12 dự án đường dây truyền tải điện quy mô lớn (một nửa đã có trong quy hoạch và một nửa nằm ngoài quy hoạch) đang trong giai đoạn tích cực thi công để tìm cách tháo gỡ cho 4.500 MW điện của các dự án năng lượng mặt trời được đầu tư ồ ạt ở Bình Thuận và Ninh Thuận trong thời gian qua, trong khi nhu cầu phụ tải tại chỗ là rất thấp.
Việt Nam đang hướng đến cơ cấu năng lượng cân bằng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc các dự án điện mặt trời ồ ạt lên lưới cũng gây ảnh hưởng đến các đường dây truyền tải quốc gia. Ảnh minh họa một dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN)
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua đã có gần 90 nhà máy điện mặt trời, chủ yếu tập trung tại hai địa phương miền Nam Trung bộ là Bình Thuận và Ninh Thuận, đi vào vận hành với tổng công suất trên 4.500 MW, vượt xa so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12-2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW, đạt gần 10% công suất đặt toàn hệ thống điện quốc gia.
Lý do mà các dự án điện mặt trời đi vào phát điện dồn dập là giá bán điện mặt trời được Chính phủ mua với giá cao (2.086 đồng/kWh) bởi đây là giá năng lượng tái tạo, và khi phát lên hệ thống lưới điện thì Công ty Mua bán điện quốc gia phải mua hết. Nguồn điện này không cần bán trên thị trường phát điện cạnh tranh giá thấp. Một dự án điện mặt trời, bình quân mất 6 tháng triển khai; trong khi dự án lưới điện truyền tải 220kV, 500 kV mất khoảng 3-5 năm.
Sự quá tải về nguồn phát điện mặt trời tại hai địa phương nói trên khiến cho lưới điện truyền tải quốc gia đứng trước nguy cơ rã lưới rất cao vì lưới điện đồng bộ không thể tiếp nhận được tốc độ phát triển quá nhanh của các nguồn điện mặt trời.
Trên thực tế, nhu cầu phụ tải tại chỗ của Ninh Thuận và Bình Thuận rất nhỏ. Do vậy công suất cần phải truyền tải để tiêu thụ hết lượng điện này rất lớn. Cụ thể, Ninh Thuận là 1.000-2.000 MW và Bình Thuận từ 5.700-6.800 MW (bao gồm cả nguồn điện truyền thống). Việc phát triển quá nóng dẫn tới thực trạng đa số các đường dây truyền tải từ 110-150 kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải đến 360% và còn tiếp tục tăng lên. Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã nhiều lần cảnh báo các chủ đầu tư nhưng không được lắng nghe.
Các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó giải phóng mặt bằng. Theo ông Tô Văn Dần, Trưởng Ban quản lý đầu tư, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho hay, để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận giai đoạn 2020-2021, đơn vị này đã triển khai 12 dự án đường dây/TBA 220 kV – 500 kV; trong đó 6 dự án đang triển khai đã nằm trong quy hoạch và 6 dự án hiện chưa có quy hoạch.
Trong số 12 dự án đường dây, có 2 dự án ở giai đoạn thi công đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án TBA 220 kV Phan Rí dù đã có nhà thầu xây lắp từ tháng 12-2018, nhưng đến nay vẫn chưa thi công được do khặp khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB. Dự án đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, theo kế hoạch sẽ đóng điện vào tháng 12-2019. Tuy nhiên, hiện đang gặp vướng mắc ở 55 vị trí móng qua rừng tự nhiên, phải phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khi triển khai các dự án giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, điển hình như Dự án 110 kV Lương Sơn – Hòa Thắng – Mũi Né; thay dây dẫn đường dây 110 kV Ninh Phước – Tuy Phong cũng gặp khó khăn tương tự...
Thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức đi vào vận hành mấy năm gần đây. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ tập trung vào đầu tư nguồn phát, nhất là sau khi giá mua năng lượng tái tạo như điện mặt trời được nâng lên. Phần đầu tư vào lưới điện hiện vẫn do Chính phủ phải đảm nhận. Và đến nay, Chính phủ cũng chỉ bảo lãnh cho các dự án đầu tư phát triển lưới điện, truyền tài, chứ không bảo lãnh cho bất kỳ dự án mới nào nói chung của doanh nghiệp nhà nước nữa.
Nhưng đã đến lúc cần chấn chỉnh lại các dự án đầu tư ồ ạt quá mức vào điện mặt trời.
Lan Nhi
(TBKTSG)
- Xử lý rác thải nhựa: Tránh rơi vào “bẫy” ô nhiễm
- Chạy đua đầu tư hệ thống pin trữ năng lượng tái tạo
- Sức nóng của "quả bom khí hậu"
- Biến đổi khí hậu đã đến điểm bùng phát
- Rác thải nhựa tại Đông Nam Á: Vấn nạn nhức nhối!
- Phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam là cần thiết, nhưng lưu ý những yếu tố bất cập này
- Tại sao Google đã từ bỏ năng lượng tái tạo?
- Quỹ Rockefeller giúp Cần Thơ chống chịu biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 1.000 tỉ đô la trong 5 năm tới
- Làm sao tiêu hủy pin điện mặt trời?