Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững. Cần khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường; không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế...
Quan điểm này được nhấn mạnh tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn ra ngày 4/8/2022 với chủ đề “Hài hoà phát triển kinh tế và bảo vệ Môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5.
Nhận diện những nguy cơ, thách thức bảo vệ môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4 năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động. Công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường.
Mặc dù chất lượng môi trường đã được cải thiện nhưng vẫn chậm, môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề, một số sự cố môi trường vẫn xảy ra…
Nhận diện những thách thức bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ thách thức. Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động. Nguy cơ này nếu không có giải pháp để kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ tác động lớn đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung...
Khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắng sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường còn đứng trước những thách thức lớn do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới thân thiện với môi trường, việc áp dụng các công nghệ tốt nhất hiện có,… sẽ thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính phát thải lớn sang các mô hình kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong xu thế chủ đạo trong thập niên 2020- 2030.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái Đất; lượng chất thải sẽ vượt qua giới hạn sức chịu tải của môi trường.
Loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, bỏ qua môi trường
Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.
Phục hồi xanh đang là xu thế chung của toàn cầu và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh dựa nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số là con đường để đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống.
Để đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho rằng cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường. Khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Cùng với đó có giải pháp chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: "Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường".
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, do Thủ tướng làm Trưởng ban. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.
Không chỉ lĩnh vực năng lượng, Phó Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch và tổ chức quy hoạch cũng rất quan trọng về bảo vệ môi trường vì liên quan đến diện tích cây xanh trong đô thị. Các địa phương, các ngành phải hết sức chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch cũng như theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát lại các dự án, nhà máy trong đô thị để từng bước di dời…
Về chuyển đổi năng lượng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, hiện đang trong quá trình phê duyệt, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua rà soát, dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án, và tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện Mặt trời, điện gió ngoài khơi. |
Nhĩ Anh
(VnEconomy)
- Rào cản mục tiêu Net Zero
- Không đánh đổi môi trường: đừng chỉ hô khẩu hiệu
- Xây dựng các giải pháp dựa vào thiên nhiên thích ứng biến đổi khí hậu
- Điện gió - "Chìa khóa" cho năng lượng tái tạo phát triển bền vững
- Công nghệ phát triển nhanh, điện mặt trời tạo động lực lớn cho cuộc chuyển đổi năng lượng
- Hơn 90% rác thải ven sông ở Việt Nam là rác thải nhựa
- Nghịch lý máy lạnh ở các đô thị khắp thế giới
- Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia
- Net zero carbon là gì? Phân biệt Carbon Neutral và Net Zero?
- Quy mô "nợ xanh" của Việt Nam tăng gấp 5 lần trong năm qua