Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Nơi chốn và Vị trí

Nơi chốn và Vị trí

Viết email In

Việc phân biệt giữa nơi chốn và vị trí vốn là trung tâm chú ý của môn địa lý học từ buổi khởi thủy của nó. Làm thế nào mà một tập hợp các tọa độ vật lý, thường chỉ được ký hiệu một cách khô khan bằng các chữ số Ả rập để phân biệt với những tập hợp tọa độ khác, thông qua các đơn vị đo nhân tạo như kinh tuyến, vĩ tuyến, lại có thể trở thành, hoặc một thứ vườn địa đàng của hoài niệm, hay một thứ địa ngục trần gian của nỗi chịu đựng, tùy theo cách lĩnh hội của những số phận khác nhau dưới mặt trời? 

Các triết gia từ thời cổ Hy Lạp, bắt đầu từ Plato và Aristotle[1], đã tham gia cuộc tranh luận dai dẳng về nơi chốn (topos) cũng sớm như các nhà địa lý, vài người trong số họ dường như lấy đó làm lẽ sống. Muộn hơn, Tuan Yi-phu[2] và Bachelard[3] đã đóng góp rất nhiều về đề tài này.  

Trong ngành quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan của chúng ta vào những thập kỷ đầu thế kỷ XXI, người ta luôn miệng nói về “hồn nơi chốn” như một thứ ảo ảnh khó nắm bắt, nhưng một khi đã chộp được nó và tìm cách nhốt nó vào giữa những nan lồng ken chặt của cái bẫy ngôn ngữ, thì cái “hồn nơi chốn” vốn là vô định hình kia, cái ảo ảnh ngọt ngào hay cay đắng kia có thể mang lại những sự đền bù rất lớn, hoặc là lợi nhuận tính bằng tiền, cho những ai đầu tư vào nhà ở hay các ngành du lịch - dịch vụ, hoặc các cung bậc tình cảm mãnh liệt, cho các nhà thơ nhà văn, vốn chỉ làm mỗi một việc duy nhất, là đầu tư vào tâm trạng con người. 

Nơi chốn và vị trí khác nhau thế nào?

Vậy khi nào một mảnh của bề mặt trái đất được coi là vị trí, hay được gọi là nơi chốn? Đơn giản nhất, vị trí thì chính xác và hầu hết mọi người đều chấp nhận, còn nơi chốn thì trừu tượng và không có ranh giới rõ ràng. Vị trí được xác định bằng các phép đo đạc, còn nơi chốn thì bằng cảm xúc.

Khi nào vị trí trở thành nơi chốn? Và ngược lại?

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn..”

Nhà thơ Chế Lan Viên, vào năm 1960 trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”[4], đã nói chính xác về một trong những cách mà, rõ ràng và không tranh cãi, vị trí bỗng biến thành nơi chốn: đó là khi ta đã trải nghiệm, hay “sống” với mảnh đất nơi ta ở, có thể là với một tâm thái vô tư và nhẹ nhõm, thế rồi khi rời xa nó, bỗng nhiên mỗi một chi tiết nhỏ, mỗi hòn đá, ngọn cỏ, cành cây dường như đều mang sức nặng lớn lao, sẵn sàng níu kéo ta lại. Như các cụ ở quê hay nói, bất cứ một vật gì, như giếng làng, tảng đá, gò đất… dù vô tri vô giác, nhưng tồn tại đủ lâu, thì đều có hồn, hoặc thành thần. Làng xóm Việt Nam hàng ngàn năm nay sống yên bình dưới sự bảo hộ của các vị thần nơi chốn có mặt gần như khắp nơi như thế.

Nói đến nơi chốn cũng là nói đến khoảng cách - để đến được nơi chốn ấy, hoặc để giật mình khi rời xa nó, như cách nói của nhà thơ đa cảm của chúng ta. Có vẻ như khoảng cách vật lý đích thị là một hiện tượng khách quan?

Hãy đợi đã, khái niệm khoảng cách, dù đo đếm được, bằng ki-lô-met, hay dặm, hay mấy cái quăng dao, v.v..lại có thể là một cấu trúc hoàn toàn chủ quan. Ví dụ, nếu tôi có cô bạn gái ở làng bên, thì việc đi qua đó để gặp bạn phải vượt mấy đỗi đường, là một thông tin cực kỳ quan trọng, bao gồm các chi tiết cụ thể đến mức, đò ngang chiều nay ai chèo, chỗ nào ngập nước phải đi vòng, chỗ nào trai làng bên vì ghen tỵ mà có thể ra cản trở, v.v.., mọi thứ chỉ nhằm mục đích nhanh chóng gặp mặt để nhìn vào đôi mắt đen láy của nàng. Nhưng nếu cô bạn gái của tôi lại ở trên phố huyện, thì có thể cả đời tôi không cần biết, đến làng bên bao xa, vì không có nàng ở đấy, khoảng cách tới đó đối với tôi là hoàn toàn vô nghĩa.

Cũng không phải hiếm khi một nơi chốn quay trở lại thành địa điểm. Ta hãy nghe những câu thơ buồn của bà huyện Thanh Quan viết về Thăng Long vào khoảng 1802, khi nhà Nguyễn chuyển triều đình về Huế:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương…”

Cảm thán, có đôi lúc rất thời thượng, về tàn tích của những thời huy hoàng trong quá khứ, chính là sự ghi nhận quá trình một nơi chốn lụi tàn thành địa điểm. Và, cũng không hiếm khi, chính ý thức rõ nét về sự lụi tàn kia lại biến một địa điểm thành nơi chốn, như một vòng tuần hoàn vô tận. Ai cũng biết các khu phế tích Hy Lạp - La Mã là cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều danh họa Ý vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII, và cũng là các điểm đến cho những cuộc hành hương nghệ thuật của nhiều thế hệ.

Quay trở lại thực tại nghề nghiệp, khi thao tác các thông số tổng mặt bằng, tưởng như mọi thứ đều đã được cân nhắc và phân tích khúc chiết đối với các đại lượng vật lý, nhưng các kiến trúc sư quy hoạch, nhất là các bạn mới vào nghề, lại thường phải toát mồ hôi hột vì một câu bình luận (hay quở trách?) của các bậc cao niên trong nghề, có vẻ vô thưởng vô phạt, kiểu như:

“Quy hoạch của cô (hay cậu) chả có hồn gì cả!”

Dịch ra ngôn ngữ nghề nghiệp, nghĩa là cô cậu nào đấy mới chỉ làm đủ các yêu cầu về địa điểm, kể cả quy hoạch chi tiết 1/500, bao gồm sử dụng đất, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thiết kế đô thị, v. v.., nhưng người ta vẫn dường như không tin rằng, những bản vẽ công phu ấy có thể tạo nên một nơi chốn thật sự, khi xây dựng nên.

Tức là thế nào? Theo quy phạm nào?

Những gì ẩn đằng sau nơi chốn?

Nếu không có quy phạm nào quy định chặt chẽ về nơi chốn, nghĩa là việc đánh giá nó phụ thuộc vào tất cả những ai dính dáng đến công trình, quan trọng nhất là người sử dụng trực tiếp, hay là end users. nếu không kể đến chính người thiết kế. Ta có thể thấy ở đây một trong các khác biệt lớn nhất của công việc của kiến trúc sư như là homo faber (người làm ra sản phẩm), nếu so với các nghành khác. 

Một thiết kế kiến trúc/quy hoạch, dù làm đúng hết các quy phạm và thỏa mãn hết các yêu cầu về tổng dự toán, có thể dễ dàng bị từ chối, chỉ vì không có…hồn! Nói cách khác, chủ đầu tư trong những trường hợp đó cho rằng họ đã bỏ một số tiền, thường là rất lớn, với mục đích tạo ra một vị trí nào đó có địa chỉ bưu điện hẳn hoi, nhưng có lẽ vẫn không dám chắc là sẽ tạo nổi nơi chốn. Hầu như ai cũng biết, là điều này sẽ không bao giờ xảy như đối với các thiết kế kiểu khác, như máy công cụ chẳng hạn. Cần từng ấy dầu, từng ấy điện, và cỗ máy sẽ chuyển động, tạo ra các đồ vật, còn hình dáng cỗ máy đó giống con ngựa hay cái ghế, đó không phải là yếu tố quan trọng! 

Câu chuyện vị trí và nơi chốn sớm muộn sẽ dẫn chúng ta đến một địa hạt kiến thức vốn là nỗi trăn trở của người viết bài này suốt mấy chục năm nay: Lý thuyết vị trí dân cư đô thị (Urban residential location theory).

Ai cũng biết câu châm ngôn quan trọng nhất của những người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả các nhà đầu tư, nhà quy hoạch, kiến trúc sư và kỹ sư: “Thứ nhất - vị trí, thứ nhì - vị trí và thứ ba - vị trí” (first – location, second – location and third – location). Câu châm ngôn này, nếu dường như không bao giờ sai, thì chỉ là vì người ta thường giả thiết, là tất cả các lợi thế/đặc tính vị trí này sẽ được tận dụng để tạo ra một nơi chốn thành công. 

Tuy nhiên, các lợi thế/đặc tính này của vị trí, hoàn toàn không phải là các yếu tố phi lịch sử như người ta vẫn thường nghĩ. Vấn đề là ở chỗ, ý nghĩa của vị trí lại thay đổi theo thời gian. Hay nói cách khác, ý nghĩa của vị trí không phải là bất biến. 

Không phải là bất biến, vì nếu khác đi, làm sao nhưng nơi vốn thâm nghiêm như Kim Tự tháp ở Ai Cập, hoặc Borobudur ở Java, Indonesia, nay phần lớn lại chỉ phục vụ đám khách tham quan, tay vung vẩy máy ảnh, máy quay phim và iPhone/iPad phục vụ cho mục đích “tự sướng”, và các mẩu giấy da dê ghi những lời phù chú, sấm truyền đã từng làm rung chuyển các triều đại và chế độ, nay lại chỉ hiền lành nằm trong tủ kính như các hiện vật bảo tàng?

Trở lại với lý thuyết đô thị, từ von Thunen[5] cho rằng đô thi hình thành do nhu cầu chế ngự khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ, cho đến William Alonso[6] quả quyết rằng đô thị không có gì hơn là sự đánh đổi giữa chi phí đi lại và chi phí nhà ở, đến các học giả trường phái Los Angeles[7] nói về đô thi hậu hiện đại như một tấm mozaic đẳng hướng cho các cơ hội đầu tư và phát triển và, cho tới gần ngay gần đây, khi Neil Brenner cùng với cộng sự[8] của ông ở Harvard Graduate School of Design nói về “planetary urbanisation” (đô thị hóa hành tinh) trong thời đại của Anthropocene (thế Nhân sinh), thì phần lớn các quan điểm này đều lấy điểm tựa là vị trí, hoặc đâu đấy xung quanh các yếu tố vật thể, chứ không phải nơi chốn, là một địa hạt trong đó các yếu tố phi vật thể đóng vai chính. 

Nhằm khắc phục sự phiến diện nêu trên, vào năm 2000, tác giả bài này đã cùng với giáo sư Patrick Wakely của Đại học Tổng hợp London (UCL) đề xuất lý thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO)[9], như một cố gắng trả lại chỗ đứng cho các yếu tố phi vật thể, bao gồm lịch sử và văn hóa, trong quá trình hình thành đô thị. Thay cho sự đánh đổi (trade-off) giữa chi phí nhà ở và chi phí đi lại, các tác giả cho rằng kịch bản chính góp phần định hình các đô thị của mọi thời đại, chính là sự đánh đổi (trade-off) giữa vị thế nơi ở và chất lượng nhà ở. Suy rộng ra, đây là cuộc cạnh tranh muôn thuở và cũng là cố gắng hợp tác muôn thuở, giữa phần hồn và phần xác, trong tiến trình tạo nên một cơ thể sống, vì các tác giả tin một cách sâu sắc rằng, đô thị giống một cơ thể sống hơn là một tập hợp vô tri của nhà cửa, đường sá, cây cối, v.v..

Có thể nói không quá rằng SQTO, như một trong các lý thuyết mới nhất về vị trí dân cư đô thị, đã lần đầu tiên đặt nền móng cho việc chỉ ra mối quan hệ thú vị và vô cùng phức tạp giữa vị thế nơi ở và chất lượng chỗ ở, tức là giữa cái “phần hồn”, mà các nhà kiến trúc hay quy hoạch phải tạo ra, hoặc khơi gợi ra, để thổi vào “phần xác” là các phức hợp vật thể như nhà cửa đường sá, góc phố, gốc cây… nhằm biến chúng từ các vị trí nhàm chán trở thành các nơi chốn hấp dẫn.

Điều có thể khiến cho một số bạn cảm thấy quan tâm, là tuy nơi chốn dựa trên các yếu tố có vẻ như vô định hình, nhưng các khả năng xử lý thông tin hiện đại của nghành địa lý nhân văn có thể cho phép phân tích định lượng các yếu tố này, dựa trên một loạt các phương pháp khôn ngoan, một trong số đó có tên gọi là “hedonic regeression” được một người Mỹ là Andrew Court[10] đề xuất năm 1939 (hedon gốc tiếng Hy Lạp có nghĩa là “khoái lạc”, nên có lẽ phải để nguyên không dịch ra tiếng Việt một cách thật thà, vì rất dễ bị hiểu nhầm. Dịch hedonic price thành “giá ẩn” có lẽ sẽ đánh mất nhiều về mặt ngữ nghĩa).

Một trong những xu hướng mới nhất trong nghiên cứu đô thị hiện nay là sử dụng “Big Data” trong việc phân tích dữ liệu đô thị, tức là tiến gần đến câu trả lời cho những bí ẩn của sự hấp dẫn mà các nơi chốn thành công tạo ra.

Hiện nay nhóm nghiên cứu do tác giả bài này đứng đầu, thông qua chương trình Newton Fund[11], đang phối hợp với các chuyên gia đô thị của đại học Tổng hợp Leeds (Vương quốc Anh)[12] dùng các phương pháp phân tích Big Data mới nhất, như GWR (geographically weighted regression), để xác định mức hấp dẫn của các vị trí khác nhau tại Hà Nội, sử dụng một “proxy” (biến đại diện) là giá nhà, dựa vào các luận điểm đề xuất bởi SQTO và kết quả khảo sát, cùng với việc áp dụng các kỹ thuật hedonic regression và khai thác số liệu (data mining). 

Thay cho lời kết

Câu chuyện về vị trí và nơi chốn không phải chỉ là một thứ chuyện phiếm dành cho lúc trà dư tửu lậu. Các nhà đầu tư, kể cả nhà nước và tư nhân, vẫn liên tục đổ những khối tiền của khổng lồ vào những dự án xây dựng tốn kém, nhưng đôi khi có thể chỉ tạo ra được vị trí, chứ không hình thành nổi nơi chốn.

Trong các trường hợp khác, nơi chốn được tạo ra bằng vị trí có sẵn, chỉ cần can thiệp, tùy theo mức độ, nhiều thì xây mới, nâng cấp, tu tạo, ít thì chỉ bằng cách cấm giao thông cơ giới, tương tự cuộc thử nghiệm mà Hà Nội đang tiến hành với khu đi bộ quanh Hồ Gươm, như một nơi chốn quan trọng nhất của thủ đô.

Vì quan hệ giữa nơi chốn và vị trí, giữa phần hồn và phần xác, giữa cái phi vật thể và cái vật thể, là các kịch bản phức tạp và tế nhị, mỗi vị trí đều tiềm tàng các yếu tố kịch tính có thể biến nó thành một nơi chốn tuyệt vời, thì điều quan trọng nhất của các nhà kiến trúc quy hoạch, là đừng bao giờ bỏ qua các yếu tố kịch tính tiềm năng.

Những gì có thể bàn bạc cụ thể hơn chắc là vượt xa khuôn khổ của bài báo này. Tôi nghĩ đây có thể là đề tài cho một loạt các cuộc hội thảo để các bạn làm kiến trúc và quy hoạch có thể chia sẻ về việc, làm cách nào để biến các “địa điểm” khô khan đang tràn ngập các thành phố của chúng ta trở thành các “nơi chốn” thấm đẫm hồn đô thị. 

TS Hoàng Hữu Phê 

Tài liệu tham khảo: 
[1] The Modern Library Collection of Greek and Roman Philosophy 3-Book Bundle: Meditations; Selected Dialogues of Plato; The Basic Works of Aristotle. Random House Publishing Group, Aug 6, 2012. 
[2] Tuan, Y. F. (1977). Space and place: The perspective of experience. University of Minnesota Press. 
[3] Bachelard, G., & Jolas, M. (1994). The poetics of space (Vol. 330). Beacon Press. 
[4] Chế Lan Viên (1960). Ánh sáng và Phù sa. Tập thơ, NXB Văn học, Hà Nội 
[5] Von Thunen , J. H. (1826) Der Isolierte Staat in Beziehung auf Landwirtschaft un National Ekonomie, Hamburg. English translation, C.M. Wartenburg (1966) Von Thunen’s Isolated State, ed. P.G. H. 
[6] Alonso W. (1964): Location and Land Use. Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts. 
[7] Dear, M. and Flusty S. (1998); “Post Modern Urbanism” in Annals of the Association of American Geographers, 88(1). 
[8] Brenner, Neil, and Christian Schmid. "The ‘urban age’in question."International Journal of Urban and Regional Research 38.3 (2014): 731-755. 
[9] Phe, H. H., & Wakely, P. (2000). Status, quality and the other trade-off: Towards a new theory of urban residential location. In Urban Studies, 37(1), 7-35. The Donald Robertson Memorial Prizewinner 2000. 
[10] Goodman, A. C. (1998). Andrew Court and the invention of hedonic price analysis. Journal of urban economics, 44(2), 291-298. 
[11] http://www.newtonfund.ac.uk/about/about-partnering-countries/vietnam/ 
[12] https://www.geog.leeds.ac.uk/

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo