03 công trình do VTN Architects thiết kế và thi công gồm Nhà cộng đồng Casamia, Nhà đón GrandWorld Phú Quốc, Green Curtain School đã giành được Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế IAA 2024. Toàn bộ dự án chiến thắng trong năm nay sẽ được xuất bản trong 1 số đặc biệt của Global Design + Urbanism XXIV “Kiến trúc quốc tế mới 2024”.
Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế IAA do Bảo tàng kiến trúc và Thiết kế Chicago (Mỹ) và Trung tâm Nghiên cứu Thiết kế kiến trúc nghệ thuật và Đô thị châu Âu phối hợp tổ chức hàng năm, là chương trình giải thưởng xây dựng danh tiếng và có uy tín nhất, nhằm tôn vinh các kiến trúc mới, thúc đẩy kiến trúc và thiết kế quốc tế cho công chúng trên toàn cầu. Hội đồng giám khảo năm 2024 bao gồm các nhà Kiến trúc nổi tiếng và đã chọn ra gần 190 dự án trong danh sách rút gọn gồm hơn 850 dự án.
Cùng chiêm ngưỡng công trình đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế IAA 2024 của VTN Architects:
Nhà cộng đồng Casamia
Hạng mục: Nhà cộng đồng
Địa điểm: Xã Cẩm Thanh, Tp Hội An, tỉnh Quảng Nam
Thiết kế: Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa
Kiến trúc sư chủ trì: Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Tất Đạt
Nhóm thiết kế: Nguyễn Công Hoan, Hà Nguyễn Nhân, Nguyễn Hải Đăng
Thi công tre: Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa
Tổng diện tích sàn: 1600 m2
Hoàn thiện: 01/2021
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
Nhà cộng đồng Casamia tọa lạc tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, nơi gắn liền với hình ảnh của những rặng dừa nước. [chi tiết]
Lấy cảm hứng từ hình ảnh cây dừa nước của chính vùng đất Cẩm Thanh, nhà cộng đồng Casamia được dựng lên từ vật liệu tre, vốn là một vật liệu gần gũi trong đời sống của người Việt. Công trình được đặt tại điểm đón gió cuối con sông nên luôn có gió và thông thoáng. Ngoài ra, tuy được bao bọc bởi rất nhiều mảng xanh, ánh sáng tự nhiên vẫn có thể lọt vào, đảm bảo cho những sinh hoạt cộng đồng diễn ra trong tòa nhà.
Việc sử dụng tre có nhiều lợi thế. Cấu trúc tre gồm nhiều lớp lang đan lại với nhau, rất hiệu quả cho việc tiêu âm, phù hợp với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng mà không cần phải tốn thêm bất kì chi phí khác. Ngoài ra, mái vọt cũng đóng góp vào hiệu ứng tiêu âm của công trình.
Kết cấu tre hỗn hợp bao gồm 22 khung vòm là cột và giàn mái kết hợp với hệ thống giằng ngang. Kết cấu này cao gần 9m và được đặt trên một chiếc đế bê tông, bước cột 3,9m.
Cấu trúc vòm đặc trưng của tòa nhà vừa miêu tả lại cấu trúc của cây dừa nước, đồng thời rất thích hợp cho những kết cấu vượt nhịp, do đặc trưng cây tre chỉ dài khoảng 5-6m. Kết cấu này còn cho phép công trình chịu được lực ngang, giúp chống chịu được gió bão, vốn xảy ra thường xuyên hằng năm ở các tỉnh miền Trung Việt Nam như Hội An. Ngoài ra, công trình được lợp mái vọt có lưới đan, giúp giữ mái chắc chắn trước những tác động của tự nhiên. Đây là một minh chứng cho việc sử dụng vật liệu tự nhiên như tre vọt cũng có thể tạo ra những công trình có độ bền hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Đây cũng là điều mà VTN Architects mong muốn hướng tới khi bắt tay vào kiến tạo những công trình mới.
Grand World Phu Quoc Welcome Center
Hạng mục: Nhà đón
Địa điểm: Phú Quốc
Thiết kế: Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa
Kiến trúc sư chủ trì: Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Tất Đạt
Cộng sự: Nguyễn Văn An, Từ Minh Đông, Bùi Quang Huy, Mạnh Trọng Danh, Thái Khắc Phúc
Khách hàng: Tập đoàn Vingroup
Thi công tre: Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa
Tổng diện tích sàn: 1460 m2
Hoàn thiện: 04/2021
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
Dự án là nhà đón tại quảng trường của tổ hợp Grand World Phú Quốc, thuộc Phú Quốc United Center. Ý tưởng của nhà đón xuất phát từ mong muốn của chủ đầu tư tạo ra một công trình điểm nhất mang dấu ấn của Văn Hóa Việt Nam, thu hút du khách tới tổ hợp Grand World Phú Quốc. Nhóm thiết kế đã đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư khi tạo ra một cấu trúc tre có khối tích “khổng lồ” cao 14,8 mét và diện tích sàn lên tới 1460m2, đồng thời kết cấu tre hoàn toàn được phô bày ra phía ngoài để tạo thành một điểm nhấn cho khu vực. Hoa sen và ‘trống đồng’, hai biểu tượng truyền thống của Việt Nam được điêu khắc âm bản trong những lớp lưới tre dày đặc, thể hiện ra nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. [chi tiết]
Về mặt sinh thái, dự án tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững tự nhiên và chi phí thấp (trong thiết kế và xây dựng), chỉ sử dụng dây dù và chốt tre để kết nối các thân tre với nhau. Công trình không sử dụng điều hòa mà dựa vào thông gió tự nhiên. Ánh sáng nhân tạo cũng được gia giảm để chỉ sử dụng vào ban đêm.
Dự án Vinpearl trước hết là một công trình kiến trúc thuần túy bằng tre với số lượng tre khổng lồ, lên tới 42.000 cây tre. Quá trình xây dựng cũng rất khác biệt. Thi công gần như không được phép sai lệch và độ chính xác rất cao, việc vận chuyển vật liệu cũng phải tính toán trước vì phải chuyển tre số lượng lớn ra đảo Phú Quốc. Các chi tiết liên kết là thách thức lớn khi nhóm thiết kế sử dụng nhiều kết cấu phức tạp cùng lúc, xử lý điểm gặp nhau của hệ lưới, vốn là hệ thẳng, với hệ xòe hay hệ vòm bên trong, vốn là hệ cong.
Công trình mang dấu ấn là dự án đầu tiên tổ hợp của rất nhiều cấu trúc. Kết cấu tre được kết hợp từ cấu trúc cổng, vòm và hệ lưới cùng lúc, là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm thiết kế từ trước tới nay về công trình tre. Công trình đòi hỏi độ chính xác cực kỳ cao khi kết hợp các yếu tố thẳng và cong, giữa vật liệu sàn bê tông và cấu trúc tre mà từ trước tới nay văn phòng chưa từng gặp phải. Hệ xòe ra bốn góc như công sơn đòi hỏi kết nối bởi các hệ giằng chéo ẩn phía trong đóng vai trò như hệ kết cấu thứ hai, đảm bảo vững chắc cho kết cấu.
Không gian được tạo ra cũng thực sự khác biệt. Mặc dù hệ kết cấu phức tạp với tầng lớp đan xen của các cấu trúc vòm và thẳng, không gian vẫn có tính mở ra phía bên ngoài bởi tính tự nhiên trong liên kết các cấu kiện với nhau. Điều này được giải thích bởi các mối nối được liên kết tự nhiên và đơn giản bằng dây dù và chốt tre, có giá thành thấp, đem lại hiệu ứng mở về không gian. Các khung tre điển hình được lắp dựng theo mô đun và có khoảng cách khiến công trình xuyên suốt từ trong ra ngoài. Du khách được thưởng thức sự phong phú của không gian được tạo nên từ sự đối lập của yếu tố thẳng là các lưới đan bao xung quanh và yếu tố cong được điêu khắc bên trong để phù hợp với kết cấu tre. Không gian trong và ngoài được dẫn dắt bởi lối vào khung vòm xuyên suốt công trình, cũng chính là điểm kết nối hai yếu tố trái ngược trên. Tính mở hoàn toàn và xuyên suốt của công trình cho phép ánh sáng tự nhiên len lỏi vào bên trong từ bốn phía và từ phía trên mái, vốn được thiết kế mở một phần. Ánh sáng chiếu tới và hòa quyện với kết cấu tre theo cách mà không khí dễ dàng đối lưu được trong công trình. Không gian cũng là sự kết hợp của yếu tố cứng cáp và mềm mại. Nhóm thiết kế đã điêu khắc các không gian cong hoa sen và trống đồng bên trong không gian thẳng của lưới đan. Hai không gian có tính đối lập được kết hợp chính xác và hài hòa đem lại trải nghiệm thú vị và ngỡ ngàng cho mọi người khi tiến vào bên trong.
Nhà đón Grand World Phú Quốc là dự án tiêu biểu của văn phòng, thể hiện đầy đủ tính quan trọng và độc đáo trong chuỗi thiết kế công trình tre:
- Sử dụng vật liệu tự nhiên không qua bất kỳ xử lý hóa học nào, sử dụng tổng cộng 42.000 cây tre.
- Là một kiến trúc tre thuần túy.
- Tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững tự nhiên và chi phí thấp.
- Thể hiện những biểu tượng truyền thống của Việt Nam.
Green Curtain School
Hạng mục: Trường học
Địa điểm: TP Hồ Chí Minh
Thiết kế: Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa
Hình ảnh: VTN Architects
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị phát triển nhanh nhất ở Việt Nam với dân số lớn và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, thành phố đã phải đối mặt với nhiều vấn đề bao gồm:
Dân số đông đúc: TP.HCM có mật độ dân số cao, vượt trội so với diện tích của nó, dân số trẻ tăng nên số trẻ em cần đến trường cũng tăng theo do đó nhu cầu đáp ứng về lớp học lại quá lớn. Cả một khu đất nhỏ cả 1000 đến 1500 người đến học thậm chí là cả 2000 người
Ít không gian xanh: Mật độ cây xanh tương đối thấp so với số lượng dân cư. Khu vực cây xanh chủ yếu tập trung ở các công viên, hồ điều hòa và một số khu vực xanh khác, trong khi các khu vực dân cư, trường học thường thiếu cây xanh.
Ô nhiễm môi trường: Sự phát triển của ngành công nghiệp và giao thông cùng với sự tăng trưởng của xe cộ đã góp phần làm tăng ô nhiễm không khí và nước, đặc biệt là khói bụi và ô nhiễm từ phương tiện giao thông...
Sau đây là các giải pháp:
- Tận dụng không gian dưới gầm nhà để trồng cây: Bồn cây, các hệ thống trồng cây dưới gầm nhà được thiết kế để tạo điểm nhấn thẩm mỹ, đồng thời cung cấp một môi trường sống sinh thái cho các loại cây và thực vật. Đây là cách giải quyết thông minh, không gian không chỉ được tận dụng tối đa mà vẫn tạo ra không gian xanh, giúp tối ưu hóa không gian hiện có mà không tốn diện tích mới.
- Cây xanh để giảm nhiệt độ và tiêu thụ năng lượng: Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh với khí hậu nắng nóng quanh năm và ẩm ướt, việc tạo ra nhiều cây xanh sẽ giúp làm giảm nhiệt độ, cung cấp bóng mát và giảm tiêu thụ năng lượng và tạo môi trường thoải mái hơn cho việc học tập.
- Thu nước mưa để tái sử dụng: Sử dụng hầm để thu nước mưa không chỉ giúp giảm nguy cơ ngập lụt mà còn giúp tái sử dụng nước, đặc biệt là để tưới cây xanh.
- Sử dụng năng lượng mặt trời: Việc biến mái sân vận động thành một khu vực lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời là một ý tưởng sáng tạo và hiệu quả nhằm tận dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm chi phí điện năng.
- Thiết kế thông gió tự nhiên: Cửa sổ được thiết kế để thông gió tự nhiên không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra môi trường thoáng đãng và dễ chịu.
- Giảm tiếng ồn và ô nhiễm: Btrí cây xanh và hành lang ở phần khu lớp học gần đường giúp làm bớt tiếng ồn và lọc ô nhiễm không khí, cung cấp không gian yên tĩnh và trong lành cho học sinh.
- Khuyến khích hoạt động thể chất và nông nghiệp: Việc có các hoạt động thể thao như tập golf và bóng bàn, cũng như việc giáo dục học sinh về nông nghiệp, giúp tăng cường sức khỏe và kỹ năng sống.
- Giáo dục về tình yêu thiên nhiên: Giáo dục học sinh về tình yêu thiên nhiên có thể giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về môi trường, giảm căng thẳng và lo âu, cũng như tạo ra một cộng đồng hướng về bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên.
Những giải pháp này không chỉ giúp cải thiện môi trường sống mà còn tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh phát triển và học tập. Việc thiết kế không gian trường học với các hoạt động đa dạng và phong phú như vậy không chỉ giúp nâng cao hoạt động học tập mà còn tạo ra một môi trường học tập độc đáo và thú vị cho học sinh.
M.H
- MIA Design Studio nhận 2 giải thưởng tại Architecture MasterPrize 2024
- Dự án "Inhabited Garden" của KTS Mai Hưng Trung giành giải thưởng Europan tại Barcelona
- Sân vận động Olympiastadion ở Berlin, nơi diễn ra trận chung kết Euro 2024
- Ý nghĩa Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4
- Giải thưởng Pritzker 2024: KTS Riken Yamamoto (Nhật Bản)