Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Kiến tạo không gian đô thị trong quá trình chuyển đổi: Các khu đô thị mới ở Hà Nội - 4. Thảo luận

Kiến tạo không gian đô thị trong quá trình chuyển đổi: Các khu đô thị mới ở Hà Nội - 4. Thảo luận

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Kiến tạo không gian đô thị trong quá trình chuyển đổi: Các khu đô thị mới ở Hà Nội
3. Xây dựng không gian đô thị tại bốn khu đô thị mới
4. Thảo luận
Tất cả các trang

4. Thảo luận 

Bài viết này cho rằng các khu đô thị mới là sản phẩm lai tạo của quá trình kiến tạo không gian đô thị trong thời kì đổi mới. Chúng là sản phẩm của quá trình kiến tạo không gian của liên minh giữa Chính phủ và các doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân). Các khu đô thị mới cũng là sản phẩm lai tạo của 3 quá trình kiến tạo không gian: nhà nước lãnh đạo, doanh nghiệp định hướng và các động lực kiến tạo không gian tự quản tự phát của người dân. Chính các động lực kiến tạo không gian của nhân dân và các doanh nghiệp nhỏ đã mang lại sức sống cho các không gian đô thị khô khan này. Nghiên cứu này cũng cho thấy là trong khi các thành phần kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong quá trình kiến tạo không gian, các thành phần kinh tế doanh nghiệp lớn như Ciputra có vai trò ngày càng quan trọng. Họ tạo ra những không gian đô thị mang tính tư hữu, thương mại hóa, là bước đầu của sự hình thành sự phân tầng không gian và xã hội tại các thành phố Việt Nam.

4.1. Các quá trình kiến tạo không gian đô thị lai tạo trong quá trình chuyển đổi

Phát triển đô thị tại Việt Nam dưới hình thức khu đô thị mới là một phần của chính sách đô thị và chiến lược xây dựng không gian của chính phủ nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phát triển đô thị đồng thời thu hút các nguồn vốn tư nhân. Nhà nước quản lý quá trình xây dựng không gian đô thị thông qua quy hoạch đô thị, cung cấp đất, ban hành các quy định và chỉ thị, nhằm xây dựng một khung cơ chế và pháp lý cho hoạt động xây dựng của các doanh nghiệp. Điều này không hoàn toàn phù hợp với các lý thuyết về chính sách đô thị tự do kiểu mới (neoliberal) hay tư nhân hóa quy trình quy hoạch, trong đó thành phần kinh tế doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Phát triển đô thị mới phù hợp với quan điểm của McGee (2009) rằng kiến tạo không gian đô thị ở Việt Nam là một quá trình lai tạp trong đó các hoạt động xây dựng mang tính thương mại của doanh nghiệp tư nhân diễn ra trong khung thể chế do nhà nước kiểm soát. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Labbé và Boureau (2007) về một quá trình kiến tạo không gian đô thị lai tạo, kết quả của liên minh giữa nhà nước và doanh nghiệp vừa để đáp ứng với các điều kiện của thị trường và vừa tuân theo khung thể chế do nền kinh tế nhà nước tập trung để lại.

Các khu đô thị mới có thể được xem như là sản phẩm của hệ thống chuyển đổi trong đó vai trò chủ đạo của nhà nước đang thay đổi nhanh chóng và vai trò của các doanh nghiệp ngày càng tăng, mặc dù còn hoạt động trong khuôn khổ liên minh với chính quyền địa phương. Quá trình kiến tạo không gian đô thị trong các khu đô thị mới này cho thấy rằng sự khác biệt giữa thành phần kinh tế nhà nước và doanh nghiệp là không đáng kể. Các doanh nghiệp HUD và Vinaconex đều hoạt động giống các doanh nghiệp tư nhân, ưu tiên các hoạt động sinh lợi nhuận (nhà ở thương mại) và bỏ qua các dịch vụ công cộng.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng tính chất lai tạo của liên minh chính quyền – doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào khả năng quản lý của nhà nước. Thất bại của chính quyền trong việc kiểm soát quá trình và kết quả của đầu tư doanh nghiệp có nghĩa là trên thực tế nhà nước hỗ trợ lợi ích của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận tư nhân vào sao lãng các tiện ích công cộng.

Tuy nhiên việc kiến tạo không gian đô thị ở Ciputra có sự khác biệt đáng kể so với các khu đô thị do doanh nghiệp trong nước xây dựng. Ciputra không chỉ bỏ qua dịch vụ công mà còn có chương trình nghị sự rất rõ ràng về việc xây dựng các dịch vụ tư nhân theo dạng kýhợp đồng và các không gian đô thị thương mại hóa nhằm phục vụ một nhóm đối tượng đặc biệt. Không gian đô thị, dịch vụ đô thị cũng như đời sống cộng đồng ở Ciputra được kiến tạo và quảng cáo như những món hàng và cư dân nơi đây được coi là những khách hàng. Bằng việc xây dựng và quảng bá một không gian đô thị riêng biệt dành cho các khách hàng giàu có, Ciputra có đầy đủ các tính chất của “thành phố doanh nghiệp” theo lập luận của McLeod và Ward (2002). Có thể nói là trong liên minh với Ciputra, , nhà nước đã cho không đất công để làmdịch vụ tư nhân. Qua việc phát triển Ciputra và các dự án tương tự, kiến tạo đô thị Việt Nam đang đổi hướng theo con đường tư nhân hóa và thương mại hóa không gian đô thị (Douglas & Huang, 2007).

4.2. Tác động đến xây dựng không gian chung nhằm tạo lập không gian đô thị sống động

Nghiên cứu này cho thấy các động lực của chính quyền qua các quyết định, chỉ thị, quy định, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị đóng một vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo không gian đô thị tại các khu đô thị mới. Tương tự, các động lực doanh nghiệp - thể hiện qua các ý tưởng và tham vọng của nhà đầu tư, cũng đóng vai trò chủ chốt. Khu đô thị mới có thể được xem là sản phẩm của các động lực chính quyền và doanh nghiệp, củng cố mục tiêu chung là tạo dựng không gian đô thị trật tự với quy mô lớn phục vụ tầng lớp trung lưu đang ngày đông lên.

Tuy nhiên chính quyền và doanh nghiệp không phải là tác nhân duy nhất tham gia vào quá trình kiến tạo không gian đô thị. Quần chúng, qua các hoạt động tự quản có đóng góp đáng kể vào việc kiến tạo không gian đô thị thông qua các hoạt động sử dụng không gian hàng ngày và các hoạt động xây dựng cộng đồng. Động lực của quần chúng đặc biệt nổi bật trong trường hợp Linh Đàm và Việt Hưng, nơi có rất nhiều ví dụ về các hoạt động kiến tạo không gian qua sự thương thảo giữa chủ đầu tư và cư dân. Các động lực quần chúng này góp phần tạo nên một không gian đô thị đầy sức sống. Các dự án xây dựng dưới hình thức khu đô thị mới sẽ thành công hơn nếu các động lực quần chúng này được tính đến trong các giai đoạn đầu của quá trình triển khai dự án.

Nghiên cứu 4 khu đô thị mới này cho thấy rằng các động lực quần chúng không chỉ thể hiện ở quá trình kiến tạo không gian đại chúng (ví dụ xây dựng nhà ở tư nhân) mà cũng hiển hiện rất rõ ràng ở khu vực kiến tạo không gian đô thị của khối nhà nước và doanh nghiệp. Sự tham gia của động lực quần chúng trong các dự án phát triển không gian đô thị do chính quyền và doanh nghiệp tại các khu đô thị mới là một minh chung nữa cho bản chất lai tạo của quá trình kiến tạo không gian đô thị ở Việt Nam.

4.3. Xã hội hóa và thương mại hóa

Một đặc điểm nữa của khu đô thị Ciputra là chế độ quản lý doanh nghiệp trong đó không có cơ chế cho sự tham gia tham gia chủ động của người dân. Tại ba khu đô thị Linh Đàm, Việt Hưng và THNC, các tổ dân phố hoạt động dưới hình thức tổ chức cơ sở, thông qua tổ chức này người dân có thể trao đổi với Ban quản lý về các vấn đề liên quan đến việc phát triển và quản lý khu đô thị. Ta đã thấy rằng các cư dân Linh Đàm đã đàm phán thành công với chủ đầu tư về việc đầu tư cho các hoạt động thể thao và giải trí trong công viên. Cư dân trong các khu đô thị này có đời sống xã hội sống động: hàng xóm láng giềng có quan hệ gần gũi, họ thành lập nhiều hội, nhóm cùng sở thích, tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động cộng đồng và lễ hội. Các tổ dân phố có vai trò thiết yếu trong việc xây dựng và tái tạo cuộc sống cộng đồng ở các nơi này.

Ciputra không có cơ chế cho cư dân tham gia. Không gian đô thị cũng như các hoạt động cộng đồng được Ban quản lý kiến tạo và quản lý như những món hàng. Cư dân không tham gia vào việc ra quyết định, vai trò của họ là tuân thủ và tiêu thụ. Việc thiếu cơ chế tham gia của người dân là một hậu quả nghiêm trọng của việc quản lý tư nhân ở nhiều khu đô thị mới đang được phát triển ở nhiều nước châu Á (Douglas & Huang, 2007). Ta chưa thấy rõ tác động của quản lý doanh nghiệp đến sự gắn kết xã hội nhưng các cuộc phỏng vấn với người dân ở Ciputra đã cho thấy một số dấu hiệu suy giảm trong giao tiếp và ràng buộc xã hội. Vấn đề đáng lo ngại là liệu việc kiến tạo và quản lý không gian đô thị theo phương thức doanh nghiệp như ở Ciputra có là mối đe dọa đến sự gắn kết xã hội tại các thành phố Việt Nam. Thời gian sẽ trả lời. 

Lời cảm ơn

Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Đại học Tổng hợp Lund (Thuỵ Điển) và 4 đối tác Việt Nam là: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), Sở Xây dựng Hà Nội, Hội Xã hội học Việt Nam và Hội đồng công trình xanh Việt Nam. Rất cảm ơn tất cả các thành viên của dự án và các cộng sự đã đóng góp cho bài viết này. Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ kinh phí của cơ quan Sida. 

PGS.TS. Trần Hoài Anh - Khoa nghiên cứu đô thị, Đại học Malmo, Thụy Điển 
Bản dịch Tiếng Việt: Nguyễn Thùy Dung. Hiệu đính: Tác giả  

(Dịch từ bài viết “Urban Space Production in Transition: The Cases of the New Urban Areas of Hanoi” đăng trên tạp chí Urban Policy and Research - Tập 33, số 1 năm 2015). 

Tài liệu tham khảo:
Ciputra Handbook (n.d.), Hanoi, Vietnam
Ciputra Hanoi (2014) Avaliable athttp://www.ciputrahanoi.com.vn/445/748/Central-Park/Central-Park-Block-Q.htm (accessed 17 January 2014).
Douglas, M. & Huang, L. (2007) Globalising the city in Southeast Asia: utopia on the urban edge – The case of Phu My Hung, Saigon, IJAPS, 3(2), pp. 1–42.
Dowling, R., Atkinsson, R. &McGuirk, P. (2012) Privatism, privatisation and social distinction in master-planned residential estates, Urban Policy Research, 28(4), pp. 391–410.
Drummond, L. (2000) Street scenes: practices of public and private space in urban Vietnam, Urban Studies, 37(12), pp.2377–2391.
Geertman, S. (2007) The Self-Organizing City In Vietnam; Processes Of Change And Transformation In Housing In Hanoi, PhD Thesis, Eindhoven University of Technology, The Netherlands.
Gehl, J. (2012) Cities for People, Island Press, Washington, DC, USA.
Government of Vietnam (2006) NĐ 02/CP, Nghidinhveviec ban hanhquychekhu do thimoi (Decree on the Regulations of New Urban Areas).
Flusty, S. (2001) The banality of interdiction: surveillance, control and the displacement of diversity, International Journal of Urban and Regional Research, 25(3), pp. 658–664.
Jacobs, J. (1961) The Death and Life of the Great American Cities, Random House, New York.
Hanoi People’s Committee (2001) QuyetDinh 123/2001/QD-UB (Decision 123/2001/QD-UB) Ban hanh Qui dinhvequan li dautuvaxay dung cackhu do thimoi, caitaovasuachuanha o trendia ban thanh pho Ha noi (Decision on the Regulations on the Investment and Construction of the New Urban Areas, on Housing Renovation and Repair in Hanoi City).
Koh, D. (2004) Illegal construction in Hanoi and Hanoi’s wards, European Journal of East Asian Studies, 3(2), pp. 337–69.
Labbé, D. &Boureau, J-A. (2007) Understanding the causes of urban fragmentation in Hanoi: the case of new urban areas, International Development Planning Review, 33(3), pp.273–291.
Madanipour, A. (2003) Public and Private Spaces of the City, Routledge, London and New York.
Ministry of Construction (2008) Thong tu so15/2008/TT-BXD veviecdanhgiacongnhankhu do thimoikieumau (Circular No.15/2008/TT-BXD on the Assessment of Model New Urban Areas).
Ministry of Construction (2010) Quyhoachphattrien Ha noi den nam 2010 tam nhin den 2030 (Hanoi Development Plan 2010 and Vision to 2030).
McGee, T. G. (2009) Interrogating the production of urban space in China and Vietnam under market socialism, Asia Pacific Viewpoint, 50(2), pp. 228–24.
McLeod, G. & Ward, K. (2002) Spaces of utopia and dystopia: landscaping the contemporary city, GeografiskaAnnaler, 84 B(3-4), pp. 153–170.
Pow, C-P. (2009) Neoliberalism and the aetheticization of new middle-class landscapes, Antipode, 41(2), pp. 731–390.
Quang, N. &Kammeier, H. D. (2002) Changes in the political economy of Vietnam and their impacts on the built environment of Hanoi, Cities,19(6), pp. 373–388.
Shatkin, G. (2008) The city and the bottom line: urban megaprojects and the privatization of planning in Southeast Asia, Environment and Planning A, 40(2), pp. 383–401.
Schumacher, T. (1986) Buildings and streets: notes on configuration and use, in S. Anderson (Ed.) On Streets, MIT Press, Cambridge, Massachusetts.
ThanhUy Ha Noi (Communist Party of Hanoi) (1998) CTr12/UBND Chuongtrinhphattriennha o Hanoi den nam 2000 va 2010 (Hanoi Housing Development Plan for the Years 2000 to 2010).
Tran, H-A. & Yip, N-M. (2008) Caught between plan and market: Vietnam’s housing reform in the transition to a market economy, Urban Policy and Research, 26(3), pp. 309–323.
The World Bank 2011, Vietnam Urbanization Review, Technical Assistance Report, Nov. 2011.
Vinaconex (2014), http://www.vinaconex.com.vn/?id=592 , accessed 17 January 2013, author’s translation.



Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo