Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Cộng đồng Sinh viên Sinh viên với "Ngôi nhà thích ứng trong thời đại biến đổi khí hậu và thiên tai"

Sinh viên với "Ngôi nhà thích ứng trong thời đại biến đổi khí hậu và thiên tai"

Viết email In

Tập đoàn SCG và Habitat for Humanity Việt Nam ngày 10/4 đã công bố các thiết kế đoạt giải cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà thích ứng trong thời đại biến đổi khí hậu và thiên tai” dành cho sinh viên các trường đại học tại Việt Nam.

Cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp nhà ở sáng tạo, giúp người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai có một ngôi nhà bền vững với kinh phí không quá 100 triệu.


Trao giải thưởng cho hai nhóm đạt giải nhất và nhì
  

Kết quả chung cuộc, đội 14A1 – Trường ĐH Văn Lang đã đạt giải Nhất với thiết kế “Bên kia chợ nổi”; giải Nhì - "Nhà lật sinh thái" của nhóm TKD từ trường ĐH Văn Lang và ĐH Kiến trúc; giải Ba - thiết kế “Chuyện nhà mùa nước nổi” của nhóm DMT từ ĐH Văn Lang; đồng giải Ba là thiết kế "Nhà của gia đình" của Nhóm 3 từ Đại học Kiến trúc. 

Ngoài tiền thưởng 25 triệu đồng, đội đoạt giải nhất còn được một chuyến tham quan Thái Lan, có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thêm từ Hội chợ Kiến trúc Thái Lan 2013 vào tháng 5/2013 và tham quan ngôi nhà được xây dựng theo thiết kế của người chiến thắng "Floodway Home", cuộc thi thiết kế nhà bền vững tại Thái Lan. 

Thiết kế của đội thắng cuộc sẽ được đưa vào áp dụng thực tế để xây dựng mái ấm an toàn và vững chãi cho người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Kinh phí xây dựng sẽ do tập đoàn SCG tài trợ. 


Thiết kế "Bên kia chợ nổi" đạt giải nhất.


Thiết kế "Nhà vách lật" đạt giải nhì.


Thiết kế "Nhà của gia đình" đạt giải ba.


Thiết kế "Nhà ở miền Tây mùa nước nổi" đạt giải ba. 
 

Đưa thiết kế của sinh viên vào xây dựng thực tế 

Bà Kelly Koch, tổng giám đốc tổ chức Hỗ trợ gia cư quốc tế ở Việt Nam (HFH Việt Nam) chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước được cảnh báo bị tác động nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới, trong đó 70% dân số ở Việt Nam sống trong vùng ảnh hưởng thiên tai.

Hướng đến một thế giới mà mọi người đều có một chỗ ở tươm tất, HFH Việt Nam đang hỗ trợ tối đa các hộ gia đình có thu nhập thấp, người nghèo, người kém may mắn trong xã hội, người dân ở những vùng cần nhà ở giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, giúp họ xây dựng một căn nhà an toàn.

Hoạt động từ tháng 1/2001 đến nay, HFH Việt Nam đã cùng nhiều nhà tài trợ giúp 11.400 hộ gia đình cải thiện nhà ở, nguồn nước, vệ sinh và điều kiện sinh hoạt tại các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang. Tuy nhiên, những dự án nhà ở trên đều thực hiện theo mẫu nhà do HFH thiết kế.

Mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển bền vững, nhất là đánh thức giới trẻ về trách nhiệm đối với xã hội trước những nguy cơ của biến đổi khí hậu, HFH Việt Nam đã cùng tập đoàn Công nghiệp SCG (Thái Lan) tổ chức cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà thích ứng trong thời đại biến đổi khí hậu và thiên tai” dành cho sinh viên các trường đại học tại Việt Nam. 

Đạt giải nhì với thiết kế “nhà vách lật”, nhóm sinh viên Đoàn Hữu Duy (đại học Văn Lang), Trần Mỹ Kim và Nguyễn Thị Anh Tú (đại học Kiến trúc TP.HCM) tâm sự rằng giải thưởng chỉ là một phần niềm vui, hạnh phúc nhất đối với các bạn là nhìn thấy thiết kế ngôi nhà của mình được xây dựng trên thực tế cho người dân vùng lũ. 

Cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp nhà ở sáng tạo, giúp người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai có một ngôi nhà bền vững đạt được những yêu cầu: số tiền đầu tư cho mỗi căn nhà không quá 5.000 USD, tương đương 100 triệu đồng; không gian căn nhà không chỉ là nơi ở mà còn là nơi để sinh kế trong mùa bão lũ; kiến trúc mở; có thể sử dụng vật liệu tại địa phương; kết cấu đơn giản nhưng hiệu quả để sử dụng nhân công tại chỗ thực hiện được.

Cuộc thi được phát động vào tháng 11/2012, trong vòng hai tháng, ban giám khảo đã nhận được 26 ý tưởng từ các cá nhân và nhóm sinh viên. Sáu thiết kế được ban giám khảo xác định khả thi nhất đã được chọn vào chung kết, đều xoay quanh nhà cho người dân vùng lũ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể thấy các sinh viên đã tìm hiểu kỹ tập quán sinh sống của người dân, thể hiện thiết kế không phá vỡ tập quán nhưng đưa vào những điều kiện cải thiện môi trường sống, tạo điền kiện sinh kế. 


Nhóm sinh viên Đoàn Hữu Duy (đại học Văn Lang), Trần Mỹ Kim và Nguyễn Thị Anh Tú (đại học Kiến trúc TP.HCM) với thiết kế “Nhà vách lật”  

“Nhà vách lật” của nhóm TKD có ưu điểm vào mùa khô nhà có hai tầng, tầng trệt để ở hoặc buôn bán tăng thu nhập cho gia đình, vào mùa lũ những vách tường tầng trệt được lật lên trên trở thành những tấm sàn hiên của tầng trên có thể trồng rau, nuôi gia cầm tự cung tự cấp lương thực cho gia đình. 

Thiết kế “Bên kia chợ nổi” của hai sinh viên Trần Trương Thúy Nhi và Nguyễn Hồng Quân, khoa Kiến trúc Xây dựng - đại học Văn Lang, đạt giải nhất là một ý tưởng khả thi hình thành dự án nhà ở cho người dân duy trì việc kiếm sống trên chợ nổi vẫn hoạt động vào mùa lũ. 


Hai sinh viên Trần Trương Thúy Nhi và Nguyễn Hồng Quân, khoa Kiến trúc Xây dựng - đại học Văn Lang với mô hình thiết kế "Bên kia chợ nổi". 

Ba sinh viên Nguyễn Thị Xuân Thành, Trần Thị Hồng Phượng và Bùi Thị Yến Quyên (đại học Kiến trúc TP.HCM) với thiết kế “Nhà của gia đình” (giải ba) giữ hình ảnh ngôi nhà truyền thống nông thôn vừa thông gió, vừa nhiều ánh sáng, sử dụng tre, phên và tôn nhưng tạo ra các lớp không khí để cách nhiệt, đồng thời lấy sáng tốt, hiệu quả thẩm mỹ cao. 

Người dân có thể ở trong nhà này cả mùa kiệt lẫn mùa lũ nhờ nhà có hệ thống phao tự nổi và hệ cột neo chắc chắn. Đặc biệt, các bạn nghĩ đến hệ thống thu, lắng nước mưa để sử dụng và xử lý chất thải bằng hệ thống bể tự hoại nổi theo nhà. 

“Nhà ở miền Tây mùa nước nổi” (giải ba) của Lê Kim Diệu Thiện và Mai Hoàng Dương (đại học Văn Lang) thiết kế nhắm vào xã Vĩnh Hậu, huyện Tân Châu (An Giang) – nơi đầu nguồn lũ nhưng chưa có đê bao, chưa có một cụm dân cư mùa lũ. Nhà có mái hiên rộng để khi bà con nông dân đánh bắt cá mùa lũ về có nơi neo ghe mang cá lên đưa đi bán. 

Ông Sattawat Thitaram, giám đốc công ty vật liệu xây dựng SCG Việt Nam nhìn nhận cuộc thi cho thấy khả năng sử dụng vật liệu xây dựng hợp lý và sáng tạo trong thiết kế của sinh viên Việt Nam khi phải đưa ra giải pháp xây dựng tốt nhất đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật và kinh phí không quá 100 triệu đồng. Đây có thể xem là bước đầu để các bạn có thể đóng góp ý tưởng xây dựng nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. 

Chỉ có nhóm đạt giải nhất được SCG tài trợ sang Thái Lan học hỏi kinh nghiệm thiết kế và xây dựng nhà bền vững cho vùng ảnh hưởng thiên tai tại Thái Lan. 

Song, tất cả các sinh viên đạt giải nhất, nhì, ba đều có nguyện vọng cuộc thi không dừng ở thiết kế, mà những ngôi nhà mô hình sẽ được xây dựng trên thực tế để các bạn thấy được sự góp phần hữu ích của mình. 

Ông Nguyễn Trường Giang, phụ trách quản lý chất lượng xây dựng của HFH Việt Nam cho biết HFH Việt Nam và SCG sẽ thực hiện căn nhà mẫu vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới ở một tỉnh ĐBSCL. 

Sau khi chỉnh sửa thiết kế cho hoàn chỉnh trong thực tế, HFH Việt Nam sẽ lên dự án xây dựng cho một cụm dân cư đang có nhu cầu bức thiết làm nhà tránh lũ, tìm kiếm nhà tài trợ đóng góp kinh phí hỗ trợ cho người dân xây dựng. Đấy mới là mục tiêu đích thực của cuộc thi. 

Bài, ảnh: Các Ngọc (SGTT.VN) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 3527 khách Trực tuyến

Quảng cáo