Một “Singapore mới” đang được xây dựng trên một khu vực có diện tích 2.217km2 ở bang Johor, Malaysia. Đây là dự án “Hành lang phát triển kinh tế” Iskandar của Malaysia được khởi công từ năm 2006, sẽ hợp nhất các thị trấn, cảng biển và sân bay hiện nay với các dự án mới đang được triển khai.
Dự án Iskandar có diện tích 2.217 km2 ở bang Johor với khoản đầu tư lên đến 28 tỷ USD dự kiến hoàn thành vào năm 2027. |
Khu phức hợp trị giá 28 tỷ USD này được đánh giá sẽ định hình lại nền kinh tế khu vực khi đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, và trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng tìm kiếm nguồn tài nguyên như lao động, đất đai và vốn.
Nhất là vào thời điểm người khổng lồ Trung Quốc đang tăng cường tiềm lực cho các đặc khu kinh tế. Chẳng hạn, mới đây, Trung Quốc đã xây dựng khu kinh tế với Qianhai tổng diện tích 15 km2, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Qianhai là bước thử nghiệm của Trung Quốc tiên phong thử nghiệm tự do chuyển đổi đồng nhân dân tệ.
Riêng đối với Malaysia, Iskandar là cơ hội để đảo ngược một thập kỷ tăng trưởng mờ nhạt. Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng gần 9% từ đầu thập niên 90 cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia này đã giảm còn khoảng 5% trong vài năm qua.
“Chúng tôi đang ở một ngã tư. Chúng tôi không còn tập trung vào xây dựng một quận tài chính lớn nữa, mà thay vào đó, hướng tới những ngành công nghiệp giàu tính sáng tạo”, ông Idris Jala, cựu Giám đốc Điều hành hãng dầu Shell, hiện giữ vị trí Bộ trưởng Nội các phụ trách kinh tế Malaysia, nói về dự án Iskandar.
Singapore cũng có lý do để đầu tư hàng chục tỷ USD cho người láng giềng của mình. Một thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã đẩy giá đất và chi phí lao động của Singapore cao hơn bao giờ hết, đe dọa khả năng cạnh tranh của quốc đảo.
Hành lang kinh tế Iskandar - một thành phố có diện tích gấp 3 lần Singapore và được coi là một Singapore mới ở giữa lòng Malaysia, có giá thuê đất và chi phí lao động chỉ bằng 1/3 giá ở Singapore.
Vì thế, các công ty đa quốc gia như Seagate, Foxconn, Flextronics và Halliburton đã di chuyển tới Iskandar để tận dụng các ưu thế của đặc khu kinh tế này. Cho đến nay, Iskandar đã thu hút 28 tỷ USD cam kết đầu tư, trong đó 12 tỷ USD đã được giải ngân.
Nhằm tăng cường hệ thống giao thông, giảm căng thẳng chính trị, ngày 5/1, lãnh đạo Malaysia và Singapore nhất trí xem xét kế hoạch xây một đường hầm xuyên quốc gia. Năm ngoái, hai nước cũng nhất trí hợp tác triển khai dự án cơ sở hạ tầng trị giá 9,8 tỷ USD, và xây một tuyến đường sắt nối với bang Johor ở miền nam Malaysia. Tuyến đường này dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018.
Quan hệ Malaysia - Singapore có dấu hiệu cải thiện rõ rệt kể từ năm ngoái. Nhưng chia sẻ lợi ích kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng có thể không đủ để đảm bảo thành công của Iskandar.
Gần nửa thế kỷ trước, Singapore cũng “khai thác triệt để” nguồn tài nguyên của Malaysia trong tham vọng phát triển của đảo quốc. Chính mối quan hệ bất cân xứng này dẫn đến bất hòa giữa hai quốc gia láng giềng thân cận. Vì thế, mô hình Iskandar chỉ thành công nếu hai quốc gia tạo được mối quan hệ bình đẳng./.
Thụy Kha
- Những thành phố trả tiền cho cư dân đến sống
- Đánh giá tác động y tế công cộng của dự án, trường hợp BeltLine ở TP Atlanta (Mỹ)
- Học được gì từ những hệ thống xe buýt đô thị ở Mỹ
- Công viên đô thị giúp tăng cường trí não của bạn như thế nào?
- Hà Lan: Ghi lại "tiểu sử" của những cái cây đã chết
- Có một công viên Thế vận hội xanh
- Khi Monaco... lấn biển
- Ngôi làng nghệ thuật Heyri ở Hàn Quốc
- Thị trấn ma ở đất nước "siêu nghèo" Angola
- Lỗ nặng vì đầu tư vào tòa nhà cao nhất thế giới