Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Bất động sản Bất động sản đón gió hạ tầng

Bất động sản đón gió hạ tầng

Viết email In

Trái với không khí im ắng tại TPHCM, các dự án nhà đất ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai đang được mua bán nhộn nhịp, nhờ các công trình hạ tầng phát triển mạnh.Dự án khu chợ và khu phố chợ Thống Nhất ở ngã ba Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, Đồng Nai rộng 6,9 héc ta, cách TPHCM gần cả trăm km nên ban đầu cả chủ đầu tư lẫn sàn giao dịch lo ngại không có người mua, ế ẩm.

Ấy vậy mà hồi tháng 2, chủ dự án chào bán qua sàn giao dịch 100 lô đất nền thì trong 1-2 ngày người dân đăng ký mua sạch, còn hơn 200 lô còn lại thì do quá nhiều người đăng ký mua nên sàn giao dịch phải tổ chức bốc thăm.

Nhộn nhịp

Dự án khu chợ và khu phố chợ Thống Nhất do Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Thống Nhất làm chủ đầu tư, thuộc khu trung tâm hành chính – thương mại xã Xuân Thạnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa, nơi chào bán dự án, cho biết dự án có 317 nền nhà phố chợ có diện tích từ 100 – 231 m2, phục vụ nhu cầu nhà ở cho cư dân trong vùng.

  • Ảnh bên : Các nhà đầu tư đang xem xét các dự án thu hút đầu tư vào bất động sản ở Đồng Nai tại lễ ký kết liên kết ba sàn giao dịch bất động sản lớn của tình vào cuối năm 2009 (Ảnh: Hồng Văn)

Lợi thế của dự án là được đầu tư quy mô về cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông chính trong khu quy hoạch nối liền các đường nội bộ và tiếp cận tuyến đường giao thông huyết mạch của khu vực là quốc lộ 20. Trên bản đồ, nó nằm gần ngã ba Dầu Giây, giữa quốc lộ 1 hiện hữu, quốc lộ 20, quốc lộ 1 dự kiến (tránh ngã ba Dầu Giây) và đặc biệt là điểm cuối của đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.

Diện tích đất phù hợp, giá tiền vừa phải, 3-5 triệu đồng/m2, tính ra mỗi nền giá khoảng 300-500 triệu đồng nên dự án này thu hút sự quan tâm của người dân có thu nhập trung bình.

Trước đó, dự án khu dân cư Nhật Tường ở ngã ba Thái Lan thuộc xã Tam Phước, huyện Long Thành (nay xã này đã thuộc về thành phố Biên Hòa theo quy định mới ban hành của Chính phủ), có diện tích mỗi nền 80-145 m2, giá chào bán 3,1-3,7 triệu đồng/m2 chưa tính thuế đã được đăng ký hết 90%.

Bà Hương cho rằng thị trường bất động sản ở Đồng Nai đang sôi động nhưng chủ yếu là phân khúc thị trường có giá trung bình thấp, dưới 500 triệu đồng. “Giá tiền này phù hợp với số đông người dân, công nhân các nhà máy và dễ bán bởi họ mua bằng tiền tích lũy chứ ít lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng như phân khúc bất động sản giá trị cao”, bà nói.

Không chỉ sàn giao dịch bất động sản chỗ bà Hương “ăn nên làm ra” từ trước tết tới nay, mà sàn giao dịch bất động sản Donaland hay Sonadezi đều phát đạt. Hàng loạt dự án khu dân cư chào bán sôi động, trái ngược với các địa phương khác.

“Đón gió” hạ tầng

Dự án Nhật Tường ở Long Thành hay Thống Nhất ở Dầu Giây bán chạy không chỉ đơn thuần là giá phù hợp túi tiền của nhiều người, mà còn ở chỗ người dân nhìn thấy tương lai quy hoạch đô thị, giao thông, cơ sở hạ tầng.

  • Ảnh bên : Khách hàng đang trao đổi về nhu cầu mua bất động sản tại sàn Tinnghialand (Ảnh: Hồng Văn)

Các dự án ở huyện Long Thành hiện nay thì người dân nhìn thấy sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai, rồi hàng loạt con đường, cầu đi qua sông Đồng Nai, nối TPHCM với Long Thành; hay như dự án Thống Nhất thì đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây có thể trong tương lai sẽ biến ngã ba này thành một đô thị sầm uất.

Ông Trần Minh Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng là tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, lại là cửa ngỏ phía đông của TPHCM, cùng với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong tương lai, Đồng Nai có điều kiện thuận lợi hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới.

Hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Nai hiện là 1.316 đô la Mỹ, cao hơn 30% so bình quân chung cả nước, trên địa bàn thì có 34 khu công nghiệp với vốn đăng ký hiện lên tới 15,4 tỉ đô la Mỹ, trong đó đã giải ngân 7 tỉ đô la Mỹ.

Chúng tôi đứng đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp, đứng thứ tư về thu hút vốn đầu tư. Đây cũng là lý do kích thích thị trường bất động sản phát triển mạnh, bởi công nghiệp thu hút hàng triệu lao động tới Đồng Nai lập nghiệp; họ là khách hàng tiềm năng lớn của thị trường bất động sản”, ông Phúc nói.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có tới 257 dự án bất động sản, tập trung nhiều ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, gắn kết với quy hoạch hạ tầng trong tương lai. Các dự án này thu hút các chủ đầu tư từ các doanh nghiệp trong tỉnh như Tổng công ty Tín Nghĩa, Công ty Sonadezi, Liên hiệp hợp tác xã DonaCoop, Công ty D2D…. và các doanh nghiệp ngoài tỉnh lẫn nước ngoài như Hud, Udico, Licogi, Berjayar, VinaCappital, Keppel Land…

Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong một hội nghị về bất động sản gần đây ở Đồng Nai, cho rằng tỉnh này có tiềm năng phát triển thị trường bất động sản nhờ thế mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và quy hoạch cơ sở hạ tầng.

Đồng Nai sẽ có tốc độ đô thị hóa cao khi nhu cầu nhà ở cho chuyên gia, doanh nghiệp, công nhân, cùng với các dự án hạ tầng giao thông, đô thị lớn sẽ là lực đẩy cho thị trường bất động sản”, thứ trưởng Nam nhận định.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận cho tỉnh Đồng Nai mở rộng địa giới hành chính thành phố Biên Hòa về phía nam vào cuối tháng 2-2010, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số bốn xã của huyện Long Thành thì người dân chen chúc tới các sàn giao dịch để đăng ký mua bất động sản các dự án trên địa bàn Long Thành.

Hồng Văn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo