Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại Quy hoạch đô thị: nhiều nơi làm ngược

Quy hoạch đô thị: nhiều nơi làm ngược

Viết email In

KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã lý giải như vậy về tình trạng ùn tắc ở cửa ngõ nam Sài Gòn mà Tuổi Trẻ phản ánh những ngày qua.

Chưa có đô thị vệ tinh đúng nghĩa

Theo ông, tình trạng ùn ứ ở các cửa ngõ là do những nguyên nhân nào?

KTS Nguyễn Ngọc Dũng (ảnh bên): - Quy hoạch các khu đô thị vệ tinh không có tính kết nối dẫn tới việc người dân hằng ngày phải đi lại như những con thoi vào khu trung tâm đi làm rồi chiều về lại các khu xung quanh thành phố để ở. Trong quy hoạch đô thị, người ta thường phải tránh hiện tượng này.

Người dân sống ở khu vực này nhưng làm việc ở khu vực khác, mà đường nối các khu vực này với nhau lại không đáp ứng được nhu cầu, do đó xảy ra ùn tắc.

Ðể giải quyết tốt tình trạng này, phải xây dựng tốt các đô thị vệ tinh. Ðến nay, TP.HCM đã có số dân lên tới gần 10 triệu người, việc xây dựng đô thị vệ tinh càng trở nên quan trọng. Có nhiều khu đô thị mới mọc lên quanh TP.HCM, nhưng thực tế nhiều khu chưa đáp ứng được những tiêu chí của một khu đô thị vệ tinh.

Như thế nào mới là một đô thị vệ tinh đúng nghĩa?

- Trước hết, các đô thị vệ tinh đúng nghĩa phải mang tính san sẻ với đô thị trung tâm, giảm áp lực cho các đô thị này. Chúng được xây dựng khá độc lập với các chức năng mang tính chuyên đề.

Hiện chúng ta có quá nhiều loại quy hoạch, không chỉ là theo tỉ lệ 1/5.000, 1/2.000, 1/500.

Các đồ án vẫn được làm theo kiểu đặt hàng chứ không phải thi tuyển như các nước.

Việc quy hoạch theo các tỉ lệ như trên là không cần thiết. Ở nước ngoài, khi đã được cơ quan có thẩm quyền cao nhất duyệt quy hoạch thì không thay đổi được nữa, trở thành luật.

Ðó là kiểu quy hoạch một lần, còn ở ta là quy hoạch từng bước, điều chỉnh liên tục. Mỗi lần điều chỉnh quy hoạch nhỏ thì ảnh hưởng đến quy hoạch lớn.

Một khu vực lại có mấy quy hoạch cùng lúc như quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông...

Những đồ án đã được Sở Quy hoạch - kiến trúc duyệt, sau coi lại mới thấy Sở Giao thông vận tải đã chỉnh con đường nhỏ lại hoặc phình ra từ lúc nào rồi, thế là phải làm lại.

Ví dụ, Tokyo có những thành phố vệ tinh nằm cách chừng 10-30km, xây dựng theo những chuyên đề khác nhau như trung tâm du lịch - văn hóa, trung tâm phát triển công nghệ...

Ở TP.HCM cũng có khu công viên phần mềm Quang Trung, nhưng mới chỉ coi đó là một nơi làm việc mà chưa chú ý tới những dịch vụ đi kèm để sử dụng sau giờ làm việc.

Còn như khu Thủ Thiêm thì hoàn toàn có thể xây dựng nên một trung tâm tài chính - kinh tế tầm cỡ nhờ vị trí đắc địa đối diện quận 1 và một số điều kiện khác.

Với khu vực Nam Sài Gòn, trước đây khi Công ty Phú Mỹ Hưng đề xuất xây dựng thành khu vệ tinh Sài Gòn thì quy hoạch rõ ràng có năm khu, giữa các khu là cây xanh, vùng trũng để thoát nước, chứa nước mưa.

Nhưng khi thực hiện, sức hút của khu vực này quá lớn, dân cư đổ về rất đông nên những vùng trũng, vùng đệm đều bị phân lô bán nền, phủ kín hết bằng các dự án. Dân quá đông, hạ tầng lại không theo kịp gây ra nhiều hệ lụy về giao thông, trật tự đô thị...

Thứ nữa là đô thị vệ tinh phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổng thể.

Ví dụ, định hướng xây dựng Q.9, Thủ Ðức thành làng đại học lớn.

Nếu quan niệm đó chỉ là một khu đại học thôi là không ổn khi khu vực xung quanh không có nhà ở và các dịch vụ đô thị đi kèm, các bệnh viện, công viên cây xanh... đủ để hình thành một thành phố.

Nếu chúng ta hình dung đó là một thành phố đại học thì có rất nhiều dịch vụ đi kèm.

Tất cả sinh viên, gia đình sinh viên, thầy giáo... đều sinh sống ở đó, không tạo ra hiện tượng con thoi, mỗi sáng phải chạy ra đó để làm việc, chiều chạy về rất mệt mỏi.


Các cầu nối trung tâm TP.HCM với khu đô thị phía nam luôn kẹt cứng. Trong ảnh: ùn ứ giao thông trên cầu Chà Và (Q.5 - Q.8) (Ảnh: Mậu Trường)

Khẩn trương làm đường trên cao

Như vậy làm thế nào để kết nối các vệ tinh này với nhau và với khu trung tâm TP.HCM?

- Tính kết nối giữa các đô thị này được thể hiện bằng những trục đường huyết mạch, được xây dựng trên cao. Với một thành phố hạn chế về quỹ đất và khả năng mở rộng đường như TP.HCM thì làm đường trên cao là tất yếu, giống như nhiều thành phố trên thế giới đã làm.

Nguyên tắc phải xây dựng các đô thị vệ tinh theo quy mô mà Liên Hiệp Quốc khuyến cáo, đó là những thành phố không quá đông dân, khoảng 300.000 người, để đảm bảo không gian và chất lượng sống. Giữa các đô thị này phải có khoảng cách ly, hiện giờ ta đang “lan tỏa” khiến ranh giới này trở nên mờ nhạt và không còn đúng nghĩa là vệ tinh nữa.

Các đô thị vệ tinh cần được xây dựng khá độc lập rồi làm đường kết nối các đô thị này lại với nhau. Mỗi quận có ít nhất vài con đường huyết mạch đi vào các khu trung tâm, chủ yếu là đường trên cao.

Các nước trên thế giới và khu vực đã làm hết từ lâu rồi, như Thái Lan chỉ cần mấy năm là xong. Sẽ có những đường huyết mạch đi từ quận này sang quận khác, người dân khi di chuyển sẽ đi trên cao, rất nhanh.

Chẳng hạn, từ quận 1 sang quận 7 sẽ có một cầu vượt đi thẳng qua.

Ta đang thiếu một hệ thống đường trên cao như vậy.

Vậy là các vấn đề về giao thông cần phải được chú ý trước tiên trong quy hoạch đô thị?

- Ðúng như vậy. Thay vì có đường huyết mạch rồi mới làm dự án thì lại làm dự án xong xuôi hết, trong khi chẳng có đường vào, đó là kiểu “cầm đèn chạy trước ôtô”.

Giao thông cũng cần được hiểu rộng ra không chỉ là việc làm đường, làm cầu mà còn phải bao gồm tất cả những thứ thuộc về đường sá, các dịch vụ có liên quan như cấp thoát nước, giải quyết triều cường, ngập nước, phát triển hệ thống giao thông công cộng, bãi đậu xe...

Chuyện kẹt xe đúng là một vấn nạn. Ði từ đây về Biên Hòa người ta chỉ đi hết 10 phút mà anh đi hết hai giờ, nhân với hàng trăm ngàn người đi tuyến đường đó mỗi ngày, cả xã hội bị kéo chậm lại là vì vậy.

TP.HCM cũng cần đưa ra được một lộ trình giúp người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Khi các phương tiện công cộng phát triển thì người dân tự động chuyển sang đi xe công cộng, không cần biện pháp cưỡng chế hành chính nào hết.

Ông NGUYỄN NHƯ THA (giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông công chánh TP.HCM):

Cần mời các nhà đầu tư xây dựng

Hiện không chỉ cửa ngõ phía nam mà cửa ngõ quốc lộ 22 từ Tây Ninh về TP.HCM cũng bị kẹt xe trầm trọng trên đường Cộng Hòa, đường Trường Chinh, nút giao thông An Sương vào giờ cao điểm sáng và chiều.

Vì vậy, TP.HCM cần nhanh chóng đầu tư xây dựng các cửa ngõ ra vào TP với quy mô mở rộng như đường Ðiện Biên Phủ - xa lộ Hà Nội. TP.HCM cần có quyết tâm thực hiện các dự án mở rộng các cửa ngõ dù vốn đầu tư xây dựng và tiền đền bù giải tỏa rất lớn.

Tôi được biết có rất nhiều nhà đầu tư khác muốn đầu tư xây dựng hạ tầng TP.HCM. Có chủ trương, chính sách rõ ràng và công bố công khai danh mục kêu gọi đầu tư hạ tầng thì sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia.

N.ẨN (ghi)

Mai Hoa (Tuổi Trẻ /thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3496 khách Trực tuyến

Quảng cáo