Đây là quan điểm của chuyên gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại hội thảo Đối thoại Chính sách đô thị hướng tới chương trình nghị sự mới cho đô thị. Hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp cùng OECD, Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN- Habitat), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội.
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn nhận định: Quá trình đô thị hóa của Việt Nam thời gian qua, bên cạnh những thành công cũng còn nhiều thách thức. Đó là: sự hạn chế về nguồn lực, nhận thức và trình độ quản lý còn yếu kém, chất lượng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển xã hội; định hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều mới mẻ đối với công tác phát triển đô thị; trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các bất cập trên đang hạn chế tăng trưởng của các đô thị,…
Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay Bộ Xây dựng đang từng bước hoàn thiện thể chế và hệ thống văn bản pháp luật về quản lý đô thị, bảo đảm sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo cán bộ quản lý đô thị. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị với các chính sách lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng và OECD hợp tác xây dựng “Báo cáo OECD đánh giá chính sách đô thị quốc gia của Việt Nam” với sự đóng góp kỹ thuật của UN- Habitat, GGGI và các đối tác phát triển.
Thứ trưởng kỳ vọng: Thông qua hội thảo này, các chuyên gia trong nước và nước ngoài cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau đề xuất hướng tới các chính sách quản lý, phát triển đô thị có tính khả thi cao; tăng cường vai trò của tư vấn, phản biện, xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến đô thị; tìm kiếm phương thức mới trong khai thác nguồn lực phát triển đô thị; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý đô thị, sự tham gia của cộng đồng để phát triển đô thị tăng trưởng xanh, bền vững.
Giám đốc Cơ quan chỉ đạo OECD về lĩnh vực quản lý công và phát triển lãnh thổ, ông Rolf Alter cho rằng: Mỗi quốc gia đều cần có chính sách đô thị ở cấp quốc gia. Làm thế nào để có chính sách phát triển đô thị quốc gia toàn diện, có phương thức triển khai trên thực tế, liên quan đến phát triển bền vững? Ông Rolf Alter chỉ ra có 4 vấn đề quan tâm, gồm sự nhìn nhận chính sách phát triển đô thị ở cấp quốc gia; lập kế hoạch tốt, khả thi, đưa vào cách tiếp cận của Chính phủ; Các chính sách phải được vào đúng thời điểm, đúng nơi; Không có chính sách tốt nếu không có sự đối thoại với sự tham gia từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có người dân. Trong chính sách phát triển đô thị, giao thông, nhà ở là những yếu tố quan trọng. Các quốc gia, TP chưa có chính sách toàn diện giữa nhà ở, giao thông sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực. Do vậy cần sẽ cải thiện thể chế pháp luật, nguồn lực.
Tại hội thảo, đại diện Cục phát triển Đô thị, Cục Hạ tầng Kỹ thuật và một số địa phương chia sẻ về tình hình phát triển đô thị của quốc gia cũng như từng địa phương, bao gồm cả cơ hội và thách thức trong việc thực hiện các chính sách phát triển đô thị bền vững, ứng phó với biến đối khí hậu.
Các chuyên gia của OECD và của các tổ chức quốc tế thì chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong cải thiện thế chế pháp luật, nguồn lực phát triển đô thị ở các quốc gia, trên cơ sở bàn thảo, tìm ra và đề xuất các giải pháp trong phát triển đô thị cho Việt Nam.
Theo ông Rudiger Ahrend, Trưởng ban Chính sách đô thị của OECD, kinh nghiệm của OECD trong phát triển đô thị cho thấy một mình đô thị hóa không đủ cho phát triển cho phát triển kinh tế. Ranh giới hành chính là không đủ để đánh giá mức độ tích tụ đô thị. Cho dù mỗi TP lớn có những lợi ích và thách thức riêng nhưng nhìn chung người dân thường được hưởng lợi nếu sinh sống trong những TP được vận hành tốt.
Nghiên cứu của OECD cũng chỉ ra TP lớn hơn sẽ hiệu quả hơn bởi lợi ích của sự tích tụ. Đơn cử, thị trường lao động dày hơn, với nhiều chuyên ngành đa dạng thì cơ hội tìm kiếm đối tượng phù hợp cao hơn, giảm thiểu chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động. Các Cty có thể tiết kiệm chi phí cho đầu vào phi thương mại được chia sẻ trong 1 khu vực địa lý và có điều kiện cho việc lan truyền khiến thức thông qua tăng cường tương tác với các Cty, cá nhân khác.
Ông Rudiger Ahrend đặc biệt gây chú ý khi trả lời câu hỏi điều gì kiến TP giàu có. Theo ông, năng suất của TP tăng lên khi dân số TP tăng. Dân số tăng lên 2 lần thì năng suất tăng từ 2-5%. Số lượng sinh viên đại học tăng 10% sẽ giúp năng suất của TP tăng lên 3% thông qua nguồn vốn con người từ bên ngoài.
TP giàu có khi có cơ cấu quản trị đầy đủ, chức năng hành chính được thực hiện ở mức độ phù hợp. TP có tỷ trọng cao trong sản xuất, dịch vụ tài chính, kinh doanh hoặc công nghiệp cao sẽ có năng suất cao hơn. Hạ tầng giao thông cộng cộng tốt sẽ ngăn ngừa sư phân tán thị trường lao động.
Đề cập đến quản trị đô thị, ông Rudiger Ahrend cho biết: Bộ máy quản trị giúp giảm thiểu mở rộng đô thị thiếu kiểm soát bởi vấn đề này tạo ra tác động tiêu cực cho các khu đô thị. Hợp tác chính là cách để giảm thiểu tác động trong quá trình hoạch định chính sách. Bộ máy quản trị giúp cải thiện phúc lợi. Ở các khu đô thị có bộ máy quản lý giao thông, người dân có mức hài lòng cao hơn so với các khu đô thị không có. Ở các khu đô thị có bộ máy quản lý giao thông, mức ô nhiễm cũng thấp hơn.
Hơn thế nữa, bộ máy quản trị tác động tích cực đến năng suất kinh tế. Trong một quốc gia, TP có cơ cấu quản trị phân tán có năng suất thấp hơn. Nếu số lượng đô thị tăng gấp đôi, năng suất sẽ giảm 5-6%.
Sau cùng, ông Rudiger Ahrend kết luận, các đô thị đóng vai trò quan trọng trong vận hành kinh tế, xã hội, môi trường trong một quốc gia. Dữ liệu TP dựa trên ranh giới hành chính không đem lại sự so sánh hiệu quả. Thu thập dữ liệu, xây dựng chức năng trên một quy mô không gian phù hợp là chìa khóa giúp xây dựng chính sách đô thị đúng đắn.
Trước giờ khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã tiếp thân mật ông Rolf Alter, Giám đốc Cơ quan chỉ đạo OECD về lĩnh vực quản lý công và phát triển lãnh thổ, cùng đoàn chuyên gia của OECD. Thứ trưởng cảm ơn OECD đã quan tâm phát triển đô thị tại Việt Nam và đề nghị OECD sớm hoàn thành “Báo cáo OECD đánh giá chính sách đô thị quốc gia của Việt Nam” và đề xuất các giải pháp thiết thực trong phát triển đô thị ở Việt Nam. OECD tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chính sách, khung đô thị hóa, đào tạo nguồn nhân lực,... Ông Rolf Alter cho biết, dự kiến cuối năm 2017, OECD sẽ hoàn thành dự thảo báo cáo và trình bày dự thảo báo cáo với Chính phủ Việt Nam cũng như công bố với đại chúng. Trong báo cáo, OECD cũng sẽ đưa ra các khuyến nghị cho phát triển đô thị Việt Nam. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ cân nhắc, lựa chọn giải pháp khuyến nghị phù hợp với thực tế phát triển của đất nước… |
Quý Anh
(Báo Xây dựng)
- Kinh nghiệm quốc tế về kế hoạch - quy hoạch: Những câu hỏi đối với dự thảo Luật Quy hoạch?
- Hệ thống quản lý đô thị Sài Gòn 150 năm trước
- Ý tưởng quy hoạch mới: Thành phố có nhiều chỗ ngồi
- Cần một đồ án quy hoạch kiến trúc chủ động
- Hướng đi nào cho kiến trúc đô thị biển Việt Nam?
- Quy hoạch góp phần cân bằng cuộc sống
- Thành phố sáng tạo và không gian công cộng
- Phát triển Bảo Lộc thành đô thị xanh gắn với nông nghiệp công nghệ cao
- Đô thị thông minh là đô thị có quy hoạch hợp lý
- Thành phố Thông minh & vấn đề quản lý phát triển đô thị