Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Phát triển đô thị: Quy hoạch bền vững đi trước

Phát triển đô thị: Quy hoạch bền vững đi trước

Viết email In

Bình Dương là tỉnh miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và là một trong 8 tỉnh, thành thuộc phạm vi Quy hoạch vùng Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về công tác quy hoạch bài bản và có điểm nhấn cho cả vùng.

Vùng đô thị giúp phá thế độc quyền

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học Trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM, vùng đô thị (VĐT) được coi là mô hình có ưu thế nhất đáp ứng được sự đòi hỏi cùng lúc các lời giải cho bài toán quy hoạch, tăng trưởng kinh tế, dân số, giao thông, môi trường, văn hóa và lối sống.

Mục đích của quy hoạch VĐT là phá thế đơn độc để hòa nhập vào không gian KT, VH, XH rộng lớn hơn vượt ra khỏi địa giới hành chính hiện hữu. Đồng thời sẽ giải quyết được một cách căn bản những vấn nạn bên trong mỗi đô thị lớn như tắc nghẽn giao thông, quá tải dân số, ô nhiễm môi trường và chủ động điều phối được những quan hệ giữa các đô thị trong toàn vùng về thị trường lao động, hàng hóa, vốn và các nguồn lực từ bên ngoài.

Theo đồ án quy hoạch VĐT Tp.HCM, đến năm 2050 vùng này sẽ có dân số khoảng 28 - 30 triệu người, bao gồm dân số đô thị khoảng 25 - 27 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%; trong đó Tp.HCM là đô thị hạt nhân, tại các tỉnh sẽ có các đô thị vệ tinh độc lập, đô thị vệ tinh phụ thuộc hoặc các đô thị vùng phụ cận.

Tỉnh Bình Dương có lợi thế là cận kề với Tp.HCM; xu hướng “giãn dân” từ Tp.HCM đến Bình Dương gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt từ khi Bình Dương xây dựng đô thị - thành phố mới Bình Dương.

Thành phố mới này nằm ở vị trí trung tâm, là đầu mối kết nối với các huyện phía nam của tỉnh, là những địa phương đang được định hướng phát triển thành các đô thị hiện đại và kết nối với các huyện phía bắc, nơi đang kêu gọi đầu tư phát triển thành các KCN tập trung. Bên cạnh việc đầu tư rất mạnh về hạ tầng đô thị, Bình Dương dự kiến sau khi hoàn tất xây dựng, thành phố mới Bình Dương sẽ là nơi định cư của khoảng 125.000 người và có khoảng 400.000 người thường xuyên đến làm việc tại đây…

Việc phát triển đa cực với nhiều đô thị vệ tinh cho thấy trong tương lai, áp lực gia tăng dân số tại Tp.HCM sẽ được cải thiện và hẳn nhiên, việc phát triển hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông lớn cũng sẽ giúp cho Tp.HCM kết nối mạnh mẽ với các đô thị được xây dựng trong tương lai.

Bình Dương - tỉnh công nghiệp về đích sớm


Bình Dương có diện tích là 2.695,5 km2, dân số 2.185.655 người (2010). Với lợi thế về điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi, gần Tp.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước; đất đai bằng phẳng, nền đất thuận lợi trong xây dựng cơ bản với suất đầu tư thấp; có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như QL 13, QL 14, đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á; cách SBQT Tân Sơn Nhất và các cảng biển từ 10 - 15 km,…

  • Sơ đồ bên : Khoảng cách đến các vị trí quan trọng từ khu công nghiệp Mỹ Phước

Tất cả đã tạo điều kiện cho Bình Dương kết hợp nhuần nhuyễn những nhân tố “thiên thời – địa lợi - nhân hòa'' để vượt khó đi lên, trở thành một trong những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển nhanh và toàn diện nhất, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.
 
Với chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” từ suốt hơn 20 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh (năm 1997), là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Dương đã có những thành tựu phát triển vượt bậc.

Liên tục trong những năm gần đây, từ 2006 – 2009, Bình Dương luôn đứng đầu trong về chỉ số năng lực cạnh tranh CPI với điểm số trung bình cao nhất cả nước (74,81 điểm). GDP tăng bình quân ở mức cao 14%/năm (chỉ tiêu 15%).

Cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực, trong đó công nghiệp – dịch vụ là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp chiếm tỷ trọng tương ứng là 63% - 32,6% và 4,4% GDP của tỉnh. GDP bình quân trên đầu người cao hơn cả nước, đạt 30,1 triệu đồng, gấp 2,2 lần năm 2005. Tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước, dưới 1%... Lao động trong nông nghiệp chỉ còn 18%. Như vậy, đến nay Bình Dương đã là tỉnh công nghiệp, cùng với Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, về đích sớm.

Bình Dương còn là “tỉnh - khu công nghiệp”, với 29 KCN, hơn 9.870 DN trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 67,850 tỷ đồng; gần 2.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 13,688 tỷ USD. Quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa của tỉnh tăng khá nhanh, đặc biệt trong những năm gần đây.

Theo kế hoạch, năm 2011, Thị xã Thủ Dầu Một sẽ lên thành phố; 2 huyện Thuận An và Dĩ An sẽ trở thành thị xã; KCN – đô thị Mỹ Phước vốn đã “liền mạch” với thành phố mới Bình Dương và Tp.Thủ Dầu Một, từ đó tạo tiền đề cho Thủ Dầu Một lên thành phố loại II (năm 2015), và Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020.

Với quy hoạch tổng thể bài bản như vậy, Bình Dương ngay từ những ngày đầu và cho đến nay, tốc độ đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng, đã liên tục phát triển và gia tăng theo tiến độ triển khai quy hoạch. Đặc biệt là từ sau khi Quy hoạch tổng thể VĐT Tp.HCM được ban hành, thị trường nhà đất tại Bình Dương, Đồng Nai và các vùng lân cận Tp.HCM càng trở nên sôi động.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo