Thành phố sáng tạo?
Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và tiếng tăm từ quá khứ không còn đóng vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một quốc gia trong thời đại ngày nay(1). Thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phố là tính sáng tạo. Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội.
Với cách hiểu này, nhiều thành phố thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp cần khai thác tài nguyên thiên nhiên, dễ có tác động xấu tới môi trường, đã dần hướng tới nền công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của họ là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Theo Laundry và Bianchini, sự sáng tạo không chỉ có ở tầng lớp nghệ sỹ, kỹ sư, doanh nhân… hay những người đang làm công việc trí óc, mà sự sáng tạo tồn tại ở tất cả mọi người. Thành phố sáng tạo do đó không phải thành phố chỉ ưu tiên giai cấp sáng tạo(2), mà là thành phố biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, để từ đó tạo nên bản sắc riêng biệt và độc đáo.
Vai trò của không gian công cộng trong thành phố sáng tạo
Quảng bá hình ảnh thông qua truyền thông là một nét đặc trưng của thành phố sáng tạo(3). Để biến mình thành điểm đến lý tưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều chính phủ nhận thấy sự cần thiết của việc cải thiện và nâng cấp “diện mạo” cho các thành phố trọng điểm. Không gian công cộng (KGCC) – bộ mặt của đô thị là nơi được chú trọng.
Trong bối cảnh đó, tồn tại hai xu hướng chính. Xu hướng thứ nhất là biến KGCC thành nơi tổ chức sự kiện, thúc đẩy sự mua sắm và tiêu dùng. Xu hướng thứ hai là tận dụng KGCC để xây dựng những khu vui chơi, giải trí với mục đích tách rời con người khỏi thực tại bằng việc tạo nên cảm giác về một “thế giới khác” (như Disneyland). KGCC khi ấy thay vì khuyến khích sự đa dạng, tự do và mở cửa cho tất cả mọi người, đang dần trở thành không gian giới hạn và bị kiểm soát. Dù đem lại cảm giác tích cực cho người tham gia, nhưng xu thế khuyến khích phát triển các trung tâm giải trí phá bỏ sự liên kết giữa con người với nơi họ đang sống, phủ nhận giá trị được đúc kết trong quá trình phát triển đô thị, và không tạo nên bản sắc thật sự cho thành phố.
Đi kèm theo đó là sự lên ngôi của trung tâm thương mại (TTTM), một mặt đóng góp cho hình ảnh hiện đại của đô thị, mặt khác chúng đóng vai trò như sự thay thế cho KGCC – như một nơi cộng đồng có thể gặp gỡ và tương tác. Tuy nhiên John Goss(4) (1993) thông qua nghiên cứu của ông về hình thức, chức năng các TTTM tại Mỹ đã rút ra kết luận rằng ý nghĩa ẩn sau TTTM đơn thuần là logic của việc kiếm lợi nhuận. Tất cả những yếu tố trang trí, việc sắp đặt gian hàng nhiều khi có nét tương đồng với quảng trường xưa kia, nhưng mục đích duy nhất mà nó hướng tới là thúc đẩy khách mua hàng. Và ông gọi đó là phép màu của TTTM.
Ảnh 1,2: Victoria Park-Trung tâm thương mại lớn nhất Auckland. New Zealand.
Dù Victoria Park có những không gian tạo cảm giác tương tự như KGCC, nhưng bản chất những không gian này không thực sự khuyến khích người sử dụng. Chúng hoặc thiếu những tiện nghi cần thiết như ghế ngồi (Ảnh 1 bên trái) hoặc nằm ở vị trí không thuận lợi, thiếu tầm nhìn (ảnh 2 bên phải). Nơi duy nhất mọi người có thể dừng chân trong trung tâm thương mại chính là hệ thống các cửa hàng, cửa hiệu. |
Ảnh 3: Bên trong trung tâm thương mại, không có góc nhìn hướng ra bên ngoài. Tất cả chỉ tập trung vào hệ thống bán hàng và những chi tiết mang tính biểu tượng của Victoria Park.
KGCC từng được hiểu là nơi mọi người (bất kể tuối tác hay tầng lớp) có thể tiếp cận, tương tác và trao đổi tự do về mọi khía cạnh cuộc sống. Đây cũng là nơi người dân có thể sử dụng không gian theo nhiều cách khác nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ. Với vai trò ấy, KGCC gắn kết mọi tầng lớp dân chúng, góp phần hình thành, phát triển giá trị văn hóa, xã hội và xây dựng bản sắc cho cộng đồng(5). Tuy nhiên, ý nghĩa này của KGCC đang dần bị mai một. Lý do quan trọng dẫn tới thực trạng đó là bởi nhiều chính phủ để tiết kiệm chi phí, có xu hướng để các công ty tư nhân tham gia vào việc xây dựng và quản lý KGCC(6). Như một lẽ tất yếu, nhiều hoạt động sống của người dân tại đây sẽ dần bị loại bỏ để đảm bảo lợi ích cho chủ đầu tư và doanh nghiệp. KGCC khi ấy không còn là nơi tụ tập của tất cả mọi người, mà là không gian hướng tới một vài đối tượng sử dụng nhất định. Nhiều nhà nghiên cứu đã gọi đây là sự xuống dốc, cái chết hay sự biến mất của KGCC trong xã hội ngày nay(7).
Câu chuyện tại Việt Nam
Điều tương tự cũng có thể nhận thấy tại Việt nam trong những năm gần đây. Cụ thể: nhiều công viên, quảng trường được nâng cấp và xây mới(8), các TTTM, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư, các tuyến phố quan trọng được dọn dẹp, chỉnh trang.
Đi kèm với đó, một bộ phận người dân và các hoạt động thường thấy của họ tại KGCC đang dần bị loại bỏ. Trong thời gian vừa qua, nổi bật là chính sách dành lại vỉa hè cho người đi bộ. Cụ thể, những gánh hàng rong, các quán ăn, quán nước hay thói quen sử dụng vỉa hè của một bộ phận dân chúng bị xóa bỏ. Tuy nhiên, vỉa hè không phải không gian chỉ dành cho người đi bộ! Nhiều hoạt động xảy ra tại đây, tuy mâu thuẫn với hình ảnh “xanh, sạch, đẹp” cần có, nhưng đó là cách một tầng lớp nhân dân tận dụng để có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Kinh tế vỉa hè không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn chứa đựng trong đó giá trị về văn hóa và lịch sử(9). Theo một cách hiểu, đó là nét độc đáo, sáng tạo có thể tạo nên bản sắc riêng cho đô thị.
Sự mâu thuẫn giữa chính sách “xanh, sạch, đẹp” và cuộc sống của một bộ phận dân chúng chính là thách thức mà các thành phố sáng tạo phải đối mặt, như Laundry và Bianchini (1995) đã chỉ ra: thành phố sáng tạo là thành phố hướng tới lợi ích cho mọi người, và thách thức của thành phố sáng tạo là dung hòa được các kiểu sáng tạo khác nhau, và coi những gì tưởng như đối lập và cần loại bỏ là một phần của tổng thể. Hà nội sẽ khác, sẽ độc đáo và thành công hơn các thủ đô láng giềng nếu làm được điều đó.
Jane Jacobs cũng có góc nhìn tương tự khi bà cho rằng một thành phố sáng tạo cần có sự đa dạng của ba yếu tố: không gian xây dựng, kiến trúc; các mối quan hệ, tương tác xã hội và kinh tế với sự phong phú về cả quy mô và hoạt động kinh tế(10). Jacobs(11) (1961) phản đối việc áp đặt các chính sách từ “trên” xuống để loại bỏ những hoạt động bị coi là không phù hợp cho sự phát triển, vì nó ảnh hưởng tới sự đa dạng vốn có của đô thị. Với bà, tất cả mọi hoạt động đang tồn tại trên một con phố, dù lộn xộn vẫn tạo nên bản ballet đường phố. Và đó là nét cần có để xây dựng một thành phố sáng tạo đúng nghĩa.
Tạ Anh Dũngi, Manfredo Manfrediniii
i. Giảng viên Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Đại học Xây dựng, Hà Nội.
ii.Giảng viên Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Đại học Auckland, New Zealand.
Tài liệu tham khảo:
|
- Ý tưởng quy hoạch mới: Thành phố có nhiều chỗ ngồi
- Cần một đồ án quy hoạch kiến trúc chủ động
- Hướng đi nào cho kiến trúc đô thị biển Việt Nam?
- OECD: Thành phố lớn sẽ hiệu quả hơn
- Quy hoạch góp phần cân bằng cuộc sống
- Phát triển Bảo Lộc thành đô thị xanh gắn với nông nghiệp công nghệ cao
- Đô thị thông minh là đô thị có quy hoạch hợp lý
- Thành phố Thông minh & vấn đề quản lý phát triển đô thị
- Ứng dụng mô hình TOD trong phát triển đô thị tại Việt Nam
- Giải pháp nào cho quy hoạch giao thông trong thời kỳ đô thị hoá?