Gặp Phạm Hữu Lộc trong một sáng mùa hè nóng bỏng, tôi không nghĩ rằng sẽ được thấy một nụ cười tươi đến thế. Cặp kính lấp lóa nắng, đầu “đinh” tinh nghịch, giọng nói trầm ấm Lộc đã cho tôi những thiện cảm ban đầu. Trong suy nghĩ của tôi với những con người "kiến trúc - xây dựng" là khô cứng, chỉ biết bê tông cốt thép, chỉ có những thước, compa, con số và cắm cúi bàn kính gập lưng kẻ vẽ, di chuột mải miết trên máy tính... chẳng có mấy hài hước và ít những cảm nhận sinh động về cuộc sống đời thường. Hóa ra không phải thế. Lộc đã làm thay đổi suy nghĩ cực đoan trong tôi để thấy được trong những mái đầu ấy, dáng vẻ bụi bặm ấy là cả một sự rung động, tinh tế thẳm sâu. Những câu chuyện dài ngắn tiếp nối, cũng là lúc những đường nét, hình khối, chi tiết kiến trúc dần sáng rõ lên với sự mềm mại, hấp dẫn đến không ngờ...
Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều là những bác sĩ giỏi, Lộc lại không chọn con đường truyền thống đó mà rẽ sang một ngả hoàn toàn xa lạ. Lộc thi vào ĐH Kiến trúc với một ước mơ cháy bỏng sẽ trở thành một KTS thực thụ. Có thể trong mơ ước của nhiều chàng trai trẻ đều có hình ảnh đó, nhưng không phải ai cũng hiện thực hóa nó được một cách triệt để như Lộc. Lộc bắt đầu theo đuổi ước mơ của mình từng bước một kiên nhẫn và đam mê. Bốn năm đại học với bao nhiêu dự định liên tiếp được thực hiện. Những đêm miệt mài bên bàn vẽ. Những phút đắm mình vào máy tính để phác những biểu đồ chằng chịt chi tiết của tương lai. Những ngày lang thang tìm sách kiến trúc rồi hân hoan vác về bằng khoản tiền học bổng nhỏ bé... Từng chút từng chút một góp lại, Lộc đã có một "gia tài" kiến thức đáng tự hào.
Chàng sinh viên ưu tú lớp 2004-K3 đã từng đoạt giải Ong Vàng của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội về chủ đề đồ án chung cư năm 2007. Cũng trong năm này, Lộc còn đoạt giải khuyến khích Thiết kế nhanh và giải 3 sinh viên giỏi tiếng Anh của Trường ĐH Kiến trúc. Năm 2007 - 2008, Lộc là sinh viên có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải nhất của Trường và đồng thời nhận giải 3 sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT về chủ đề "Bảo tồn và nâng cao giá trị Ô Quan Chưởng". Đây là một đề tài vô cùng thiết thực chào đón 1.000 năm Thăng Long, được các chuyên môn quan tâm và đánh giá rất cao. Khi những trầm tích của thời gian, dấu ấn của lịch sử đang mai một dần theo năm tháng, thì rất cần những người trẻ như Lộc đem cái nhìn của thế hệ mình soi vào để vừa gìn giữ được truyền thống, giá trị xưa, vừa khai thác được ý nghĩa lớn của di tích cho hiện tại, nhịp sống mới.
Đặc biệt, năm 2009 Lộc đã đoạt giải Nhất cuộc thi Futurarc Prize 2009 do Singapore tổ chức với sự tài trợ của Mỹ. Đây là cuộc thi có uy tín lớn trên thế giới dành cho các KTS và sinh viên ngành kiến trúc. Ở phần thi dành cho sinh viên, đồ án thiết kế của Lộc đã thuyết phục Ban giám khảo tuyệt đối, vượt qua các đối thủ nặng ký của các nước khác như Singapore (giải Nhì) và Achentina (giải Ba) để đứng lên bục nhận vinh quang cho Việt Nam. Với chủ đề thiết kế về công trình xanh (International Design Competion for green Architecture), bài dự thi của Lộc thực sự mang ý nghĩa cộng đồng cao. Mục tiêu là thiết kế một trung tâm cộng đồng xanh phục vụ cuộc sống của dân cư một cách tốt nhất. Thể hiện cụ thể ở hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng bằng cách khai thác nguồn năng lượng tự nhiên (mặt trời, gió...). Sử dụng nguồn nước sạch và hệ thống lọc nước chuyên dụng. Giải pháp kiến trúc của công trình này là thông gió tự nhiên, chiếu sáng tự nhiên, sử dụng cấu kiện chế tạo sẵn để giảm chi phí xây dựng, giảm tối đa lượng khí thải ra môi trường... Hiệu quả xã hội mà nó đem lại sẽ là thúc đẩy nền giáo dục, kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí để cải tạo môi trường. Có thể nói, với công trình đoạt giải cao này, Lộc hoàn toàn có thể tự tin đứng lên thực hiện những ý tưởng của mình để cống hiến tài năng và tâm huyết cho cộng đồng.
Bài dự thi FuturArc 2009 của Phạm Hữu Lộc
Lộc vừa tốt nghiệp ĐH Kiến trúc với số điểm cao 9,64, là sinh viên giỏi của Trường và đang tiếp tục làm cộng tác viên cho thầy giáo của mình để học hỏi làm dày thêm kinh nghiệm cho chặng đường dài phía trước nhiều thử thách. Lộc rất hào hứng với lối đi mình đã chọn, bởi trong trái tim tuổi trẻ của mình, Lộc thấy được ngọn lửa say mê luôn bừng cháy. Những đường nét, hình khối, những chi tiết kiến trúc đẹp và cuốn hút luôn hiện hữu trong đầu Lộc, thôi thúc Lộc làm việc và tư duy, sáng tạo. Lộc cũng là một trong 8 sinh viên của trường ĐH Kiến trúc có bài được chọn vào Giải thưởng Loa Thành. Đây là một cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia, rất có ý nghĩa trong việc phát triển và gìn giữ những giá trị của dân tộc. Những trang sách ngấm dần theo ngày tháng, những chuyến đi ngắn dài khám phá vẻ đẹp trong từng công trình kiến trúc của đất nước, những đêm miệt mài với ánh đèn khuya quên ngủ... đã hiện hữu thành tiếng nói vọng vang trong những công trình tươi mới nhiều hứa hẹn của chàng trai trẻ này.
Ngày còn dài, chuyến du học chẳng còn bao xa. Nhưng đi là để trở về. Ra với thế giới để mở mang và thu nhận, với cả tâm hồn và trách nhiệm của người con đất Việt, cống hiến - dựng xây.
Gia Linh
- Đào tạo kiến trúc sư đang lâm vào khủng hoảng
- Giải thưởng Loa Thành 2009
- Kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ môn Kiến trúc Dân dụng - Trường ĐH Xây dựng
- Cần có cơ chế thiết thực khuyến khích các kiến trúc sư trẻ sáng tạo
- Đại học Kiến trúc Hà Nội và những cơ hội trong năm học mới
- Đồ án sinh viên kiến trúc: tính ứng dụng và căn bệnh hình thức
- Có nên tiếp tục học cao học sau khi đã đi làm?
- 3 chàng trai “đánh thức” cầu Long Biên
- "One Coin One Brick": Mỗi đồng xu, một viên gạch
- Sinh viên Mỹ, bạn là ai?
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này