Cách Amsterdam 30km về phía đông, thành phố Hilversum được mệnh danh là trung tâm truyền thông lớn nhất Hà Lan. Từ nơi này, tin tức thông tin từ truyền hình đến radio, internet đến báo chí được chuyển tải đi cả nước và thế giới.
Ngoài các kênh, đài phát thanh truyền hình, các trạm thu phát sóng, Hilversum còn tự hào về toà nhà: học viện nghe nhìn Hà Lan. Bảo tàng các sản phẩm về nghe nhìn lớn nhất xứ sở tulip này được đặt trong toà nhà này.
Học viện nhìn từ ngoài (ảnh trái) / Ánh sáng chiếu qua kính màu vào sảnh lớn (ảnh phải)
Học viện nghe nhìn Hà Lan, một tổ chức tư nhân, thành lập từ năm 1997 sau khi ba đơn vị lưu trữ nghe nhìn sát nhập với bảo tàng phát thanh. Viện này là một thành viên tích cực của các cơ quan quốc tế như Liên đoàn quốc tế lưu trữ – truyền hình và liên hiệp Phát thanh truyền hình của châu Âu. Được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc hiện đại có tính thẩm mỹ cao và ý tưởng độc đáo, trung tâm này còn được mệnh danh là “bộ nhớ tập thể của Hà Lan”, lưu trữ và phát hành 70% di sản nghe nhìn của Hà Lan với khoảng 700.000 giờ truyền hình, âm nhạc, chương trình phát thanh và phim. Đây hiện là nơi lưu trữ nghe nhìn lớn nhất trong châu Âu, nguồn lưu trữ độc nhất vô nhị về thông tin dành cho nghiên cứu đối với sinh viên, học sinh, các học giả, và nhà báo.
Với kinh phí 40 triệu euro, toà nhà hoàn thành năm 2006 sau bảy năm thi công. Tổng diện tích sàn 30.000m2, toà nhà mười tầng với năm tầng chìm dưới mặt đất (sâu 18m) và năm tầng nổi phía trên, chia thành ba quần thể riêng biệt: bảo tàng, văn phòng, học viện và khu lưu trữ.
Phần dẫn lên bảo tàng âm thanh hình ảnh.
Cầu nối sảnh lớn.
Hình ảnh người nổi tiếng được in lên kính.
Nhìn bề ngoài, toà nhà giống như chiếc hộp đầy màu sắc với hơn 2.000 ô kính màu thiết kế riêng đặc biệt phủ kín. Vẻ rực rỡ của những ô kính không chỉ gây chú ý từ phía bên ngoài, nhưng khi bước vào trong, màu sắc từ những tấm kính được mặt trời chiếu qua mới phát huy hết tác dụng.
Công trình tạo được hiệu ứng khá mạnh về kiến trúc và nghệ thuật. Bề ngoài của toà nhà ẩn chứa sự phê phán kín đáo với hình ảnh không rõ nét truyền tải sự oanh tạc hàng ngày của mọi phương tiện truyền thông hiện đại như internet, truyền hình, phim ảnh và báo chí. Nhưng nhiều hình ảnh ốp trên lớp kính bên ngoài chỉ có thể thấy rõ từ một vài góc cố định, khiến toà nhà giống như chỉ còn lưu lại những dấu vết mờ nhạt về những ký ức xa xưa.
Bước qua cửa chính vào trong toà nhà, một sảnh lớn được chia làm hai, nối với nhau bằng một cây cầu khá lớn. Bước qua cầu, phía bên trái là bảo tàng, bên phải là khu văn phòng nghiên cứu và trung tâm lưu trữ thuộc phần ngầm.
Ba bộ phận tạo thành một khối liền kề nhưng chức năng hoàn toàn độc lập.
Thu hút ngay là những lớp kính màu được ánh sáng chiếu rọi. Bên cạnh đó hơn 750 hình ảnh trích các nhân vật nổi tiếng từ bộ sưu tập điện ảnh, truyền hình, tin tức được khắc vào thuỷ tinh và in mờ mang đậm dấu ấn thời gian, che phủ phần toà nhà văn phòng bên trong sảnh lớn.
Khu vực uống càphê (ảnh trái) / Cầu thang xuống tầm ngầm, khu lưu trữ (ảnh phải)
Chiếc cầu nội bộ dẫn từ sảnh tiền vào sảnh chính toả ra các nhánh trong toà nhà. Ngay phía dưới cầu là tầng hầm phủ đá phiến xám tạo sự đối lập nổi bật với các bức tường kiếng màu sắc bên trên.
Các kiến trúc sư và nhà thiết kế gọi phía tầng ngầm này là “địa ngục” đối lập với phần “thiên đàng” với màu sắc sặc sỡ phía trên. Nó khiến người ta nghĩ đến một hầm mộ lớn, có các cửa cắt thông qua các bức tường, lộ ra các hành lang sơn màu đỏ địa ngục.
Dưới chân bảo tàng và cạnh sảnh chính là một hành lang trống dành uống càphê thiết kế theo hình chữ L, chạy dài một góc toà nhà, kết thúc ở phần nhà hàng dạng bậc thang, hướng ra hồ nước bên ngoài, với lớp kính trong ngăn cách. Một dạng thiết kế khá độc đáo và bắt mắt.
Sự thay đổi của ánh sáng khiến cho không gian phía trong toà nhà có màu sắc và hình khối thay đổi riêng thể hiện ý nghĩa của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số. Thiết kế này đã nhận được nhiều sự chú ý và ca ngợi của giới kiến trúc thế giới. Toà nhà được Yahoo! Travel xếp hạng là một trong những toà nhà “tuyệt đẹp” cùng với những công trình thu hút khách du lịch như Đền Vàng tại Amritsar, Ấn Độ và Chrysler Building ở New York.
Những thiết bị nghe nhìn qua các thời đại được trưng bày trong nhà bảo tàng.
Jaap DrupsteenMột trong những lý do khiến toà nhà trở nên nổi tiếng cần nhắc đến nhà thiết kế đồ hoạ nổi tiếng Jaap Drupsteen. Tên ông gắn liền với những công trình của các hãng truyền thông lớn trên khắp Hà Lan như đài truyền hình NOS và VPRO và nhiều nhà sản xuất âm nhạc, video và các sản phẩm truyền hình khác. Ông là người thiết kế loạt cuối cùng của tiền giấy Hà Lan trước khi đồng euro được lưu hành tại đây. Năm 1999, ông được uỷ quyền thiết kế hộ chiếu mới, ngoài ra ông còn thiết kế nhiều tem bưu chính. Cùng với hãng kiến trúc Neutelings Riedijk, ông bao phủ mặt tiền của khu lưu trữ phương tiện truyền thông và bảo tàng bằng những hình ảnh từ truyền hình Hà Lan. Jaap Drupsteen chuyển hình ảnh từ máy tính qua các khung đặc biệt sang ván sợi ép có mật độ trung bình (MDF) thông qua máy in được đặc biệt tạo ra phục vụ nhiệm vụ này. Sau đó là công cuộc chạm nổi thông qua công nghệ đúc kính (Slumping Glass). Các mảnh kính được phủ gốm và được đặt trong lò ở nhiệt độ 820ºC trên một khuôn cát, giúp bột gốm nhão ghi hình ảnh lên kính. Kính này có độ bền cao và khả năng chống tia cực tím. |
Một phòng triển lãm nghe nhìn trong bảo tàng.
Bài, ảnh: Kim Dung (KT&ĐS)
- Tháp Huercal-Overa / thiết kế: Castillo Miras Arquitectos
- Neut House / thiết kế: APOLLO Architects & Associates
- Bảo tàng điêu khắc gỗ Trung Quốc / thiết kế: MAD Architects
- Viện khoa học phân tử La Trobe / thiết kế: Lyons
- Những biểu tượng của kiến trúc hiện đại
- Thư viện ở Anzin / thiết kế: Dominique Coulon & Associés
- Công trình "Tony’s Farm" / thiết kế: Playze
- Ngôi nhà 2y / thiết kế: destilat
- X House / thiết kế: Cadaval & Solà-Morales
- Glass Farm - Schijndel, Hà Lan / thiết kế: MVRDV