Trong một cuộc phỏng vấn với hãng nội thất Discipline, Mario Bellini cho biết ông có một niềm đam mê tìm tòi đặc biệt dành cho các loại vật liệu và vật dụng khác nhau, chính điều này đã tạo cho ông sự linh hoạt trong phạm vi thiết kế. “Đó là chuyện tự nhiên khi tôi thiết kế một cái khay vào buổi sáng, rồi lại bắt tay vào thiết kế nốt một toà nhà khổng lồ vào buổi chiều”, Bellini nói. Ông luôn muốn tìm hiểu về thứ vật liệu đã làm nên sản phẩm đó. “Việc xăm soi các hòn đá, các tảng đá hoa cương và gỗ làm tôi phát cuồng lên được, tôi luôn muốn phân loại và ghi lại trong đầu mình những hoa văn, hình khối, màu sắc và cân nặng của chúng”, Bellini chia sẻ.
Khu mỹ thuật Hồi giáo tại bảo tàng Lourve.
Đôi tháp xanh, trụ sở ngân hàng Deutsche Bank tại Frankfurt.
Trong buổi phỏng vấn, ông cũng chia sẻ quan niệm về không gian làm việc rằng: Ông tin là ta có thể làm việc ở bất cứ nơi nào hay bất kỳ quốc gia nào. Miễn là tại nơi đó, ta phải cảm được những gì ở xung quanh ta. Và để làm việc ông chỉ cần một mẩu giấy cùng một cây bút chì. Ông chia sẻ rằng: “Chúng tôi xây dựng nên các thiết kế sản phẩm ngay trong đầu mình”. Và đối với ông chơi đùa cũng là làm việc khi ông dùng trí tò mò kết hợp các loại vật liệu, màu sắc hình khối lại với nhau, đó chính là trò chơi vô hạn. Bên cạnh đó, ông nghĩ một không gian còn mang đặc tính của tiếng vang và tiếng ồn và các mùi tồn tại trong nó. “Tôi chẳng thể hiểu được các nhà phê bình kiến trúc, họ chỉ viết bài dựa vào những tấm ảnh mà họ nhìn thấy, họ thậm chí còn chưa tận mắt đến tham quan công trình đó cơ mà”, ông chia sẻ.
Là một người ưa dịch chuyển và thích phiêu lưu trong suốt 15 năm qua, nay ông cảm thấy rất hạnh phúc khi lại được trở về quê nhà và làm việc trong studio của mình, nơi được bao bọc bởi khu vườn bốn mùa mà ông yêu thích vô cùng. Cho đến hiện tại ông là nhà kiến trúc và thiết kế nổi tiếng trên toàn thế giới, và đã nắm trong tay vô số giải thưởng danh giá trong đó có tám giải Compa vàng (Compasso d’Oro) và các giải thưởng kiến trúc uy tín như giải Mề Đay Vàng (The Medaglia d’Oro) được trao tặng bởi chính Thủ tướng của nước Cộng hoà Ý. Vào năm 2011, ông vinh dự được trao tặng tấm huy chương vàng Ambrogino (Ambrogino d’Oro) với tư cách là một trong những công dân danh dự nhất của thành phố tự trị Milan. Ngoài ra, các tác phẩm của ông còn được trưng bày trong bộ sưu tầm của các bảo tàng mỹ thuật tên tuổi. Bảo tàng mỹ thuật hiện đại (MoMa) ở New York cũng dành riêng một buổi triển lãm cá nhân cho ông, trưng bày 25 tác phẩm của ông trong bộ sưu tập Những thiết kế vĩnh cửu. Hơn thế nữa, vô vàn các buổi triển lãm đã mang tên tuổi ông vượt ra khỏi nước Ý xinh đẹp để đến với toàn thế giới.
Từ thập niên 1980 trở đi, ông đã thiết kế các dự án nổi bật như là: hội chợ thương mại Portello ở Milan; trung tâm thiết kế Tokyo tại Nhật Bản; trụ sở chính của Natuzzi tại Mỹ; triển lãm Quốc Gia Victoria tại Melbourne; trụ sở chính của ngân hàng Đức tại Frankfurt; phân khu mỹ thuật Hồi giáo tại bảo tàng Lourve, Paris. Ngoài ra, các dự án như công viên khoa học – kỹ thuật tại Genoa, hay trung tâm hội nghị thuộc hội chợ thương mại Portello, Milan (hội chợ thương mại lớn nhất châu Âu) cũng đang được tiến hành dưới sự chỉ đạo tài tình của Mario Bellini. Dù xuất thân tại Milan và dành phần lớn cuộc đời gắn bó với thành phố này, nhưng công việc và tên tuổi của Bellini đã lan toả đến khắp các châu lục trên thế giới. Giới hạn về địa lý chẳng thể trói buộc độ phủ sóng của nhà thiết kế người Ý này.
Trung tâm hội nghị Milano.
Mario Bellini sinh năm 1935, ông tốt nghiệp trường đại học Bách khoa Milan (The Politecnico di Milano) danh tiếng vào năm 1959. Ông dành phần lớn cuộc đời mình để sống và làm việc tại Milan. Công việc của ông đa dạng trong nhiều lĩnh vực: từ thiết kế kiến trúc và thiết kế đô thị cho đến thiết kế công nghiệp. Tên tuổi trong ngành thiết kế của ông bắt đầu được xác lập vào năm 1963. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ ông đã luôn cầm theo một chiếc bút chì trên tay, và không bao giờ ngừng vẽ. Thứ đầu tiên mà ông thiết kế được là một lọ mực và một cái phễu có hình dạng con người, với đầy đủ tay chân. Ông luôn tìm cách pha trộn các khía cạnh của thuyết hình người vào sản phẩm của mình. Đó là lý do tại sao ông luôn tìm kiếm những nét diễn đạt của con người, và thể hiện chúng qua các tác phẩm. Với ông, một vật thể luôn có một khuôn mặt, mắt, mũi và các nét biểu lộ sinh động. Tính tò mò của ông luôn nổi lên mỗi khi ông tiếp cận với một vật thể nào đó. |
Bảo tàng lịch sử tại Bolona, Ý.
Phương Nguyên (Kiến trúc & Đời sống)
- Cầu Long Biên - một trong những biểu trưng của Hà Nội
- Đi tìm không gian lý tưởng
- Kiến trúc sư cộng đồng Nguyễn Duy Thanh - Làm những gì người dân cần
- Thi tuyển phương án kiến trúc, bảo tồn Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hoàng thành Thăng Long)
- 2014 Wallpaper Design Awards: "Bình Thạnh House" lọt vào Top 5 hạng mục Nhà ở
- Xanh nhận thức, xanh nhu cầu, xanh dự án...
- Đằng sau các cuộc thi kiến trúc: Kiến trúc sư phải tự “lát đường”
- Giải nhất cuộc thi Tài năng Kiến trúc 2013: Giấc mơ về một "phố Khao San" của Việt Nam!
- Triển lãm tranh “Bóng xưa và Sắc hoa” của KTS Hoàng Đạo Kính (tại Huế)
- Việt Nam có kiến trúc sư giỏi, nhưng nền kiến trúc Việt Nam lại bình thường