Tối 27/3, Cuộc thi “Đánh thức không gian” đã công bố kết quả tại Lễ trao giải và tọa đàm về nghệ thuật trong không gian công cộng. Giải Nhất đã thuộc về 3 chàng sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với ý tưởng “Cầu Long Biên - ngày và đêm”. Một ý tưởng ngoạn mục, đạt 6/6 phiếu của Hội đồng giám khảo. Lộng lẫy mà tinh tế. Hiện đại mà chất chứa chiều sâu lịch sử - văn hóa. Một giải Nhất xứng đáng bên cạnh 5 giải Nhì chín chắn, 4 giải ý tưởng bay bổng, đầy sức lôi cuốn…
Cầu Long Biên hiện tại
1. Ý tưởng Cầu Long Biên - Ngày và đêm xuất phát từ một ký ức lịch sử về cầu Long Biên mà không phải ai cũng nhớ. Chỉ khi nhìn vào bức ảnh cũ này, nhiều người mới nhớ ra rằng, trước đây trải dài trên 18 nhịp cầu Long Biên là dàn khung sắt cao thấp nhấp nhô vươn lên như con rồng hùng dũng băng qua sông Hồng. Trong chiến tranh phá hoại, cầu Long Biên từng bị bom Mỹ đánh phá làm gẫy một số nhịp và sau đó được hàn gắn lại. Thế nhưng sau quá trình gia cố này, cầu Long Biên đã bị mất đi nhiều đoạn nhấp nhô, chỉ còn lại một đoạn gần ga Long Biên như đang hiện hữu.
Ý tưởng của 3 chàng sinh viên kiến trúc là làm sao để đánh thức ký ức về cầu Long Biên thuở ban đầu, đồng thời nối ký ức ấy với hiện tại? Giải pháp đưa ra là: Dùng đèn chiếu cao áp và hệ gương làm khúc xạ tia sáng, chúng ta có thể tái tạo các nhịp cầu đã mất, hoặc dùng dây căng và dây đèn bọc nhựa để chăng lên thành các nhịp cầu. Tóm lại là mô phỏng lại những nhịp cầu nhấp nhô đã biến mất, để ban đêm khi ánh sáng bật lên, cây cầu hiện ra nguyên vẹn như thuở ban đầu. Nhưng ban ngày khi ngừng chiếu sáng, thì cây cầu lại trở về với hiện thực.
Cầu Long Biên hiện tại (chỉ còn 1 đoạn nhấp nhô)
Hoạ sỹ - curator Trần Lương, nghệ sỹ thị giác hàng đầu Việt Nam và là thành viên Hội đồng giám khảo nhận xét: “Ý tưởng thoạt đầu thấy khá giản dị nhưng lại có sức hút mạnh. Trên thế giới có rất nhiều ý tưởng nghệ thuật công cộng thực hiện trên các cây cầu. Một số nơi người ta đã thiết kế hệ thống ánh sáng trang trí để cây cầu nổi bật lên lộng lẫy trong đêm... Nhưng đó chỉ là những ý tưởng làm đẹp. Còn cầu Long Biên thì đã có một lịch sử bi tráng và chúng ta đánh thức lịch sử ấy. Khó có thể hình dung được hiệu ứng thị giác cũng như sự chấn động tình cảm đối với đông đảo người dân khi ý tưởng này được thực thi trên cả một không gian rộng lớn bên trên mặt nước và hai bên bờ sông Hồng”.
“Tôi nghĩ nếu nói ý tưởng này đạt tầm “kinh điển” quốc tế thì là hơi quá” - họa sỹ Trần Lương nói tiếp – “vì phạm vi “đánh thức” của nó chưa phải là trong cộng đồng rộng lớn, tính công nghệ của nó cũng chưa cao; quan trọng nhất là chưa tạo được sự tương tác - để mọi người và các nghệ sỹ cùng chung tay sáng tạo và thực hiện - một trong những cái đích mà nghệ thuật công cộng thường hướng tới. Nhưng dù sao đây cũng là ý tưởng rất có ý nghĩa đối với các nước từng có quá khứ chiến tranh”.
Cầu Long Biên ban đêm - giải pháp chiếu sáng
2. Các chàng trai “chiến thắng tuyệt đối” với ý tưởng trên là Lại Thành Tín, Lê Anh Quyền, Đặng Ngọc Tú. Tín từng đoạt giải Nhất khi viết về Sự năng động của người Sài Gòn qua quy hoạch kiến trúc trong Liên hoan sinh viên kiến trúc Việt Nam. Không sinh ra ở Hà Nội, nhưng từ sự đam mê về nghề và tình yêu dành cho Hà Nội, và như Tín nói “từ ý thức hệ của người trẻ về thành phố mình đang sống”, Tín đã cùng 2 người bạn của mình bắt tay vào xây dựng ý tưởng này.
“Tôi đã tham khảo về khả năng chiếu sáng của một công ty chuyên cung cấp các thiết bị này, cũng như tham khảo dàn khung di động của trường ĐH Bách Khoa…Tôi nhận thấy rằng ý tưởng này hoàn toàn có thể thành hiện thực” - Tín tiết lộ thêm: “Chúng tôi đã mất 3 tháng để nghiên cứu và đã tiến hành “thử nghiệm” bí mật ngay trên cầu: Căng dây lên thành bộ khung xem sẽ bị rung lắc ra sao khi có gió hoặc khi có tàu hỏa chạy qua”.
Doãn Phương / TT&VH
>>
- Cần có cơ chế thiết thực khuyến khích các kiến trúc sư trẻ sáng tạo
- Đại học Kiến trúc Hà Nội và những cơ hội trong năm học mới
- Phạm Hữu Lộc: Ước mơ cháy bỏng trở thành kiến trúc sư
- Đồ án sinh viên kiến trúc: tính ứng dụng và căn bệnh hình thức
- Có nên tiếp tục học cao học sau khi đã đi làm?
- "One Coin One Brick": Mỗi đồng xu, một viên gạch
- Sinh viên Mỹ, bạn là ai?
- Discovery Week: “Tuần lễ khám phá” của sinh viên Kiến trúc
- Đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu ngành Xây dựng
- KTS Tadao Ando giao lưu tại Đại học Xây dựng