Trong các cuộc điều tra khác nhau từ nhỏ đến lớn, Singapore đã liên tục được các chuyên gia hàng đầu thế giới xếp hạng là đô thị năng động, phát triển bền vững và sống tốt trên toàn cầu. Ông Khaw Boon Wan - Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Singapore đã từng khẳng định: Xây dựng đô thị bền vững phải tập trung vào yếu tố con người - người dân phải xem Singapore là một môi trường tốt mà họ không tìm thấy ở bất cứ nơi nào.
Các nhà quản lý đô thị Singapore quan niệm "đô thị hóa là quá trình tất yếu, chúng ta không nên lảng tránh mà phải xem đó là những thách thức cho các doanh nghiệp tạo dựng nên hình ảnh đô thị thịnh vượng, sống tốt nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố bền vững với thời gian". Quy hoạch sáng tạo, thiết kế thông minh và phát triển bền vững là bài học thực tiễn quý giá của Singapore muốn gửi thông điệp đến các nhà quản lý đô thị trên toàn thế giới.
Đó là bài học về một quốc gia có tốc độ đô thị hóa đến “chóng mặt” nhưng lại mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng cao trong khi vẫn bảo toàn việc phát triển bền vững. Để có được kết quả tốt đẹp như vậy, các chuyên gia, các nhà quản lý vừa qua đã đúc kết ra 10 nguyên lý cơ bản nhất mà Singapore đã ứng dụng như sau:
1. Quy hoạch dài hạn và đổi mới - Một đô thị có mật độ dân số cao thường không có nhiều sự lựa chọn cho một quy hoạch hoàn hảo nhưng cũng chính vì thế mà các nhà quy hoạch cần phải tính toán kỹ lưỡng sao cho sử dụng hiệu quả cao nhất của từng tấc đất khan hiếm. Đó chính là sự kết hợp của quy hoạch dài hạn, chính sách đất đai phù hợp, có sự kiểm soát trong phát triển và thiết kế thông minh đã giúp Singapore phát huy tối ưu tính năng đô thị hóa trong khi vẫn mang tính thẩm mỹ và bảo tồn.
2. Khuyến khích sự đa dạng, phát triển toàn diện - Không nên “từ chối” sự đa dạng bởi đó chính là yếu tố đặc biệt tạo nên sự khác biệt và phong phú của một đô thị đông dân cư. Chính sự đa dạng làm nên cá tính của đô thị và làm cho mọi người sống gần gũi và tương tác lẫn nhau.
3. Đưa thiên nhiên gần gũi với con người – Cần phải tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị để giúp đô thị được “mềm hóa” các khía cạnh “thô cứng” của một khung cảnh đô thị đầy dẫy hàng loạt các cao ốc. Bằng cách áp dụng một loạt các chiến lược “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”…. Singapore hiện đang được che phủ mật độ cây xanh thuộc hạng cao nhất thế giới.
Cây xanh ở Singapore được quy hoạch ở khắp mọi nơi.
4. Tạo nên khu dân cư có mức sống giá cả phải chăng – Yếu tố này rất quan trọng bởi một đô thị nén phải thỏa mãn tính năng về giá cả phải chăng để người dân có thể có niềm tin về một cuộc sống của thành phố sống tốt. Các khu dân cư trong đô thị mới của Singapore luôn có sự kết hợp của phát triển công cộng và tư nhân với đầy đủ các cơ sở vật chất giá cả phải chăng.
5. Tối ưu hóa không gian công cộng - Singapore đã tìm cách phát huy triệt để tiềm năng của không gian công cộng bằng cách kết hợp hiệu quả giữa các hoạt động thương mại và giải trí để mang lại sự hài lòng cho người dân của mình.
6. Ứng dụng giao thông xanh và kiến trúc xanh – Singapore đã ứng dụng chiến lược năng lượng thấp trong các tòa nhà, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đây chính là chiến lược tổng thể nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và đảm bảo phát triển bền vững.
7. Tạo cảm giác bớt đông đúc - Singapore có sự kết hợp rải rác giữa các tòa nhà cao tầng với các tòa nhà thấp tầng, tạo ra một dải chân trời nhấp nhô nhưng không lộn xộn để tạo cảm giác bớt đông đúc trong một không gian chật hẹp.
8. Tạo cảm giác an toàn - Cảm giác an toàn và bảo mật là yếu tố làm nên chất lượng của cuộc sống bởi vậy Singapore luôn ứng dụng thiết kế đô thị tiện lợi, dễ dàng tiếp cận và an ninh đô thị để người dân có cảm giác bình an và không phải lo lắng ngay cả khi “đi sớm về hôm”.
9. Ứng dụng giải pháp/công nghệ sáng tạo - Là một đô thị đông dân và mật độ xây dựng dày đặc, Singapore luôn phải phải đối mặt với khó khăn về tài nguyên, vì thế buộc các nhà quản lý phải ứng dụng các giải pháp và công nghệ sáng tạo để đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân (ví dụ ứng dụng giải pháp cấp nước sạch mang tên NEWater).
10. Kết hợp chặt chẽ giữa các đối tác – Do khan hiếm đất đai, cộng đồng phải sống gần nhau, sự phát triển của một khu vực có thể sẽ ảnh hưởng đến khu vực bên cạnh. Vì thế, tất cả các bên liên quan cần phải hợp lực cùng nhau để tìm ra giải pháp sao cho không có những hậu quả đáng tiếc làm giảm chất lượng cuộc sống của các bên liên quan.
Trên đây là bài học quý giá từ mô hình phát triển đô thị của Singapore mà các nhà quản lý đô thị Việt Nam có thể tham khảo để có cái nhìn thiện cảm hơn về quá trình đô thị hóa – một quá trình tất yếu trước khi tiến tới là một quốc gia phát triển./.
Bắc Thái (Báo Xây dựng)
- Ấn tượng những công viên xanh ở New York
- Chính sách phát triển nhà ở xã hội của Hà Lan
- Myanmar - điểm sáng ở “Davos châu Á”
- Chiến lược phát triển xanh của Toronto
- Cận cảnh tắc nghẽn giao thông ở các nước trên thế giới
- “Đường chân trời thẳng đứng” (Hong Kong)
- Phát triển đô thị và kiểm soát ô nhiễm - Bài học của Nhật Bản
- Thủ đô Bogota - Tấm gương sáng trong quản lý đô thị
- Prambanan - di sản kiến trúc Hindu giáo
- Georgetown - trở về quá khứ