Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Cộng đồng Sinh viên Sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đoạt giải Nhất cuộc thi kiến trúc quốc tế về thiết kế nhà thờ

Sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đoạt giải Nhất cuộc thi kiến trúc quốc tế về thiết kế nhà thờ

Viết email In

Nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vừa được xướng tên đoạt giải Nhất của cuộc thi kiến trúc quốc tế “Thiết kế Nhà thờ đạo Tin lành trên mỏm núi nổi tiếng Pulpit Rock” tại Na Uy, vốn thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều kiến trúc sư trên thế giới. 

Được biết, trong số hàng nghìn bài đăng ký dự thi, BGK bao gồm các kiến trúc sư uy tín hàng đầu thế giới chỉ xét chấm 158 bài và giành số điểm cao nhất cho bài dự thi của các sinh viên kiến trúc Việt Nam.  

Pulpit Rock là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Ryfylke, Na Uy, ở độ cao 604 m so với Lysefjord. Đây là 01 phiến đá bằng phẳng nhô ra trên vách đá cheo leo, được tạo ra do sự bào mòn của băng từ 10.000 năm về trước. 

Cuộc thi muốn các KTS đề xuất ý tưởng thiết kế một ngôi Nhà thờ đạo Tin lành xây dựng trong khoảng diện tích 25x25m nằm giữa mỏm đá, hòa hợp được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây với lòng tin tâm linh trong mỗi du khách khi đến danh lam này. 

Sau khi nghiên cứu kỹ đề tài này và các tài liệu liên quan, nhóm sinh viên Việt Nam gồm: Nguyễn Văn Dũng; Đinh Công Đạt; Cao Duy Khánh; Trần Văn Hùng thuộc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Khoa Kiến trúc, Xưởng kiến trúc số 7, do giảng viên Ths.KTS Phạm Trung Hiếu hướng dẫn đã xác định mỏm đá Pulpit Rock thực sự là một kỳ quan độc đáo trên thế giới và rất cần được gìn giữ. 

Vì vậy, nhóm tiếp cận đồ án với ý tưởng thiết kế là tôn trọng tối đa địa hình và cảnh quan tự nhiên nhưng đồng thời cũng sẽ tạo dựng dấu ấn của sự sáng tạo để làm mới hơn những cảm nhận của du khách. 


Từ trái qua phải: SV Trần Văn Hùng, SV Cao Duy Khánh, KTS Phạm Trung Hiếu, sv Nguyễn Văn Dũng, sv Đinh Công Đạt. 


Nhóm làm việc xây dựng ý tưởng thiết kế. 

Hài hòa Tự nhiên, Tôn giáo, Kiến trúc và Con người

Trong quá trình lên ý tưởng, cả nhóm đã mất rất nhiều thời gian thảo luận để tìm kiếm những giải pháp đưa công trình trở thành một tổng hòa của các yếu tố: Tự nhiên, tôn giáo, kiến trúc và Con người. Và 2 câu hỏi luôn được đưa ra thảo luận trong nhóm nhiều lần là: Một không gian thuộc về tâm linh có nhất thiết phải được định hình? Chúng ta có nên xây thêm bất cứ một khối vật chất nào vào địa điểm vốn đã rất đẹp đẽ một cách phi thường này? 

Và câu trả lời luôn là: Có thể. Giải pháp thực hiện câu trả lời này chính là công nghệ. Nhóm đã sử dụng công nghệ thực tế ảo, giúp các du khách tới nơi đây không chỉ được cảm nhận bằng mắt thường mà còn thêm cả những góc nhìn đa chiều khác của tôn giáo và kiến trúc, trong khi thiên nhiên xung quanh, địa hình và môi trường tự nhiên vẫn được bảo toàn tuyệt đối. 

Nhà thờ “ảo”, trải nghiệm thật

Nhóm đã lên đề xuất thiết kế một Nhà thờ “ảo” với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến. Điều này tạo cho các du khách một trải nghiệm giống như đang đi trong không gian của nhà thờ đạo Tin lành. Du khách đeo kính VR đi vào “phạm vi“ của khuôn viên Nhà thờ và sẽ “nhìn” thấy không gian thánh đường. 

Những cảm biến đặt ở vị trí tính toán sẵn sẽ làm du khách khi hướng về các góc khác nhau sẽ cảm nhận được các không gian kiến trúc, các cảnh quan tuyệt đẹp bên ngoài vẫn được nhìn thấy qua lăng kính của các khuôn cửa “ảo”, các góc nhìn này được chọn lọc để đem lại nhiều cảm xúc nhất cho du khách... Ra ngoài khu vực “phạm vi” Nhà thờ “ảo” này, du khách sẽ thấy cảnh quan tự nhiên và phần hình ảnh lập trình sẽ biến mất.

“Phần thực” thiết kế cung cấp những vật thể mà con người có thể tương tác bằng các giác quan thông thường như ghế thủy tinh. Vật liệu trong suốt không cản trở tầm nhìn đồng thời hòa trộn vào địa hình cảnh quan xung quanh. Trong khi đó, ở “phần ảo”, các vị khách có thể đeo kính VR để được nhìn và trải nghiệm một không gian đa chiều. Trong thiết kế này, nhà thờ trở nên phi vật chất nhưng vẫn nêu bật được mục tiêu thiết kế đó là gợi ra không gian tâm linh của một nhà thờ đạo Tin lành : “Bạn có thể không cảm nhận được bằng mắt thường, bạn không thể chạm tới bằng tay, nhưng không có nghĩa là Nhà thờ vô hình.

Thông qua cuộc thi, nhóm sinh viên Trường đại học kiến trúc Hà Nội, những người góp phần xây dựng tương lai muốn truyền tải một thông điệp rằng: Trái Đất là ngôi nhà chung, một thứ “kiến trúc” nguyên sơ nhất, đã bao bọc và che chở cho con người hàng trăm triệu năm qua, vì vậy khi tác động vào bất cứ điều gì trên trái đất, con người phải đặt sự tôn trọng đối với tự nhiên lên hàng đầu. Đừng để một mai, khi con người thức giấc và nhìn lại, chứng kiến trong hối hận và day dứt: mái nhà chung tàn lụi vì không còn đủ sức để che chở thêm được nữa.

Chính ý tưởng nhân văn này đã giúp thiết kế của sinh viên Việt Nam chiếm trọn cảm tình của BGK cuộc thi “Thiết kế Nhà thờ đạo Tin lành trên mỏm Pulpit Rock” và giành Giải Nhất một cách xứng đáng. 

(Dân Trí) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2093 khách Trực tuyến

Quảng cáo