Giải thưởng Kiến trúc 2014 của trang mạng Ashui.com (mạng thông tin kiến trúc thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) vừa công bố chủ nhân của hai giải thưởng quan trọng nhất là "Kiến trúc sư của năm" và "Công trình của năm".
Trước thềm lễ trao giải (diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 11/1), PV Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Việt Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Ashui.com về giải thưởng năm nay.
Mùa giải năm nay có những điểm gì mới đáng chú ý, thưa ông?
- Đây là năm thứ ba liên tiếp Ashui.com tổ chức bình chọn các danh hiệu "Kiến trúc sư của năm" và "Công trình của năm". Nét mới của mùa giải năm nay là BTC đã điều chỉnh quy chế và cách tính kết quả bình chọn. Theo đó, thay vì dựa hoàn toàn vào sự bình chọn của cộng đồng như trước, năm nay, Hội đồng tuyển chọn gồm các chuyên gia có uy tín sẽ chọn ra các đề cử chính thức và quyết định 50% kết quả bình chọn, 50% còn lại thuộc về cộng đồng thông qua bỏ phiếu trực tuyến. Sự thay đổi này đã có hiệu quả tích cực, thuyết phục cả giới chuyên môn và cộng đồng.
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hòa Hiệp đã giành giải "Kiến trúc sư của năm" với số phiếu khá cao của Hội đồng tuyển chọn cũng như của cộng đồng. Theo ông, điều gì khiến KTS Nguyễn Hòa Hiệp thắng giải năm nay?
- Nguyễn Hòa Hiệp là một KTS trẻ tài năng (sinh năm 1978), đã từng được đề cử ở mùa giải đầu tiên (năm 2012). Anh là Kiến trúc sư trưởng của Văn phòng Kiến trúc "a21 studio", đã xuất sắc giành giải "Công trình của năm" tại Liên hoan Kiến trúc thế giới 2014 tổ chức tại Singapore với công trình The Chapel (nhà nguyện, TP Hồ Chí Minh). Đây là giải thưởng cao nhất, danh giá nhất của liên hoan. Và đây cũng là lần đầu tiên một công trình kiến trúc của Việt Nam giành giải cao như vậy.
KTS Nguyễn Hòa Hiệp
Nhìn vào hai giải lớn là "Kiến trúc sư của năm" và "Công trình của năm", có thể thấy xu hướng "kiến trúc xanh" khá rõ nét?
- "Kiến trúc bền vững" hay "kiến trúc xanh" là một xu hướng tất yếu trong thiết kế và xây dựng nhằm tạo ra những công trình thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả. Mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm "kiến trúc xanh" ở Việt Nam, nhưng nhìn chung, các KTS trẻ đã và đang cố gắng học hỏi kinh nghiệm của thế giới để áp dụng cho các thiết kế của họ. Dấu hiệu này ngày càng rõ nét và nói chung đã được thể hiện một phần trong các đề cử và kết quả của cuộc bình chọn năm nay. Hầu hết các công trình của KTS Nguyễn Hòa Hiệp cùng văn phòng của anh đều sử dụng vật liệu thiên nhiên, hiệu quả năng lượng và thân thiện với môi trường. Còn "House for Trees" (nhà cho cây xanh) - do văn phòng của KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế - giành giải "Công trình của năm" thì đúng như tên gọi, cây xanh ở khắp mọi nơi, giúp con người tận hưởng bầu không khí trong lành khi sinh sống tại đây.
Công trình "House for Trees"
Qua nhiều kỳ tổ chức giải, xin ông cho biết, nếu xét theo tiêu chí 3T là tài năng, thực hành và tiên phong thì BTC có nhiều sự lựa chọn không, hay mỗi kỳ giải thưởng cũng chỉ là "so bó đũa chọn cột cờ"?
- Ba tiêu chí này là tài năng - thiết kế các công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc cao, tạo nên phong cách riêng; thực hành - tổ chức quá trình thiết kế và xây dựng các công trình một cách chuyên nghiệp, chất lượng cao; tiên phong - các công trình thiết kế đáp ứng xu hướng của thời đại, phát triển bền vững, được xã hội và dư luận đánh giá cao. Với các tiêu chí tài năng và thực hành thì chúng ta không chỉ có "bó đũa" mà cả một "rừng tre". Nhưng thêm tiêu chí tiên phong thì đúng là giải thưởng đang đi tìm "người cầm cờ" thật. Mục tiêu của Ashui không phải tìm "chiếc đũa tốt nhất" mà là "chiếc đũa tiên phong" - một ngọn cờ đích thực của giới KTS.
Giải thưởng này có tạo ra sự trùng lặp hoặc gây khó khăn gì cho giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam hay không, thưa ông?
- Như tôi đề cập ở trên, mục tiêu của giải thưởng này khác với các giải thưởng khác hiện có, và mỗi giải thưởng hay cuộc thi đều có những tiêu chí, cách thực hiện khác nhau, nên chắc chắn không có sự trùng lặp. Tôi nghĩ rằng, sự xuất hiện của giải thưởng này sẽ không gây khó khăn gì cho giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thậm chí các giải thưởng sẽ cùng cộng hưởng để đạt hiệu quả tốt hơn, với mục đích chung là góp phần cải thiện môi trường hành nghề kiến trúc tại Việt Nam, khẳng định vai trò và sự cần thiết của KTS đối với xã hội.
Tham vọng của Ashui.com đối với giải thưởng này trong những năm tới là gì?
- Sau 3 lần tổ chức, giải thưởng bình chọn "Kiến trúc sư của năm" và "Công trình của năm" (Ashui Awards) đã để lại những dấu ấn nhất định với giới KTS và được dư luận xã hội quan tâm. Mỗi một mùa giải trôi qua, BTC lại có thêm kinh nghiệm và dần hoàn thiện quy chế tổ chức. Ashui.com sẽ duy trì hoạt động này thường niên và mong muốn giải thưởng sẽ tạo sự khích lệ tích cực tới mọi KTS, tìm kiếm thành công những ngọn cờ, những tấm gương tiêu biểu trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng tại Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Hà Dương (Hànộimới /thực hiện)
- Việt Nam cần “đi trước đón đầu” về quy hoạch đô thị để giảm ô nhiễm
- Lên tiếng cho cây, cũng là để bảo vệ ký ức của con người
- Chặt hạ 6.700 cây xanh: Không ở đâu dễ như Việt Nam
- KTS Khương Văn Mười: “Đừng để kiến trúc sư của chúng ta bị kiến trúc sư ngoại lấn át”
- Quy hoạch đô thị: nhiều nơi làm ngược
- Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự: Mất di sản là mất tất cả
- Muốn chống ngập, phải kết hợp nhiều giải pháp
- Có nên tăng giá đất?
- Giấc mộng “Phố Đông” của TP.HCM bao giờ hiện thực?
- Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long