Kiến trúc làng, văn hóa làng là những biểu hiện sâu đậm của nền kiến trúc Việt, văn minh ăn ở trong cộng đồng của người Việt. Làng rèn đúc, gạn chắt, duy trì và phát triển, chậm chạp song bền vững, những truyền thống và những giá trị vật chất, tinh thần qua mọi biến hóa của lịch sử. Đô thị Việt, theo những gì ta biết, xem ra chưa hẳn đã thế. Thành không đồ sộ và kiên cố gì cho lắm. Bởi thế chăng mà cha ông ta ít dựa vào chúng khi chống giặc ngoại xâm? Thị thường chỉ là những dãy phố. Thị dân, hôm trước còn là thôn dân, dựng nhà sát kề để làm hàng và bán hàng, chung sống trong hình thái cư dân đặc thù là sự chuyển tiếp từ thiết chế làng sang thiết chế đô thị. Thị rèn đúc nếp sống của thị dân, đa phần là tiểu thương. Trong cách nghĩ, cách làm của chúng ta đến nay, ở mọi tầng mọi bậc, vẫn thấy biểu hiện rõ cái nếp dai dẳng này.
Đường Trần Phú, phố cổ Hội An, năm 1988 (Ảnh: Phạm Đình Quát)
Ngoại trừ Thăng Long, Phố Hiến và Hội An, các đô thị ở ta phát triển mạnh hoặc hình thành trong thế kỷ XIX. Đến nửa đầu thế lỷ XX, chúng mới có diện mạo riêng mà cho đến nay chưa hẳn đã phôi phai.
Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, các đô thị ở ta đặt chân vào quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa muộn mằn. Trong sự thiệt thòi lớn lao đó, cũng có cái may: Chúng ta rút ra được những bài học từ người đi trước, tránh được cái xu hướng đuổi rượt theo “chủ nghĩa hợp lý tối cao” đã trở thành mục đích tự thân, biến đô thị thành những cỗ máy sống, tiện nghi mà chẳng dễ chịu chút nào. Chúng ta vẫn có thời cơ, nếu kịp tỉnh ngộ và đủ sáng suốt, để tiếp tục duy trì những mối quan hệ tự nhiên, như thân cây với rễ cây: Đô thị và thiên nhiên, đô thị và lịch sử, đô thị và con người. Chúng ta còn có thể kiến tạo những đô thị dành cho con người, chứ không phải cho những bài tính. Đô thị, nơi con người vẫn được quyền đi không vội, ăn không nhanh, nói không gào.
Các đô thị của ta đang làm chủ những quỹ - vốn liếng: Quỹ thiên nhiên – cảnh quan, quỹ kiến trúc, quỹ di sản, quỹ nếp sống cộng đồng. Đó là những bộ rễ cắm sâu và lan tỏa để cho thân và tán cây – đô thị phát triển lành mạnh. Không thể để đô thị của ta, giàu lên và hiện đại lên, mà lại đánh mất đi, làm rạn nứt đi, những mối liên quan với thiên nhiên, với lịch sử. Ở mọi chốn những sự rạn nứt, những sự mất mát đang xảy ra rồi.
Đây không phải là vấn đề bảo tồn nữa. Đây là vấn đề thực sự của phát triển.
Sapa được biết đến trước tiên là nơi nghỉ mát du lịch, chứ không phải là một huyện lỵ. Nó đã từng là một cấu trúc đô thị, với diện mạo định hình trong ý niệm chung bởi một vài kiến trúc thời Pháp thuộc và chủ yếu bởi cảnh quan thiên nhiên có một không hai. Những phần xây dựng mới chưa phản ánh đặc tính đô thị nghỉ mát – du lịch, mà nặng về hình ảnh một phố huyện. Đúng ra Sapa phải được tạo dựng trên cơ sở các nhân tố nổi trội: cảnh quan thiên nhiên và khí hậu ôn đới, văn hóa bản địa của các dân tộc ít người phương Bắc, kết hợp với sự khai thác đường nét kiến trúc cũ vẫn còn hiện diện.
Thị xã Lai Châu rời về cánh đồng Mường Thanh ngót 20 năm nay. Nó không có vốn kiến trúc để dựa vào. Hai yếu tố quyết định hình thành đô thị này: đó là địa hình núi đồi bao quanh và lòng chảo – cánh đồng; khu di tích chiến địa Điện Biên Phủ lịch sử. Lẽ ra việc quy hoạch thị xã trước tiên phải xuất phát từ yêu cầu bảo tồn các di tích trải rộng trong không gian. Song trên thực tế đô thị đang lấn át di tích, làm biến đổi môi trường cảnh quan lịch sử. Không phải không thể tìm ra giải pháp trung hòa giữa bảo tồn và xây dựng. Trên mảnh đất mà các thế hệ chúng ta có bổn phận nâng niu, không thấy dấu ấn những bàn tay của những nhà bảo tồn và những nhà quy hoạch có tầm. Bạch Đằng sau 700 năm vẫn còn vết tích. Với đà này, 700 năm sau chiến tích vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XX, sẽ còn gì nơi đây.
Khu phố cổ Hà Nội
Lâu nay nói về Hà Nội, người ta thiên về khu phố cổ, những khu đô thị mới hoặc việc bảo tồn các di tích lịch sử. Tuy nhiên chúng ta ít bàn tới 2 cục diện: Việc duy trì và phát triển cán cân hình thái học đô thị và việc chỉnh trang quỹ đô thị vốn có. Tuy phát triển thiếu trật tự và tình trạng xuống cấp vẫn là hiện tượng nổi trội, song Hà Nội cho đến nay vẫn là một cơ thể đô thị thống nhất nhuần nhuyễn, được tạo nên bởi sự chuyển hóa trong lịch sử các hệ thống không gian: Khu phố cũ của người Việt – khu phố Tây – khu phố thời ta – khung cảnh thiên nhiên. Chính sự chuyển hóa không gian này là giá trị to lớn của quỹ kiến trúc đô thị Thủ đô. Trong khi đó hôm nay lòng chảo trung tâm gồm phố cũ và khu phố Tây đang bị chọc thủng bởi những tòa nhà cao tầng. Các mảng hồ ao – cây xanh và các nhân tố không gian cảnh quan khác bị thu hẹp hoặc xé nhỏ, chưa có sự chỉnh trang đô thị mang tính cơ bản và rộng khắp. Hình như cho đến nay chưa ai hình dung được diện mạo mà Thủ đô phải tiến tới. Quy hoạch tổng thể, thậm chí chi tiết, đã được duyệt. Song kiến trúc đô thị chưa hiện lên. Bản sắc Thủ đô ngàn năm tuổi chỉ có thể giữ và nhấn thêm, khi nó được nhận biết trên cái chung và trên từng phần, làm nền cho chiến lược phát triển nối liền mạch, hôm qua – hôm nay và mai sau.
Kiến trúc hiện hữu của đô thị - cố đô Huế không quá 200 tuổi. Giá trị lớn lao không chỉ ở quần thể kiến trúc cung đình, mà cả ở nghệ thuật tạo dựng đô thị ăn nhập với thiên nhiên, đồng thời ở sự thống nhất cao độ không gian kiến trúc đô thị, mà ở phần trên ta mệnh danh là sự chuyển hóa không gian. Cái hệ thống không gian đã được hình thành trong lịch sử: kinh thành – dòng sông Hương – khu kiến trúc Tây – khu xây dựng mới và chân trời, giới hạn bởi bình phong Ngự Bình, thực sự là một giá trị kiệt xuất phải giữ cho được. Trên trái đất ít có một thành phố với con sông chảy qua không bị đai cạp, không bị biến thành đại lộ, mà vẫn chảy tự nhiên, giữa những thảm cỏ, rặng cây, bến bờ thoai thoải. Mới đây thấy một đoạn bờ phía Nam sông Hương được kè, được xây lan can, lòng đau quặn, ấm ức mà không biết chia sẻ cùng ai. Mấy ngày trước, thấy cái cấu trúc gông cùm ấy đã được đập đi, thở phào thay cho dòng Hương, thay cho hậu thế!
Chiếu sáng công cộng trên cầu Trường Tiền - thành phố Huế
Trong chùm đô thị duyên hải miền Trung, Đà Nẵng làm chủ một cơ ngơi tài nguyên thiên nhiên mà các đô thi khác phải ghen. Tuy nhiên tiềm năng trời phú cho ấy chưa được phát huy trong cảnh quan và diện mạo thành phố. Mấy năm gần đây Đà Nẵng đã hướng hẳn ra sông Hàn, bước mạnh ra bờ biển, có dấu hiệu trở thành đô thị của núi – sông – biển. Hiện tượng khác đang diễn ra: người ta phá bỏ dần những ngôi nhà cũ và hiếm của những thời đã qua, lý giải rằng sử dụng chúng khó quá, chúng ọp ẹp quá. Than ôi, ở gia đình có bao giờ dám nghĩ rằng ông bà, cha mẹ già nua quá, ít công dụng quá mà ta vụng mong họ ra đi! Những ngôi nhà cũng vậy, chúng là những cái mốc lịch sử quý hiếm của một đô thị chưa già. Để mất chúng, là mất đi phần nào những gì góp thành diện mạo của thành phố, hơn thế nữa, làm cho thành phố không biết níu trí nhớ vào đâu. Chưa già, mà đã lẩn thẩn rồi.
Thành phố Hồ Chí Minh khác hẳn những đô thị nhắc tới ở trên. Trong sự phát triển của nó không thể không dựa vào những yếu tố chủ đạo như: Những khoảng không lãnh thổ rộng lớn, hệ thống kênh rạch – sông và biển, những truyền thống và giá trị văn hóa Nam Bộ, quỹ kiến trúc đô thị và kỹ thuật khổng lồ và không hẳn thiếu sắc thái riêng, sự tham gia tương đối sớm vào quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, trình độ quản lý đô thị và nhất là trình độ nổi trội trong công nghệ xây dựng. Không thể không nhắc tới một số yếu tố: sức sống, tính năng động, sự vươn lên của cộng đồng xã hội. Tất cả những điều đó cho ta cơ sở để nghĩ rằng thành phố Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là đô thị khổng lồ, mà sẽ còn là đô thị - cửa sổ Việt Nam mở rộng nhìn ra thế giới. Ai đó e ngại rằng nó sẽ trở thành Bangkok. Điều đó dứt khoát sẽ không xảy ra, nếu ta biết duy trì, kết nối liền mạch lịch sử - nhân văn – thiên nhiên, thành một dòng chảy không gián đoạn.
Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM (nguồn: Ashui.com)
Đi dọc ngang đất nước, thấy đây đó đang tạo ra những vết rạn nứt với lịch sử, với thiên nhiên. Lam Kinh, khu di tích – chứng tích hầu như cuối cùng của triều Lê Sơ, do những nỗ lực vội vã đầu tư và tôn tạo, đã đánh mất đi nhiều những gì mà 500-600 năm thời gian chưa làm mất. Thành phố Hạ Long, san núi, tôn bãi biển, xây nhà chia lô, hình như đang tạo rõ thêm sự tương phản giữa tài nguyên Trời cho – vịnh Hạ Long và đô thi trên bờ. Đà Lạt, mở đường rộng, xây nhà to, lấn át rừng thông, tự làm xộc xệch mình…
… Ngày trước mẹ tôi nói: Lên Sơn (cách các cụ gọi Sơn Tây), cái xe tay, món bánh cuốn, giọng nói, cách xưng hô đều thấy khang khác Hà Nội. Ngày nay, những dị biệt đã có khoảng không địa lý rộng lớn hơn. Đành thế, song chúng không thể không tồn tại. Chúng, kết tụ lại, góp phần tạo nên bản sắc. Mà bản sắc lại là sản phẩm của lịch sử, sản phẩm tự nhiên.
Không thể để các đô thị ở ta đánh mất bản sắc. Do đó, không thể để xảy ra sự rạn nứt giữa đô thị và lịch sử, giữa đô thị và thiên nhiên./.
Hoàng Đạo Kính
- Đô thị hóa có thể có lợi cho môi trường
- Sự tiến hóa của Quy hoạch đô thị qua 10 biểu đồ
- Quy hoạch Hạ Long: Trọng tâm là du lịch di sản
- Đô thị du lịch biển: "Không vội vàng tiến ra biển"
- Nỗ lực giảm những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu
- Quy hoạch mạng lưới giao thông - Tiền đề phát triển đô thị TPHCM
- Đô thị hóa lòng đất
- Biến Bình Quới - Thanh Đa thành khu đô thị sinh thái: phải có giải pháp, lộ trình
- Sức mạnh của làng ven đô
- Xoá quy hoạch treo: Dân đang chờ hành động cụ thể