Những nỗ lực xanh đang diễn ra ở những nơi mà hầu như không ai nghĩ đến: buồng đốt dưới tầng hầm, đằng sau lò sưởi, dưới bàn làm việc hoặc bên trong các bức tường khổng lồ của các tòa tháp văn phòng được xây dựng cách đây hàng thập kỷ. Những nỗ lực đó đã giúp cắt giảm mạnh lượng điện tiêu thụ và khí thải carbon.
Các tòa nhà chọc trời nhìn bên ngoài trông có vẻ rất hiện đại, nhưng là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường lớn nhất tại các đô thị do các hệ thống sưởi, làm mát và chiếu sáng đã lỗi thời. Có rất nhiều tòa nhà như vậy trên khắp thế giới. Chỉ riêng ở Mỹ, đã có khoảng 3 triệu tòa nhà.
Tòa nhà Empire State Building ở thành phố New York (Mỹ)
“Cho dù chúng ta có đầu tư các hệ thống tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà mới xây thì vẫn còn nhiều điều cần phải cải thiện”, ông Rick Fedrizzi, Tổng Giám đốc Hội đồng Tòa nhà Xanh Mỹ, cho biết. Kể từ năm 2002, Hội đồng đã cấp chứng nhận cho hơn 1.000 công trình bổ sung nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng tại các tòa nhà hiện có. Nhờ những công trình như vậy khoảng 200 triệu tấn carbon đã không còn thải ra không khí mỗi năm.
Một trong những nỗ lực xanh thành công nhất phải kể đến là tòa nhà 102 tầng Empire State Building ở thành phố New York (Mỹ), được xây dựng vào năm 1931. Mùa thu năm ngoái, Tòa nhà tuyên bố công trình bổ sung trị giá 13 triệu USD sẽ hoàn vốn trong vòng 3 năm, nhờ giảm được 38% mức tiêu thụ năng lượng hằng năm. Ngoài ra, ông Tony Malkin, chủ sở hữu của Empire State Building, cũng tiết kiệm được tiền và giảm mức tiêu hao năng lượng nhờ những ý tưởng lạ như tân trang lại các ô kính cửa sổ. Thay vì thay thế 6.514 cửa sổ với mức chi phí 2.500 USD/cửa, Malkin chỉ phải bỏ ra 700 USD/cửa sổ để lau chùi và phủ chất cách nhiệt lên các ô kính để hạn chế thoát nhiệt ra bên ngoài. Nhờ những nỗ lực đó, Empire State Building đã giảm được hóa đơn tiền điện lên tới 4,4 triệu USD mỗi năm.
Tòa nhà Celebrezze Federal Building ở Cleveland
Có một số cách để làm xanh các tòa nhà như sử dụng các vật liệu cách nhiệt tốt hơn như gạch, đá thay vì dùng kính và kim loại. Ở các tòa nhà mới hơn, các kiến trúc sư đã dùng những phương pháp hiện đại để ngăn thoát nhiệt như xây thêm một “lớp da” thứ 2 bao bọc mặt bên ngoài tòa nhà. Tòa nhà 32 tầng Celebrezze Federal Building ở Cleveland, xây dựng từ năm 1967, sẽ có lớp da thứ 2 làm bằng kính và nhôm. Lớp vỏ mới sẽ cách lớp vỏ ban đầu 75 cm. Luồng không khí giữa lớp vỏ mới và cũ sẽ giúp cách nhiệt tòa nhà, tiết kiệm năng lượng ước tính 650.000 USD mỗi năm.
Thành phố Melbourne (Úc) cũng đã tung ra một dự án đầy tham vọng nhằm giảm 38% năng lượng tiêu thụ tại khoảng 1.200 tòa nhà văn phòng vào năm 2020. “Đây không chỉ là một sáng kiến thân thiện môi trường, mà còn là một quyết định mang tính kinh doanh, kinh tế”, Robert Doyle, thị trưởng Melbourne, cho biết.
Lê Phương (Theo Time)
- "Earthscraper": Thành phố ngầm tại Mexico
- Dự án ResilienCity của thành phố Boston (Mỹ) năm 2035
- Superbus: phương tiện giao thông của tương lai
- Phát triển thành phố xanh
- Thiết kế 3D để xây dựng một Thế giới tốt đẹp hơn
- Tòa nhà xanh sẽ hấp dẫn doanh nghiệp
- Những thành phố tương lai: đông hơn nhưng “xanh” hơn
- Kiến trúc xanh: Xu thế xây dựng tương lai
- Tòa nhà phát triển bền vững
- NOAH - Nhà nổi hình kim tự tháp độc đáo