Việc chậm trễ thi công đẩy giá đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ khoảng 550 triệu USD lên tới 868,06 triệu USD, gây thiệt thòi lớn cho phía chủ đầu tư. Chưa hết, sau những sự cố về tai nạn, khả năng kéo dài thời gian dự án là điều khó tránh khỏi. Điều này sẽ càng làm cho vốn đầu tư bị “đội” lên thêm mà chưa biết đâu là điểm dừng.
Sau nhiều năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thành. (Ảnh: Kỳ Anh)
Tiếp tục yêu cầu thay đổi nhân sự nhà thầu
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được giao cho Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư và do nhà thầu Cty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Dự án được khởi công từ ngày 10/10/2011 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014 để đưa vào khai thác sử dụng từ quý II/2015. Tuy nhiên, sau hàng loạt lý do dẫn đến sự chậm trễ, dự án được chuyển sang cuối năm 2015 mới xong và đưa vào chạy thử dịp đầu năm 2016. Mới đây theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, so với hợp đồng ký kết, dự án hiện chậm gần 2 năm và tiến độ điều chỉnh lại phải hoàn thành vào 31/12/2015. Dù có chỉ đạo quyết liệt, nhưng thực tế dự án gặp nhiều khó khăn do năng lực nhà thầu, điều hành của Ban QLDA và giải phóng mặt bằng. Cũng theo Thứ trưởng Trường, dự toán tổng vốn đầu tư của dự án ban đầu là 8.770 tỉ đồng (tương đương 550 triệu USD). Nhưng đến nay, tổng đầu tư dự kiến giá trị điều chỉnh “đội” lên thành 868,06 triệu USD. Đến nay dự án vẫn bị chậm tiến độ do năng lực của tổng thầu có tính chuyên nghiệp không cao - khi nhiều lần cam kết nhưng đều không thực hiện được. Đại diện Bộ GTVT cho biết, theo dự kiến đến 31/12/2015, dự án phải cơ bản xong phần hạ tầng cơ sở, nhưng vẫn phải lùi mốc hoàn thành sang quý I-2016 vì phụ thuộc vào chế tạo, thiết kế đoàn tàu.
Còn theo đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng các công trình giao thông (Bộ GTVT), hiện Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát xem tăng ở hạng mục nào và đâu là nguyên nhân để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời yêu cầu Tổng thầu EPC phải thay đổi nhân sự từ tổng giám đốc điều hành tới nhân sự về quản lý liên quan, kỹ thuật, an toàn, chất lượng, nhân viên thiết kế… để dự án không chậm thêm nữa. Đến thời điểm hiện tại, dù công tác nhân sự của tổng thầu cũng được củng cố, tư vấn giám sát có bổ sung thêm đơn vị trong nước (Viện Khoa học - Công nghệ GTVT) và BQL dự án đường sắt đã thay đổi cách điều hành, quản lý dự án... nhưng tiến độ vẫn chậm.
Người dân phải phó mặc tính mạng khi di chuyển dưới công trình đang thi công vì không còn... đường. Ảnh: KỲ ANH
Vốn còn tăng nếu không cải thiện
Hy vọng về một công trình giao thông hiện đại bậc nhất Hà Nội chưa thấy đâu, nhưng nóng bức, khói bụi và tai nạn luôn rình rập... là những gì mà người dân sống quanh khu vực thi công dự án phản ánh với PV Báo Lao Động. Nguyên nhân của sự bức xúc nêu trên là bởi do công trình chậm tiến độ, thời gian thi công ỳ ạch, kéo dài. Thực tế, việc thi công tuyến đường sắt này đang gây nhiều khó khăn, trở ngại cho người dân trong sinh hoạt cũng như khi tham gia giao thông bởi một phần diện tích đáng kể lòng đường đang phải nhường cho các hoạt động xây dựng, trong khi mật độ người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này thường xuyên rất đông.
Chị Nguyễn Thị Hoa (sinh viên Đại học KHXHNV) cho biết: “Mỗi lần ra đường là mình phải trang bị khẩu trang, áo chống nắng và ô nữa. Đường Nguyễn Trãi lúc nào cũng trong tình trạng bụi bặm, nhất là những ngày nóng bức, rất khó chịu”. Anh Nguyễn Trung Hiếu (trú ở Thanh Xuân) cho biết: “Ngoài việc ô nhiễm, khu vực này thường xuyên xảy ra tắc đường, nhất là vào giờ cao điểm. Từ sau 2 vụ TNLĐ trên công trường này, chúng tôi rất sợ khi phải đi dưới đường đang thi công, nhưng vì không còn đường khác nên đành phải phó mặc”. Phần lớn những người dân sống trên khu vực tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi qua đều ngao ngán vì việc thi công chậm chạp. Theo ông Phúc - trú tại số 200 Nguyễn Trãi, việc làm đường kéo dài đến 2 năm ở vị trí này rồi mà vẫn chưa đâu vào đâu, việc thi công trong thời gian dài đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân và thực sự làm mất mỹ quan thành phố.
Trước đó, TGĐ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) Lê Kim Thành cho biết, tiến độ dự án tiếp tục chậm tiến độ có nguyên nhân do tổng thầu EPC để xảy ra nhiều tồn tại. Nhất là năng lực, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của tổng thầu không cao. Để khắc phục, Ban QLDA yêu cầu từ nay đến 31/12/2015 phải cơ bản xong phần hạ tầng cơ sở. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo hàng tháng, đề ra tiến độ hoàn thành bao nhiêu, giải ngân bao nhiêu và bằng cách đó có khả năng đến cuối năm sẽ cơ bản hoàn thành phần bêtông, sắt thép. Nói về sự chậm trễ nêu trên, một số chuyên gia ngành GTVT cho biết, nếu không đẩy nhanh tiến độ thi công, nguy cơ “đội vốn” vì trượt giá ngoại tệ kéo theo các nguyên vật liệu và thiết bị cũng tăng giá sẽ làm cho dự án tiếp tục bị đội giá lên cao hơn nữa!
(Lao Động)
- Người dân “kêu trời” về thủ tục xây dựng
- FLC xây tổ hợp resort 3.500 tỷ đồng tại Quy Nhơn
- Có thể sắp bán tòa tháp cao nhất Việt Nam
- Dự án lấp sông Đồng Nai: Sẽ quyết định vào tháng 5/2015
- Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại Hà Nội
- Vingroup xây Khu trung tâm hành chính mới TP. Thanh Hóa
- Quản lý dịch vụ xã hội đô thị tại Ecopark
- Hà Nội rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ và đăng ký biến động đất đai
- Chính phủ yêu cầu hạn chế thu hồi đất nông nghiệp
- Duyệt xây trung tâm hành chính Khánh Hoà theo hình thức BT
Lời bình
đội vốn như thế này là ko chấp nhận đk.việc phi phạm hợp đồng như thế là quá nghiêm trọng,cần xem lại công tác chọn nhà thầu,công tác quản ly, cá nhân liên quan.
tin bình luận RSS của chủ đề này