Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Chủ tịch EuroCham: Việt Nam dẫn đầu khu vực về năng lượng tái tạo

Chủ tịch EuroCham: Việt Nam dẫn đầu khu vực về năng lượng tái tạo

Viết email In

Chủ tịch EuroCham đánh giá Việt Nam đang nắm bắt tốt xu hướng phát triển kinh tế xanh và ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhờ nỗ lực phát triển bền vững.

“Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về năng lượng tái tạo. Thật đáng kinh ngạc về những gì mà đất nước này đã đạt được so với Philippines, Thái Lan, hay Indonesia”, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận xét với Zing về việc phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.


Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), phát biểu tại Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) ngày 24/5.
(Ảnh: EuroCham Vietnam)

Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao về tiềm năng phát triển nền kinh tế xanh sau những nỗ lực mà đất nước đã thực hiện, cũng như cam kết mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng xuống 0 trước năm 2050 tại hội nghị COP26.

Nhận xét về thành tựu cũng như tiềm năng của Việt Nam trong phát triển bền vững, quan chức và đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cho rằng đất nước đang ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài vì cho thấy được sự quyết tâm của mình.

“Tất cả lời hứa và nghĩa vụ được đưa ra tại COP26 đã tạo ra một bước tiến lớn, đặc biệt là đối với nền kinh tế mới nổi như Việt Nam”, ông Weert Boerner, Phó đại sứ và Trưởng Bộ phận Kinh tế Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, nói với Zing.

Trong khi đó, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, dẫn lại nhận định từ chủ tịch COP26 với cam kết giảm phát thải còn 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng "Việt Nam không chỉ đưa ra tuyên bố táo bạo, mà còn có những bước đi táo bạo để thực hiện tuyên bố đó".

"Tôi tin rằng sự táo bạo sẽ tạo ra thành công cho Việt Nam”, ông Evans nói.

Việt Nam đang nắm bắt tốt xu hướng

Nhìn nhận về xu hướng phát triển bền vững ở Việt Nam, cả ông Cany và ông Evans cho biết họ đang chứng kiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cũng như công ty nước ngoài tại đây bắt đầu hành trình hướng tới nền kinh tế xanh.

“Chúng tôi có thể kể ra nhiều ví dụ về các công ty sẵn sàng chủ động chuyển đổi phương tiện sản xuất hoặc cách thức hoạt động của họ để giảm thải carbon. Thậm chí, Eurocham - đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - có nhiều thành viên đang bắt đầu xây dựng nhà máy không carbon. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến khích làm điều tương tự với mức đầu tư tương đối hợp lý”, ông Cany nói rõ.

Ông tin rằng Việt Nam đã tích lũy kinh nghiệm phát triển bền vững từ nhiều năm trước, với sự hợp tác của các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hành trình phát triển xanh của họ để trở thành nhà xuất khẩu lớn đến châu Âu, hoặc Mỹ.

“Rất nhiều doanh nghiệp cũng đang nắm bắt xu hướng chuyển đổi số và đang ngày càng tiến xa hơn. Điều này không chỉ diễn ra ở các ngân hàng, công ty năng lượng, mà diễn ra trên diện rộng, ở hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế”, ông Evans nói.


Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham Việt Nam.
(Ảnh: MPI)

Là người có nhiều năm làm việc và nghiên cứu các thị trường mới nổi, ông Evans nhận định một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là nhận thức của đất nước về kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng quốc tế khi họ đổ nguồn vốn FDI vào đây.

Ông trích dẫn số liệu cho thấy Việt Nam nhận được từ 35 đến 40 tỷ USD vốn FDI mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Con số đó chiếm khoảng 8%-10% GDP quốc gia, và 80% trong số đó được đưa vào sản xuất và tạo ra hàng hóa cho xuất khẩu.

“Người tiêu dùng ở nước ngoài yêu cầu nhiều hơn về các sản phẩm dựa trên nền tảng xanh, và các công ty muốn đầu tư vào Việt Nam cũng yêu cầu đất nước phải tính đến yếu tố môi trường và bền vững trong sản xuất. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã nhận ra mình cần phải chú trọng đến năng lượng tái tạo nếu muốn tiếp tục phát triển với tốc độ hiện tại”, ông Evans nói, đánh giá cao tầm nhìn của Việt Nam.

Nhắc lại những con số nêu trên, ông Cany cũng tin rằng số liệu đó phần nào phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là sau những cam kết và nỗ lực của đất nước.

“Các hiệp hội, phòng thương mại của Đức, Hà Lan, Italy, Hàn Quốc,... đang tổ chức nhiều chương trình tiếp thị cho Việt Nam, giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư tiềm năng”, ông nói.

Doanh nghiệp Việt Nam cần tính xa hơn

Dù tin rằng Việt Nam đang nắm bắt tốt xu hướng trong phát triển kinh tế xanh, các quan chức và chuyên gia kinh tế nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cần cải thiện.

“Các cơ cấu ở Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng để giúp đất nước dễ dàng thực hiện những cam kết về môi trường của mình. Vì vậy, chắc chắn sẽ có khoảng cách giữa những gì chúng ta muốn thực hiện với những gì đạt được”, ông Boerner nhận định.

Tuy nhiên, ông Boerner cũng đánh giá đây là vấn đề chung mà rất nhiều quốc gia gặp phải trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Vì vậy, ông đề xuất trước khi đất nước và các doanh nghiệp Việt Nam có thể hoạch định cụ thể hơn đường hướng phát triển của mình, “chúng ta cần thực hiện tối ưu các giải pháp đơn giản đã được chứng minh là có hiệu quả, như giảm sử dụng nước, nhựa, hoặc thuốc trừ sâu”.


Ông Tim Evans nhận xét về sự phát triển kinh tế xanh của Việt Nam tại sự kiện GEFE ngày 24/5.
(Ảnh: EuroCham Vietnam)

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, ông Johan Van Den Ban - Tổng giám đốc De Heus Việt Nam, thuộc tập đoàn thức ăn chăn nuôi hàng đầu Hà Lan - tin rằng một trong những yếu tố cản trở doanh nghiệp và nông dân Việt hướng tới phát triển bền vững là quá chú ý vào “kết quả trước mắt”.

“Họ muốn thấy trước kết quả. Nếu họ thấy cơ hội và thấy rõ kết quả, họ sẽ bắt tay vào làm ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu kết quả nằm ở quá xa, họ có xu hướng hoài nghi và né tránh”, ông Van Den Ban nhận xét.

Ông Van Den Ban cho biết doanh nghiệp của ông cần rất nhiều nguyên liệu thô, và đồng bằng sông Cửu long có tiềm năng lớn có thể cung cấp cho họ nhiều sản phẩm, từ trái cây, rau củ, hay bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào khác.

“Chúng tôi cũng nhận thấy khả năng xuất khẩu nông sản của khu vực vẫn chưa được khai thác hết. Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, chúng tôi quan tâm đến sản phẩm xanh, và mong rằng chúng tôi có thể mua ngày càng nhiều nhiều sản phẩm Việt Nam đáp ứng các yếu tố phát triển bền vững”, ông nói.

“Chính phủ Hà Lan, cũng như doanh nghiệp Hà Lan khuyến khích sản xuất ngày càng xanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn”, ông nhấn mạnh

Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng Việt Nam có thể tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho các sản phẩm của mình nếu đạt được các mục tiêu môi trường đã đề ra.

“Hãy tính toán, đặt ra mục tiêu lớn hơn và cố gắng đạt được những tham vọng đó và hưởng thành quả. Bạn có thể không thu được kết quả ngay trong ngày mai, nhưng một khi thành công, thành quả mà bạn có sẽ là dài hạn”, ông Van Den Ban nói.

Hồng Ngọc

(Zing.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo