Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Cộng đồng Sinh viên KTS Tadao Ando giao lưu tại Đại học Xây dựng

KTS Tadao Ando giao lưu tại Đại học Xây dựng

Viết email In

Ngày 26/11, Kiến trúc sư Nhật Bản nổi tiếng thế giới Tadao Ando đã đến trường Đại học Xây dựng và có buổi nói chuyện, giao lưu với các giáo viên, sinh viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch.

KTS Tadao Ando đã chia sẻ với đông đảo các giáo viên, sinh viên Kiến trúc về những kinh nghiệm học và làm nghề, nắm bắt các trào lưu kiến trúc hiện đại. KTS Ando đã ví Việt Nam giống đất nước Nhật Bản 50 năm truớc, có đầy ước vọng và sức trẻ. Vào thời điểm đó, KTS.Ando cũng đang ở độ tuổi 20, tràn đầy niềm tin và ước vọng, và ông cũng hi vọng, nhắn gửi tới thế hệ trẻ Việt Nam  cần phải học tập nhiều hơn để chuẩn bị tốt cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Sau đó, trong vòng một giờ, KTS. Tadao Ando đã nói chuyện, giao lưu với các giáo viên, sinh viên Kiến Trúc thông qua hình thức hỏi và trả lời câu hỏi. Dưới đây xin trích giới thiệu một số trao đổi với KTS Tadao Ando trong buổi giao lưu này.

Năm 20 tuổi, ông có mong muốn như thế nào?
 
Năm tôi 20 tuổi, tôi chỉ luôn luôn nghĩ đến việc thiết kế. Tuy nhiên, để chuyển từ mong muốn thành hiện thực là không dễ dàng. Ngoài yêu cầu là nhiệt huyết còn cần có thể lực – điều sẽ giảm sút đi đáng kể sau 40 tuổi. Khi còn trẻ tôi đã đọc nhiều sách, đi thăm quan, tham khảo ý kiến của nhiều người, của các kiến trúc sư. Sinh viên Nhật Bản hiện nay có ít kiến thức thực tế, họ bị ỷ nhiều vào việc sử dụng máy vi tính, quên mất việc phải đi và đọc nhiều. Khi nhiều tuổi hơn thì việc duy trì nhiệt huyết đó vẫn rất cần thiết. Việc đọc sách và đi thăm quan nhiều sẽ  giúp cho ta có những ấn tượng, hình dung ban đầu , tập nhận xét về các thể loại công trình, có những kiến thức thực tế để khi nhận được một đơn đặt hàng ta không bị bỡ ngỡ, và nhanh chóng tìm ra ý tưởng.

Khi đi du lịch, ông lấy kinh phí từ đâu? Và ông duy trì chuyến đi như thế nào?

Khoảng năm 1964-1965, thời kì đó 1 USD xấp xỉ 136 Yên. Một ngày tôi tiêu khoảng 5 USD. Ngày đó tôi còn trẻ và có nhiều nhiệt huyết, nên 1 ngày tôi đi bộ lien tục khoảng 10 giờ. Tôi nhớ lần tôi đi từ Nga sang Phần Lan, tôi đã gặp hiện tượng đêm trắng, lúc đó có thể đi bộ tới 15 giờ liên tục. Khi đó tôi cảm thấy rất mệt và chỉ muốn quay về (tôi không biết Tiếng Anh).
Người trẻ tuổi thường có 1 cảm giác lo lắng, chưa tự tin trước một việc gì đó, và cảm giác đó giúp người trẻ tuổi có quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ. Bây giờ tôi đã vượt qua cảm giác lo lắng đó và cảm thấy không còn sợ gì nữa.

Những kinh nghiệm thực tế của ông về việc đi học thông qua đi du lịch?

Trước khi đi ra nước ngoài (khoảng năm 64-65), tôi đã đi thăm nhiều nơi ở Nhật Bản. Tôi đọc nhiều sách, tài liệu liên quan đến những nơi sẽ đến, dành nhiều thời gian suy ngẫm về những gì đã đọc được, đã thấy trong thực tế, từ đó có những ý tưởng đầu tiên.
Năm tôi 20 tuổi, tôi chưa có hình dung gì về kiến trúc Châu Âu, tôi chỉ biết Le Corbusier. Khi tôi sang Châu Âu, khi thăm quan các công trình kiến trúc cổ, tôi chưa hiểu hết những ý nghĩa triết học của các công trình đó. Nhiều công trình tôi phải xem 3- 4 lần cộng với đọc sách, gặp gỡ trao đổi với các KTS thì mới dần dần vỡ ra nhiều điều.
Là một KTS Châu Á thì phải hiểu kiến trúc Châu Á.

Cách tìm ý và kết thúc một đồ án thông thường  của ông như thế nào?

Kiến trúc nếu chỉ nói về ý tưởng thì không đủ, nó còn liên quan đến  kinh phí, khả năng thực hiện, kỹ thuật thi công có khả thi không?
Các KTS nổi tiếng trên thế giới đều trưởng thành trong thế giới của những người thợ. Họ đều công nhận, hoặc kế thừa, học tập ai đó/ cái gì đã có.
Khi tôi 20 tuổi, tôi đã đọc đi đọc lại những tác phẩm của L.Corbusier. Tôi mong các bạn trẻ phải học nhiều, học những cái trong lịch sử, từ những bậc tiền bối.



Lịch làm việc một ngày bình thường của ông?

Đêm nay tôi bay về Nhật Bản và 5h30’ có mặt ở Nhật Bản
9h30’ : tôi đến văn phòng bắt đầu làm việc. Việc đầu tiên là tôi đánh thức các nhân viên dậy, họ thường ngủ bù mỗi khi tôi đi vắng (cười) sau đó tôi kiểm tra công việc.
Hôm sau: 8h30’ tôi đến Tokyo, tôi phải tham dự 3 hội nghị.
6h chiều tôi dạy học ở Tokyo đến 9h tối thì xong
Sau đó tôi trả lời phỏng vấn…

Lời khuyên của ông cho Sinh viên hiện nay, khi mà một số sinh viên lạm dụng máy vi tính quá nhiều?

Máy tính là vấn đề của thời đại. Quyết định thời gian làm việc với máy tính liên quan đến cá tính từng sinh viên. Tôi nghĩ tôi cũng là một người hiện đại nhưng mấy ngày hôm nay tôi chưa liên lạc gì bằng máy tính. (cười)

Làm thế nào để có thể được nhận vào Văn phòng của ông?

Tôi không có văn phòng thiết kế ở Tokyo, chỉ có ở Osaka. Thường những sinh viên học ở Tokyo thì làm việc ở Tokyo, một số em về Osaka làm việc. Ở văn phòng tôi ngoài các bạn người Nhật còn có một số bạn người Colombia, Hungari, Brazil. Họ đều học ở Đại học Tokyo 5 năm, biết tiếng Anh, Nhật, Tây Ban Nha… Nói chung, họ đều học tốt và có thể lực. Cũng đôi khi có vài lời nhờ vả nhưng thường tôi chỉ nhận những người có năng lực.

Tinh thần trong kiến trúc của ông là gì? Yếu tố nào để Nhật bản sản sinh ra những người khổng lồ trong kiến trúc? Khoa Kiến trúc & Quy hoạch của ĐH Xây dựng đã từng có 4 sinh viên thực tập tại xưởng của ông, ông có thể nói những điều kiện để được nhận vào làm việc tại xưởng của ông để các sinh viên hiện nay phấn đấu?

Học bổng đó là do Osaka trao. 18 năm trước tôi cũng lập 1 Quỹ học bổng trao cho 15 người/ năm, để đến Nhật Bản học tập  1 khoá học 2 tháng.
Kiến trúc thì phải liên quan đến vật liệu như gỗ, sắt, bê tong v.v… Với tôi thì vật liệu Bê tông + Kính + Sắt thì dễ sử dụng, và phong cách kiến trúc của tôi được tạo nên nhờ 3 loại vật liệu này.
KTS thường thể hiện qua các thiết kế thế giới quan, tính cách của mình. Khi ta that sự tập trung, suy tư về thiết kế thì sẽ làm được điều đó.
Hiện nay thế giới nhìn nhận về con người Việt Nam là rất chăm chỉ, có thể lực, có quyết tâm. Người Nhật Bản trước đây cũng được đánh giá như vậy, nhưng giờ không được như thế nữa. Những dân tộc được đánh giá là chăm chỉ, chăm lao động ngày càng ít, nên ta phải giữ gìn.
Việt Nam có dân số trẻ cao, cần phải phát huy sức trẻ để có tương lai tươi sáng hơn. Quá trình toàn cầu hoá khiến ta phải đối mặt với sự phát triển của thế giới và phải đuổi theo, và vượt lên nó.
Khi đã đạt được thì không được dừng lại và phải phấn đấu tiếp.


PGS. Doãn Minh Khôi tặng hoa KTS Tadao Ando 


KTS Tadao Ando chụp ảnh lưu niệm với sinh viên tại Đại học Xây dựng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1971 khách Trực tuyến

Quảng cáo