàn mà đợt lũ gần đây đã tàn phá nghiêm trọng khu dân cư. Các căn nhà bị quét đi đã tạo ra một khoảng trống mà Brillembourg và đội ngũ thiết kế đa ngành của mình đã nhìn ra cơ hội cho một không gian công cộng hoàn thiện. Dự án tâp trung vào việc tạo các bậc thang trên sườn đồi để làm một chuỗi các quảng trường và sân chơi, và một sân khấu bán nguyệt ở dưới đáy lòng chảo, cũng là nơi đặt trung tâm cộng đồng, trường dạy nhạc và các không gian công cộng khác.
“Chúng tôi ngay lập tức hình dung nó là một vị trí hoàn hảo cho một sân khấu ngoài trời, đó cũng là cách để gia cố ngọn đồi và tránh các nguy cơ”, Brillembourg nói.
Dự án này vừa được trao giải vàng cấp vùng của Quĩ Holcim cho các hoạt động xây dựng bền vững với mục đích vinh danh những dự án “thể hiện được khả năng đáp ứng những ý niệm cơ bản về xây dựng bền vững và cân bằng được các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.”
Chính quyền thành phố Sao Paulo là đối tượng cấp vốn cho dự án, sẽ bước vào giai đoạn hai vào tháng tới. Đối với Brillembourg, việc có được hỗ trợ từ chính quyền là điều quan trọng, nhưng quan trọng không kém là phản hồi từ người dân địa phương. Ông nói họ đã làm việc với cộng đồng dân cư để giúp gầy dựng một ban nhạc giao hưởng cộng đồng để tận dụng sân khấu và trường nhạc.
Brillembourg và người đồng sáng lập Hubert Klumpner đã thực hiện các dự án về các khu ổ chuột trên khắp Nam Mĩ trong 10 năm qua. Họ đã thiết kế hệ thống cáp treo khoang hở Metro Cable vừa khánh thành ở Caracas, cũng như hệ thống toilet khô cho những khu vực phát triển tự phát và một loạt các “trung tâm thể thao thẳng đứng” để tạo ra những không gian vận động trong những khu vực mà đất đai có sẵn bị hạn chế. Mô hình nhà chơi thể thao thẳng đứng đã được giới thiệu trong triển lãm Design with the Other 90%: Cities tại Liên Hiệp Quốc, mà Allison Arieff đã có lần nói đến trên báo này.
Những dự án về khu ổ chuột của U-TT là một phần trong các nghiên cứu và thử nghiệm liên tục với mục đích tạo ra một bộ các giải pháp chiến lược để các thành phố sử dụng cho việc cải thiện môi trường sống thiếu chất lượng của mình.
Brillembourg nói, “Trong các nhiệm kì bốn năm, hay ở một số nơi thuộc Nam Mỹ là ba năm, các thị trưởng không có khả năng định hình, phát triển dự án và nâng cấp chúng thành những giải pháp bền vững tối ưu. Nên chúng tôi nói, sẽ thế nào nếu chúng ta có thể thiết kế những nhóm công trình thể hiện được vai trò như những bộ giải pháp nhiều thành phần mà bất cứ thành phố có thể sử dụng hoặc cải tiến?”
Công việc ban đầu của nhóm phần lớn được thực hiện ở Caracas, vốn là quê nhà của Brillembourg, nhưng sau đó nó đã được mở rộng ra nhiều nơi khác. Ông nói rằng khi dân số đô thị gia tăng và các khu ổ chuột lan rộng thì công việc của ông càng có nhiều cơ hội ứng dụng trên thế giới.
“Khi chúng ta bắt đầu cải tạo các favela, bởi nó sẽ cần một cơ sở hạ tầng hoàn thiện, chúng ta cũng có thể bắt đầu suy nghĩ về một thành phố thế kỉ 21 với nhiều lớp (không gian) và ranh giới giữa công cộng và riêng tư bị xóa nhòa”, Brillembourg nói.
Ông khẳng định, cái cách chúng ta suy nghĩ về khu ổ chuột cũng cần được nâng cấp chẳng khác gì chính bản thân các khu ổ chuột đó.
Nguyễn Thanh Việt (dịch từ The Atlantic Cities) - ảnh: Holcim Foundation
Chú thích: (*) Favela: khu ổ chuột bám trên các sườn đồi đặc trưng ở các nước Nam Mĩ
- Lỗ nặng vì đầu tư vào tòa nhà cao nhất thế giới
- Gardens by the Bay - kỳ quan nhân tạo của Singapore
- Luật Đô thị - Phân vùng (zoning) của Mỹ
- Venice, cả thành phố là nấm mồ
- Thư Ba Lan: Euro 2012, đòn bẩy hay cú đấm?
- Xây bảo tàng, đẳng cấp mới của đại gia châu Á
- Geneva, toàn cầu mà như thị trấn
- Đi xem con đường tơ lụa biển Đông
- Stockholm - thành phố xanh nhất châu Âu
- Quản lý an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng