Một số doanh nghiệp sản xuất gạch không nung khu vực phía Nam cho biết sức tiêu thụ trong nước vẫn chậm và họ sống được là nhờ khai thác thị trường xuất khẩu.
Ông Phan Hoài Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Kỷ Nguyên E-Block, cho biết nhà máy công suất 150.000 mét khối tại tỉnh Long An của công ty này hoạt động khoảng 60% công suất trong bảy tháng qua với mức tiêu thụ đã cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông cho biết khoảng 80- 90% lượng hàng sản xuất ra được xuất khẩu sang các nước trong khu vực, chỉ một phần nhỏ còn lại bán tại thị trường trong nước.
Một căn nhà phố vườn tại Bình Dương do Công ty cổ phần đầu tư Nam Long xây dựng sử dụng 50% gạch không nung (Ảnh: Đình Dũng)
Vấn đề không phải thị trường nội địa không có nhu cầu, mà là do tình hình xây dựng bị ảnh hưởng từ sự trầm lắng của thị trường bất động sản, khiến nhiều chủ đầu tư không còn tiền để xây dựng dự án của mình.
Quy định mới bắt buộc các dự án có quy mô từ chín tầng trở lên phải sử dụng 30% vật liệu không nung loại nhẹ, và từ năm 2015 trở đi tỷ lệ này phải nâng lên 50%.
Tuy nhiên, quy định có hiệu lực từ ngày 15/1/2013 chưa giúp gì thị trường này, bởi quy định này chỉ áp dụng cho những dự án mới xin phép, không ràng buộc các dự án đang xây dựng dở dang. Hơn nữa, nhiều người dân vẫn quen xây nhà bằng gạch truyền thống, chưa để ý nhiều đến loại gạch mới này.
Ông Đàm Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vương Hải, cho biết các nhà cung cấp vật liệu xây dựng bị giới chủ đầu tư giam vốn hai năm nay, nên không mặn mà bán thiếu vào các dự án.
Giống như đồng nghiệp của mình, ông Tùng cho biết hiện công ty duy trì tỷ lệ xuất khẩu khoảng một nửa trong tổng sản lượng 60.000 mét khối sang thị trường các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan.
Hơn ba năm kể từ khi chương trình phát triển vật liệu xây không nung được phê duyệt, các nhà máy hiện nay có thể cung cấp hơn năm tỉ viên gạch không nung, trong đó gạch bê tông nhẹ khoảng 1,9 triệu mét khối.
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, sức tiêu thụ loại gạch này rất chậm, chỉ đạt khoảng 40- 50% công suất, một số công ty duy trì sản xuất nhờ tìm được thị trường nước ngoài.
Ông Thanh của E-Block cho biết việc xuất khẩu cũng không dễ bởi sẽ phải cạnh tranh dữ dội với sản phẩm của các nước khác.
Được biết một mét khối gạch bê tông nhẹ có giá bán khoảng 1,3 triệu đồng, gần gấp đôi giá gạch truyền thống, và giá xuất khẩu rẻ hơn mức giá bán trong nước khoảng 20%.
Không riêng gì gạch không nung, một số loại vật liệu xây dựng khác cũng đang tìm đường xuất khẩu vì cung vượt cầu.
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết từ nay đến năm 2018, năng lực sản xuất vật liệu xây dựng đang vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20- 30%, do vậy phải đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể, xi măng sẽ phải xuất khẩu từ 10- 15 triệu tấn, gạch ốp lát ceramic, granit từ 120- 130 triệu mét vuông, sứ vệ sinh từ 3- 4 triệu sản phẩm, kính xây dựng từ 40- 50 triệu mét vuông… đưa kim ngạch xuất khẩu lên trên hai tỉ đô la Mỹ.
Đình Dũng
- Panel cách nhiệt và giá trị gia tăng cho phế phẩm
- Vòng lẩn quẩn của vật liệu "xanh"
- Sản xuất gạch block từ SIT
- Tình hình sử dụng, sản xuất gạch không nung ở Quảng Trị
- Gạch bền vững - Nhà an khang
- Nhiều vật liệu xanh nhưng ít người dùng
- Sản phẩm “xanh” tại Vietbuild 2013
- Đầu tư liên kết để phát triển vật liệu xây dựng “xanh”
- Vật liệu xây dựng truyền thống từ cây tre - giá trị đáng tôn vinh!
- A&P Group cho ra đời vữa chống thấm Mova mới