Dự kiến khởi công quý 4-2007 và hoàn thành quý 4-2010, đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng cầu Nhật Tân vượt sông Hồng không còn cơ hội ghi dấu ấn vào dịp đại lễ.
Đặc biệt ở thời điểm này tổng mức đầu tư của dự án cầu Nhật Tân đã đội thêm hơn 6.000 tỉ đồng.
Thêm tiền vì triển khai chậm
Dự án cầu Nhật Tân được phê duyệt đầu năm 2006 nhưng mãi đến ngày 7-3-2009 mới chính thức khởi công xây dựng hạng mục đầu tiên là gói thầu số 3 - xây dựng đường dẫn phía bắc. Theo Ban quản lý dự án 85 (PMU85, đại diện chủ đầu tư dự án), gói thầu này được giao cho nhà thầu là Công ty Tokyu (Nhật Bản) với giá trị hợp đồng 1.838 tỉ đồng, thực hiện trong 34 tháng. Đến nay, nhà thầu mới thi công được 1,2km đường tạm, hoàn thành một số cọc nhồi của cầu vượt nút giao Vĩnh Ngọc...
Mô hình cầu dây văng Nhật Tân
Ngày 23-8-2009, gói thầu số 1 - xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía bắc - được PMU85 ký với liên danh nhà thầu gồm Tập đoàn IHI và Công ty xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) với giá trị 10.208 tỉ đồng. Theo đó, liên danh nhà thầu IHI - Sumitomo Mitsui có 36 tháng để xây dựng một cầu dây văng hai mặt phẳng dài 1,5km và 1,58km cầu dẫn phía bắc. Hiện nhà thầu đang chuẩn bị để khởi công xây dựng vào tháng 10-2009.
Được biết, liên danh IHI - Sumitomo Mitsui có giá bỏ thầu thấp nhất tại cuộc đấu thầu gói thầu số 1 do Bộ GTVT tổ chức ngày 10-1-2009. Tuy nhiên, giá bỏ thầu thấp nhất này cũng vượt dự toán được duyệt tới 24%. Với giá trị hợp đồng này, gói thầu số 1 dự án cầu Nhật Tân đã trở thành gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành giao thông vận tải VN.
Đến thời điểm này, dự án cầu Nhật Tân vẫn còn gói thầu số 2 - xây dựng cầu và đường dẫn phía Nam - chưa có nhà thầu nào tham gia sau hai lần gia hạn đấu thầu. Theo tổng mức đầu tư trị giá 13.626 tỉ đồng được Bộ GTVT điều chỉnh vào đầu năm 2009, tăng 6.097 tỉ đồng, dự án này đã trở thành dự án công trình vượt sông lớn nhất nước.
Nhiều lý do gây tăng vốn
Tổng chiều dài đường dẫn - cầu Nhật Tân là 8.933m, trong đó riêng cầu Nhật Tân theo thiết kế là cầu dây văng hai mặt phẳng dài 3.755m, đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 5.178,8m. |
Theo PMU85, dự án chậm tiến độ là do quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp của dự án. Cầu chính Nhật Tân được thiết kế là cầu dây văng sáu nhịp liên tục, là cầu dây văng có số nhịp nhiều thứ hai thế giới chỉ sau cầu Milau ở Pháp. Do lần đầu tiên triển khai ở VN, quá trình lựa chọn các đơn vị tư vấn, thiết kế gặp khó khăn.
Ngoài các đơn vị thẩm tra trong nước, chủ đầu tư phải thuê Công ty tư vấn Schlaich Bergermann und Partner (Đức) thẩm tra làm quá trình này kéo dài hơn dự định. Việc tính toán lại chi tiết thiết kế cũng phát sinh những chi phí xây dựng so với dự toán ban đầu.
Riêng gói thầu số 2, mặc dù PMU85 đã sơ tuyển được năm nhà thầu, nhưng chỉ ba nhà thầu đến nhận hồ sơ thầu. Tuy nhiên, sau khi tham quan hiện trường khu vực xây dựng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), tất cả nhà thầu đều từ chối tham gia do quan ngại về tiến độ giải phóng mặt bằng. Đến nay, qua hai lần gia hạn đấu thầu, vẫn chưa có nhà thầu nào tham gia.
PMU85 thừa nhận công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án. Tại gói thầu số 2, có 330 hộ có đất thổ cư và 470 hộ có đất nông nghiệp và hệ thống đường điện cao thế, hạ thế... vẫn đang ở giai đoạn đầu của triển khai giải phóng mặt bằng, nên việc các nhà thầu quan ngại là có cơ sở.
Riêng gói thầu số 3 được triển khai đúng tiến độ, nhưng do quy hoạch mở rộng thủ đô và phát triển sân bay Nội Bài nên Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội chỉ đạo điều chỉnh hướng tuyến đường dẫn phía bắc thành tuyến nối thẳng tới sân bay thay vì nối vào quốc lộ 3. Việc điều chỉnh làm kéo dài thời gian và tăng thêm chi phí đầu tư. Còn với gói thầu số 1, để xử lý việc giá dự thầu vượt dự toán, chủ đầu tư phải xin ý kiến của Chính phủ, nhà tài trợ... nên quá trình đấu thầu cũng kéo dài hơn dự định.
Một lý do khác, theo PMU85, là dự án được lập và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ giữa năm 2005, khi giá vật liệu khá ổn định. Thời điểm được phê duyệt là đầu năm 2006, nhưng đến cuối năm 2007 và 2008, giá nguyên vật liệu chính cho công trình tăng đột biến. Cùng với sự điều chỉnh thiết kế, khi lập lại tổng mức đầu tư, tư vấn dự án đã đưa ra tỉ lệ dự phòng trượt giá là 30% tổng chi phí dự án, vì vậy tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên đáng kể.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân được thực hiện bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo hình thức vốn vay đặc biệt (STEP) và một phần vốn đối ứng của Chính phủ VN. Theo quy định của điều kiện vay vốn, nhà thầu xây chính trong gói thầu xây lắp phải là nhà thầu Nhật Bản. Nhưng do nhà thầu Nhật Bản quan ngại về tình hình giải phóng mặt bằng nên mới đây, phía VN đã đề nghị Nhật Bản điều chỉnh quy định cho phép nhà thầu VN được tham gia đấu thầu với tư cách là nhà thầu độc lập hoặc đứng đầu trong liên danh để tiếp tục đấu thầu lại gói thầu số 2 trong dự án này. |
TUẤN PHÙNG
- Khai trương làng nhà mẫu Ecolakes tại Bình Dương
- Đầu tư 2,3 tỷ USD xây dựng Sân bay Vân Đồn
- Hà Nội: Nhiều điểm mới về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất
- Nhà đầu tư nào sẽ làm chủ dự án khách sạn 400 triệu USD?
- DIG: Dự kiến đầu tư thêm 1.000 tỷ đồng vào 3 dự án lớn
- Khai trương khu nhà mẫu Tricon Tower tại Khu đô thị Bắc An Khánh
- Kiến nghị đặc cách về giấy phép xây dựng
- TP.HCM cần hơn 4.500 tỷ đồng để cải thiện giao thông
- Vũng Áng: Nơi hội tụ của "siêu dự án"
- Phú Mỹ Hưng chào bán 98 căn hộ penthouse Sky Garden 3