Phong thái ung dung, giản dị, vui vẻ, ánh mắt hiền từ, giọng nói ấm áp, gương mặt phúc hậu… đó là những gì mọi người cảm nhận khi tiếp xúc với thầy Khương Văn Mười - người được biết đến với nhiều công trình nổi tiếng như cao ốc Thuận Việt (giải thưởng quốc tế), quảng trường Hồ Chí Minh, công viên Bác Hồ… Nhân dịp 20/11 chúng tôi đến thăm thầy, thầy vui lắm. Thầy tâm sự: “Tôi thích mọi người gọi mình là nhà giáo. Nghề dạy học đem lại cho tôi niềm vui, sự trẻ trung và tình yêu cuộc sống”.
Sinh năm 1949 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 1974, tốt nghiệp trường ĐH Kiến trúc Sài Gòn, thầy xin vào làm phụ giảng ngay tại ngôi trường mình học. Trong số hơn 100 người tham gia dự tuyển, trường chỉ lấy 3 người trong đó có thầy và KTS Hồ Thiệu Trị (một Việt kiều Pháp rất nổi tiếng trong làng kiến trúc).
Vừa dạy học vừa phụ trách xưởng thiết kế, tham gia thiết kế… tận tụy với nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, sẵn sàng giúp đỡ mọi người thầy đã được đề bạt làm Trưởng khoa. Từ một khoa chỉ có 5 người ban đầu, thầy Khương Văn Mười đã xây dựng được đội ngũ 40 người là những kỹ sư trẻ, giỏi, đầy nhiệt huyết, phát triển cho họ về kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Trong quá trình làm Trưởng khoa, được sự đồng ý của Bộ Xây dựng và lãnh đạo Trường ĐH Kiến trúc, khoa Quy hoạch đã ký kết hợp tác thực hiện chương trình UEB của Cộng đồng Châu Âu xây dựng chương trình tiên tiến cho khoa Quy hoạch nhằm đổi mới chất lượng giáo dục, đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu và quốc tế. Chương trình này có sự tham gia của nhiều trường đại học Anh, Mỹ, Hà Lan, Hồng Kông… Sau 3 năm thực hiện, chương trình đã hoàn thành và bắt đầu áp dụng.
Nhớ lại quãng thời gian dạy học với nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng không kém niềm vui. Sống và làm việc trong thời kỳ đất nước vừa trải qua chiến tranh, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thử thách, nghề giáo cũng trải qua nhiều bước thăng trầm, xã hội không mặn mà với chuyện học hành, nhiều nhà giáo phải bỏ dạy chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Những khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn không ngăn được nhiệt huyết và lòng yêu nghề của người thầy giáo trẻ tuổi. Sau thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, nghề dạy học được trả lại đúng vị trí. Người giáo viên có thể yên tâm với công tác giảng dạy. Thầy tiếp tục dìu dắt các lớp sinh viên.
35 năm sống và làm việc cùng học trò, kỷ niệm mà thầy nhớ nhất vẫn là thời kỳ đất nước mới giải phóng, thầy phụ trách hướng dẫn sinh viên đi xây dựng khu kinh tế mới. Cùng sinh viên ăn, ngủ, sinh hoạt là khoảng thời gian đẹp nhất của tình thầy trò, cùng nhau đồng cam cộng khổ, vượt qua mọi khó khăn thử thách… Đến nay, lúc đã nghỉ hưu, nhìn lại quãng thời gian gắn bó với nghề “gõ đầu” sinh viên thầy xúc động: “Học trò đã mang lại niềm hạnh phúc lớn cho cuộc đời của tôi. Tôi thực sự rất cảm động khi vào ngày 20/11 hàng năm, học trò ở nhiều nơi, thậm chí đang công tác ở nước ngoài vẫn nhớ đến thăm và gọi điện về chúc mừng, kể chuyện học tập, công tác và cả chuyện gia đình cho thầy nghe. Tình cảm học trò đối với người thầy quả là một phần thưởng lớn dành cho những nhà giáo chúng tôi”. Sống và trải nghiệm các thời kỳ khác nhau, các cơ chế quản lý khác nhau của nền giáo dục, đến nay lúc đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn áy náy một điều rằng mình chưa làm được gì nhiều cho nền giáo dục. Nhìn lại nền giáo dục Việt Nam trong mấy chục năm qua thầy thẳng thắn: “Giáo dục nước ta phát triển còn chậm so với thế giới. Chúng ta cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn còn sinh viên phải chủ động trong học tập và nghiên cứu. Thực tế hiện nay sinh viên còn quá thụ động”.
“Tận tâm với nghề nghiệp, thẳng thắn, trách nhiệm, là người đàn anh, người thầy hết lòng với đồng nghiệp, với sinh viên” - đó là lời nhận xét của thầy Đỗ Phú Hưng, người vừa là học trò vừa là đồng nghiệp của thầy Khương Văn Mười. Còn Hoàng - sinh viên khoa Quy hoạch khóa 2004 tâm sự: “Em không được học nhiều với thầy nhưng tụi em đứa nào cũng ngưỡng mộ thầy. Với sinh viên thầy luôn nhẹ nhàng, sẵn sàng chỉ bảo tận tình những thắc mắc. Ngoài việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng thầy còn kích thích niềm đam mê học tập trong chúng em”.
“Trọng thầy mới được làm thầy”. Trước khi là một nhà giáo ai cũng từng là học trò. Nhờ có công lao của bao thế hệ thầy cô giáo mới có thế hệ nhà giáo hôm nay. Khi nói về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của học trò thời nay, thầy cười: “Chỗ đứng của người thầy là trong lòng học trò. Nhìn chung, hiện nay chúng ta vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cũng có một bộ phận làm ảnh hưởng đến truyền thống đó. Tuy nhiên thời nào theo thời đó, truyền thống này cũng cần cải biến đi để thích hợp với xã hội mới. Ngày xưa, nói đến truyền thống tôn sư trọng đạo là thầy nói sao học trò nghe vậy. Còn giờ thì phải có cái nhìn khác, khoảng cách thầy trò rút ngắn lại, thầy và trò trở nên bình đẳng hơn”.
Người ta thường ví nghề giáo giống như người gieo hạt, gieo hết lứa này đến lứa khác, vun trồng, chăm sóc xong lại đi. Ý nghĩa cao quý nhất của nghề dạy học là “gieo” nên những thế hệ tri thức cho tương lai, những người sẽ làm chủ đất nước. Trách nhiệm, vinh dự và phần thưởng cao quý nhất của người thầy là ở đó.
Tin mới hơn:
- "One Coin One Brick": Mỗi đồng xu, một viên gạch
- Sinh viên Mỹ, bạn là ai?
- Discovery Week: “Tuần lễ khám phá” của sinh viên Kiến trúc
- Đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu ngành Xây dựng
- KTS Tadao Ando giao lưu tại Đại học Xây dựng
Tin cũ hơn:
- "Đêm hội Xây Dựng": Một sân chơi bổ ích của sinh viên
- Sinh viên kiến trúc Việt Nam & Thế giới - Khoảng cách & Đối lập
- Sinh viên kiến trúc – Các nhà tuyển dụng mong đợi những gì ở các bạn khi ra trường?