Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Tốn kém bao nhiêu khi sáp nhập một đô thị?

Tốn kém bao nhiêu khi sáp nhập một đô thị?

Viết email In

Làn sóng xây dựng mới cùng sự chuyển dịch theo hướng bền vững của nền kinh tế vốn phụ thuộc dầu mỏ đã khiến Houston trở thành một trong những thành phố tăng trưởng nhanh nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, những khu vực xa hơn như The Woodlands cũng góp phần không nhỏ vào tốc độ phục hồi kinh tế và tăng trường dân số liên tục của thành phố.

Trong thập kỷ vừa qua, số cư dân ở khu vực ngoại vi này đã tăng gấp đôi, từ 56.000 năm 2000 lên 112.000 năm 2011. Tuy nhiên, dù là một đô thị có chức năng hoàn chỉnh cho hơn 100.000 người, The Woodlands vẫn không phải là một thành phố đúng nghĩa. Nơi đây theo quy hoạch tổng thể vẫn là một khu đô thị (township) hay khu vực tập trung dân cư (census designated place-CDP), và là một trong số ít những khu ngoại ô phát triển thời hậu Levittown mà hiện vẫn tiếp tục tăng trưởng.

George P. Mitchell, vị tỷ phú người Texas được biết đến với như người đi đầu trong phương pháp khai thác khí thiên nhiên theo phương ngang với tên gọi “fracking”(*), là người đã nảy sinh ý tưởng và thành lập The Woodlands vào năm 1974 như một bước mở rộng của tập đoàn Mitchell Oil and Development. Dự định ban đầu chỉ là ở dành cho các chuyên gia ở Houston, nhưng cơ sở hạ tầng đầy đủ như các hồ bơi công cộng hay đường phố nhiều cây xanh đã nhanh chóng thu hút các công ty vận tải biển hay dầu khí đến lập văn phòng mới.

Cho đến năm 2000, hơn một phần ba diện tích văn phòng đang xây dựng ở Houston tập trung ở The Woodlands. 12 năm qua, những công ty như Chevron Phillips, ExxonMobil và Maersk đã bắt đầu hoặc hoàn thành xây dựng những trụ sở lớn, cùng thời điểm với các hoạt động thương mại nở rộ dọc theo con kênh chính của khu đô thị với nhà hàng, cửa hiệu và các khu tổ chức sự kiện ngoài trời. Ngày nay, người ta di chuyển đến The Woodlands làm việc nhiều hơn là ngược lại.

Đô thị này vận hành như một tổ chức kinh doanh hơn là một đơn vị chính quyền.

Điều này có gì đáng chú ý? Thứ nhất, The Woodlands là một trong những trường hợp đặc biệt của Mỹ trong việc cân bằng chi phí và lợi ích của việc sáp nhập đô thị. Theo Bruce Tough, người đứng đầu Ban giám đốc khu đô thị gồm bảy thành viên thì khu đô thị này cho thấy một thành công chưa từng có về chất lượng điều hành, dịch vụ công và môi trường. Chỉ 20 năm sau khi ra đời, đô thị này đã giành giải xuất sắc từ Viện nghiên cứu đất đai đô thị và giải vàng tại giải thưởng Khu đô thị đáng sống. Cư dân nơi đây có hơn 300km đường dành riêng cho xe đạp và đi bộ. Hơn 20% diện tích khu đô thị được dành cho công viên, vành đai xanh và sân gôn.

Có lẽ điều ấn tượng và khác biệt nhất của The Woodlands với những khu đô thị mới cùng nhận tiền viện trợ từ chính phủ trong những năm 1970, trong đó có Columbia ở bang Maryland và Reston ở bang Virginia, là, đây là đô thị duy nhất trả được nợ cho chính phủ và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Dù những khu đô thị kia vẫn tiếp tục tồn tại, The Woodlands vẫn là một điển hình của chủ nghĩa đô thị mới.

Không giống những  trường hợp thành công trước đây như Irvine ở California, The Woodlands chủ động không để mình nhập vào Houston hay trở thành một thành phố độc lập, dù đây là vấn đề thường được đặt ra giữa những nhà đầu tư lẫn người dân hay thành phố Houston, nơi cung cấp những dịch vụ đô thị như cấp nước, thu gom rác thải và cảnh sát cho The Woodlands. Tough cho biết những giao ước về dịch vụ công từ Houston và cách đô thị này vận hành như một tổ chức kinh doanh hơn là một đơn vị chính quyền là những lý do chính để The Woodlands không cần phải sáp nhập. Houston đồng ý sẽ không sáp nhập The Woodlands trong vòng 50 năm tới. Bù lại, đô thị này phải trả cho Houston các khoản phí dịch vụ đô thị.

Đối với người dân, việc cân nhắc có nên sáp nhập hay không chủ yếu là vấn đề tài chính. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trở thành một thành phố độc lập có thể làm tăng thuế bất động sản ở The Woodlands từ 32,5 cent lên 58,14 cent, thậm chí là 81,5 cent tính trên giá trị 100 đô. (Thuế bất động sản ở Houston dao động quanh mức 63 cent.) Các chi phí sẽ bao gồm phí duy tu đường sá, xây dựng hệ thống cấp nước và xử lý nước thải và thành lập một sở cảnh sát riêng. Tính toán sơ bộ cho các dịch vụ căn bản đó lên đến vài trăm triệu đô và người dân lo ngại rằng nó sẽ được tính vào tiền thuế họ phải trả hàng năm.

Nick Wolda, Giám đốc phụ trách các vấn đề dân cư của The Woodlands nhận xét rằng khuyết điểm lớn của một khu vực với mức phát triển nhanh như Woodlands chính là sự thiếu vắng chính quyền đô thị với quyền xác lập và duy trì pháp luật. Tough cũng có cùng nhận định và nhắc đến trường hợp thành phố New York cấm các sản phẩm nước uống chứa đường lớn hơn 450g, một điều luật mà cá nhân ông cho rằng vớ vẩn nhưng lại là ví dụ cho một điều luật địa phương mà The Woodlands không thể nào đề xuất, thông qua và thực thi được. Khi đô thi này mở rộng lên quy mô 130.000 dân theo kế hoạch, ông cho rằng việc xem xét lại sự cần thiết của hệ thống pháp luật địa phương và quyền lực thực thi chúng sẽ là một vấn đề mấu chốt.

Hiện tại thì người dân The Woodlands có thể yên tâm. Với dân số đang có thì đây là một trong những đô thị có thuế thấp nhất nước Mỹ nhưng vẫn đảm bảo dịch vụ đầy đủ và tốt hơn những đô thị tương tự. ở đây không có thuế thu nhập địa phương, và Texas là một trong bảy bang không có thuế thu nhập tiểu bang. Phần lớn tiền thuế đến từ hoạt động buôn bán cho những du khách đến thăm khu mua sắm và giải trí ở trung tâm.

Một khi những khu đô thị như Woodlands còn phát triển thì mô hình này sẽ tác động và thay đổi những đô thị tương tự. Ngay trong năm nay, Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ đã xác định khu vực xung quanh The Woodlands và khu Coroe thuộc hạt Montgomery là một “khu vực phát triển giao thông khổng lồ”, giúp nó có thể nhận được trợ cấp giao thông từ liên bang.

Vào tháng 8, Ban giám đốc The Woodlands đã biểu quyết dời lại việc cân nhắc sáp nhập cho tới sau năm 2014. đây sẽ là cơ hội đầu tiên để khu đô thị này quyết định liệu có nên thay đổi chính thức mô hình tổ chức: nhập vào Houston hay tiếp tục tồn tại như hiện nay. Bruce Tough có thể gọi The Woodlands là “một hình mẫu cho các thành phố trong tương lai,” nhưng không nhất thiết mãi mãi nó là như thế.

Brittany Shoot (The Atlantic Cities) - Nguyễn Thanh Việt dịch

Chú thích: (*) Kỹ thuật thủy lực bẻ gãy, còn được gọi là “fracking”, thực tế là việc bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đất đá, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá. Kỹ thuật này được cho là chìa khóa chính giúp người ta khai thác tiềm năng dầu khí kể trên. Phần nước thải trào lên từ những giếng khoan này sau đó sẽ được đổ vào các giếng khoan khác dùng chung kỹ thuật. (trích từ Vietnam+)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo