Nhiều công trình giao thông trọng điểm của TPHCM theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012 thế nhưng do thực hiện chậm trễ nên dự án tiếp tục phải kéo dài đến cuối năm 2013, một năm mà vốn dành cho giao thông giảm mạnh.
Vốn cho giao thông giảm mạnh
Tại hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013 của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM diễn ra ngày 15/1, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, tổng nhu cầu vốn năm 2013 của ngành giao thông thành phố là 11.736 tỉ đồng và dự kiến vốn được giao năm 2013 chỉ là 9.061 tỉ đồng. Trong khi tổng kế hoạch vốn năm 2012 cho ngành giao thông của thành phố là 17.799 tỉ đồng.
Dự án nâng cấp tỉnh lộ 10 B tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2013 (Ảnh: Anh Quân)
Nhận định về nguồn vốn đầu tư cho ngành giao thông năm 2013, ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, năm 2013 Chính phủ tiếp tục kiềm chế lạm phát thì vốn đầu tư sẽ tiếp tục bị thắt chặt. Bên cạnh đó tổng chi ngân sách của Nhà nước cho đầu tư phát triển bị khống chế ở mức 175.000 tỉ đồng nên vốn đầu tư cho giao thông sẽ càng giảm.
Theo ông Ngân, ngành giao thông nên nghiên cứu các giải pháp phi tiền tệ để giảm gánh nặng cho ngân sách. Đồng thời để có vốn xây dựng công trình nên tận dụng thêm cơ chế phát hành trái phiếu đô thị. Ông cũng cho rằng Nhà nước nên để lại một phần vốn, sau khi đã cổ phần hóa các công ty trên địa bàn TPHCM để đầu tư trở lại cho hạ tầng. Hiện nay, vốn cổ phần hóa đều đưa vào quỹ tái đầu tư doanh nghiệp nhà nước, trong khi doanh nghiệp nhà nước ngày càng bị thu hẹp.
Ý kiến của ông Ngân cũng nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ông Thăng đề nghị thành phố nên tận dụng các giải pháp ít tốn kém để làm trước, những công trình nào không có vốn thì nên xã hội hóa.
Để đảm bảo chất lượng các công trình giao thông, năm 2013 Bộ GTVT sẽ ban hành các tiêu chí để phân loại các chủ đầu tư, nhà thầu theo các hạng A, B, C. Khi đã có phân loại nhà thầu nào đủ điều kiện ở nhóm công trình loại nào mới được tham gia đấu thấu dự án. “Bộ sẽ không để tình trạng nhà thầu có vốn điều lệ 1-2 tỉ đồng cũng tham gia các công trình đặc biệt rồi bán thầu đi làm việc khác”, ông Thăng nói.
Không chỉ khó khăn về vốn
Theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, nhiều công trình đã được đưa vào kế hoạch hoàn thành trong năm 2012, tuy nhiên do việc thi công chậm và vướng mặt bằng nên một số dự án phải kéo dài đến cuối năm 2013.
Điển hình là dự án xây dựng tỉnh lộ 10B. Đến nay, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân chưa bàn giao xong mặt bằng. Về tiến độ thi công đoạn từ đầu tuyến đến đường Nguyễn Cửu Phú gồm 5 gói thầu, tuy nhiên mới thực hiện được hai gói và 50% khối lượng. Ba gói thầu còn lại chưa thi công được do chưa có mặt bằng. Theo kế hoạch phải đến tháng 12-2013 thì dự án này mới hoàn thành.
Còn dự án mở rộng tỉnh lộ 10 (từ cầu Tân Tạo đến giáp ranh tỉnh Long An) phía huyện Bình Chánh mới có 635/760 hộ dân bàn giao mặt bằng. Do vậy, việc di dời đường ống cấp nước và cáp điện thoại cũng chưa thực hiện được. Nhà thầu đã triển khai 13/16 gói thầu xây lắp.
Hiện tại 6 trên 8,8 km đã cơ bản hoàn thành. Vướng mắc chủ yếu là 16 hộ dân đoạn dẫn vào cầu Xáng chưa bàn giao mặt bằng nên không thi công được. Theo kế hoạch đăng ký, dự án này sẽ hoàn thành vào quí 1-2013.
Trong khi 2 dự án chậm trễ nhiều năm là tỉnh lộ 10 và 10B xác định rõ thời hạn hoàn thành thì 2 đoạn bị đứt quãng của đường vành đai 2 đến nay vẫn đang tìm nhà đầu tư.
Trong đó, dự án xây dựng đường nối vành đai phía đông (từ cầu Phú Mỹ đến xa lộ Hà Nội) đã được thành phố chấp thuận đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Về phương án tài chính sẽ thực hiện bán đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường vành đai 2 để tạo nguồn vốn xây dựng.
Còn đoạn từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh sau khi nhà đầu tư Petroland rút đi dự án được chuyển cho công ty mẹ là Tổng công ty xây lắp Dầu khí thực hiện. Sở GTVT được giao làm việc cụ thể với đơn vị này để thực hiện dự án.
Theo ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, từ nay đến năm 2014 phải làm cho xong 2 đoạn còn đứt quãng của đường vành đai 2 để kết nối, thông suốt từ đường Nguyễn Văn Linh qua cầu Phú Mỹ đến ngã tư Bình Thái.
Hoàn thành 40 công trình trong năm 2013 Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, sẽ có 40 dự án lớn, nhỏ dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2013. Trong đó có 3 cầu vượt bằng thép tại Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức và vòng xoay Lăng Cha Cả. Ngoài ra, còn có các dự án tỉnh lộ 10, 10B, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh, cầu Kinh Thanh Đa, nâng cấp đường Bến Vân Đồn, 2 dự án chống sạt lở khu vực Thanh Đa… Cùng với các dự án sẽ hoàn thành, năm 2013 do số vốn đầu tư giảm, ngành giao thông của thành phố chỉ khởi công mới 26 công trình lớn, nhỏ. Trong đó, có các dự án chống sạt lở khu vực Thanh Đa, xây dựng cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Cây Gõ… |
Lê Anh
- BIDV dành 30.000 tỷ đồng cho vay bất động sản
- Phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án Tuần Châu Hà Nội
- 200 triệu USD triển khai các dự án khách sạn cao cấp tại tỉnh Khánh Hòa
- TPHCM: Công khai các dự án được xóa “treo”
- Đề xuất 9 dự án nhà thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi
- Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ Nghị quyết 02
- Mở bán 46 biệt thự Khu đô thị Đặng Xá giá 18,6 triệu đồng/m2
- TPHCM: Chủ đầu tư thiếu năng lực sẽ bị thu hồi dự án để đấu giá
- Hà Nội ban hành quy chế quản lý nhà chung cư
- Dự án FDI lớn sẽ qua quy trình cấp phép chặt chẽ