Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại KTS Khương Văn Mười: “Đừng để kiến trúc sư của chúng ta bị kiến trúc sư ngoại lấn át”

KTS Khương Văn Mười: “Đừng để kiến trúc sư của chúng ta bị kiến trúc sư ngoại lấn át”

Viết email In

Năm 2014, Hội Kiến trúc sư TPHCM đã có những đóng góp rất tích cực cho diện mạo phát triển của thành phố mang tên Bác.

Có thể kể đến như những hoạt động phản biện và góp ý hiệu quả của lực lượng kiến trúc cho quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch Quảng trường ở Thủ Thiêm (Q.2), Quảng trường Hồ Chí Minh trước UBND TP, trục đường Nguyễn Huệ, tượng đài Thống Nhất, đền Sài Gòn - Gia Định, các trục tuyến đường của thành phố...

Xung quanh những thành quả này cũng như những kì vọng, mục tiêu đặt ra của kiến trúc thành phố trong chặng đường phát triển và hội nhập quốc tế, phóng viên VOH đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM.

Thưa ông, với số lượng công trình và quy hoạch kiến trúc đồ sộ của TPHCM hiện nay, ông nhận định như thế nào về hiệu quả đóng góp của lực lượng kiến trúc đối với quy hoạch phát triển của thành phố?

- KTS Khương Văn Mười (ảnh): Trong năm qua, tất cả các công trình, quy hoạch hệ thống tượng đài, di dời tượng đài,...cũng như tất cả các dự án của thành phố thì Hội Kiến trúc sư đều tham gia phản biện và góp ý rất tích cực. Hội Kiến trúc sư TP đã chứng minh được vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp phát triển của thành phố. Và tôi nghĩ rằng đây không phải là trách nhiệm mà còn là niềm vinh hạnh của Hội khi được lãnh đạo thành phố tín nhiệm cùng sự tin tưởng của các sở, ban, ngành để có thể hoàn thành những công việc mà Thành ủy và Ủy ban đã giao.

Nói đến khuynh hướng hội nhập quốc tế; chúng ta đã có những dấu ấn, những giải thưởng gì tạo được ấn tượng với bạn bè quốc tế?

- Có thể nói, thế hệ kiến trúc sư trẻ hôm nay đã chứng minh được cho khu vực châu Á thấy rằng đang có thế hệ kiến trúc sư VN tham gia vào khu vực và chúng tôi cũng đã có rất nhiều giải thưởng quốc tế, đó là một bước rất quan trọng trong vấn đề hội nhập. Cụ thể như ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có KTS Võ Trọng Nghĩa, người đã mang về vinh quang cho kiến trúc VN khi đoạt các giải thưởng quốc tế về Kiến trúc Xanh, giải thưởng ARCASIA ở khu vực châu Á, giải thưởng Festival Kiến trúc thế giới ở Singapore và được công nhận là "Kiến trúc sư của Năm". Bên cạnh đó, sinh viên trường Đại học Kiến trúc TPHCM cũng đã đoạt giải về Workshop của Festival Kiến trúc sư thế giới, sinh viên Đại học Văn Lang cũng đoạt giải ở Thái Lan, Malaysia,...Điều đó cho thấy giới sinh viên kiến trúc đã biết đi tìm chỗ đứng, tìm những cơ hội để rèn luyện kiến thức của mình và tạo được vị thế cho mình trong khu vực châu Á; đồng thời tạo được sự tin tưởng cho Lãnh đạo trong công tác quản lý nhà nước, công tác thiết kế, khai thác kinh doanh,... Tất cả các kiến trúc sư đều đang hướng đến xu hướng chung của thế giới, đó là Kiến trúc xanh.

Mức độ các công trình Xanh của thành phố chúng ta hiện nay như thế nào?

- Thưc sự thì các công trình Xanh hiện nay rất là hiếm và rất khó để thực hiện vì cần phải có sự đồng thuận của chủ đầu tư. Tất nhiên là không phải công trình nào cũng làm theo tiêu chuẩn Kiến trúc Xanh mà chúng ta cần phải làm có trọng tâm, bởi vì một công trình Xanh đòi hỏi chi phí sẽ gia tăng (dự kiến tăng khoảng 30%) nên chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao hơn. Vì vậy, chỉ những dự án đầu tư dài hạn thì các công trình mới có hiệu quả. Do tùy thuộc vào tính chất kinh doanh của nhà đầu tư nên kiến trúc sư không can thiệp được; nhà đầu tư phải đồng thuận và môi trường làm việc phải tốt.thì kiến trúc sư mới có tác phẩm Kiến trúc Xanh có giá trị.


Ngôi nhà "House for Trees" - Công trình của Năm, Ashui Awards 2014 / thiết kế: Vo Trong Nghia Architects

Các kiến trúc sư của chúng ta cần có sự chuẩn bị như thế nào và những hoạt động gì để đáp ứng kịp thời quy hoạch phát triển của thành phố, đặc biệt là trong năm 2015?

- Trong năm 2015, khi mà hội nhập toàn diện thì chúng ta thấy rằng giới kiến trúc sư khu vực châu Á sẽ đến VN rất nhiều; vì vậy trước hết là ngoại ngữ của giới kiến trúc sư chúng ta phải giỏi để có thể tiếp cận được, ngoại ngữ yếu thì sẽ rất khó. Tất cả các sự kiện của thế giới thì chúng ta nên tham gia để mở mang kiến thức, tiếp cận thông tin, để có sự hòa nhập và hiểu rõ mình đang đứng ở đâu thì mình mới có thể phát triển đi lên được. Các em sinh viên, lực lượng kiến trúc sư trẻ vừa tốt nghiệp của tất cả các cơ sở đào tạo tại thành phố này cũng cần phải tích cực hơn trong nghiên cứu, trong sáng tác và biết rút kinh nghiệm từ những bước đi của những kiến trúc sư thế hệ trước để tạo cho mình một bước đi mới bằng chính sức lực, tay nghề của mình để chúng ta có một vị trí trong khu vực châu Á, và đừng để kiến trúc sư của chúng ta bị kiến trúc sư ngoại lấn át. Đây là một sân chơi bình đẳng của cả khu vực, vì vậy chúng ta cần phải tự đứng lên bằng chính đôi chân và năng lực chuyên môn của mình.

Bên cạnh những sự kiện lớn của thành phố và đất nước, năm 2015 cũng sẽ diễn ra Đại hội kiến trúc sư TP và Đại hội Kiến trúc sư VN, ông kì vọng như thế nào vào nhiệm kỳ mới sắp tới của kiến trúc?

- Tôi tin rằng với lực lượng kiến trúc ngày một phát triển, trong nhiệm kỳ mới, những anh em kiến trúc sư được cơ cấu vào Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Ban Lãnh đạo Hội sẽ chứng minh được năng lực điều hành, ứng xử trong mọi tình huống và công tác của Hội cũng sẽ rất tốt. Tôi nghĩ rằng Hội Kiến trúc sư sẽ chứng minh được vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển của thành phố.

Nam Hiệp (thực hiện /Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1980 khách Trực tuyến

Quảng cáo