Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Bốn vấn đề nan giải của ngành điện

Bốn vấn đề nan giải của ngành điện

Viết email In

Thời gian gần đây, trên truyền thông dồn dập nhiều tin nóng về người tiêu dùng điện và ngành điện lực Việt Nam. Đầu tiên, vào cuối tháng 3/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố lỗ trên 26 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục lỗ trong năm 2023.

Để phản ánh chi phí đầu vào tăng cao trong sản xuất điện và để giảm lỗ cho EVN, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ ngày 4/5/2023.


Cánh đồng điện gió ở Sóc Trăng (Ảnh: Hoàng Giám)

Về nguồn cung ứng điện, năm 2023 là năm khí hậu chịu ảnh hưởng bởi El Niño. Thời tiết khô hạn dẫn đến các hồ thủy điện không đủ nước để phát điện. Nhiều ngày nắng nóng trong tháng 4 và tháng 5 với nhiệt độ trên 40oC làm cho nhu cầu tiêu dùng điện tăng đột biến, càng làm nguồn cung giảm nhanh dẫn đến nguy cơ thiếu hụt. Trước tình đó, EVN buộc phải cắt điện ở nhiều nơi, kêu gọi thực hành tiết kiệm điện, đồng thời tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và huy động mọi nguồn phát khả dụng có chi phí cao khác.

Điều trớ trêu là, trong lúc đang thiếu điện, tổng cộng khoảng 2090 MW từ 28 nhà máy điện gió và 6 nhà máy điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, vượt qua thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thể phát lên lưới. Điều này là do chưa có cơ chế giá phát điện để làm cơ sở thỏa thuận mua bán điện giữa các nhà đầu tư và EVN. Các nhà máy điện gió đã phải chờ cơ chế này khoảng 16 tháng, còn các nhà máy điện mặt trời đã phải chờ hơn 26 tháng. Hiện Bộ Công Thương, EVN và các nhà đầu tư đang gấp rút thực hiện các giải pháp tạm thời cho sự bất cập này.

Rõ ràng, đây là những sự kiện không tốt, ảnh hưởng rất tiêu cực đến người tiêu dùng điện. Các nhà đầu tư điện lực chịu thất thu và phải đối diện với nguy cơ không đảm bảo chi trả phương án tài chính dự án, thậm chí vỡ nợ. Các đơn vị chủ quản ngành điện Việt Nam chịu nhiều áp lực, giảm niềm tin từ xã hội.

Công bằng mà nói, chi phí tăng cao và thiếu điện là từ các nguyên nhân khách quan gây nên như giá nhiên liệu tăng đột biến do xung đột quân sự Nga - Ukraine và tình hình thời tiết cực đoan. Chính phủ và ngành điện Việt Nam đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp như đã nêu ở trên nhằm tối thiểu hóa tác động tiêu cực đến toàn xã hội. Tuy nhiên đây chỉ là các biện pháp tình thế. Ngành điện đã có các giải pháp lâu dài chưa?

Ba vấn đề nan giải của ngành điện

Để tìm hiểu, chúng ta bắt đầu với các mục tiêu của ngành điện. Bất kỳ ngành điện nào trên thế giới đều phải đối mặt với ba vấn đề nan giải:

Giá cả hợp lý: giữ giá điện thấp, hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng;

Tin cậy: giữ cho nguồn cung liên tục, ổn định, tránh cắt điện trong ngắn hạn và đảm bảo  an ninh năng lượng, đủ nguồn cung ứng trong dài hạn;

Bền vững: tăng sử dụng điện năng lượng tái tạo, điện sạch và giảm phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính.

Giải quyết được ba vấn đề nan giải trên cùng lúc là rất thách thức vì các mục tiêu của chúng xung đột lẫn nhau. Để hệ thống điện hoạt động liên tục và có độ tin cậy cao hơn thì chi phí đầu tư vào nguồn, lưới điện và duy tu bảo dưỡng phải cao hơn. Để bền vững hơn thì phải dùng nhiều nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, giảm nguồn phát điện truyền thống rẻ, ổn định như than, tăng chi phí bình ổn hệ thống điện và như vậy giá cả phải tăng cao hơn.


Công nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại một công trình ở tỉnh Hậu Giang
(Ảnh: Đức Thanh)

Ngành điện các nước có hai lựa chọn cơ chế quản trị ngành điện để giải quyết "tam nan đề" này: giữ độc quyền hay cải cách hướng tới một thị trường điện tự do hơn.

Cơ chế độc quyền duy trì mô hình điều khiển tập trung truyền thống, nếu làm tốt có thể mang tới sự tin cậy, bền vững nhưng không đảm bảo hiệu quả kinh tế do thiếu cạnh tranh.

Thị trường điện được xây dựng dựa trên hiệu quả kinh tế, sự minh bạch mang lại giá cả cạnh tranh và đặc biệt là mang lại sự tự do lựa chọn, mua bán cho người tiêu dùng và người cung ứng điện. Cần lưu ý, cả hai cơ chế vẫn cần sự điều tiết vĩ mô nhất định của nhà nước để đảm bảo cả ba mục tiêu nói trên luôn được cân bằng, hài hòa với lợi ích người tiêu dùng và các đơn vị tham gia cung ứng trong ngành điện lực.

Ngành điện của nhiều nước đang phân vân giữa hai lựa chọn này. Có hai nguyên nhân chính nhiều nước chưa chọn chuyển sang cơ chế thị trường điện. Đó là, thiếu đồng thuận chính trị và chưa chuẩn bị đủ năng lực thực hiện và quản lý nó. Dù thị trường điện không luôn luôn mang lại giá điện thấp hơn, nhưng nó có nền tảng khoa học tốt hơn chỉ là mang tính xu hướng cảm tính. Đây là lý do nhiều nước như Anh, một số bang ở Mỹ như California, Texas vẫn kiên định với thị trường điện dù phải học nhiều bài học đắt giá và phải sửa đổi thị trường điện trong quá trình thực hiện.

Các nước trong khu vực như Singapore, Philippines cũng đã tiến hành thị trường điện ở cấp độ bán lẻ. Trung Quốc gần đây đã quay lại thực hiện thị trường điện sau một thời gian tạm ngưng. Úc có thiết kế thị trường tương đối ổn định nhưng cũng phải cập nhật quy định điện lực nhiều lần và người tiêu dùng đã không ít lần phải chịu giá điện thị trường cao.

Việt Nam đã chọn thực hiện cơ chế thị trường điện rất sớm từ năm 1995 và kiên định với định hướng này. Điều này thể hiện trong Luật Điện lực, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và nhiều Quyết định cụ thể của Thủ tướng về thiết kế và lộ trình thực hiện thị trường điện.

Tuy nhiên, cho đến nay, dù thời gian chuẩn bị đã lâu nhưng thị trường bán buôn điện vẫn chưa hoàn chỉnh, thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như các thiết kế và lộ trình tương ứng đã được duyệt. Các khó khăn, bất cập vừa qua như chi phí đầu vào tăng cao, chậm huy động nguồn năng lượng tái tạo lẽ ra đã có thể được giải quyết thông qua các cơ chế thị trường.

Nếu có thị trường điện sớm hơn, EVN đã không phải đề xuất như mới đây với Bộ Công Thương cho phép các khách hàng lớn như các nhà máy sản xuất, các khu công nghiệp đấu nối lưới ở cấp điện áp 110kV trở lên mua điện trực tiếp trên thị trường điện thay vì phải mua điện theo biểu giá bán lẻ do Chính phủ quy định.

Với đề xuất này, khách hàng có quyền chọn thời điểm mua điện theo mức giá chấp nhận được từ các đơn vị cấp điện mà không cần phải mua lại điện từ EVN như hiện nay và doanh nghiệp sẽ được lợi nếu mua và sử dụng điện nhiều vào giờ thấp điểm. Cũng qua đó, khách hàng có nhu cầu dùng điện ưu tiên cho sản xuất có giá trị cao và sẵn sàng trả giá cao hơn có thể được ưu tiên nhận điện hơn. Và trên cơ sở đó, các nguồn lực phát điện trong và ngoài EVN sẽ được phân bố hiệu quả hơn.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), tiền đề của thị trường bán lẻ điện, cho phép nhà đầu tư điện lực, các nhà máy điện và khách hàng tiêu dùng điện lớn được trực tiếp mua bán điện năng lượng tái tạo với nhau. Cơ chế này, nếu được thực hiện sớm hơn, các nhà đầu tư điện lực đã có thể chủ động tìm kiếm nhiều người mua có thể trả giá hời hơn, không phải chờ đợi cơ chế giá điện để bán cho một người mua duy nhất là EVN và nhờ đó giúp tránh được lãng phí nguồn lực xã hội.

Với một cơ chế định giá thị trường minh bạch, người tiêu dùng có lẽ sẽ ít hoài nghi và có thể dễ chấp nhận giá điện cao do thị trường quyết định để từ đó điều chỉnh nhu cầu tiêu dùng cho phù hợp với túi tiền của mình hơn.


Các công trình điện gió triển khai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Đức Thanh)

Vấn đề nan giải thứ tư cho ngành điện Việt Nam

Như vậy, thị trường điện là giải pháp chiến lược, là cơ chế cần thiết và đã được lựa chọn là quyết sách. Vấn đề được đặt ra là: tại sao không hay không thể tiến hành sớm hơn? Phải chăng đây là vấn đề nan giải thứ tư cho ngành điện Việt Nam. Đó là: cần quyết tâm và khẩn trương thực hiện thị trường điện dù còn nhiều vướng mắc về pháp lý, năng lực thực hiện.

Trong số các tin nóng gần đây chúng ta cũng ghi nhận một vài sự kiện tích cực hơn. Quy hoạch điện VIII đã chính thức được phê duyệt ngày 15/5/2023 sau một tiến trình dài bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với các cam kết về bền vững môi trường của Việt Nam với quốc tế. Quy hoạch này cho thấy quy mô phát triển điện lực Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế là vô cùng lớn. Theo đó, sản lượng điện thương phẩm trong một năm sẽ đạt 505 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 1.200 tỷ kWh điện vào năm 2050, tức là tương ứng hơn gấp đôi so với mức tiêu thụ của năm 2022 vào năm 2030 và khoảng gấp năm lần vào năm 2050.

Tổng mức đầu tư nguồn và lưới cho giai đoạn 2021-2030 là 130 tỷ USD. Để dễ so sánh, hiện tại quy mô ngành điện Việt Nam đã tương đồng với Úc về sản lượng điện thương phẩm. Đến cuối thập niên này chúng ta sẽ có quy mô hơn gấp đôi Úc hiện nay.

Quy hoạch điện VIII cũng tái khẳng định thị trường điện. Đó là, "nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền".

Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ được thực hiện với các nhà đầu tư nước ngoài ngày 19/5/2023 trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản.

Mặc dù vậy, theo kinh nghiệm và quan sát những gì đã diễn ra trong thời gian qua, có lẽ nhiều người quan tâm đến ngành điện Việt Nam trong đó có tôi vẫn lo lắng liệu Việt Nam có quyết tâm vượt qua được vấn đề nan giải thứ tư này không? Liệu một ngành điện quy mô lớn thứ hai ASEAN và gấp đôi Úc hiện nay vào 2030 sẽ có một cơ chế thị trường điện xứng tầm không?

Tôi cho rằng nếu đã chọn thị trường điện là giải pháp lâu dài, Chính phủ và các cơ quan quản trị ngành điện Việt Nam cần đầu tư nguồn lực để tiến hành nhanh, quyết liệt hơn nữa công cuộc cải cách ngành điện theo hướng thị trường điện. Chính phủ nên xem xét thành lập một ban cố vấn chuyên trách về cải cách ngành điện nhằm giúp chính phủ giải quyết tứ nan đề nêu trên. Ban cố vấn này nên độc lập với các cơ quan đang điều tiết và điều hành ngành điện mặc dù sẽ tham vấn và cộng tác chặt chẽ với các cơ quan quản trị chủ quản này.

Trong lịch sử phát triển thị trường điện của mình, nước Úc đã hình thành nhiều ban "đặc nhiệm" như vậy cho các vấn đề khác nhau của ngành điện. Đơn cử là vào cuối năm 2016, chính phủ Úc đã lập một hội đồng chuyên gia do Tiến sĩ Alan Finkel làm trưởng nhóm để tiến hành một bản Đánh giá độc lập về an ninh năng lượng tương lai của Thị trường điện quốc gia Úc. Từ bản đánh giá độc lập này, một Ban An ninh Năng lượng (Energy Security Board) đã được thành lập từ năm 2017 và hoạt động từ đó đến nay để giúp ngành năng lượng Úc khởi động nhiều chương trình cải cách mới mang tính chiến lược cho công cuộc chuyển đổi năng lượng theo hướng ít phát thải khí carbon của mình.

Tôi mong và chúc cho Việt Nam tiến hành xây dựng thị trường điện thành công như chiến lược đã đề ra.

Thái Doãn Hoàng Cầu

Tác giả: Thái Doãn Hoàng Cầu là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc.

Ông là tác giả của cuốn sách "Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10 năm 2022. Cuốn sách 20 chương, 750 trang này cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần biết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.

(Dân Trí)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo