Đây là hai công trình đang được kêu gọi mọi người dân góp công góp sức để làm tròn nghĩa cử với đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì dải đất giữa biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc. Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười - chủ tịch Hội KTS TP.HCM, phó chủ tịch Hội KTS VN - đã khẳng định như vậy về công trình tưởng niệm 64 chiến sĩ hi sinh ở đảo Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988 đang được phôi thai.
KTS Khương Văn Mười nói: “Chúng tôi nhận được đề nghị của Tổng liên đoàn Lao động VN cách đây hai tuần. Đây là vinh dự của chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi đóng góp một chút công sức nhỏ nhoi vào công trình tri ân đặc biệt này.
Trách nhiệm chứ không phải đơn đặt hàng
Hội KTS TP.HCM đã có những bước đi đầu tiên nào chưa từ khi nhận lời thiết kế cho công trình?
KTS Khương Văn Mười (ảnh bên): - Chúng tôi đã chọn anh Nguyễn Trường Lưu - phó chủ tịch thường trực Hội KTS TP.HCM - đứng ra đảm trách chính công việc thiết kế không gian tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma. Anh Lưu là người có kinh nghiệm về loại hình này.
Hiện chúng tôi đã thống nhất các bước triển khai với nhóm thực hiện, Hội KTS TP.HCM lo về mặt ý tưởng, còn về mặt pháp lý thì Hội KTS TP.HCM không thể đứng tên trên hồ sơ mà phải là một công ty.
Chúng tôi đã giao Công ty Xây dựng kiến trúc miền Nam (ACSA), một đơn vị trực thuộc Hội KTS, sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc này.
Thứ hai, đây là một nghĩa cử, không thể lấy một đồng nào cho việc thiết kế. Nhưng về tính pháp lý thì vẫn phải ký hợp đồng, phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân. Số tiền ký hợp đồng vẫn theo quy định của Nhà nước nhưng tất cả số tiền đã ký anh em thống nhất sẽ trao lại, ủng hộ cho công trình.
Ngoài số tiền này, chúng tôi sẽ họp ban chấp hành, kêu gọi các hội viên mỗi người một chút đóng góp thêm để xây dựng công trình. Sự đóng góp này có thể không nhiều, nhưng giới KTS không thể đứng ngoài cuộc.
Cách mà Hội KTS TP.HCM đón nhận và đưa ra phương châm thực hiện công trình cho thấy dường như tâm thế để thực hiện một công trình như vậy đã được chuẩn bị từ lâu?
"Thể hiện được câu chuyện, tinh thần, bối cảnh ở Gạc Ma không phải đơn giản nhưng chắc chắn công trình phải vừa thể hiện sự bi tráng, lòng biết ơn, vừa thể hiện được câu chuyện lịch sử, tất cả các khía cạnh. Vì không thể nói khác lịch sử được..." KTS Khương Văn Mười |
- Đúng vậy! Về mặt kỹ thuật, bây giờ mới bắt đầu, nhưng chúng tôi đã có sự tích lũy cảm xúc, suy nghĩ về một công trình như vậy từ rất lâu. Tôi còn nhớ lần trước chúng tôi kêu gọi đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động, có nhiều bạn còn đi học, không có nhiều tiền đã hỏi tôi: Thầy ơi! Em có 50.000 đồng có đóng góp được không? Tôi nói quá tốt là khác, đóng góp như vậy mới ý nghĩa, đó mới là giá trị tinh thần đáng quý nhất. Do đó, cuộc phát động này chúng tôi sẽ tham gia toàn diện chứ không chỉ trên phương diện chuyên môn, thiết kế.
Vừa rồi, sau khi nhận lời thiết kế cho công trình, chúng tôi đã cử anh Nguyễn Trường Lưu đi Đà Nẵng dự buổi họp mặt thân nhân những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Tất cả sự hi sinh đó đương nhiên mình biết, nhưng chúng tôi muốn mình phải có cảm xúc trực tiếp. Những câu chuyện như bà mẹ có hai người con đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hòa bình rồi vẫn mất thêm đứa con nữa cho Gạc Ma; rồi có gia đình người anh đã hi sinh cho đất nước, người em vẫn tiếp tục xung phong ra Trường Sa... Những chuyện đó không ai cầm được nước mắt. Chúng tôi coi đây là trách nhiệm chứ không phải là đơn đặt hàng.
Đồ án Tổ quốc vẫn dõi theo Hoàng Sa - cây phong ba đất Việt của nhóm tác giả Công ty TNHH tư vấn Đại học Xây dựng
Con dấu và dấu mốc chủ quyền - sự khẳng định bền bỉ về chủ quyền bờ cõi, một hạng mục trong nhà trưng bày Hoàng Sa của các kiến trúc sư Nhật Bản
Đồ án Chiếc thuyền của hải đội Hoàng Sa của Công ty TNHH tư vấn - thiết kế - xây dựng Trường Phúc Gia
Sẵn sàng nhận góp ý thiết kế
Ông có thể nói khái quát về công trình không gian tưởng niệm Gạc Ma?
- Chúng tôi đang chờ Tổng liên đoàn Lao động VN làm việc với tỉnh Khánh Hòa xác định vị trí để chọn lựa. Trên cơ sở đó mới lập hồ sơ phân tích về vị trí, giao thông, ánh sáng, cảnh quan... Sau đó đưa ra giải pháp, có thể nhiều phương án, lại phân tích tiếp rồi mới đi vào quy hoạch chi tiết các hạng mục.
Tuy nhiên, có thể khẳng định ngay hai nội dung quan trọng của công trình. Thứ nhất là vị trí chắc chắn phải nằm ven biển và hướng ra biển, phải là không gian thể hiện được sự hùng tráng, nhìn vào có thể hình dung ra sự kiện Gạc Ma.
Vị trí xây dựng phải tổ chức được các nghi thức tưởng nhớ, trong đó chắc chắn phải có nghi thức việc thả hoa xuống biển để tưởng niệm như các tàu ra Trường Sa hiện vẫn làm.
Thứ hai, phải có những công trình mô tả lại sự việc, để tất cả người dân có thể nắm bắt được sự kiện Gạc Ma khi đến đây và mang tính giáo dục cho các thế hệ sau hiểu được sự hi sinh đó.
Đây là cả một nghệ thuật diễn đạt, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa người làm quy hoạch, người bố cục không gian kiến trúc, rồi họa sĩ tạo hình...
Làm sao để mọi người nhìn vào có cảm xúc mới đạt được mong muốn của mình. Ngoài ra, không gian tưởng niệm tất nhiên phải rộng rãi, có bãi đậu xe, có không gian làm lễ cho đông người tham dự và thuận tiện về mặt giao thông.
Đó là về mặt tổng thể, còn những chuyện chi tiết như việc đo ánh nắng, góc làm lễ ra sao, góc nào đẹp, đo tác động của gió bão với công trình... cũng sẽ phải được tính toán kỹ lưỡng, đạt cả yêu cầu về chất lượng công trình lẫn tính mỹ thuật.
Thực hiện công trình này chúng tôi cũng không nghĩ đến giới hạn kinh phí xây dựng, bởi đây là một công trình ghi nhận sự hi sinh, nghĩ đến kinh phí là sẽ giới hạn sự sáng tạo liền.
Kinh phí không phải là yếu tố quyết định, vấn đề là phải diễn tả được sự kiện đó. Chúng tôi khẳng định bằng mọi giá sẽ thực hiện cho được công trình ý nghĩa đặc biệt này.
Nhiều người trong giới kiến trúc, mỹ thuật cũng mong muốn đóng góp cho công trình này. Hội KTS TP.HCM có sẵn sàng tiếp nhận ý tưởng?
- Việc được tin cậy giao thiết kế công trình không gian tưởng niệm Gạc Ma là cơ hội để chúng tôi tham gia tích cực hơn.
Bởi công trình nếu như giao cho một đơn vị khác thì chúng tôi vẫn sẽ cố gắng tham gia nhưng không có nhiều cơ hội bằng.
Vì thế chúng tôi cũng khẳng định dù việc thiết kế đã được giao cho Hội KTS TP.HCM nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận đóng góp, tham gia của những đơn vị, những KTS khác.
Tất nhiên về mặt tổ chức phải có một đơn vị chịu trách nhiệm, phải có sự sắp xếp. Chúng tôi luôn sẵn sàng có nhiều phương án thiết kế, chứ không có tính áp đặt.
Chúng tôi sẽ có hội đồng khoa học, hội đồng nghệ thuật tham gia góp ý, thẩm định, với các chuyên gia có tên tuổi trong nghề góp ý cho các phương án mà chúng tôi đưa ra.
Sau đó sẽ chọn phương án ưng ý nhất, báo cáo Tổng liên đoàn Lao động VN, nhân dân và cả các thân nhân của những người đã ngã xuống ở Trường Sa tham gia góp ý, chỉnh sửa.
Nói tuyệt đối thì không dám, nhưng có thể khẳng định Hội KTS sẽ tập hợp trí tuệ ở mức cao nhất để đóng góp cho công trình này.
Nguyễn Viễn Sự (thực hiện)
Xây dựng đền tưởng niệm ở bán đảo Cam RanhNgày 16-3, ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh về việc xây Đài tưởng niệm 64 liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma (năm 1988) tại Khánh Hòa. Theo ông Thắng, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất chọn địa điểm xây dựng đền tại công viên trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, vị trí gần cầu Cam Hải, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (bắc bán đảo Cam Ranh). Đây là vị trí đẹp, nằm trên tuyến đường nối trung tâm TP Nha Trang với sân bay quốc tế Cam Ranh và Vùng 4 hải quân, sẽ thuận lợi cho người dân khắp mọi miền đất nước và du khách đến đây chiêm bái và tưởng niệm. UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chính thức cho lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động VN về địa điểm xây dựng đền tưởng niệm và hiện lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động VN đang chuẩn bị các bước cần thiết để xúc tiến nhanh việc này. Đền tưởng niệm sẽ là một công trình văn hóa - lịch sử có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và ý thức bảo vệ Tổ quốc cho nhiều thế hệ người VN. HU.H. |
- Kết quả cuộc thi thiết kế Công trình Xanh - FuturArc Prize 2014
- Hai chuyên gia của Việt Nam nhận giải thưởng "Chuyên gia Đô thị Quốc tế tiêu biểu 2014"
- "Illegal Architecture": Kiến trúc bất hợp pháp
- Chủ nhân Pritzker 2014 Shigeru Ban: Nhà giấy cũng trường tồn nếu được yêu thích
- Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2014 thuộc về KTS Shigeru Ban (Nhật Bản)
- KTS Võ Trọng Nghĩa được vinh danh "Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2014" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
- Bổ khuyết và bồi đắp tri thức kiến trúc
- Trung thành với lý tưởng - Frank Lloyd Wright
- Cầu Long Biên - một trong những biểu trưng của Hà Nội
- Đi tìm không gian lý tưởng