Nhiều chuyên gia lo ngại, các dự án chống ngập của TP.HCM chậm thích ứng so với tình hình biến đổi khí hậu.
Tiếp tục sống chung với lũ
Tại kỳ họp HĐND tháng 12/2010, UBND TP.HCM cho biết, đến năm 2011 sẽ cơ bản kiểm soát được tình hình ngập nước trong nội thành. Tuy nhiên, những ngày đầu năm này, người dân TP.HCM vẫn phải tiếp tục sống chung với lũ mỗi khi mưa lớn, triều cường và bể bờ bao.
Mới đây nhất, ngày 21/1/2011, gần 100 hộ dân phường Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM) phải chịu cảnh ngập nước do bể bờ bao, diện tích bị ngập khoảng 12 ha, mực nước dâng từ 0,4 đến 0,5m. Cùng ngày, trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), do triều cường dâng cao hơn mặt đường, nên gần 2 km đường bị ngập nước từ 10 đến 15 cm.
- Ảnh bên : Bản đồ dự báo ngập nước vào năm 2050 của TP.HCM và ĐBSCL do ADB công bố. Màu sậm là diện tích bị ngập. (nguồn: Tuổi Trẻ)
“Trong số 58 điểm ngập trên toàn Thành phố năm 2010, đây là những điểm ngập nhiều năm do triều cường vẫn chưa khắc phục được”, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM (SCFC) nói và cho rằng, ngập lụt ở TP.HCM đang làm ảnh hưởng 154 trong tổng số 322 xã, phường, 917.000 người (chiếm 12% dân số) và gần 11.000 ha bị ngập lụt thường xuyên.
Số liệu của SCFC cho thấy, so với năm 2009, số điểm ngập nước năm 2010 ở TP.HCM đã giảm 46%; tổng số lần ngập giảm 43,7%. Các điểm ngập cũng đã giảm về độ sâu, diện tích ngập và thời gian nước rút. Tại hai khu vực trước đây bị ngập nặng gồm lưu vực Bắc Tàu Hủ và Tân Hóa - Lò Gốm, nhiều điểm ngập đã cơ bản được giải quyết.
Tuy nhiên, SCFC cũng cảnh báo, gần đây, TP.HCM để phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới ở các quận, huyện ngoại thành; nhiều kênh, rạch (khu vực chứa nước lớn nhất của Thành phố) bị lấn chiếm hoặc bị sa bồi, mà chưa có kế hoạch nạo vét, bảo vệ.
Dự án chống ngập chậm tiến độ
“Nếu các dự án chống ngập và vệ sinh môi trường hoàn thành đúng tiến độ, cuối năm 2011, nội thành TP.HCM sẽ không còn tình trạng ngập úng”, ông Nguyễn Phước Thảo nói và thừa nhận, qua rà soát của SCFC, việc thực hiện các dự án này vẫn chưa đạt tiến độ về thời gian và khối lượng; tổ chức thi công có khiếm khuyết làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.
Cụ thể, các dự án như Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chống ngập cho các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình), Dự án Cải thiện môi trường nước (chống ngập cho 7 quận, huyện gồm 1, 3, 5, 8, 10, 11 và Bình Chánh)... đã hoàn thành trục chính, nhưng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước hiện hữu. Việc thi công thiếu biện pháp dẫn dòng, gây bít dòng chảy, cửa xả, làm sụp tuyến cống hiện hữu, nhưng thay thế bằng tuyến cống có tiết diện nhỏ…, làm phát sinh các điểm ngập mới, gây ngập nghiêm trọng trong khu vực thi công dự án.
Ngoài ra, Dự án Nâng cấp đô thị (chống ngập cho 9 quận thuộc lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm), Dự án Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tiểu dự án thuộc lưu vực rạch Hàng Bàng đến nay vẫn còn nhiều hạng mục chưa triển khai do… vướng mặt bằng.
- Ảnh bên : Ngập nước trên đường Minh Phụng, quận 11. (Ảnh: SGGP)
Chưa sử dụng đã lạc hậu
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học (Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằng, các dự án thoát nước của TP.HCM đang lạc hậu so với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu. Mức triều cường hiện đã cao hơn mức mà các chuyên gia tính toán khi bắt đầu triển khai các dự án.
Cụ thể, thiết kế kỹ thuật của Dự án Đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước giai đoạn I do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) dựa trên đỉnh triều cường cao nhất tại sông Sài Gòn là 1,32m, có khả năng chịu được lượng mưa tối đa khoảng 90mm trong trường hợp hai năm mới xảy ra một lần. Tuy nhiên, hiện nay, đỉnh triều cường lên tới gần 1,6 m và kết hợp mưa lớn nên cống thoát nước được lắp đặt không thể vận hành kịp.
Cũng theo PGS. TS Hòa, Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải rộng trên diện tích 33 km2 đã được lắp đặt hệ thống gồm 72 km cống hộp, cống tròn các loại để bổ sung, thay thế hệ thống cống hiện hữu và gần 9 km cống bao. Trong đó, tiết diện cống hộp lớn nhất có khả năng “chịu tải” được lượng mưa tối đa khoảng 90 mm. Tuy nhiên, trong mùa mưa năm 2010, đã có hàng loạt cơn mưa lớn có lượng cao nhất tới 124 mm kết hợp với triều cường, khiến lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngập nặng.
“Hiện nay, hệ thống thoát nước của Thành phố rơi vào tình trạng lạc hậu, nên thường xuyên bị quá tải, nhất là vào thời điểm triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường ngập nặng”, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Chống ngập của SCFC xác nhận.
Quang Duy
- Thay đổi truyền thống và tính hiện đại đô thị
- Hà Nội: Làm đường trên cao để giảm kẹt xe
- Giải thưởng Quy hoạch Hoa Kì - APA 2011
- Bàn về quản lý quy hoạch đô thị
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng
- Đối mặt với thực trạng phát triển đô thị ở TP Hồ Chí Minh
- Phố trong tiến hóa Đô thị
- Phát triển đô thị: Quy hoạch bền vững đi trước
- Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn trên bước đường phát triển
- Đô thị Đà Lạt: Cần một tầm nhìn mở