Dự kiến tháng 4.2010, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định (sửa đổi Nghị định 90) về một số quy định cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cho dù có nghị định mới ra đời, cũng khó có thể tạo ra một sự đột biến để thu hút Việt kiều về nước mua nhà. Tại sao?
Thoáng, nhưng không mới
Kế thừa các văn bản pháp quy trước đây về tính mở trong quy định đối tượng, tinh thần của bản Dự thảo nghị định về một số quy định cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam lần này khá thoáng.
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhưng mang quốc tịch Việt Nam thì được mua nhà ở như công dân Việt Nam, không hạn chế số lượng, loại nhà thông qua hình thức mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở hoặc được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án phát triển nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nhìn chung, đối với các Việt kiều còn giữ quốc tịch Việt Nam thì bình đẳng với người Việt trong nước trong việc mua nhà.
Dự thảo cũng quy định rõ các đối tượng được mua nhà, gồm: Người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; người có công đóng góp với đất nước, người được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi với người có công với cách mạng; người tham gia vào ban chấp hành các tổ chức chính trị-xã hội của Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc từ cấp tỉnh trở lên; nhà văn hóa trong tất cả các các lĩnh vực.
Các đối tượng nêu trên phải được Đảng, Nhà nước, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... mời về làm chuyên gia, cộng tác viên và có xác nhận. Người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt có giấy xác nhận về chuyên môn, kỹ năng của Hiệp hội nghề nghiệp Việt Nam hoặc của cơ quan cấp bộ phụ trách lĩnh vực chuyên môn, kèm theo giấy phép hành nghề tại Việt Nam...
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nhìn chung quy định về đối tượng rất thoáng, nhưng không mới. Chẳng hạn, từ 1.9.2009, Luật sửa đổi bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai đã có hiệu lực. Luật này cho phép mở rộng diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong nước.
Cũng theo các chuyên gia, dự thảo nghị định về một số quy định cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam thực chất chỉ là việc cụ thể hóa, gom lại một nhóm các vấn đề đã có trước đây trong nhiều văn bản khác nhau.
Nhen lên hy vọng
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - nhận xét: "Cho dù có nghị định mới về vấn đề Việt kiều mua nhà tại Việt Nam thì thị trường BĐS cũng khó có thể có những biến động lớn”.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu: “Chủ trương cho phép người nước ngoài mua nhà chỉ là một yếu tố kích thích thị trường nhà đất trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chứ chưa thể tạo sự sôi động cho thị trường nhà đất nói chung và thị trường căn hộ nói riêng. Bởi không phải Việt kiều nào, có đủ điều kiện được phép mua nhà ở Việt Nam sẽ mua nhà. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay, khi tham gia thị trường phải chịu thuế suất 2% trên tổng giá trị hợp đồng hoặc 25% trên lợi nhuận, thuế suất này đã khiến người trong nước còn phải e dè, huống gì là Việt kiều”.
Một doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư một dự án căn hộ cao cấp khá lớn, khi được hỏi về việc có kỳ vọng gì về những chính sách mới tác động lên thị trường BĐS, ông cho rằng: “Chẳng hy vọng gì cả”.
Ông lý giải: “Vài năm trước đây khi mới triển khai thực hiện dự án, đúng lúc có đề án cho phép người nước ngoài, Việt kiều ra đời, tôi cũng như nhiều chủ đầu tư khác cũng đã rất phấn khởi. Nhưng chỉ một thời gian sau, tôi đã sớm thất vọng, bởi tỉ lệ Việt kiều mua nhà trong các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM chiếm chưa đến một phần ngàn.
Theo tôi, vấn đề không phải do thủ tục quá khó khăn mà khiến số lượng Việt kiều mua nhà ở Việt Nam chưa nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ họ cũng có những khó khăn về tài chính giống như người Việt trong nước. Đại đa số Việt kiều để có đủ tiền mua nhà ở quốc gia họ đang sống đã là chuyện hết sức cố gắng rồi. Chuyện có thêm một ngôi nhà ở Việt Nam chỉ là ưu tiện số 3, số 4 của Việt kiều. Vì vậy theo tôi, để ngày càng có nhiều Việt kiều mua nhà ở Việt Nam thì phải có những giải pháp tài chính phù hợp".
Ngọc Huân
>>
- Bất động sản Đà Nẵng - Nha Trang: Cung, cầu chênh lệch
- Bất động sản đón gió hạ tầng
- Thị trường căn hộ trung bình - khá Quận Tân Phú, TP.HCM
- Người dân đóng thuế bất động sản tại doanh nghiệp
- Nhà ở theo Nghị định 61: Khó bán hết trước “giờ G”
- Thị trường địa ốc năm 2010: Kỳ vọng thời điểm giữa năm
- Năm 2010: “Sân chơi” của nhà giá thấp?
- Thị trường bất động sản: Nam chán, Bắc thèm
- “Tìm hiểu” thị trường văn phòng cho thuê 2010
- Nhà ở xã hội: Thước đo về chất của sự tăng trưởng