Ngày 10/5, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch ứng phó toàn diện cho quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp tại Cần Thơ.”
Hội thảo nhằm đánh giá các rủi ro lũ lụt cho thành phố Cần Thơ để từ đó chuẩn bị kế hoạch hành động ứng phó toàn diện đến năm 2030 và xác định các giải pháp công trình, phi công trình cho quản lý lũ lụt bền vững.
Theo WB, thành phố Cần Thơ hiện là một trong những địa phương của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tình hình lũ lụt tại thành phố Cần Thơ có diễn biến bất thường trong những năm gần đây. Nếu như năm 2000 mực nước lũ là 1,79m, thì năm 2007 là 2,03m và năm 2011 đạt mốc 2,15m.
Vấn đề hiện nay mà thành phố Cần Thơ đang đối mặt là ngập lụt do triều cường, không phải do lũ từ thượng nguồn tràn về như trước đây. Theo tính toán, trong 10 đến 15 năm qua tại thành phố Cần Thơ ghi nhận mức độ thủy triều lớn nhất đã tăng lên khoảng 20 đến 30cm, do đó nguy cơ lũ lụt trong khu vực đô thị hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào thủy triều...
Bên cạnh đó, mưa lớn trong khu vực đô thị không được thu gom hết bởi hệ thống thoát nước không đủ năng lực dẫn đến tình trạng một phần đô thị bị ngập nặng khi kết hợp với thủy triều cao và nước mưa ứ đọng trên đường phố.
Cần Thơ nằm ở hạ lưu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên thường xuyên hứng chịu tác động xấu của thiên tai và phải đối mặt với những rủi ro chính như: ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn và giông bão, lốc xoáy… Trong số này, lũ lụt, xói lở bờ sông, ngập lụt do thủy triều và mưa lớn, cùng với lốc xoáy, sấm sét là 5 loại thiên tai có tác động lớn nhất đối với đời sống, kinh tế, tài sản của người dân thành phố Cần Thơ.
Để ứng phó toàn diện với rủi ro lũ lụt, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Cần Thơ cần nâng cấp các tuyến đường chính và nhà ở ven đường là biện pháp ngăn chặn ngập lụt có hiệu quả trước các sự kiện lũ lụt như hiện nay.
Bên cạnh đó, thành phố cần gắn công tác quan trắc môi trường với các trọng tâm, trọng điểm phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể là cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường của từng khu vực trọng điểm đã được quan trắc, để các cấp quản lý cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường phục vụ việc lưu trữ, cung cấp và trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia.
Thêm vào đó, công tác quy hoạch chung phát triển toàn diện đô thị tầm nhìn đến năm 2030 trở về sau (như trong nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp đô thị và các khu dân cư, cụm dân cư, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ, đường thủy, đê bao vượt lũ...) phải tính tới yếu tố biến đổi khí hậu để đảm bảo phát triển an toàn, bền vững…/.
Thanh Sang
- Loại 40% dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch
- Global Witness và nước mắt của môi trường
- TPHCM hướng tới mục tiêu thành phố không rác thải
- Nâng cao khả năng thích ứng trước sự thay đổi của khí hậu
- Đầu tư cho điện tái tạo: vượt thách thức bằng thể chế hoá
- JICA giúp ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu
- Làng nghề Hưng Yên ngập trong ô nhiễm và rác thải
- Ô nhiễm không khí ở các khu công nghiệp Đồng Nai
- Hà Nội dành 13.000 tỷ đồng xử lý ô nhiễm làng nghề
- Rà soát đầu tư và chi tiêu công cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam