Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Myanmar - điểm sáng ở “Davos châu Á”

Myanmar - điểm sáng ở “Davos châu Á”

Viết email In

Xây dựng lòng tin chiến lược từ chính nhân dân mình, đón bắt xu thế dân chủ thời đại, một thế hệ lãnh đạo dám vượt lên chính mình của Myanmar đang viết tiếp câu chuyện cổ tích hiện đại ngay tại diễn đàn kinh tế thế giới đầu tiên này.

Từ ngày 5-7/6, hàng trăm nguyên thủ quốc gia trong số chừng 900 đại biểu từ hơn 50 đất nước đến Naypyidaw, thủ đô mới của Myanmar để dự diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á. Những cải tổ ngoạn mục mà chính phủ của Tổng thống Thein Sein thực hiện như trả tự do cho tù chính trị, để bà Aung San Suu Kyi trở lại chính trường, ngưng bắn với các lực lượng nổi dậy sắc tộc thiểu số... đã được thế giới, nhất là phương Tây hưởng ứng bằng việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Myanmar.  


Cải cách vẫn chưa làm thay đổi cuộc sống người dân Myanmar
(Ảnh: AP)
 

Cuộc trắc nghiệm quốc tế đầu tiên 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến có bài phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể. Tin ghi nhận người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung vào những vấn đề nổi lên trong quá trình hội nhập ở khu vực, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, nhất là vấn đề tái cấu trúc kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. 

Hãng tin AFP mô tả hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài tranh thủ chen chân vào một thị trường đầy tiềm năng, nhưng chưa được khai thác với 60 triệu người tiêu dùng và một đội ngũ lao động giá rẻ. 

Sang năm, Myanmar sẽ nắm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN và trên vị thế này sẽ tổ chức nhiều cuộc họp thượng đỉnh quốc tế, với sự tham gia của các cường quốc châu Á – Thái Bình Dương, kể cả Hoa Kỳ. 

Chưa bao giờ, diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lại thu hút đông người dự như thế, theo ghi nhận của ông Sushant Palakurthi Rao, đặc trách về khu vực này của diễn đàn. Thủ đô non trẻ Naypyidaw (Myanmar chỉ mới dời đô vào năm 2005) đang trải qua một cuộc trắc nghiệm quốc tế đầu tiên.

Tuy nhiên, sự đón đợi quá lớn của giới doanh nghiệp ngoại quốc cũng tạo thêm áp lực đối với chính quyền Naypyidaw, bởi vì nước này đang phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Những vụ bạo động tôn giáo đẫm máu mới đây cũng đã gây lo ngại liệu tiến trình cải tổ có bị đảo ngược. 
 

Chia sẻ thịnh vượng 

Trong ba ngày diễn đàn, các đại biểu hiểu rõ hơn về mọi thách đố chờ đón xứ sở đang muốn viết lên câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Các đại biểu thật ra đã đối diện ngay với thực tế thô ráp, vì trong bản hướng dẫn đăng ký, ban tổ chức diễn đàn đã ghi rõ là ở Myanmar không có máy rút tiền cho người nước ngoài, không thể chi trả bằng thẻ tín dụng và sẽ không xài được điện thoại thông minh, vì không có mạng lưới điện thoại di động 3G. Chính thứ trưởng bộ Kế hoạch và phát triển của Myanmar Set Aung cũng nhìn nhận rằng: “Chúng tôi như đang ngồi trên đống lửa”. 

Dù sao, lịch sử Myanmar đang được chứng kiến một sự kiện quan trọng, đó là sau hơn sáu thập niên vắng mặt, tập đoàn nước giải khát Coca-Cola vừa quay trở lại Miến Điện với việc khai trương một nhà máy mới. Các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu gọi Myanmar là “biên cương cuối cùng”. Người ta có cảm giác một điều gì đó cần được khám phá về Myanmar, một nền kinh tế lớn cuối cùng tại châu Á sẽ được kết nối vào chuỗi cung toàn cầu. Một quốc gia với dân số như của Anh và Pháp, được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, và nằm trong khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, đang bắt đầu mở cửa. Chẳng có gì là lạ khi các công ty khác nhau, từ Visa đến Starbucks, đang tha thiết muốn vào đất nước này. 

Các đoàn đại biểu sẽ thảo luận về chủ đề “Chia sẻ thịnh vượng”. Nhưng khung cảnh bên ngoài Naypyidaw cho thấy cải cách vẫn chưa làm thay đổi cuộc sống người dân Myanmar. Một người nông dân 32 tuổi đang chăn trâu cách trung tâm hội nghị chỉ vài phút đi bộ nói với phóng viên AFP: “Cách sinh hoạt của chúng tôi chưa thực sự thay đổi mấy”. Khi được hỏi về diễn đàn Davos châu Á, người đàn ông này trả lời: “Tôi không hề hay biết gì”. Chuyên gia Sean Turnell từ trường đại học Macquarie của Úc, cảnh báo: “Những mong đợi là quá lớn”. Vị chuyên gia nhìn thấy trong sự hồ hởi này như một trong những nguy cơ mà Myanmar phải đương đầu, và so sánh diễn đàn lần này với sự nhập môn của một người nghiệp dư. 

Số liệu thống kê đã nói lên điều đó: chỉ khoảng 10% dân số có tài khoản ngân hàng. Kể từ khi mở cửa trong hai năm qua, 28 ngân hàng nước ngoài đã đặt văn phòng đại diện tại Myanmar. Điều đáng chú ý là chỉ có 6% dân số có một thiết bị di động. Chính phủ Miến Điện đang bán đấu giá giấy phép để nâng con số này lên 80% từ nay tới năm 2016. Tốc độ tăng trưởng như vậy trong vòng ba năm tới đang thu hút một số lượng lớn hồ sơ dự thầu, một trong số đó có tỉ phú George Soros. Nhưng đây cũng là nơi các nhà đầu tư gọi là “thị trường tiền đồn”, một nơi có rủi ro cao hơn khi làm ăn kinh doanh, so với các nền kinh tế mới nổi của các quốc gia có tiềm năng tăng trưởng đã được chứng minh. 

Trần Hiếu Chân (SGTT) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo