Cầu Long Biên, ban đầu gọi là cầu Paul Doumer (tên Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902) được khởi công từ tháng 09/1898 đến tháng 02/1902 thì khánh thành, là sản phẩm của chương trình khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ nhất. Cũng như đa số cơ sở hạ tầng mà thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam, cây cầu chủ yếu phục vụ cho mục đích khai thác tài nguyên của Việt Nam để đưa về chính quốc. Cầu xây đúng vị trí mà chiếc tàu của thực dân Pháp từng nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc, mở đầu cuộc xâm lược vào Hà Nội.
Quá trình xây dựng
- Đấu thầu: Năm 1897, cuộc thi thiết kế cho cầu đã được tổ chức, phương án thiết kế của hãng Daydé & Pillé là phương án được chọn.
- Đơn vị thi công: Hãng Daydé & Pillé trúng thầu thi công phần chính của cầu. Đoạn cầu nối từ Ga Long Biên sang phần cầu chính do hãng thầu Schneider & CIE thi công. Nha công chính Đông Dương xây dựng phần cầu dẫn.
- Thi công cầu: Cầu được khởi công từ tháng 09/1898. Đội ngũ thi công là các kỹ sư xây dựng người Pháp và công nhân Việt Nam. Vật liệu xây dựng: 5.300 tấn thanh thép dẹt, thép góc, thép chữ T, thép chữ I mua từ Pháp. Xi măng từ Hải Phòng; vôi từ Huế. Gỗ tà vẹt, gỗ lát chèn mặt đường sắt từ Thanh Hóa. Và 30.000m3 đá hộc xanh cũng được khai thác ở Thanh Hoá.
Ngày 28/02/1902 khánh thành cầu, cũng là nối liền con đường Hà Nội - Hải Phòng và đặt khúc đường sắt đầu tiên của đường sắt xuyên Đông Dương. Khi ấy, Long Biên là một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau cây cầu sắt Broocklin bắc qua Sông Đông (East River) của Mỹ, là cây cầu nổi bật nhất ở Viễn Đông.
Công nghệ
Phần dưới là hệ móng giếng chìm, thân mố, trụ là hỗn hợp bê tông cốt thép. Kiến trúc phần trên là hệ dàn, dầm thép cán nóng theo thiết kế định hình được liên kết với nhau bằng đinh tán cường độ cao, gồm nhiều nhịp uốn lượn theo mô hình tính toán của biểu đồ bao mô men. Cầu Long Biên được dành cho đường sắt đơn (khổ 1.000mm) chạy ở giữa; hai bên là đường rộng 2,6m và 0,4m cho người đi bộ. Chiều dài toàn cầu là 1.681m (chưa kể phần cầu gạch đã xây dài 800m).
Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Nét độc đáo của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa, luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như hầu hết các cầu thông thường khác.
Cầu gồm 19 nhịp dầm thép (dạng dầm mút thừa có nhịp treo). Đường dẫn bằng đá. Trừ hai biên, các nhịp ở giữa có khẩu độ 75m (nhịp số chẵn) và 105m (nhịp số lẻ). Các trụ đều dùng móng chìm hơi ép với chiều sâu 30m và cao 13,5m (tính mức nước thấp nhất). Mỗi nhịp có một đoạn tránh, cho các loại xe thô sơ đỗ tạm nhường đường cho xe hơi.
Giá trị thẩm mỹ - cảnh quan
Cầu Long Biên có dáng dấp của một con rồng đang uốn lượn rất phù hợp với tên gọi Thăng Long của thủ đô Hà Nội trước đây, mặc dù không ai biết rõ ý tưởng thực sự của tác giả cho hình dáng cây cầu này. Tuy nhiên với với sự uốn lượn trên một độ dài lớn, rất phù hợp với cảnh quan khu vực, cầu Long Biên xứng đáng là một trong những cây cầu sắt đẹp nhất thế giới xây dựng trong những năm đầu thế kỷ 20. Cầu Long Biên với tầm nhìn thoáng, góc nhìn rộng là điểm nhấn đặc biệt quan trọng của cảnh quan đô thị và đã trở thành một trong những biểu trưng của Hà Nội ngày nay.
ThS.KTS. Trần Quốc Bảo - Giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng
- Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2014 thuộc về KTS Shigeru Ban (Nhật Bản)
- Dồn trí tuệ cho đền tưởng niệm Gạc Ma
- KTS Võ Trọng Nghĩa được vinh danh "Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2014" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
- Bổ khuyết và bồi đắp tri thức kiến trúc
- Trung thành với lý tưởng - Frank Lloyd Wright
- Đi tìm không gian lý tưởng
- Kiến trúc sư cộng đồng Nguyễn Duy Thanh - Làm những gì người dân cần
- Thi tuyển phương án kiến trúc, bảo tồn Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hoàng thành Thăng Long)
- 2014 Wallpaper Design Awards: "Bình Thạnh House" lọt vào Top 5 hạng mục Nhà ở
- Mario Bellini: “Nếu không có tính tò mò thì ta chẳng thể tạo ra được gì”