Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thông báo về việc hủy sơ tuyển đấu thầu rộng rãi quốc tế 8 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông theo hình thức PPP, chỉ mời sơ tuyển đấu thầu trong nước.
Trong một diễn biến khá bất ngờ, sau hơn 2 tháng phát hành hồ sơ mời thầu sơ tuyển quốc tế 8 dự án đường bộ nói trên, hôm 24/9, Bộ GTVT tuyên bố hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế. Quyết định này căn cứ vào thực tế là số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao giữa các nhà đầu tư…
Dự án thành phần Cam Lộ- La Sơn trong dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, sử dụng vốn đầu tư công, không đấu thầu PPP đã khởi công xây dựng. (Ảnh: Bộ GTVT)
Bộ này giải thích rằng, dù có đến 60 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký sơ tuyển, bao gồm hơn 30 nhà đầu tư nội và các nhà đầu tư ngoại đến từ Trung Quốc (đông nhất với 16 doanh nghiệp), Hàn Quốc, Pháp, Singapore... nhưng hai tháng sơ tuyển các hồ sơ cho thấy, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có 1 nhà đầu tư qua sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư qua sơ tuyển ít, tính cạnh tranh cũng ít.
Để triển khai được dự án trọng điểm lớn có tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng (trong đó 8 dự án PPP kêu gọi đầu tư và 3 dự án khác sử dụng đầu tư công giai đoạn đến 2020) trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp về an ninh, quốc phòng, Bộ GTVT đã quyết định đề xuất Quốc hội và Chính phủ chỉ cho phép các doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu dự án.
Quyết định này được đưa ra dựa trên khoản 2, điều 15, Luật đấu thầu và điều 9 (Nghị định số 30/2015 của Chính phủ, cho phép 8 dự án thành phần đấu thấu quốc tế rộng tãi. Trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm các nhà thầu (cả quốc tế) để lựa chọn tối đa 5 nhà thầu đủ điểm cao nhất vào đấu thầu. Doanh nghiệp nào có điểm kỹ thuật và tài chính tốt nhất sẽ trúng thầu.
Nhưng hồ sơ mời dự tuyển đã xác lập điều kiện miễn trừ đối với dự án. Trong quá trình phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, không có nghĩa Bộ GTVT bắt buộc phải lựa chọn và sơ tuyển các hồ sơ đáp ứng để mời vào giai đoạn sau. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bên mời thầu có thể hủy sơ tuyển mà không cần nêu lý do.
Sau quyết định này, Bộ GTVT sẽ rà soát các điều kiện pháp lý để tiếp tục đấu thầu 8 dự án.
Như vậy các nhà đầu tư trong nước (không có liên danh với nước ngoài) sẽ có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào các dự án. Vấn đề lớn nhất của các nhà đầu tư nội là năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu phải đáp ứng 10% tổng mức đầu tư) là một rào cản lớn ban đầu. Trong quá trình phê duyệt dự án, các điều kiện khác về huy động vốn tín dụng (với lãi suất thanh toán ở mức thấp hơn lãi suất đi vay), cam kết cung cấp tài chính của ngân hàng… cũng là những rào cản khiến các nhà đầu tư nội khó vượt qua.
Lan Nhi
(TBKTSG)
- TPHCM thu hồi 1.800 tỉ đồng tạm ứng cho Công ty Đại Quang Minh
- TPHCM: Tuyến metro số 1 trước nguy cơ bị dừng thi công
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10 có gì đáng chú ý?
- Đầu tư đường sắt Cát Linh- Hà Đông không thể thu hồi được vốn
- Bộ GTVT tranh luận với Kiểm toán Nhà nước về Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông
- Nghị định thanh toán BT, chưa thực hiện đã thấy bất cập
- Bộ Xây dựng đề xuất cho làm nhà chung cư 25 m2
- Tìm lối ra cho gần 4.000 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm
- Chủ đầu tư đua xây khối đế thương mại tại chung cư xong… để trống
- Di dời nhà máy Rạng Đông: Đất vàng để xây chung cư?