Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Kiến trúc Nhà ống, quá khứ và hiện tại

Nhà ống, quá khứ và hiện tại

Viết email In

Nhà ống hay nhà hình ống để miêu tả những ngôi nhà dài và hẹp đã trở thành bản sắc văn hoá của người Vìệt Nam chúng ta. Bài viết này không nói về cội nguồn của những ngôi nhà ống ở phố cổ Hà Nội. Ngược lại tôi rất quan tâm đến những ngôi nhà ống khi đất nước phát triển, những ngôi nhà ống bằng bê tông cốt thép mà tôi đã từng được sống và trưởng thành.

Ký ức tuổi thơ – nhà ống cơi nới

Tôi sinh ra tại Hà Nội vào khoảng giữa thập niên 70 khi đất nước chuẩn bị kết thúc hoàn toàn chiến tranh, những khó khăn về vật chất thì tất cả những ai trải qua thời kỳ này đã từng biết.

  • Ảnh bên : Ngôi nhà mái bằng bên trái được thiết kế cuối những năm 80, chậu hoa và các thanh bêtông để cho dây leo là các điểm nhấn của mặt tiền. Hai nhà bên được xây vào những năm 90, sự trở lại của mái chóp và các phào chỉ trên mặt tiền.

Ở thời kỳ này, đa số mọi người chỉ lo đến bữa cơm trong ngày mà chưa để ý gì đến kiến trúc, có một ngôi nhà để tránh mưa gió là được rồi. Quỹ nhà ở của Hà Nội lúc bấy giờ phần lớn là do Nhà nước cung cấp. Những ngôi nhà một tầng hình ống kiểu chia lô xung quanh nhà tôi đều do Nhà nước phân cho công nhân viên ở các nhà máy, xí nghiệp hay hợp tác xã. Nhà tôi thì đặc biệt hơn, bà nội tôi được thừa hưởng mảnh đất khá rộng của cụ tôi để lại. Sau khi rời làng Hoàng Mai lên Hà Nội sinh sống, cụ tôi đã mang theo kiến trúc đặc thù của làng miền Bắc. Ngôi nhà ba gian hai chái được xây dựng ở phần sau thửa đất để lại mảnh vườn rất rộng ở phía trước. Ba gian nhà ngói chính khang trang để sinh hoạt và ở hai chái còn lại một là garage để ôtô ở phía bên phải, phía bên trái là bếp. Cả hai đều được lợp mái tôn.

Khi bố mẹ tôi lấy nhau thì bà tôi nhượng lại căn bếp, cùng lúc phần garage cũng được dành cho gia đình cô tôi. Căn bếp 15m2 đã trở thành tổ ấm của gia đình tôi, chính nơi đây tôi đã được sinh ra.

Căn bếp nhỏ bé được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền. Có một cửa đi và một cửa sổ nhìn ra chiếc sân rộng phía trước nhà chính. Ngoài ra còn có một cửa đi phụ nối liền với hàng hiên của nhà chính để khi mưa bão mọi người không phải đi qua sân. Vì căn bếp đã được dùng để ở nên bố mẹ tôi dựng một túp lều bằng vách đất ở góc vườn để nấu nướng.

Tôi không nhớ rõ trong căn buồng có những đồ đạc gì, nhưng có một thứ tôi không thể quên được đó là chiếc giường cũ. Chiếc giường đôi gần như chiếm nửa căn phòng. Ngoài chức năng để ngủ, nhiều khi nó cũng là nơi để ăn và còn là chỗ để tiếp khách nữa.

Sau vài năm đi làm, bố mẹ tôi dành dụm được ít tiền, hơn nữa chiếc mái tôn đã cũ quá, nước mưa dột cả lên giường. Cùng với mấy chú ở cơ quan bố mẹ tôi tự đổ mái bêtông cho căn buồng. Cái thời kỳ mà ximăng và sắt thép còn quý hơn vàng đó thì việc đổ một cái mái bằng là việc hệ trọng lắm. Đó có lẽ là bài học đầu tiên của tôi về không gian, diện tích căn buồng vẫn thế nhưng trần nhà thì được nâng cao hơn hẳn. Không gian lúc đó trở nên khang trang và trịnh trọng hơn nhiều. Và một lần nữa trong chính căn phòng này em trai tôi ra đời.

  • Ảnh bên : Mặt tiền là nơi duy nhất để ánh sáng chiếu vào luôn bị đóng chặt, nếu không thì chúng cũng bị các biển quảng cáo che kín. Đây có lẽ là kiểu mặt tiền của những năm 2000.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với đường phố, cùng với mấy đứa trẻ con hàng xóm chúng tôi nghĩ ra đủ mọi trò chơi. Cái vỉa hè rộng thênh thang lúc đó được coi như sân đình làng mà tất cả các hoạt động tập thể của chúng tôi diễn ra ở đó. Nhưng chiếc nhà ống một tầng được xây theo kiểu cổ truyền có mái ngói chìa ra cả vỉa hè tạo nên một khoảng liên kết trong nhà và ngoài phố, tránh nắng mưa hắt trực tiếp vào trong nhà. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ cửa nhà ai cũng rộng mở, lũ trẻ con chúng tôi cứ chạy từ nhà nọ sang nhà kia. Cuộc sống nhà nào cũng vậy, giản dị và mộc mạc. Cuộc sống tập thể không thể thiếu tình làng nghĩa xóm cởi mở và chân thật. Có một điều gì đó kỳ diệu mà ngay cả các nước tư bản hàng đầu hiện nay luôn mong mỏi đạt tới.

Nói về nhà ống trong thời kỳ này ta không thể quên được khoảng sân tương đối rộng chia khu nhà làm hai phần. Vì khoảng sân nay thông thẳng lên trời tạo cảm giác tuy ở ngoài trời nhưng vẫn trong nhà. Thường thì khu bếp được đặt cạnh sàn để khói được bốc đi ngay. Cũng nhờ khoảng sân này mà trong nhà có đủ ánh sáng và không khí được lưu thông. Nó thực sự là lá phổi không thể thiếu được của ngôi nhà. Ngoài ra còn có một điều gì đó linh thiêng ở đấy, có lẽ đó là nơi mà trời và đất gặp nhau.

Vì có thêm một nhân khẩu nữa là em tôi nên căn buồng tuy đã được nâng cao cũng không giải quyết được vấn đề diện tích. Tận dụng độ cao của trần nhà bố mẹ tôi cơi nới thêm một gác xép. Chiếc gác xép bằng gỗ chiếm nửa diện tích căn buồng và được đặt ngay phía trên giường ngủ. Nó trở thành giường ngủ của anh em tôi.

Không gian trong căn buồng lúc đấy được phát triển theo chiều cao và nó được chia làm hai phần rõ rệt. Phần để ngủ có giường ở phía dưới và gác xép ở phía trên, phần còn lại có chiều cao lên tận trần nhà là nơi sinh hoạt chung như để ăn và tiếp khách. Tuy ở chật chội trong căn buồng nhỏ bé nhưng gia đình tôi rất may mắn được sống trong khu vườn rất rộng của ông bà tôi. Thời kỳ mà lũ trẻ con cùng phố còn tranh nhau những quả bàng và quả dâu thì tôi đã được ăn đủ mọi thứ quả khác rất ngon trong khu vườn. Bác trai cả tôi là bác sĩ nhưng rất đam mê trồng trọt. Ông đã rất kỳ công gieo được các loại cây đến từ mọi vùng của đất nước. Khu vườn không có một thiết kế tiêu chuẩn nào nhưng được dựng lên theo một kinh nghiệm truyền thống.

Đưa bếp và nhà vệ sinh vào trong nhà: cuộc sống mới!

Vào khoảng cuối thập niên 80 khi nền kinh tế thị trường bắt đầu được thiết lập, trong các tiểu khu nhà tập thể thế hệ thứ hai bắt đầu trưởng thành, có nhiều hộ thế hệ thứ ba đã bắt đầu xuất hiện. Không gian ở trở nên tù túng và chật chội. Với sự phát triển của kinh tế mọi người bắt đầu mơ về một ngôi nhà tư nhân ở mặt phố.

  • Ảnh bên : Khu nhà nghỉ tại tỉnh Hvide Sande (Đan Mạch) năm 2005 – văn phòng kiến trúc CUBO Arkitekter.

Nhà tôi cùng gia đình bác gái “đi tiên phong“ trong công cuộc xây dựng mới. Bố mẹ tôi đã giao phó cho một kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà của mình. Với nhiều năm dành dụm bố mẹ tôi chỉ đủ khả năng xây một tầng cho căn nhà.

Đó là một cuộc cách mạng lớn trong kiến trúc nhà ở tư nhân vào thời điểm đó. Đầu tiên phải kể đến hai phần tư thiên nhiên “đi vào trong nhà” và đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày, đó là lửa và nước. Hai phần tư nay được sử dụng cho hai công năng phục vụ là bếp và vệ sinh. Tôi không thể tưởng tượng rằng một ngày nhà vệ sinh được đặt ngay cạnh buồng ngủ. Còn khi nấu nướng mẹ tôi không còn phải đi ra ngoài trời nữa, căn bếp được đặt ngay trong nhà và khá rộng đủ để ăn luôn trong đó.

Thứ hai là phong trào đổ mái bằng thay thế các mái ngói và tôn. Đấy có lẽ cũng là sự ứng dụng của kiến trúc hiện đại châu Âu của thế hệ kiến trúc sư sau chiến tranh. Nhờ hệ kết cấu mái này mà các ngôi nhà có thể nâng lên được nhiều tầng, hơn nữa cũng tránh được nước mưa làm dột nhà thường xuyên của mái ngói và mái tôn.

Có thêm ba buồng và một nhà vệ sinh, nhà tôi như có cuộc sống mới. Căn nhà ống được thiết kế theo một mặt bằng mang nặng tính chức năng. Các không gian được phân chia rõ ràng theo từng công năng. Khu phục vụ như vệ sinh, bếp và cầu thang lên trên mái được đặt ở giữa để lại hai buồng sử dụng ở hai đầu. Phòng khách ở liền đường phố và buồng ngủ ở phía trong cũng gần với căn buồng cũ. Các không gian được nối liền với nhau bởi một hành lang giao thông đặt về một phía ở tường bên. Tấm tường bên này giáp với khu vườn nên được mở cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên vào các khoảng không.

Về kết cấu của ngôi nhà thì tuy có mái bằng mang phong cách hiện đại nhưng chiếc mái này vẫn được đỡ bởi hai tường bên và các vách ngăn đứng theo cách xây dựng cổ truyền. Vật liệu chủ yếu là gạch nung, cửa đi và cửa sổ bằng gỗ tìm được ở các địa phương gần Hà Nội.

Bùng nổ nhà ống mặt phố, bài toán một lời giải

Vào khoảng giữa thập niên 90, nền kinh tế thị trường bắt đầu được định hình rõ rệt. Sự quay lại của nền thương mại tư nhân kinh doanh buôn bán nhỏ đã làm biến động thị trường bất động sản tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác. Những ngôi nhà ở mặt phố trước kia không phải là sự lựa chọn thứ nhất thì bây giờ trở nên vô cùng đắt giá. Đấy là thời kỳ bắt đầu của sự bùng nổ về xây dựng tại Hà Nội.

  • Ảnh bên : Mô hình mô tả hai hệ kết cấu là tường và khung dầm sàn.

Sau vài năm ứng dụng mái bằng bằng bêtông cốt thép, tuy chúng có ưu điểm về kết cấu nhưng vật liệu bêtông không chịu được nhiệt độ khắc nghiệt bên ngoài. Để chống nóng, chiếc mái tôn được “ghép” thêm vào và theo bản năng logic của nhiều năm sống dưới mái ngói cổ truyền, chúng thường được thiết kế theo dạng chóp.

Về kết cấu phải kể đến sự ứng dụng của hệ cột, dầm và sàn bằng bêtông cốt thép. Đấy là hệ chịu lực theo không gian ba chiều, cột đổ dầm và sàn sau đó truyền lực trực tiếp xuống móng. Điều đó dẫn đến tường chỉ có chức năng ngăn và bao che chứ không chịu lực như nhà truyền thống. Nhờ vào hệ kết cấu này mà nhà có thể nâng lên được rất nhiều tầng.

Chỉ đáng tiếc rằng để giải quyết bài toán kinh tế trước mắt mà mái được tổ hợp bởi dầm và sàn. Các bản sàn, sân thượng rất mỏng vì dầm là phần chịu lực chính của các tường ngăn bên trên. Do đó mà sau khi được thiết kế các tường ngăn không được tự do thay đổi. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta vẫn chưa thoát ra được khỏi nhà truyền thống hoàn toàn.

Một điều đáng tiếc khác là sau khi thấy sự hiệu quả của hệ kết cấu này, chúng được ứng dụng trong tất cả các thể loại công trình khác nhau. Các nhà chuyên môn coi đây là một bài toán chỉ có một lời giải nên không còn tìm kiếm các dạng kết cấu khác nữa.

Thách thức chiều cao, thành phố rập khuôn

Ở thập niên 20 kiến trúc sư người Thuỵ Sĩ Le Córbusier đã đưa ra năm ý tưởng của kiến trúc hiện đại. Một trong năm ý tưởng đó là mặt bằng tự do. Ông đã thiết kế ngôi nhà “Domino” mà hệ kết cấu chỉ có cột và sàn. Vì sàn được tăng chiều đẩy nên dầm không còn nữa. Điều này đã làm cho mặt bằng hoàn toàn được giải phóng vì các tường ngăn được thay đổi tự do bất kỳ lúc nào mà người sử dụng mong muốn.

  • Ảnh bên : Bản thiết kế nhà Domino của KTS Le Corbusier năm 1915, mặt bằng được hoàn toàn giải phóng

Vào nửa cuối thập niên 90, tôi vừa tốt nghiệp trường đai học Xây dựng và được giao trọng trách cải tạo ngôi nhà ống của gia đình. Thách thức lúc đó là làm sao vẫn giữ được ngôi nhà cũ một tầng mà phải nâng thêm ba tầng nữa. Bài toán không có gì là phức tạp, cả một hệ kết cấu mới với cột dầm và sàn được ghép vào. Hệ kết cấu này đứng biệt lập với kết cấu tường chịu lực của ngôi nhà cũ và chịu toàn bộ tải trọng từ tầng hai trở lên.

Kết cấu của ngôi nhà do tôi tính toán nhưng về kiến trúc thì bố mẹ tôi có nhờ một kiến trúc sư khác. Chỉ có một điều tiếc rằng phần tổ chức không gian bên trong phải theo căn nhà cũ như bếp, nhà vệ sinh và cầu thang đặt ở giữa để lại các không gian sử dụng như buồng ngủ và buồng khách ở hai đầu. Cách thiết kế mặt bằng này đã được ứng dụng cho hầu hết các nhà hình ống thời kỳ đó. Mọi người coi đấy như một chân lý sáng suốt duy nhất nên nhà nọ rập khuôn theo nhà kia. Nhưng trái lại toàn bộ tâm huyết thiết kế cho ngôi nhà được dành cho mặt tiền. Người ta làm tất cả để cho mặt tiền của ngôi nhà được nổi trội trong khu vực.

Nói về mặt tiền ở thời kỳ này chúng ta phải nói đến sự “trở lại” của kiến trúc Pháp cổ hay nói đúng hơn là tất cả cái gì cổ. Một sự “hoài cổ” tràn lan khắp thành phố. Không chỉ riêng về kiến trúc mà đồ đạc nội thất trong nhà, tệ hại thay, là tất cả đều “giả” cổ. Có nhiều người còn tìm kiếm săn lùng các đồ cổ và coi đó như một đẳng cấp trong cuộc sống. Mặt tiền của các ngôi nhà được hoà trộn bởi các thứ cột (để trang trí chứ không chịu lực) theo kiểu Pháp cùng với các phao chỉ hoa văn mà các thợ xây mang theo từ làng quê của họ tự biên tự diễn. Tất cả các thứ đó chỉ có một mục đích là đem đến một “hình ảnh” của một sự hoài niệm đã qua. Có kiến trúc sư nói rằng đó là một kiểu kiến trúc mới của Việt Nam nhưng theo tôi, chúng ta đang đi ngược lại với quá khứ.

Về hình thái kiến trúc nhà ống thời kỳ này cũng phải kể đến sự tăng chiều cao đáng kể của ngôi nhà. Những ngôi nhà bốn hoặc năm tầng mọc lên san sát thay thế những ngôi nhà thấp tầng cũ. Có lẽ sau nhiều năm ở chật chội quá mà nhiều gia đình khi có khả năng đã xây dựng nhiều nhất có thể. Điều đó để giải quyết vấn đề tâm lý nhiều hơn là việc sử dụng vì rất nhiều buồng để không, không sử dụng đến. Một điều rất nguy hiểm là khoảng sân thông gió bị xoá bỏ để tăng diện tích sử dụng cho ngôi nhà.

  • Ảnh bên : Khu nhà chia lô tại Munich (Đức) năm 2001, KTS Von Seidlein, Fischer, Konrad, Rohrl. Cả hai khu nhà đều được thiết kế trong một quy hoạch tổng thể của khu vực. Sự thiết kế đồng bộ đã tạo nên một vẻ đẹp tổng thể cho toàn khu vực. 

Sự tăng chiều cao của các ngôi nhà đã làm thay đổi đáng kể đến không gian đô thị. Chúng đã làm thu nhỏ lại không gian của vỉa hè. Cộng thêm vào đó là sự kinh doanh của tầng một mà ai cũng biết rằng diện tích của vỉa hè cũng quan trọng như diện tích của ngôi nhà. Những vỉa hè rộng thênh thang của chúng tôi ngày xưa bây giờ trở nên chật chội vì chúng được tận dụng tối đa cho kinh doanh mà nhiều khi mọi người phải đi xuống cả lòng đường. Chúng ta không còn cảm giác an toàn khi đi bộ trong thành phố nữa.

Trong các cuộc thi về kiến trúc nhà ở hiện nay, ranh giới giữa cá nhân và cộng đồng luôn được nhắc đến và rất quan trọng. Đó là bài toán mà các kiến trúc sư phải giải trước khi nghĩ đến thiết kế cho từng căn hộ riêng biệt.

Tương lai nào cho nhà ống?

Bước sang thế kỷ 21 trong các cuộc hội thảo ở châu Âu phạm trù về cái “đẹp” trong kiến trúc không còn là chủ đề chính nữa nhưng ngược lại những vấn đề về thiết kế nhà ở có chất lượng cho người có thu nhập thấp, tạo thêm nhiều không gian công cộng cho cộng đồng, tìm những giải pháp mới cho kiến trúc bền vững và đặc biệt làm sao dùng ít năng lượng nhất để bảo vệ môi trường. Nhìn về thành phố thân yêu của mình thấy mọi thứ như hoàn toàn ngược lại. Hà Nội không còn khoảng trống nữa, người ta còn định xây dựng ngay cả trong công viên. Để có chỗ chơi và hóng mát, trẻ em và người già ở khu vực nhà tôi phải mượn tạm “vỉa hè” của Vincom. Có điều gì đấy nực cười và cũng nhói đau trong lòng. Những công trình cổ có giá trị bị đập đi để thay vào đó là những toà nhà cao tầng mới. Nhà ống mọc lên san sát khắp nơi và tràn về cả nông thôn. Kiến trúc cổ truyền làng bản bị méo mó đi bởi các căn nhà bêtông mới chèn ép bên cạnh. Giá trị văn hoá bị giá trị kinh tế vùi lấp.

Hầu hết các ngôi nhà ống bây giờ không còn khoảng sân trong nữa, mặt tiền là mặt nhà duy nhất để ánh sáng tự nhiên chiếu vào thì bị đóng chặt vì đường phố quá bụi và ồn ào. Hơn nữa chúng còn bị che kín bởi các tấm biển quảng cáo quá cỡ. Sự lạm dụng về ánh sáng nhân tạo và máy điều hoà rất có hại cho sức khỏe. Đặc biệt chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí não của trẻ em. Chúng ta phải biết rằng điều hoà tạo không khí lạnh trong nhà nhưng đồng thời thải khí nóng ra đường phố. Cùng với sự quá tải của các phương tiện giao thông, chúng đã tạo cho bầu không khí của thành phố bị ô nhiễm và nóng lên rất nhiều. Nhiều người rất hài lòng vì có máy điều hoà trong nhà, nhưng không có ánh sáng tự nhiên thực sự chúng ta đang sống trong các hầm lạnh. Đó là sự kết thúc của kiến trúc.

  • Ảnh bên : Nhà hình ống trong khu phố cổ Geneva. Những ngôi nhà này được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17, mặt tiền vẫn được giữ nguyên nhưng bên trong đã được trùng tu nhiều lần để phục vụ cho cuộc sống hiện đại hơn. Ảnh chụp năm 2010.

Cũng may là mấy năm trở lại đây đã bắt đầu xuất hiện những công trình có chất lượng. Tuy tỷ lệ còn ít nhưng sự tìm tòi và sáng tạo của các kiến trúc sư đáng được ghi nhận. Đã mất dần thói quen thiết kế cho rồi và lấy sẵn mọi thứ trong thư viện của máy tính áp dụng cho hết công trình nọ đến công trình kia. Họ có những nỗi trăn trở trong nghề và tìm được sự hứng khởi mới trong thiết kế. Điều đó cũng là nhờ sự thay đổi về cách nhìn nhận trong cuộc sống của các chủ nhà mới. Họ biết đầu tư đúng chỗ, có quan điểm mới về vẻ đẹp, có những sở thích riêng biệt, không muốn bắt chước nhà người khác để chạy theo mốt và tôn trọng kiến trúc sư hơn.

Cuối thập niên 90 tôi sang Thuỵ Sĩ và có cơ hội được học thêm ngành kiến trúc. Trong lúc học tập và công tác tôi có nhiều dịp được đi đây đó và rất ngạc nhiên nhận thấy rằng kiến trúc nhà hình ống được xây dựng ở khắp nơi vào các thời kỳ khác nhau. Chúng thường có hai mặt tiền ở hai phố, nhà nọ sát vách nhà kia giống phố cổ Hà Nội xưa. Đây là cách chia đơn giản và hiệu quả của quy họach. Chúng được làm hẹp để toàn bộ khu đất có thể chia được cho nhiều hộ nhất. Hơn nữa ngày xưa kỹ thuật xây dựng còn chưa cao. Các xà nhà đỡ mái được làm bàng gỗ tự nhiên nên các nhịp thường không quá 4,5m. Một lý do nữa cũng đáng chú ý là những ngôi nhà này có tỷ lệ về không gian rất phù hợp với thể trạng của con người.

Vâng, ở một điều kiện cụ thể nào đó, nhà ống, nhà mặt phố vẫn có chỗ của nó trong cuộc sống hiện đại.

KTS Vũ Hoàng Sơn (giảng viên khoa kiến trúc – nội thất đại học mỹ thuật và thiết kế Geneva – Thuỵ Sĩ

>> Nhà phố riêng lẻ - mối liên hệ không gian chiều thẳng đứng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo