Trong 7 kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông, Bộ GTVT chỉ chấp thuận thực hiện 6 kiến nghị . Riêng kiến nghị quan trọng nhất về thẩm quyền điều chỉnh dự án tăng 205% tổng mức đầu tư không thông qua Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT cho rằng không đúng.
Bộ GTVT mới có văn bản gửi KTNN báo cáo việc thực hiện kết luận của đơn vị này hồi tháng 12/2018 về Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Sở dĩ Bộ GTVT phải gửi văn bản này vì thời hạn KTNN yêu cầu Bộ GTVT thực hiện kiến nghị của KTNN là là 30/9.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông không biết ngày nào đi vào vận hành chính thức. (Ảnh: Ashui.com)
Tại kết luận trước đó, KTNN chỉ ra rằng: dự án có tổng mức đầu tư là 18.001 tỉ đồng (sau điều chỉnh) tăng từ mức phê duyệt ban đầu là 8769 tỉ đồng, tăng 205% mà Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng, không trình Quốc hội là sai Luật đầu tư công và Nghị quyết 49 của Quốc hội. Luật đầu tư công quy định các dự án công sử dụng 10 ngàn tỉ đồng vốn trở lên, thuộc dự án trọng điểm quốc gia là phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng ra quyết định. Nhất là khi dự án kéo dài thực hiện dự án từ 1 năm trở lên (thực tế đã kéo dài hơn 5 năm và đến nay chưa thể đi vào khai thác) Chính phủ phải báo cáo Quốc hội.
Bộ GTVT không đồng tình với kết luận này vì cho rằng thực hiên đúng các quy định của luật. Thực tế, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ GTVT đã hai lần thay mặt Thủ tướng báo cáo tại Quốc hội về dự án tại các kỳ họp cuối năm 2015 và 2018.
Bộ cũng cho rằng, tại điều 7 và điều 106 Luật đầu tư công, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư, khi thực hiện bộ chỉ xin phép Thủ tướng điều chỉnh. Bộ đã thực hiện việc này tại các báo cáo năm 2014 và xin Bộ KHĐT 2015, xin phê duyệt vốn bổ sung. Chính phủ cũng đã có văn bản giao Bộ GTVT thẩm định và quyết định điều chỉnh dự án. Bộ GTVT muốn KTNN điều chỉnh kết luận này.
Về việc không giảm 5% giá dự toán thiết bị theo chỉ đạo của Thủ tướng, bộ giải trình dự án sử dụng đồng thời cả hai hệ thống định mức, đơn giá của Việt Nam và Trung Quốc nên việc áp định mức, đơn giá trong bước lập, thẩm định và phê duyệt dự toán có sự khác biệt về quan điểm áp dụng định mức của KTNN, đặc biệt là định mức tính theo tỉ lệ %. Nhiều hạng mục phải áp dụng định mức Trung Quốc, dẫn đến sai lệch về đơn giá. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt và các bên liên quan điều chỉnh sai sót, giảm trừ để xử lý tài chính 874,5 tỉ đồng nộp về ngân sách, trong đó có giảm thanh toán là gần 700 tỉ đồng.
Bộ GTVT thừa nhận việc cho phép Ban quản lý dự án giao cho nhà thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án là không đúng quy định như KTNN đã chỉ ra, dự toán sai khối lượng, sai đơn giá và các chế độ khác.
Về việc dự án chậm thực hiện 5 năm so với kế hoạch, vượt tổng mức đầu tư quá lớn và chủ đầu tư tạo điều kiện cho nhà thầu Trung Quốc chỉ định thực hiện 13.751 tỉ đồng (chiếm 77%) tổng mức đầu tư, Bộ GTVT cũng thừa nhận đã vi phạm quy định. Tuy nhiên, kể cả thực hiện các kết luận nêu trên thì công trình này vẫn chưa thể biết ngày đi vào vận hành. Dự án đã hoàn thành 99% tiến độ từ cuối tháng 4 năm nay như Tổng thầu Trung Quốc chưa hoàn thiện kiến trúc nhà ga, nhiều hạng mục, chưa có soát vé tự động, cảnh báo cháy...
Bộ GTVT vẫn tiếp tục báo cáo Thủ tướng tiếp tục cho phép gia hạn tiến độ. Nhưng việc gia hạn tiến độ đến bao lâu chưa có câu trả lời rõ.
Lan Nhi
(TBKTSG)
- Kiểm soát chặt việc đầu tư mới các dự án bất động sản cao cấp
- TPHCM thu hồi 1.800 tỉ đồng tạm ứng cho Công ty Đại Quang Minh
- TPHCM: Tuyến metro số 1 trước nguy cơ bị dừng thi công
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10 có gì đáng chú ý?
- Đầu tư đường sắt Cát Linh- Hà Đông không thể thu hồi được vốn
- Hủy đấu thầu quốc tế 8 dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam
- Nghị định thanh toán BT, chưa thực hiện đã thấy bất cập
- Bộ Xây dựng đề xuất cho làm nhà chung cư 25 m2
- Tìm lối ra cho gần 4.000 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm
- Chủ đầu tư đua xây khối đế thương mại tại chung cư xong… để trống