Ông Nguyễn Sự có hơn 30 năm gắn bó với Hội An, dành nhiều tâm huyết để giữ gìn hồn phố cổ. Có thể đã có hàng trăm bài báo viết về ông, nhưng dịp Hội An kỷ niệm 15 năm được công nhận Di sản thế giới, chúng tôi vẫn không thể không tìm gặp ông.
Phóng viên báo Thể thao&Văn hóa tại Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện với Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự (ảnh).
Nhắc đến Hội An, người ta không chỉ biết đến một phố cổ di sản thế giới, mà còn nhớ đến ông Nguyễn Sự với nhiều chủ trương, chính sách “không giống ai”?
- Tôi nhớ chủ trương đầu tiên của tôi là tất cả các nhà có mặt tiền trong phố cổ không được trưng bày sản phẩm ra vỉa hè, mà chỉ trưng bày trong nhà thôi. Cái vỉa hè đó để cho những người dân buôn thúng bán mẹt, những người nghèo bán bắp, tàu hũ... Lúc đó, gần như cả phố cổ này phản ứng tôi rất quyết liệt. Vì nhà họ có cái mặt tiền, giờ lại bắt người ta lui vào để mặt tiền cho người khác đến kinh doanh. Khi ấy mới 37 tuổi, người ta nói tôi là “Ngựa non háu đá”. Ngày nào vợ tôi đi chợ, người ta cũng nói xa nói gần, chì chiết. Về nhà, bà xã cũng nói “anh làm gì mà gay gắt thế, để dân người ta sống với.
Vỉa hè là nơi công cộng. Họ đã có mặt tiền để kinh doanh rồi thì hãy để cho những người trong hẻm, những người cũng có nhà cổ sống với. Người ta chỉ có 1 gánh nhỏ thôi. Họ phải có thu nhập để cùng giữ phố cổ.
Cả 1 năm trời, tôi không bao giờ về nhà trước 12h đêm. Việc ở cơ quan xong, mình phải đi kiểm tra xem người dân thực hiện ra sao, họ phản ứng thế nào. Gần 1 năm sau mới tạo ra cái nếp trật tự, tạo ra thói quen cho người dân.
Chủ trương thứ hai là thực hiện “đêm phố cổ”. Tự nhiên bắt dân tắt hết điện đi, mặc đồ trang phục truyền thống đêm rằm. Ban đầu người ta cũng phản ứng. Nhưng đến nay đã được 16 năm, trở thành nét sinh hoạt thường xuyên của họ. Đêm 14 Âm lịch nào không làm, họ thấy thiêu thiếu.
Rồi thực hiện chủ trương “phố đi bộ” đâu phải đơn giản. Trong khi dân cả vạn người, có xe máy mà lại bắt họ đi bộ. Ban đầu mình làm 1 ngày/ tuần, sau 2 ngày/ tuần, đến bây giờ thì ngày nào cũng có phố đi bộ. Giờ mà thả xe máy vào, là họ phản ứng ngay.
15 năm qua, kể từ khi Hội An được công nhận là di sản thế giới, việc bảo tồn gìn giữ phố cổ vẫn là nỗi truân chuyên lớn.
- Việc bảo tồn giữ gìn phố cổ đến hôm nay là sự nỗ lực lớn của chính quyền và nhân dân TP. Hội An. Việc trùng tu, tu bổ từ nguồn ngân sách nhà nước và cả nhân dân tự bỏ tiền ra. Phần lớn, các nhà cổ tại phố cổ đều do nhân dân tự ý thức trùng tu. Vì đây là nhà của chính họ. Họ có trùng tu thì mới kinh doanh được, mang lại lợi ích cho chính họ.
Một điều còn vướng mắc trong việc tu bổ là có một số nhà cổ sở hữu tập thể. Không phải người dân không có tiền mà vì không ai chịu đứng ra để tu bổ.
Việc trùng tu di tích vẫn đang được làm thường xuyên, đã đáp ứng được nhu cầu. Hàng năm, tiền bán vé tham quan dành đến 70% trùng tu di tích. Chính điều đó đã giúp Hội An không đứng trước nguy cơ xuống cấp.
Sông Hoài - Hội An (ảnh do Trung tâm văn hóa Hội An cung cấp, tác giả Mạc Kỳ Như)
Trong xu thế hội nhập, ông có lo lắng bản sắc Hội An sẽ bị mai một?
- Tôi nói thật, nếu chỉ vài người từ nơi khác đến mà làm biến dạng văn hóa Hội An thì văn hóa Hội An chỉ có vứt đi vì như thế, rõ ràng là không có bản sắc.
Chúng ta hãy nhìn Chùa Cầu, cầu là của người Nhật, còn chùa là của người Hoa, nhưng Chùa Cầu lại là hình tượng văn hóa điển hình của Hội An. Văn hóa Hội An là văn hóa hội nhập, đa dạng.
Đất có lành thì chim mới đậu. Dù họ có từ đâu đến nhưng sống ở Hội An, họ sẽ làm cho văn hóa Hội An phong phú hơn. Chắc chắn, sức mạnh của văn hóa Hội An sẽ làm cho những người nhập cư yêu thêm di sản này.
15 năm được công nhận là di sản, việc bảo tồn và trùng tu di tích chắc chắn không hề dễ dàng. Rồi 15 năm sau và lâu hơn nữa, Hội An sẽ ra sao?
- Phải nói sự thay đổi là tất yếu và đúng với quy luật tự nhiên. Nhưng thay đổi theo hướng nào? Việc ưu tiên nhất của Hội An là làm cho người dân giữ được ý thức bảo vệ di sản. Làm cho họ, con cháu họ, hiểu di sản này mang lại lợi ích, nguồn sống thì người dân mới bảo vệ di sản được. Mất di sản, sẽ mất tất cả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hồng Thúy (TT&VH /thực hiện)
- Lên tiếng cho cây, cũng là để bảo vệ ký ức của con người
- Chặt hạ 6.700 cây xanh: Không ở đâu dễ như Việt Nam
- KTS Khương Văn Mười: “Đừng để kiến trúc sư của chúng ta bị kiến trúc sư ngoại lấn át”
- Quy hoạch đô thị: nhiều nơi làm ngược
- Ashui Awards 2014: Trên hành trình tìm kiếm “Chiếc đũa tiên phong”
- Muốn chống ngập, phải kết hợp nhiều giải pháp
- Có nên tăng giá đất?
- Giấc mộng “Phố Đông” của TP.HCM bao giờ hiện thực?
- Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long
- Phú Quốc chuyển mình hướng tới mô hình đặc khu kinh tế